Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

BỐ THÍ VÀ PHƯỚC BỐ THÍ


BỐ THÍ VÀ PHƯỚC BỐ THÍ

Bố thí làm sao có phước mà tránh được ác nghiệp.
Bố thí là sự chia sẻ giữa người với người trên hai phương diện, vất chất và tinh thần. Bố thí là nghĩa cử cao đẹp mà trong đạo Phật luôn ca ngợi và khích lệ. Bố thí là một chi phần trong sự tu tập của người học Phật. Nhưng để hiểu bố thí đem lại một sự hoàn hảo cả vật chất lẫn tinh thần là việc không phải ai cũng hiểu hết. Do đó, đưa đến việc Bố thí có nhiều góc độ khác nhau, có thể đưa đến có phước và có thể đưa đến có tội, có thể huề vốn hay coi như bằng không, hoặc bố thí tội ít phước nhiều, hoặc phước nhiều tội ít.
Dưới đây ta chia sẻ một vài khía cạnh cùng một việc bố thí mà đưa đến kết quả không giống nhau. Ví như có người cần tiền để giải quyết một việc cần, một việc gấp để lo công việc, ta có họ hỏi ta nói không đến lúc ta không cần việc đã qua, lúc đó đem ra bố thí thì phước đó không là bao. Ông bà ta nói: “một miếng khi đói bằng đọi khi no”. Cho nên bố thì phải đúng thời, đúng lúc, đúng nhu cầu, với cái tâm chân thật biết thương yêu, biết chia sẻ. Bố thí không cần người ta phải trả ơn, mang ơn, biết ơn, nhớ ơn mình, như thế mới gọi là bố thí chân thật, mới có phước. Thi ân thì đừng cầu đáp trả, cầu đáp trả là có sự mưu đồ, có sự mưu đồ sẽ tạo ra tội lỗi phiền não và nghiệp chướng, phước giảm tội tăng. Hôm qua ta cho nó mượn tiền, ngày nay nó gặp mặt không nhìn, ta sinh tâm bức tức nghĩ về người kia vô ơn bội nghĩa. Rồi ta phát ngôn những lời không đẹp về người ấy, ta có cách ứng xử khác với người ấy, cứ như thế phiền não và nghiệp chướng càng ngày càng lớn thêm. Thà đừng cho còn hơn cho rồi kể lể tính công, kể ra tạo một thiên kiến giữa mình và người khác, đã mất tiền, mất tình mất luôn những nghĩa cử tốt đẹp ban đầu và mãi mãi về sau. Tây phương có câu châm ngôn: “Thà bạn cho người tiền còn hơn bạn cho người mượn tiền, cho mượn tiền đã mất tiền lại còn mất tình, mất luôn người bạn”. Đây là những cách cho còn nằm trong sự mưu cầu tính toán so đo. Trong những tình huống như thế, ta đã đánh mất tình người , tình bạn, ngày ngày chúng ta gặp nhau, ta mất đi cái tình cảm thân thương, kính trọng nhau như thuở ban đầu. Một phút cho đi mà ta đã đánh mất đi những giờ phút, năm tháng  bình yên từ đây về sau. Cái đó đã mất phước mà thêm tội. Những người ta đã giúp đỡ, họ vô tình gặp ta không hỏi, không thăm, khiến mình tổn thương, một người đang hiền từ trở nên người giận dữ cáu ghét. Thế rồi, tự mình làm khổ đến mình, khổ đến người thân chung sống với mình, và bao nhiêu việc thiện, bao nhiêu ý niệm tốt đẹp thối tâm, thối chí đều tan biến như nước đá gặp nhiệt độ nóng. Để rồi oán hận tìm cách trả thù, như thế nghiệp chồng thêm nghiệp. Cho nên nói bố thí không sanh phước mà sanh tội là vậy.
Khi làm việc nghĩa, việc ân đừng có khoe khoang kể lể. nhà đó, người đó tôi đã từng giúp đỡ, mà bây giờ tôi cần, chẳng đáp ứng gì được cho tôi. Khi ta làm việc nghĩa việc ân vô tình ta kể lể, điều đó làm cho phước ta mất đi, ví như ve dầu ta mở nút không đóng lại thế nào mùi thơm của dầu sự tinh tuý của dầu sẽ bay hết còn lại chỉ nước lạnh mà thôi. Những việc này chúng ta thường hay vấp phải, nhất là trong gia đình, chúng ta nuôi cha nuôi mẹ rồi lại kể lể, điều đó làm mất đi cái âm phúc, đúng ra ta phải giữ nó để làm cái phúc cho mình cho con cháu mình. Làm thì ít mà khoe khoang kể lể thì nhiều, làm cho người chịu ơn mang ơn họ cảm thấy không yên lòng, cả hai người cho người nhận không còn sự thánh thiện thanh thoát như thuở ban đầu. Bố thí có phước nằm trên ba phương diện để được phước là: người cho, kẻ nhận và vật đem cho phải thanh tịnh mới có phước, ngược lại phước giảm tội tăng. Khi cho đi không nghĩ gì về mình, lúc nào cũng nghĩ đến người khác, muốn làm lợi, làm vui cho người khác, như thế phước mới có. Ngoài ra tránh sự yêu thương cuồng si, yêu thương tham lam, yêu thương như vậy, khi người kia đi vắng mình bơ vơ lạc lõng, mất chỗ dựa mất niềm tin, “người đi một nửa hồn tôi mất, một nữa hình như bổng dại khờ”. Khi còn bên nhau ta hưởng thụ quá nhiều, đến khi họ đi rồi mình không tìm đâu ra chỗ dựa, mình trở thành người ngơ ngơ, ngáo ngáo. Cái đó không phải yêu thương sanh phước mà yêu thương sanh tội. Nếu họ không đáp ứng đủ cho mình những nhu cầu, mình sẽ hận thù, giận dữ, đó là ta tự tạo ra cái ác nghiệp cho ta và đem cái khổ đến với người,  trước kia ta nói những lời yêu thương với nhau, nay những lời yêu thương đó biến thành những lời độc ác và những hành động thô bạo đến với người thân người yêu của mình.  Đó là cái phước hữu lậu ta tạo ra hằng ngày, cái phước đó có đi rồi mất, để có cái phước hữu lậu cũng rất khó không phải dễ , chúng ta phải tốn công tốn sức thời gian tiền bạc của cải tâm ý mới có được.
Sở dĩ người giàu có, địa vị không phải thông minh, học giỏi mà có được, mà nó do phước của đời trước lưu lại cho đến ngày nay. Cho nên muốn sự giàu có thông minh và địa vị được bền vững phải biết tiếp tục làm phước. Giống như ngọn đèn đang cháy, muốn ngọn đèn cháy suốt đêm, cháy mãi mãi phải cho thêm dầu. Muốn bố thí có phước không tội phải hiểu bốn điều sau đây:
1/ Bố thí phải thanh tịnh: Người thí, người nhận và vật đem cho phải thanh tịnh. Bố thí là muốn cho người khác được khoẻ được vui, không nghĩ gì về mình. Nếu bố thí mà làm cho người khổ, không vui vô tình hay cố ý làm cho người khác khổ. Bố thí như vậy huề vốn, thà ngồi không, đừng làm việc vô ích tác hại cho mình và người khác bây giờ và mai sau.
2/ Đừng kể lể khoe khoang những điều mình đã làm, mong người khác khen mình, biết mình, tôn trọng mình. Những điều đó làm cho mình tổn phước thêm tội.
3/ Đừng chê trách người khác không biết làm phước như mình.  Mình làm phước nhìn thấy người khác họ có nhiều phương tiện hơn mình họ không làm phước, mình chê trách người ấy thua mình, không biết làm phước như mình. Anh ấy như thế sao không biết đi làm từ thiện, người như thế mà không biết làm từ thiện, không biết việc tốt để gieo trồng công đức. Nếu ta có ý nghĩ và lời nói như thế, ta trở thành khen mình chê người, rơi vào giới vọng ngữ phá giới mà không hay. Ta giữ giới tốt, ta làm việc tốt… cho mình là người tốt, còn những người khác không bằng ta, đó là sự bố thì bằng tự ngã, mà những gì thuộc về tự ngã thì không đi con đường của Phật đi, không đi con đường giải thoát mà đi trên con đường đau khổ.
4/ Thi ân đừng cầu đáp trả: Trong 10 điều tâm niệm trong luận luận Bảo vương Tam muội điều thứ 7 và thứ 8 như sau:
Điều 7: Điều thứ bảy trong "Mười Điều Tâm Niệm”dạy rằng: "Với người thì đừng mong tất cả thuận theo ý mình, vì được thuận theo ý mình thì lòng tất kiêu căng. Hãy lấy người chống đối làm nơi giao du".  Tại sao vậy?  Bởi vì sách có câu "năm người mười ý", đâu ai có ý kiến giống ai, mỗi người thường có ít nhứt hai ý kiến trong cùng một vấn đề, nay vầy mai khác, thì làm sao bắt buộc người khác phải thuận theo ý mình?  Tại sao mình lại không thuận theo ý người khác?  Con người vì sự cố chấp, chấp chặt như vậy cho nên phiền não và khổ đau dài dài!
Trong gia đình, nếu người chồng hay người vợ cố chấp, bảo thủ ý kiến của riêng mình, thì làm sao gia đình đó có hạnh phúc được?  Cái gì của mình cũng đúng, cũng hay, cũng nhứt cả, thì làm sao chịu nghe ý kiến của người khác?  Cha mẹ và con cái thuộc hai thế hệ khác nhau, thì tức nhiên ý kiến, suy nghĩ, hoàn cảnh, môi trường sinh hoạt, tất cả đều khác nhau, không thể khai trừ nhau, cho nên phải tuỳ thuận nhau mà sống, mới có được hạnh phúc trong gia đình.  Trong thập đại nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, điều thứ chín dạy: "Hằng thuận chúng sanh", chính là nghĩa đó vậy.  Tuy nhiên, tuỳ thuận chúng sanh không có nghĩa là một người trong gia đình có lòng tham lam, xúi giục cả gia đình tham lam theo, bất chấp thủ đoạn, lợi mình hại người!
Trong phạm vi xuất thế gian, người tu theo pháp môn này chê bai pháp môn khác cũng đều không đúng.  Tại sao vậy?  Bởi vì đạo Phật có nhiều pháp môn tương ứng, thích hợp, tuỳ theo căn cơ, trình độ, hoàn cảnh, sở thích của mỗi người, để mọi người đều có thể tu tập được. Chúng ta không nên nghĩ mọi người phải tu như mình, hành như mình, mới là đúng.  Ý nghĩ như vậy, tư tưởng như vậy chỉ làm cho chúng ta càng ngày càng trở nên kiêu căng, phách lối, ngạo mạn, chê người, khinh đời.  Trái lại, chúng ta nên giao du với những người chống đối, trái ý, để luôn luôn suy xét, hoàn chỉnh ý kiến của mình, chuyển hoá tâm tánh của mình, để học hỏi thêm cái hay cái tốt của họ.  Nhờ có những người nghịch ý, chống đối như vậy chúng ta bớt lòng kiêu căng.  Ví như chiếc xe có máy móc để chạy, cũng cần có cái thắng mới hữu dụng vậy.  Nếu không có cái thắng, chắc chắn có ngày cũng lọt xuống hố mà thôi.
*
Điều 8: Điều thứ tám trong "Mười Điều Tâm Niệm”dạy rằng: "Thi ân đừng cầu đền đáp, vì cầu đền đáp là thi ân có ý mưu đồ. Hãy coi thi ân như đôi dép bỏ".  Tại sao vậy?  Bởi vì chúng ta thi ân, làm ơn vì lòng tốt, chứ không phải vì muốn được cám ơn, nhớ ơn hay đền ơn.  Làm ơn mà muốn được cám ơn, muốn được nhớ ơn, nghĩa là con người còn bản ngã, còn vì danh tiếng mới chịu làm.  Làm ơn mà muốn được đền ơn, nghĩa là con người còn bản ngã, còn vì lợi lộc mới chịu làm.  Làm ơn như vậy chẳng có phước báu gì, chẳng được người khác mang ơn, mà còn chuốc lấy oán hờn, thù ghét, chuốc lấy ưu phiền, bực tức, khi gặp mặt kẻ vô ơn, bạc nghĩa.  Làm ơn như vậy rõ ràng là có mưu đồ, làm ơn thì ít, mà muốn được đền ơn gấp bội phần.  Chẳng hạn như khi đến phúng điếu, giúp đỡ tang quyến người khác chẳng bao nhiêu, lại muốn được "trả công bội hậu”ở nước thiên đàng, thì quả là tham lam quá xá.
Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật có dạy: "Thi ân, bố thí bất trụ tướng, phước đức bất khả tư lượng".  Nghĩa là chúng ta làm ơn bố thí, nhưng không chấp mình là người ban ơn làm phước, không thấy có người thọ nhận việc phước mình làm, không nhớ mình làm phước giúp đỡ điều gì, không tính mình giúp đỡ bao nhiêu người.  Được như vậy, chúng ta sẽ ăn ngon ngủ yên, tâm trí không bất an vì những chuyện phước đã làm, vì gặp những người vô ơn, không tiếc nuối những vật đã đem cho, không ân hận đã giúp đỡ lầm người.  Làm ơn có nghĩa là làm phước, tạo phước bòn phước, cứu đời giúp người, khi cần thiết, lúc hoạn nạn, chỉ vì lòng tốt, vì tâm lượng từ bi, vì muốn chuyển hoá tâm tánh của chính mình, thì như vậy mới có thể làm ơn được lâu dài, giúp được nhiều người, nhiều lần và phước báu vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn.  Sách có câu: "Thi ân bất cầu báo đáp", chính là nghĩa đó vậy.  Hàng phục được tâm ý, chuyển hoá được tánh tình như vậy, chúng ta mới có thể phát nguyện độ tất cả chúng sanh, mà không thấy có chúng sanh nào được độ.  Cho nên Đức Phật dạy hãy coi thi ân như đôi dép bỏ, làm ơn làm phước xong rồi thì quên ngay đi, bỏ qua liền, đừng ghi nhớ trong tâm thức cho thêm phần nặng nề.  Được như vậy, chúng ta mau tiến đến chỗ giác ngộ và giải thoát.
Và cuối cùng điều quan trọng của người tu Phật ngoài việc bố thí để có phước, phải tu Huệ, nếu có bố thí mà không có huệ thì bố thí đó thuộc về bố thí hữu lậu, bố thí chấp ngã. Phải đạt đến Bố thí Ba la mật mới hoàn thiện. Trì giới, giới không có huệ giới ấy trở nên tà giới, cho đến Định, không có huệ gọi là Tà Định,  cho dến nhẫn nhục, tinh tấn không có huệ gọi là Tà Tinh tấn, Tà nhẫn nhục v.v. cho nên phải có huệ. Muốn có huệ phải học và tu.
--T--

BỐ THÍ VÀ PHƯỚC BỐ THÍ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét