Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

Ở ĐÂY KHÔNG SẦU MUỘN


Ở ĐÂY KHÔNG SẦU MUỘN

Công tử Yasa đã rơi vào tâm lý chán đời, bởi đời sống tù túng tẻ nhạt của thế giới dục lạc. Sau khi nhìn thấy các ca kỹ và vũ nữ nằm ngủ la liệt trên sàn sảnh, sau cuộc yến tiệc linh đình, trông như những thây chết. Công tử Yasa chán ngán cảnh hư huyễn, rời khỏi dinh thự bỏ đi lang thang ngoài đường vừa đi vừa lẩm bẩm: “Ôi sao khổ thay ! Ôi nguy hiểm thay ! Và công tử gặp Đức Phật ở vườn nai, Ngài tuyên bố rằng: “Ở đây không có sầu muộn, ở đây không có nguy hiểm” Yasa bừng tỉnh và lặng lẽ ngồi xuống nghe bậc Đạo Sư thuyết pháp xong. Yasa cấu xin Đức Thế Tôn cho mình được xuất gia tu đạo giải thoát và sau đó trở thành vị A la hán, một con người hoàn toàn thức tỉnh, không còn bị sầu khổ chi phối.
Yasa bị chìm trong cảnh giới dục lạc, chợt nhận ra sự nguy hiểm của các dục lạc, thì ngao ngán và lo sợ về thế giới dục vọng. Yasa bắt đầu tỉnh ra, các dục là vô thường, trống rỗng, giả dối, thuộc ngu si tính, nhưng không biết cách nào để thoát ly chúng. Mâu thuẫn này xảy ra khiến cho ông  trở nên hoang mang, rối loạn, đi lang thang ngoài đường với lời nói gần như mê sảng. Lịch sử nhân loại cũng cho thấy mâu thuẫn tương tự từng xảy ra cho một số người rơi vào bế tắc, thậm chí dẫn đến bi kịch. May mắn cho Yasa, khi ông gần như lâm vào đường cùng, thì Đức Phật cứu độ, lời khẳng quyết của đấng giác ngộ đã đánh thức Yasa ra khỏi cơn mê sầu muộn.
Và Đức Phật cũng từng rơi vào hoàn cảnh giống như Yasa, nghĩa là bị giam hãm trong thế giới dục lạc, với nổi ray rứt về con đường xuất ly. Trong Kinh Tương Ưng bộ cho biết trước khi tìm cầu chân lý giải thoát, Thái tử Đạt Ta trăn trở: “Thật sự thế giới này bị hãm trong khổ não, bị sanh, già, bệnh, chết, bị đoạn diệt và bị tái sanh, và từ nơi đau khổ này, không biết sự xuất ly, thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết. Từ nơi đau khổ này, không biết khi nào, được biết đến sự xuất ly, giải thoát? “ . Rồi Ngài quyết tâm xuất gia tìm chân lý giải thoát và đạt hoàn toàn tỉnh thức, trở thành bậc Giác ngộ, chấm dứt cơn mê sanh tử, luân hồi. Ngài ngộ ra rằng hết thảy mọi thứ làm cho con người thích thú hay sầu muộn đều là hiện tượng tương sanh tương diệt, giả hợp hư huyễn, không thực thể, không tồn tại mãi. Cái vui cái buồn của con người do đó cũng là hiện tượng tương sanh tương diệt, giả hợp hư huyễn, không thực thể, không tồn tại mãi mãi. Chỉ do con người không nhận ra bản chất sanh diệt hư huyễn của chúng nên mới rơi vào ái luyến chấp trước mọi thứ, tự ôm ấp sầu muộn, tự mời gọi khổ đau. Đức Phật đã hoàn toàn tỉnh ra cơn mê sầu muộn này, khi Ngài nhìn sâu vào nổi khổ, sanh, già, bệnh, chết của kiếp nhơn sinh và phát hiện ra bản chất hư huyễn, trống không, không thực thể của chúng, tất cả chỉ là duyên sanh và duyên diệt, giả hợp, không ngã tính, không thường hằng, không tồn tại mãi. Ngài sống với tâm thoát ly mọi nương tựa và bám víu, không duyên theo sự sanh diệt của các hiện tượng, để tự mời gọi chuỗi sầu muộn lẩn quẩn. Ngài đã hoàn toàn giải thoát, bặt dứt mọi ý niệm có không, hơn thua, được mất, vui buồn ...
 Có vị chư Thiên đến hỏi Ngài:
- Thưa Sa môn – Ngài có hoan hỷ không?
- Ta được cái gì, này hiền giả, mà Ta hoan hỷ?
- Nếu vậy, thưa Sa môn, có phải Ngài sầu muộn?
- Ta mòn mỏi cài gì, này hiền giả, mà Ta sầu muộn?
 Yasa đang ở trong tâm trạng sầu muộn đối với thực tại đầy phiền muộn cố vùng vẫy thoát ly, nhưng không biết thế nào là lối ra, ông chưa thấy pháp duyên khởi, chưa nhận ra ngũ uẩn là các hiện tượng tương sanh tương diệt, giả hợp không phải của mình, chưa ngộ ra các căn trần là trống không, rỗng không, không thực thể. Ông bị cái “Tôi”ám ảnh nên sầu muộn, sinh khởi theo những gì mắt thấy tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân cảm xúc, ý nhận thức. Yasa không biết rằng sự sầu muộn và những gì làm phát sinh sầu muộn chỉ là hiện tượng sanh diệt hỗ tương không thực thể, không tồn tại mãi, không dính dáng gì đến ông. Ông bị cảm giác sầu muộn đeo bám vì đồng hoá cảm giác sầu muộn ấy là của mình. Nói cách khác ông chưa biết thế nào là tâm giải thoát, tuệ giải thoát, theo đó bản thân ông (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là cái hiện tượng sầu muộn, nhưng tâm ông thì không sầu muộn, ông được Đức Phật đánh thức khỏi tâm lý sầu muộn và bắt đầu học cách thức tỉnh để ra khỏi sầu muộn.
Thế nào là ở đây không có sầu muộn? đó chính là sự khẳng định về pháp giải thoát do Đức Thế Tôn chứng ngộ và tuyên thuyết, tức là con đường tám ngành hay Giới, Định, Tuệ được mệnh danh là pháp bất tử, con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết bàn. Pháp giải thoát của Phật gọi là không sầu muộn vì pháp ấy hướng con người ra khỏi sầu muộn, thoát ly sầu muộn./.
  Trích VHPG số 322-1-6-2019- Nguyên Nhã .
{]{

Ở ĐÂY KHÔNG SẦU MUỘN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét