Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

NIỆM CÁI CHẾT


NIỆM CÁI CHẾT

           Sau khi thân mẫu của vua Ba Tư Nặc qua đời, nhà vua tìm đến chỗ Phật nói lên sự mất mát  lớn lao của đời mình. Đức Phật thức tỉnh cho vua Ba Tư Nặc rằng: “ Nầy Đại vương,  thí như tất cả đồ gốm do người thợ gốm làm ra, chưa nung chín, hay đã nung chín tất cả đồ gốm ấy đều phải bể, đều kết thúc trong sự bể, đều không vượt qua sự bể. Cũng vậy, thưa Đại vương, tất cả chúng sanh đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết ”.
          Mọi chúng sanh sẽ chết
          Mạng sống,  chết kết thúc 
          Tuỳ nghiệp họ sẽ đi
          Nhận lãnh quả thiện ác
          Ác nghiệp đoạ địa ngục
          Thiện nghiệp lên thiên giới
          Do vậy hãy làm lành
          Tích luỹ cho đời sau
          Công đức cho đời sau
          Làm hậu cứ cho ngươi.
Chết là một sự thật trong đời sống con người, nhưng khéo tác ý quan sát về cái chết thì đem lại ý nghĩa tích cực trong cuộc sống.  Theo quan niệm của đạo Phật thì chết không phải hoàn toàn chấm dứt mà chỉ là dấu hiệu khởi đầu một tiến trình mới của sự sống; Phẩm chất của đời sống kế tiếp tuỳ thuộc vào những gì người ta đã tích  tập trước đó. Vậy nên, đạo Phật khuyên mọi người cần phải hiểu rõ về sự chết để thiết lập đời sống lợi ích an lạc ngay trong hiện tại và để sau khi thân hoại mạng chung tiếp tục được hạnh phúc an lạc gọi là cái chết vui, chết có đức.
Thế nào là chết có đức ? Đó là cái chết được trang bị bởi Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh  ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Nói cách khác, đó là cái chết được sửa soạn tốt, được khéo tu tập, khiến cho sự chết trở nên ý nghĩa, không làm cho con người rơi vào lo âu sợ hãi khi đối diện với cái chết, không mang lại phiền muộn khổ đau cho con người sau khi chết. Trong đạo Phật cái chết như vậy thì được gọi là chết có đức, cái chết được nhiếp phục, không xấu ác, không lo sợ, cái chết đáng vui mừng, đáng hoan hỷ.
Theo lời Phật dạy, có nhiều ý nghĩa và lợi ích liên quan đến việc liễu tri về sự chết. Trước hết, đó là một thực tại của hiện hữu mà con người cần nhận thức cho thật đúng để sẵn sàng đón nhận nó với một tâm tư thanh thản, rơi vào không lo âu sầu muộn. Đức Thế Tôn nói rõ sự khác biệt giữa kẻ vô văn phàm phu và vị đa văn bậc Thánh đệ tử trong quan niệm về sự chết.. Kẻ vô văn phàm phu do thiếu hiểu biết đúng đắn về sự chết nên rơi vào lo âu sầu muộn. khi nghĩ đến cái chết. Trái lại, vị đa văn Thánh đệ tử có chánh kiến về sự chết nên có được tâm tư thanh thản, không rơi vào lo âu sầu muộn.
Này các Tỳ kheo, kẻ phàm phu không học, phải bị chết và chết đến, kẻ ấy lo sợ, sầu bi, ưu não, than khóc, đập ngực đi đến bất tỉnh, ăn uống không ưa thích, thân thể trở nên xấu xí, trí lực mờ yếu, các công việc không xúc tiến. kẻ thù sẽ hoan hỉ, bạn bè sẽ lo buồn, than khóc, sầu khổ.
 Này các Tỳ kheo, đây gọi là kẻ phàm phu không học,  bị mũi tên sầu muộn tẩm thuốc độc bắn trúng, kẻ ấy tự mình ưu phiền, lo âu, sầu não. Trái lại vị Thánh đệ tử có học, Này các Tỳ kheo, phải bị chết và chết đến. Khi chết đến, vị ấy suy tư đối với các loài hữu tình, không phải chỉ một mình ta phải chết, mà tất cả đều có đến có đi, có sanh có diệt, và nếu phải bị chết đến, ta sầu bi than khóc, đập ngực  đi đến bất tỉnh, thức ăn ta không ưa thích, thân thể trở nên xấu xí, công việc không xúc tiến, kẻ thù sẽ hoan hỷ, bạn bè sẽ buồn lo. Này các Tỳ kheo, đây là vị Thánh đệ tử có học, được nhổ mũi tên sầu muộn có tẩm thuốc độc mà kẻ phàm phu không học bị bắn, làm cho mình ưu não, sầu muộn. Không bị tên bắn, vị Thánh đệ tử làm cho chính mình hoàn toàn tịch tịnh.   
Thứ đến cái chết gợi ý tưởng tích cực cho con người trong quan niệm thiết lập nếp sống đạo đức chân chánh đưa đến an lạc, rời xa lối sống mê lầm xấu xa mang lại sự bình an cho người khác. Phải thường quán sát như vầy, bởi nữ nhân hay nam nhân, tại gia hay xuất gia, kiêu mạng trọng sự sống, do say đắm  kêu mạng, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, lối sống mê lầm, mang lại khổ đau cho mình và người khác. Khi chết đến vị ấy sầu khổ, lo sợ, bất an, buồn rầu không tỉnh táo.
Phàm đã là con người thì ai cũng phải chết, phải đối diện với sự chết, nhưng có người nghĩ đến cái chết thì sinh lo âu sợ hãi, có người thì lòng thanh thản. Do đâu mà có sự khác biệt như vậy ? Là do người sống không có giới đức, chuyên làm điều ác, không tin tưởng thiện pháp, thì rơi vào hoang mang run sợ, tâm thần mê loạn khi đối diện với sự chết. Trái lại, người có giới đức, chuyên làm điều thiện, sống theo thiện pháp, thì khi thân hoại mạng chung không run sợ, không lo âu sầu muộn, tâm tư thanh thản, tỉnh táo, không mê loạn.
Như vậy, theo lời Phật dạy sở dĩ con người rơi vào sợ hãi lo âu khi nghĩ đến việc rời khỏi đời này là bởi người ta thiếu hiểu biết sáng suốt về cuộc sống, không xây dựng cho mình nếp sống tốt đẹp, một nếp sống chân chính, hiền thiện, cứ nghĩ đến những điều xấu ác, đáng sợ hãi, nói những lời xấu ác, gây sự sợ hãi. Chính lối sống mê lầm xấu ác đổ đầy sợ hãi mà người ấy đã làm, đã tích tập, khi gặp duyên thì quay lại ám ảnh tâm tư người ấy, tạo ra những viễn cảnh hãi hùng làm rối loạn tâm thức người ấy, khiến cho người ấy trở nên lo âu sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực đi đến bất tỉnh, khi nghĩ đến cái chết.   Đạo Phật nói đến sự kiện các ác nghiệp thường xuyên ám ảnh và đè nặng lên tâm thức người làm ác. Kinh Phật luôn luôn nhắc đến những điều bất hạnh của người làm ác, đến khi mạng chung tâm tư bị mê loạn, sau khi thân hoại mạng chung bị rơi vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục.
Vậy nên để chết có đức, chết được an vui, chết không đáng lo sợ thì con người cần phải biết sống có giới đức, sống làm điều lành, sống theo thiện pháp. Vì không có gì khác chính nếp sống đạo đức, hiền thiện, đạo Phật gọi là thiện nghiệp mà con người đã nỗ lực nuôi dưỡng và tích tập sẽ trở thành điểm tựa vững chắc cho người ấy. Nghiệp là điểm tựa, quyết định cảnh giới tương lai của người ấy. Nghiệp là chỗ quy hướng giúp cho người ấy, trở nên an tâm và tin tưởng, tìm thấy chỗ nương tựa vững chắc, không rơi vào hoang mang sợ hãi.
 Ví như một người nhận chìm một ghè đựng đầy dầu vào trong hồ nước sâu, và đập bể ghè ấy. Ở đây, các mảnh ghè hay mảnh vụn chìm xuống đáy nước sâu, nhưng dầu thời nổi lên trên, cũng vậy với ai lâu ngày tu tập trọn vẹn về tín, trọn vẹn về giới, trọn vẹn về sở văn, trọn vẹn về thí xả, về trí tuệ, với người ấy, thân có sắc này, do bốn đại hợp thành, do cha mẹ sanh, do cơm cháo nuôi dưỡng, có bị vô thường phá hoại, phân tán hoại diệt v.v.. nhưng tâm của vị ấy được tu tập trọn vẹn về tín, giới, sở văn, thí xả, về trí tuệ một cách trọn vẹn, thời tâm của vị ấy thượng thăng, đi đến thù thắng. Do tu tập như vậy, nên chết đến, vị ấy không lo sợ, không buồn khổ, tâm được an tịnh thanh thản.
Nhìn chung, chết là một thuộc tính của hiện hữu, một thực tại xảy ra đối với mọi sự sống mà sự nhận thức đầy đủ và chiêm nghiệm sâu xa về nó mang lại nhiều ý nghĩa tích cực, lợi lạc cho đời sống con người. Với quan niệm chết có đức, đạo Phật chủ trương sống có đức, khuyến khích mọi người nuôi dưỡng và phát huy chánh kiến về sự chết để định hướng cho cuộc sống tốt đẹp của đời mình, hiện tại cũng như tương lai. Cái chết có thể gây hoang mang lo sợ cho con người nói chung, nhưng với người học Phật thì cái chết không còn là mối ám ảnh và gánh nặng tâm thức. Vì theo lời Phật dạy thì việc tu tập của người con phật cốt yếu là để hiểu đúng sự chết, sanh là khổ, già là khổ, bịnh là khổ, chết là khổ, để sửa soạn tốt đẹp cho cái chết, sống hiền lành, sống đạo đức vị tha, chết sẽ được thanh thản, đối diện bình thản với cái chết, tâm thức tỉnh táo, không rơi vào mê loạn khi mạng chung. Sau khi chết tái sanh vào những cảnh giới an lành, đoạn tận các lậu hoặc, chấm dứt sanh tử luân hồi.
Kinh Pháp cú có bài kệ nói về quan niệm chết có đức, sau cái chết là cuộc sống trùng phùng thân thương do những gì tốt đẹp mà mình đã nỗ lực tạo tác và gầy dựng:
          Khách lâu ngày ly hương
          An toàn từ xa về
          Bà con cùng thân hữu
          Hân hoan đón chào mừng
          Cũng vậy các phước nghiệp
          Đón chào người làm lành
          Đời nay và đời sau
          Như thân nhân đón chào
Và một ý nghĩa quan trọng khác trong quan niệm chết có đức của đạo Phật, đó là vận dụng cái chết để soi sáng ý nghĩa của sự sống, tức thường xuyên nghĩ nhớ đến sự chết, để gợi ý thức tỉnh cần tinh tấn trong đời sống tu tập. Buông xả tâm tham dục, mau chóng dứt trừ các lậu hoặc, đoạn tận bất thiện pháp, hướng dẫn chấm dứt khổ đau sanh tử luân hồi gọi là “ niệm chết”.
Sanh ra ở đời thì không ai tránh khỏi sự chết, không ai thoát khỏi quy luật, già, bịnh, chết. Tuy nhiên chết không phải là hết, không phải là điều đáng lo lắng trong cuộc đời. Điều đáng quan tâm là cần nhận rõ và biết sửa soạn cho cái chết, khiến cho cái chết được lợi ích tốt đẹp. Đạo Phật khuyên mọi người tập trung quán niệm về sự chết để thiết lập đời sống lợi ích, an lạc  hiện tại và tương lai, tức biết nhận rõ về sự thật không thể tránh của kiếp nhân sinh, để có tâm lý thanh thản khi đối diện với cái chết. Hiểu rõ tính chất mong manh của đời người, để nỗ lực sống chân chánh, hướng thiện, làm các việc lành, làm các công đức. Thường xuyên nghĩ nhớ đến cái chết để tinh tấn tu tập, đoạn tận các bất thiện pháp, đưa đến chấm dứt hoàn toàn mọi phiền não khổ đau./,
   Trích: Niệm chết của Tâm Hạnh – VHPG số: 311- 15-12-2018              
                        {]{

NIỆM CÁI CHẾT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét