Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

TÁNH KHÔNG TRONG KINH KIM CANG


TÁNH KHÔNG TRONG KINH KIM CANG

Đức phật khuyên các vị Bồ tát không chấp vào bất cứ thái cực nào, “Các vị Bồ tát không nên sanh khởi ý niệm về pháp cũng như ý niệm về phi pháp. Các vị ấy không sanh khởi ý niệm cũng chẳng phải phi ý niệm “. Nếu chúng ta nghĩ rằng pháp đó là pháp, pháp đó là phi pháp thì vô tình chúng ta rơi vào phân biệt làm cho sự bám víu, chấp trước len lỏi vào tâm thức.
Các vị Bồ tát sanh khởi ý niệm về pháp thì các vị đó sẽ chấp vào ngã, chấp vào chúng sanh, chấp vào sanh mạng, chấp vào sự hiện hữu. những ý niệm về phi pháp sanh khởi thì các vị Bồ tát đó sẽ chấp vào ngã, chấp vào chúng sanh, chấp vào sanh mạng, chấp vào sự hiện hữu.
Bất cứ ý niệm về pháp và phi pháp khởi sanh trong tâm trí đều dẫn đến chấp trước vào ngã, chúng sanh, sanh mạng, sự hiện hữu. Chỉ khi nào vượt lên những phân biệt nhị nguyên, chúng ta mới hiểu rõ các pháp chẳng phải cái này cũng chẳng phải là cái kia. Do đó, ý nghĩa của tánh Không được xem như Trung đạo phá vỡ mọi khái niệm một bên và loại bỏ sự bám víu vào thiên kiến, tư tưởng bảo thủ.
Từ ý nghĩa trên, những việc làm của Bồ tát đề cập trong kinh như:Bố thí, nhẫn nhục, trang nghiêm cõi Phật, thuyết pháp, giáo hoá chúng sanh, đều phải trải qua ba bước: a/ Vị ấy nên giữ vững tâm, b/ Vị ấy thực hành như thế nào, c/ Vị ấy bảo hộ tâm như thế nào. Ba giai đoạn này gọi là an trụ tâm. Bước đầu là vị ấy phải phát tâm dũng mãnh và tinh tấn cầu mong đạt được kết quả, đây là tâm nguyện đầu tiên khi tiến vào Bồ tát hạnh. Thứ hai là thực hành đem lại sự thành tựu. Hai giai đoan này một bên là khởi hành một bên là kết quả. Bước thứ ba là bảo hộ tâm mới là bước quan trọng quyết định. Vì hành giả thoát khỏi hai trạng thái đó bằng cách giữ tâm vô chấp, không còn phân biệt cái này cái kia, cũng không thấy có tu hành hay có kết quả tu hành, có an lạc có thanh tịnh.
Khi bố thí, hành giả phải kiên trì không chấp vào việc bố thí, người nhận thí và của thí. Khi bố thí hành giả phải thấy những gì họ cần, hành giả không chấp vào người thí, người nhận và vật bố thí. Do đó, hành giả mới thực hiện được bất cứ thiện pháp nào luôn vô trụ chấp và buông xả hết vọng niệm, có thể dẫn đến chấp ngã, chấp pháp. Đây là quá trình tuệ quán và thực hành Tánh Không.
Những lời Phật dạy, các đệ tử Phật cho là chân lý bất di bất dịch. Nhưng trong kinh Kim cang đức Phật lại phủ nhận những lời dạy của mình. Ngài nói rằng, những gì Ngài nói ra như một chiếc bè, nó tạm nương để đưa người qua sông, không nên bám chắc vào chiếc bè, chánh pháp còn bỏ huống nữa là phi pháp.
Đối với những ai hiểu rõ giáo pháp như chiếc bè, thì giáo pháp chẳng khác gì phi pháp ( cả hai ) nên được từ bỏ.
Câu nói này, khiến các vị đệ tử trở nên bối rối, Họ tự hỏi những gì họ đã học, hành trì và đạt được là đúng hay sai. Tại sao đức Phật lại nói như vậy? Thật ra chúng ta nương tựa những gì đức Phật dạy và tin đó là cứu cánh và giải thoát. Nhưng những lời Phật dạy chỉ là phương tiện mà đức Phật dẫn dắt chúng sanh nhận ra chân lý, bởi vì chân lý, giải thoát hay thực tại tự nó là không thể nói, cho nên ngôn ngữ chỉ là phương tiện diễn tả hình dung và tư duy ( bản thân ngôn ngữ không phải là chân lý, giống như một món ăn, nếu chúng ta chỉ mô tả màu sắc và hương vị mà không ăn nó, thì sự mô tả đó chỉ là hình thức, chỉ khi chúng ta ăn nó mới thực sự biết nó như thế nào ).  Về cơ bản tánh Không là không thể nói được, vì nó vượt qua bốn mệnh đề ( còn gọi là tứ cú ) diễn tả mọi sự vật hiện tượng tương đối, tất cả tri kiến của nhân loại dù có bằng lý luận gì cũng không thể vượt qua khỏi bốn lập luận này đó là: 1/ Có, 2/ không, 3/cũng có cũng không, 4/  chẳng có chẳng không. Đối với tục đế, tánh Không là tương đối vì duyên khởi, đối với chân đế, nó là chân như, pháp tánh, thực tướng, Niết bàn, Bản thể… không thể nói được, vì siêu việt không có phạm trù thoả đáng để mô tả.
  Để giúp các vị Bồ tát loại bỏ những chấp thủ, Đức Phật đã phủ nhận hàng loạt vấn đề như:
- Ngay cả khi độ thoát tất cả vô số chúng sanh, không có chúng sanh nào được độ thoát.
- Không thể nhìn thấy Đức Như Lai bằng sự sở hữu  các tướng tốt
- Không có bất kỳ pháp nào giống như “sự giác ngộ viên mãn tối thượng “đã được giác ngộ bởi Như Lai. Không có bất kỳ pháp nào đã được giảng dạy bởi Như Lai.
- Này Tu Bồ Đề ! “Giáo pháp, giáo pháp “cũng giống như phi pháp đã được nói bởi Như Lai. Vị ấy không đạt được pháp nào. Do đó,vị ấy được gọi là nhập lưu.
- Không có bất kỳ pháp nào mà Như Lai học từ Nhiên Đăng Như Lai, La hán, đấng giác ngộ hoàn toàn.
Sự phủ định chỉ là phương tiện giúp các vị Bồ tát có thể tiếp cận với chân lý tuyệt đối, đoạn trừ ngã chấp và pháp chấp. Đặc tính của phủ định là phủ định liên tiếp và phủ định luôn những gì bị phủ định. Sự phủ định tuyệt đối phô bày tự tính Không của vạn pháp.
Nói cách khác, sự phủ định hiển thị tánh không, chẳng phải pháp này hay pháp kia nên chúng ta không thể nắm bắt nó. Nếu bám chặt vào nó cho rằng không có tu hành cũng chẳng có chứng đắc thì đồng nghĩa với việc chúng ta đang rơi vào  “chấp Không ”. Nhưng tánh Không cũng không nằm ngoài pháp đó vì các pháp thường hữu mà hư vô, tuy hư vô mà thường hữu. Tương tự như thế, sau khi phủ nhận một pháp. Đức Phật lại khẳng định nó vì trạng thái “Vốn như thật “của các pháp. Đây là điểm quan trọng thứ hai để quán chiếu và thấu triệt tánh Không. Giả dụ như “Thế Tôn không có bất kỳ pháp nào được gọi là A La Hán. Do vậy, vị ấy được gọi là A La hán.
Thực tướng của mọi sự vật hiện tượng:
 Trong giáo lý Nguyên thuỷ, ngoài Duyên khởi, không có sự thật nào khác để giải thích quy luật hoạt động của chúng sinh và vạn vật. Mười hai mắc xích trong chuỗi nguyên nhân và kết quả liên kết với nhau. Về mặt hiện tượng thì nói các pháp là duyên sanh nên bản chất của chúng là vô ngã. Đức Phật nói: “Ai nhìn thấy duyên khởi thì thấy pháp, ai nhìn thấy pháp thì thấy duyên khởi”.
  Trong tuệ quán về tánh Không, lý thuyết Duyên khởi giúp cho chúng ta biết nguyên nhân và kết quả của thế giới hiện tượng. Sau khi chia chẻ nguyên nhân và kết quả của thế giới hiện tượng, những gì chúng ta đạt được không gì khác ngoài Không tánh. Đó là bản chất của tất cả các pháp hữu vi.
 “Các pháp hữu vi giống như ngôi sao, mắt nhậm, ánh đèn, như ảo tưởng, giọt sương, bong bóng, như giấc mộng, tia chớp và đám mây ( các pháp ) nên được quán chiếu như vậy ”.
  Do duyên sanh nên các pháp hiện hữu và chỉ cần một duyên thay đổi, pháp sẽ theo đó thay đổi. Tất cả các pháp được sinh ra và hoại diệt từ vô số mối quan hệ nhân và quả, cho nên chúng phụ thuộc lẫn nhau, không thể tách rời. không tồn tại độc lập, không thể tự hiện hữu,. Từ đó các pháp là ảo, là vô thường, không tự ngã, không có tự tánh, không có thực thể cố định. Đây là giáo nghĩa tánh Không mà chúng ta thường hay phân tích cũng chính là điểm cốt yếu để thấy rõ tự tánh của vạn pháp.
Cuộc đàm luận của Đức Phật và Ngài Tu Bồ Đề trong kinh Kim cang chỉ nhằm hiển bày thực tướng tánh Không. Đức Phật có rất nhiều phương tiện giúp các vị Bồ tát thể nhập tánh Không cho nên ba cách biểu thị về nó cùng một mục đích duy nhất. Nếu tánh Không được hiểu theo nghĩa của Trung đạo thì nó phá vỡ chấp ngã, chấp pháp, những thiên kiến, định kiến, tư tưởng bảo thủ dính mắc vào hai cực…
Phật giáo Đại thừa phát triển tư tưởng tánh Không để lên đến đỉnh điểm, thâm sâu, khó nắm bắt.  Đôi khi tánh Không trở thành một lý thuyết trừu tượng và dễ lầm tưởng vì cái “không” khiến cho chúng ta rơi vào chủ nghĩa không thật. Tánh Không trong ý nghĩa của chân đế không còn phân biệt nhị nguyên. Điều đó hướng dẫn mọi hành giả quán chiếu luôn giữ tâm vô chấp, không còn gì để bám víu, đạt được giải thoát, sống với tự tánh thanh tịnh. Tánh Không trong ý nghĩa tục đế cho thấy các pháp là duyên sanh, bởi duyên sanh nên các pháp vô thường, vô ngã. Nó khiến cho chúng ta quán xét và thể nghiệm bản chất thật của mọi sự hiện hữu trên thế gian. Sau cùng, tuy đã có rất nhiều sự giảng giải khác nhau về học thuyết tánh Không nhưng tự nó không phải là một lý thuyết sáo rỗng,  mà nó là sự thật dẫn đến tuệ giác về bản chất của thế giới hiện tượng. Do vậy, tánh Không là hình thức của quán chiếu và thực nghiệm, không phải là một đối tượng của nghiên cứu hay trừu tượng ./. 
Trích: Ba cách biểu thị tánh Không trong kinh Kim cang, của Đức Ân – VHPG số 328 – 1-9-2019.
{]{

TÁNH KHÔNG TRONG KINH KIM CANG Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét