Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

KHÁI NIỆM VỀ CÁI CHẾT THEO QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO


KHÁI NIỆM VỀ CÁI CHẾT THEO QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO

Chết thông thường được xem là sự chấm dứt các hoạt động của một sinh vật hay ngừng vĩnh viễn mọi hoạt động sống của một cơ thể. Tuy nhiên, một định nghĩa cho sự chết còn tuỳ thuộc vào các quan điểm tôn giáo, tín ngưỡng cũng như các lĩnh vực liên hệ. Trong y học, chết là sự chấm dứt của mọi hoạt động sống như hô hấp trao đổi chất sự phân chia các tế bào đều được chấm dứt vĩnh viễn. Người ta chia chết làm hai loại:  chết lâm sàng mà các phương pháp khám lâm sàng cho phép xác định là chết ( tim ngừng đập, ngừng thở, mất tri giác,v v. );  chết thật, khi các mô không còn hoạt động được nữa và bắt đầu phân huỷ.
Thuật ngữ chết cũng còn được sử dụng với nhiều từ đồng nghĩa tuỳ theo trường hợp. Nếu kính trọng thì người ta thường dùng chữ: từ trần, tạ thế, khuất núi, quy tiên, vãng sanh, qua đời, mất, đi xa, ra đi, yên nghỉ, từ giã cõi đời, trút hơi thở cuối cùng; Đối với vua chúa thì gọi là băng hà, với các bậc tu hành thì gọi là viên tịch, thâu thần thị tịch; Đức Phật và Thánh tăng thì gọi là nhập diệt, viên tịch, nhập Niết bàn. Còn đối với người bình thường thì gọi là: chết, qua đời, tử vong, thiệt mạng v.v...Đối với người sống độc ác khi chết gọi là: toi mạng, nghẻo củ từ, chết dịch, chết toi, tiêu đời v.v...
Nhiều trường phái triết học cổ đại Ấn Độ cho rằng có một linh hồn thường tại sau khi chết. Và sau khi chết linh hồn sẽ rời khỏi thân xác cũ, chuyển kiếp đầu thai trong một kiếp sống mới. Theo quan điểm của người Ki tô hữu, chết không phải là hết mà là bước vào một cuộc sống mới vĩnh cửu. Cuộc sống vĩnh cửu này sướng hay khổ là do cuộc sống hiện tại này ta có tin vào Thiên Chúa, vào Đức Ki tô, và sống có phù hợp với niềm tin ấy hay không. Người Ki tô hữu còn tin rằng ngay cả thân xác này cũng sẽ sống lại vào ngày tận thế để trở thành thân xác bất khả hư hoại hầu sống đời sống vĩnh cửu, để được thưởng hoặc chịu phạt muôn đời. Các trường phái duy vật thì cho rằng con người chết là dấu chấm hết. Người Trung Hoa cho rằng “sanh ký tử quy”, cuộc sống chỉ giả tạm mà thôi, còn cái chết là sự trở về vĩnh cửu. Do vậy, người Á rập các vua quan sau khi chết thường chôn theo vàng, bạc, châu báu, và còn chôn theo cả những cung phi mỹ nữ và người hầu cận xuống huyệt để có kẻ hầu hạ. Người Trung Hoa cải tiến tập tục này, họ không chôn vàng bạc và người thật, thay vào đó là chôn cất theo các thứ đồ giấy. Từ đó hàng mã có cơ hội sinh sôi phát triển. Ở Việt Nam ta thường nghe câu thán “yên nghỉ ngàn thu”hay cụm từ “sự ra đi vĩnh viễn”để chỉ cho cái chết là sự yên nghỉ lâu dài.
Chết là sự chấm dứt, hay chết mà linh hồn vẫn tồn tại bất biến sẽ dẫn đến sự nguy hiểm trong nhận thức dẫn đến nguy hiểm trong nếp sống đạo đức. Vì dù hành động như thế nào khi còn sống đến chết là chấm dứt thì con người tha hồ mà hành động, bất chấp tất cả, và không có trách nhiệm với hành động của mình. Mặt khác nếu cho rằng có một linh hồn tồn tại xuyên suốt thì con người  cũng ỷ lại với đời sống dài lâu nên không nỗ lực hoàn thiện nhân cách, và không có xu hướng cầu tiến.
Phật giáo không chấp nhận bất cứ một linh hồn vĩnh cửu nào tồn tại xuyên suốt từ kiếp sống này qua kiếp sống khác. Và cũng không cho rằng con người sau khi chết là hết. Theo truyền thống Phật giáo Nguyên thuỷ, con người sau khi chết lập tức tái sanh, tuỳ theo nghiệp cảm của mình mà tái sanh trong cảnh giới tương ưng. Còn theo quan điểm Phật giáo Đại thừa, con người sau khi chết tái sanh chậm nhất là 49 ngày. Học thuyết về thân Trung ấm để giải thích các trường hợp chết khác nhau mà chưa thể tái sanh liền. Sau khi chết thân tứ đại trả về với tứ đại, còn thần thức, thuật ngữ Phật học gọi là thức tái sanh hay tâm tái tục mang theo nghiệp cảm của người ấy tiếp tục đi đầu thai trong một kiếp sống mới. Nhưng người ấy không thể nào nhớ hết lại chuyện quá khứ, bởi nằm trong bào thai mẹ và do vô minh che lấp. Chỉ khi nào đạt đến Thánh vị, chứng được túc mạng minh mới nhớ lại hết kiếp quá khứ. Những hạt giống nghiệp gieo trong kiếp trước sẽ trổ quả trong kiếp hiện tại, tuỳ theo nhân duyên và điều kiện tăng thượng duyên hay nghịch duyên. Nếu gặp tăng thượng duyên thì những hạt giống sẽ phát triển thuận lợi. Do đó có những hiện tượng thần đồng xuất hiện. Thông minh hay ngu đần, giàu sang hay nghèo hèn… đều do túc nghiệp và nhân duyên đời hiện tại quyết định.
 Giải thích về sự tái sinh theo quan điểm Phật học có sự khác biệt so với các nghiên cứu khoa học. Khoa sinh vật học chứng minh rằng một nhân phôi là sự hợp nhất của hai thành tố, tinh trùng của người đàn ông và noãn của của người đàn bà. Tức chỉ cần tinh cha và trứng của mẹ hoà hợp trong điều kiện người mẹ có thể thụ thai. Phật giáo cho rằng ngoài hai thành tố này còn có một thành tố thứ ba nữa là cái thức tái sanh xuất hiện vào lúc thụ thai: điều ấy có nghĩa rằng khi những điều kiện di truyền được thể hiện trong hoàn cảnh thuận tiện, một hình thức tâm vật lý xâm nhập vào, và giúp cho sự sống tương tục của một hữu thể người, như Đức Phật đã dạy:
Này các Tỳ kheo, nơi nào có ba thành tố ấy hợp lại thì tại nơi đó một mầm sống được gieo”. Hữu thể tái sanh là lối gọi nhân cách hoá của một loại thức tái sanh, là yếu tố tâm vật lý ở trạng thái năng lực, kết quả của những hành động  trong các đời trước và thể hiện ra vào lúc hình thành một đời sống mới. Cái thúc tái sanh là cơ bản của một cá nhân, trên đó tâm và thân ( danh- sắc ) phát triển. Nếu không có nó thì sự sống của một hữu thể ( chúng sanh ) mới không xuất hiện, cũng như cuộc đối thoại sau đây giữa Đức Phật và Ngài A Nan.
- Này A nan, nếu cái thức này không giáng nhập vào bụng người mẹ thì tâm và thân có hình thành trong bụng người mẹ không?
-         Bạch Thế Tôn, không.
-  Này A nan, nếu thức ấy, sau khi đã giáng nhập vào bụng người mẹ mà lại bỏ chỗ này đi thì tâm và thức có tạo thành cái này hay cái nọ không?
-  Bạch Thế Tôn, không.
-  Này A nan, còn nếu cái thức này đang ở trong một bè trai hay một bé gái khi mà các em này còn nhỏ, lại biến mất đi thì tâm và thân có tăng trưởng không, phát triển và lớn lên không?
-  Bạch Thế Tôn, không.
Như thế cái thức tái sanh này được xem như chủng tử phối hợp với sức mạnh của hành động (Karma- nghiệp lực ) và khát ái (tanha )  nhất là hữu ái (khao khát được hiện hữu ) làm sinh khởi sự sống mới của các chúng sanh.
“Này A nan, hành động là ruộng, thức là hạt giống ( chủng tử ) và khát ái là sự ẩm ướt. Các chúng sinh bị vô minh kìm giữ, bị khát ái trói buộc, các tâm thức bị tê cóng trong các cảnh giới thấp ( dục giới )”
 Sau khi đã an lập trong bào thai của người mẹ, thức ( cái thức tái sinh ) phối hợp với hai yếu tố khác: sức sống và hơi ấm, để đạt được và duy trì các chức năng của sự sống cho đến khi chết.
Với cái chết được xảy ra theo từng trường hợp riêng biệt . Có người sống thọ, chết già; có người chết non, chết yểu; có người chết bất đắc kỳ tử, chết đứng, chết ngồi, chết do bệnh tật, do tai nạn, sẩy thai…Tất cá các hình thức chết đó theo lý giải của Phật giáo là do nghiệp lực hay phước báo của từng người. Người sống thọ, chết già được xem như là có phước báo về thọ mạng. Người sống non chết yểu được xem như là thiếu phước, người chết do tai nạn , bệnh tất xem là kết nghiệp.
 Sự chết được hiểu như là sự chấm dứt khả năng sống của một hình thái hiện hữu, chỉ là sự gián đoạn tạm thời của một hình thái. Nó không phải là sự tiêu diệt toàn bộ một cá nhân, đúng hơn, nó là biểu hiện của một sự chuyển đổi sang một sự hiện hữu khác. Chỉ riêng các quan năng ngưng vận hành, chứ năng lực, sự khao khát được hiện hữu ( hữu ái ) nằm trong nghiệp lực vẫn tiếp tục thể hiện dưới một hình thái khác của sự sống. Đức Phật đã khẳng định rằng: “Một nơi không có sự chết, là nơi không có thật, không có trên hư không, không có trong biển cả, cũng không có cả trong rừng núi”.
Dù sao, chết là một hiện tượng cũng bình thường như sinh ra. Thường thường những người đang hấp hối, yếu ớt về thể chất không còn có thể kiểm soát và điều động các ý tưởng của họ. Do đó, những ấn tượng  gây nên bởi những biến cố quan trọng trong các cuộc đời này hay các đời trước hiện trở lại mạnh mẽ trong tâm thức, và họ không cách nào loại bỏ chúng.
Những hình ảnh, cảnh giới hiện ra lúc lâm chung, gọi là cận tử nghiệp, những cảnh giới này người sẽ tái sanh vào đó. Có ba loại ý tưởng khởi ra lúc chết: khổ, vui, không khổ không vui. Ba loại ý tưởng này xuất hiện mà người ta không thể lựa chọn một cách có ý thức rõ ràng trong tâm thức vào lúc chết. Chúng tạo thành những hành động gần với cái chết ( cận tử nghiệp ) ảnh hưởng và quyết định đặc tính của đời sống sắp đến, cũng như giống ý tưởng sau cùng trước giấc ngủ có thể trở thành ý tưởng đầu tiên lúc thức dậy. Cũng thế, những hình ảnh quan trọng nhất trong một đời sống, cũng như những hành động bình thường, tốt hay xấu, trở thành những ý tưởng tích cực và thù thắng trong những phút cuối cùng. Nếu như một ý tưởng nào đó trong các ý tưởng ấy vắng mặt vào lúc người ta chết thì cái hành động tiềm ẩn tích luỹ tạo thành sức mạnh gây nên sự tái sanh.
Về ý thức hệ, các triết gia Phật giáo thừa nhận học thuyết về tái sanh cho người thường, cái chết chỉ cho sự chấm dứt của cuộc sống. Mặc dù thực tế cái chết là điều không thể tránh khỏi, nhưng những người bình thường sợ chết vì không có trường hợp nào trở lại của người quá cố. Trong một số cuộc đối thoại, Đức Phật đã cố gắng giải thích để cho mọi người thấy rằng không có gì để sợ cái chết. Cái chết đã trở thành một sự thật không thể tránh khỏi. Do đó, theo Phật giáo không có gì đáng sợ bởi vì nó là quy luật tất yếu. Trong ham muốn của mình, con người luôn muốn sống- họ chiến đấu để sống và ước muốn sống trong tương lai, thậm chí ở trong tương lai không tốt hơn so với hiện tại.  Đức Phật đã cố gắng tấn công vào cơn sốt cơ bản của tâm thức con người. Trong các giáo lý khác nhau của mình. Ngài chỉ ra rằng tất cả điều này là do  thiếu hiểu biết (vô minh) . Vì vậy, nếu vô minh này có thể được thay bởi trí tuệ, con người có thể nhận ra hiện tượng thế giới cũng như bản thân thực sự trống rỗng và vô ngã. Với trí tuệ như vậy sẽ quét sạch tất cả những ham muốn và sẽ dẫn đến con đường hoàn thiện. Một khi con người có thể tự đặt mình trên con đường đó, mỗi cuộc đời liên tiếp sẽ được coi là dẫn dắt người ấy đến gần mục tiêu tốt đẹp. Đối với một người như vậy, cái chết sẽ không làm họ hoảng hốt lo sợ. Mà cái chết chỉ đơn giản là một cánh cửa để mở một cuộc sống mới được trang bị tốt hơn cho nhiệm vụ phía trước. Thân thể vật chất là vô thường cuối cùng đã bị mòn và đến ngày hư hoại. Giống như một cỗ xe được sử dụng lâu ngày thì nó trở thành cũ kĩ mục nát và hư hoại là điều tất yếu. Ngay cả Đức Phật, mặc đù đã đạt Niết bàn, cũng không thể tránh được tuổi già và những cơn bệnh bao trùm xác thịt, cũng không thể tránh được sự phân tán cuối cùng của thân thể vật chất. Vì vậy, tất cả con người tìm kiếm đạt được Niết bàn, phải trải qua quá trình bỏ vỏ bọc trống rỗng và đi qua cánh cửa chết để lấy lại thanh niên và sức sống để họ có thể tiếp tục tiến trình của họ trên con đường duy trì bởi trí tuệ đạt được trong cuộc sống hiện tại của họ. Vì vậy, đối với người Phật tử, cuộc sống hiện tại là cơ hội để tạo ra căn lành thiện nghiệp, nhằm chuyển hoá những bất thiện nghiệp đã được tạo ra bởi cuộc sống trong quá khứ. Cái chết là cửa ngõ cho những cơ hội tiếp theo để đạt được sự hoàn thiện hay Niết bàn. Nếu nhận thức được như vậy, không có gì để sợ chết- đúng hơn là nó phải được hoan nghênh.
Mục đích cuối cùng của việc tu học trong Phật giáo là thoát khỏi cảnh sanh, già, bệnh, chết. Kiếp sống luân hồi sanh tử là thật khổ đau. Khi nào thoát khỏi sự chết mới thật sự giải thoát, không còn khổ đau. Vấn đề là chuẩn bị cho mình một sự chết bình an bằng cách tạo các thiện nghiệp, hướng tâm đến vô lậu giải thoát. Và con đường đưa đến đoạn tận sanh tử đó là tam vô lậu học: giới, định, tuệ, hay con đường Bát chánh đạo, chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Khi hành giả thực hành theo con đường này hoàn mãn thì chấm dứt sự sống chết khổ đau, đạt đến Niết bàn tịch tịnh, an lạc giải thoát. Thuật ngữ Phật giáo là bất sanh bất diệt, tự tại vô khứ lai ./.
 Trích: VHPG số 322 – 1-6- 2019- Thích Trung Định
{]{

KHÁI NIỆM VỀ CÁI CHẾT THEO QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét