Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

PHÁP TU CĂN BẢN


PHÁP TU CĂN BẢN

Pháp tu căn bản của người theo đạo Phật là gì?  Nền tảng cơ bản tu theo đạo Phật là tu ba nghiệp, hay nói cách khác là chuyển đổi ba nghiệp. Chuyển ba nghiệp ác thành ba nghiệp thiện.  Thế nào là ba nghiệp ? Tức là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Nghiệp có hai thứ ác nghiệp và thiện nghiệp.  Ba nghiệp ác là Thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác.Thân làm ác: sát sanh, trộm cắp và tà dâm.
Miệng làm ác: Nói lời độc ác, nói lưỡi đôi chiều, nói lời sai sự thật, nói thêu thùa v.v...Ý nghĩ ác là tham, sân, giận hờn ganh tỵ v.v... tính toán, mưu mô xảo quyệt…nghĩ những điều lợi mình hại người…
Ba nghiệp thiện là. Thân không sát sanh lại phóng sanh, không trộm cắp lại bố thí, không tà dâm lại khuyên người sống chân chánh.  Miệng không nói ác, lại nói lời chân thận, hoà nhã … Ý không nghĩ ác, không tham sân, giận hờn đố kỵ v.v...
Chuyển đổi ý niệm, lời nói, hành động từ mê tối ác độc trở thành sáng suốt lương thiện gọi là chuyển nghiệp còn gọi là Tu, tu có nghĩa là chuyển đổi tâm tánh. Nghiệp là cái gì phải chuyển đổi?  Nghiệp chỉ cho hành động của một người lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen gọi là nghiệp. Cái gì làm mãi thành thói quen gọi là nghiệp, nên gọi là nghề nghiệp. Tu là chuyển đổi nghiệp xấu thành nghiệp tốt, tu là thực hiện ngay nơi bản thân của mỗi người một cách thực tế rõ ràng.
Nghiệp ác và nghiệp thiện của mỗi người ảnh hưởng rất lớn cho bản thân mình, cho gia đình và xã hội. Nếu nghiệp tốt thì bản thân mình, gia đình và xã hội có ảnh hưởng tốt đưa đến hoàn cảnh và đời sống tốt đẹp.  Nếu nghiệp xấu, thì bản thân mình,  gia đình và xã hội sẽ ảnh hưởng tiêu cực, hoàn cảnh và cuộc sống trở nên khó khăn đau khổ, cơ cực cho bản thân, gia đình và xã hội. Thế nên một người tu tập là người tình nguyện xây dựng một gia đình hạnh phúc một xã hội văn minh công bằng, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Mục tiêu của người tu theo Phật là giác ngộ giải thoát và đi đến thành phật quả. Nhưng muốn có giải thoát thành phật quả trước hết phải chuyển ba nghiệp xấu ác thành ba nghiệp thanh tịnh là cơ bản của sự tu hành. Con người chết nghiệp có mất hay còn? Nói đến nghiệp con người không thể thấy rõ, hay hình dung  ra được một cách cụ thể. Nhưng thân xác con người chết thì nghiệp vẫn còn. Chính nghiệp này dẫn thần thức con người đi tái sanh đời sau, một thân hình khác  tuỳ theo nghiệp thiện hay ác mà thân sau đẹp hay xấu, giàu hay nghèo v.v...Ví như một nhà giáo, một bác sĩ, một nhà buôn, ba người nhà cùng ở chung một chỗ, một cơn hoả hoạn thiêu rụi nhà cửa của ba người này. Sau cơn hoả hoạn nhà cửa tài sản không còn, nhưng ba người này không bị thất nghiệp, người thầy giáo vẫn đi dạy, người bác sĩ vẫn đi chữa bệnh, người đi buôn vẫn đi buôn, cái nghề của họ không mất, dù ở đâu đi đâu nghề nghiệp vẫn gắn liền với họ. Đó chứng tỏ rằng Nghiệp không mất, thân hình tuy có thay đổi, chỗ ở có thay đổi, thời gian có thay đổi  nghiệp vẫn luôn theo ta đi đâu và ở đâu.
Hằng ngày chúng ta tu tập, tức chúng ta huân tập nghiệp lành trong sạch, thế nên Phật nói, ba nghiệp thanh tịnh đồng Phật vãng Tây phương. Sau khi chết nghiệp không mất, do đó trong hiện tại chúng ta phải tạo nghiệp thiện đó là Tu. Một người thường tu tập, ăn chay niệm Phật tụng kinh, làm các việc lành, nhưng bất ngờ bị chết không được hộ niệm, tụng kinh, vậy người đó sau khi chết thần thức họ đi về đâu. Phật trả lời: Ví như một cây đứng nghiêng, người ta cưa gốc nó sẽ ngả về hướng nghiêng. Cũng vậy nghiệp nào nhiều hơn, nặng hơn thần thức sẽ theo hướng đó mà tái sanh. Cũng vậy, hằng ngày chúng ta tạo nghiệp thiện, sau khi chết thần thức ta theo nghiệp thiện sanh vào cõi lành, người thường hay tạo nghiệp ác sau khi chết thần thức  theo nghiệp tái sanh vào cõi ác. Không phải chết bất đắc kỳ tử mà phải đoạ vào cõi ác. Chúng ta chết nghiệp không mất, mà thần thức theo nghiệp thiện hay ác sanh vào cõi lành hay cõi dữ mà thôi.
Phần đông những người đi chùa chỉ để cầu bình an và mọi việc hanh thông như ý. Hoặc xin quy y rồi mỗi tháng đi chùa vài lần, sám hối, tụng kinh, hoặc lâu lâu cúng chùa ít bông hoa, họ cho đó là đã đủ bổn phận, và cho đó là tu theo phật. Nhưng đến khi gia đình họ có xảy ra hoạn nạn tai nạn thì họ trách đi chùa làm phước mà gia đình không được bình an, chùa Phật không linh, họ không còn đi chùa nữa. Vì đi chùa quy y, tụng kinh, lễ Phật cốt để cầu được bình an, bây giờ hoạn nạn bất an, cầu gia hộ không có linh, thôi không đi chùa nữa. Quan niệm đi chùa như vậy không đúng, do quan niệm đi chùa của một số đông người như vậy, nên những người đi chùa này đi lâu năm mà  đạo đức không có thăng tiến, lắm khi còn tệ hơn lúc chưa đi chùa nữa.
Nhiều người đi chùa với mục đích để cầu cho gia đình không có bị hoạn nạn, không có những chuyện bất thường xảy ra. Nếu đi chùa với tâm niệm như vậy là để bảo đảm cho gia đình mình không xảy ra chuyện bất như ý, luôn được an ổn, thì chẳng khác gì đóng bảo hiểm để phòng khi bị rủi ro tai nạn để có người lo lắng đền bù.
Lại có người đến khi gia đình có hữu sự mời thầy đến lo liệu giúp đỡ, nhưng khi không mời được thầy, thầy bận không đi được thì buồn giận bỏ đi chùa luôn. Tu là phải chuyển đổi quan niệm và hành động từ xấu trở thành tốt, chứ không phải để nhờ thầy lo liệu mọi việc cho gia đình mình khi mình cần có việc. Hơn thế nữa, cứ đầu năm nhiều người, nhờ thầy tụng kinh cầu an, nhương sao giải hạn cho gia đình được bình an tai qua nạn khỏi. Những người phát tâm tu như thế chưa thật sự là tu đúng. Đó là quan niệm sai lầm cần phải biết để sửa đổi.
Lại có người nghĩ mình là Phật tử, một ngày bận rộn công việc mưu sinh công kia việc nọ cho việc cơm áo gạo tiền không rảnh, nhưng vẫn giữ được một thời khoá để tu tập tụng kinh, lễ Phật ở chùa hoặc ở nhà, họ cho đó là tu. Ngoài giờ tụng kinh niệm Phật ra, thì họ tha hồ ăn thua đủ với những người khác, ai làm gì thì trả đủ y lại người đó, không chịu thua chịu nhịn ai hết. Như vậy một ngày 24 tiếng đồng hồ chỉ có một giờ tu thì có thấm thía gì đâu. Nếu tu như thế không đủ để bù lại tội lỗi đã gây huống nữa là có phước. Tu như vậy phước không có mà tội lỗi càng tăng thêm nặng nề, quan niệm tu như thế thật là hời hợt.
Lại có người ăn chay, cho rằng ngày ăn chay là ngày tu, nếu có ai chọc, gây hấn tức liền nói: ngày nay tôi ăn chay, nếu tôi không ăn chay thì sẽ biết tôi. Nhờ ăn chay nên mới tu, ngày mai hết ăn chay thì không tu. Như thế chỉ tu ngày ăn chay còn những ngày khác thì không tu. Một tháng có 30 ngày, ăn chay có 2 ngày thì chỉ tu có hai ngày, còn lại 28 ngày kia không tu, tu như thế thì không đủ, chưa gọi là thật tu.
Lại có người đi chùa tụng kinh, lễ Phật, nếu gia đình có xảy ra việc không tốt như tai nạn bệnh hoạn, thì lại cho rằng do đi chùa tụng kinh nên đỗ nghiệp, nên không dám đi chùa tụng kinh nữa. Đây có thật sự do  đi chùa tụng kinh mà đỗ nghiệp không? Nếu thật sự đỗ nghiệp thì tốt, đỗ nghiệp thì như đã trả nợ một lần thì đâu có gì đáng sợ không dám tu? Nếu tu mà thêm nghiệp mới sợ không dám tu. Chúng ta tu ngày nào thì phước đức tăng ngày đó, làm sao mắc thêm tội mà lo sợ?  Nếu chúng ta không đi chùa tụng kinh, không ăn chay, những việc không tốt vẫn xảy ra. Những việc tai nạn bịnh hoạn, chết chóc nó luôn luôn có đối với những người có tu và không tu, nhân đó chúng ta đổ thừa cho việc đi chùa tụng kinh, thì chưa thật sự hoàn toàn đúng, nên không cần sợ hãi theo quan niệm như vậy, mà thối tâm bỏ lỡ cơ hội tốt của đời người. Nếu ai quan niệm như thế thì không đúng với tinh thần tu tập.
Lại có người quan niệm rằng, tụng kinh Pháp Hoa, kinh Kim Cang là kinh Đại thừa, người không ăn chay trường tụng kinh không được, tụng sẽ đỗ nghiệp. Trong kinh không có chỗ nào nói ai tụng kinh phải ăn chay trường. Nếu nói ăn chay trường mới được tụng kinh thì các sư phật giáo Nguyên Thuỷ chắc họ không có tụng kinh, các vị sư Nguyên thuỷ đâu có ăn chay ngày nào. Đó là quan niệm sai lầm đa số mọi người quan niệm không đúng, khiến cho nhiều người đến với đạo Phật hoang mang và không dám tiếp cận với đạo Phật.
Khi chúng ta tu là chúng ta đối diện với Ma, Ma là những pháp ác làm trở ngại việc tu tiến của chúng ta. Ma có hai thứ, nội ma và ngoại ma. Nội ma có nghiệp chướng ma và phiền não ma. Nghiệp chướng ma là những thói quen tật xấu cản trở việc tu hành của ta. Ví như trước kia chưa quy y chúng ta ghiền rượu, bây giờ tu bỏ rượu là việc rất khó. Đó là sự phấn đấu với nghiệp chướng ma, dù cơn nghiện có hành hạ ta đến đâu, ta cũng quyết chiến thắng nó không để thua cuộc.
Thứ đến ma phiền não, là nội ma là ma tham dục, ái trước, sân giận, si mê, sợ hãi, lo buồn v.v..  Khi chưa tu sân giận khởi lên thì ta la lối om sòm, nói những lời thô ác, những lời không chân thật v.v Như vậy, nếu không biết tu thì tha hồ buông xả những lời nói ác, những lời không có lợi ích, bất thiện. Bây giờ biết tu mỗi khi cơn giận khởi lên không dám nói lời hung dữ, vì nói hung dữ sợ phạm giới. Biết kiềm chế, không cho những lời thô bạo phát ra, biết làm chủ được tâm mình, có sáng suốt dè dặt lời ăn tiếng nói khi cơn giận khởi lên. Làm được việc này không phải dễ, phải có khả năng chế ngự phi thường mới làm nổi. Đó là chế ngự lời nói hung dữ hay là chiến thắng ma phiền não.  Ví như ta phạm một lỗi lầm nào đó, sợ xấu hổ không nói sự thật để sám hối chịu lỗi, vì tự ái bản ngã, nếu nói thì nhục quá, nên chối để che giấu tội lỗi. Như thế là đã không thắng được  ma phiền não. Không thắng được ma phiền não thì không thể thành người Phật tử chân chánh. Đó là khi phật tử phát tâm tu  chúng ta đối diện với ma quân, tuyên chiến với ma quân là phải chấp nhận làm những việc khó làm. Việc khó làm mà vui làm và làm được thì việc tu hành mới có kết quả.
Ngoại ma là ma bên ngoài, những khó khăn chướng ngại bên ngoài làm trở ngại việc tu hành như: Tài, Sắc, danh, Thực, Thuỳ hay Sắc, Thanh, Hương, vị, Xúc, pháp, những thứ này nó luôn đeo đuổi ta cám dỗ ta, nếu ta mê theo nó, thì sự tu hành sẽ bị thối đoạ. Phải có trí tuệ sáng suốt và ý chí mãnh liệt mới thắng được chúng để tu hành, bằng không sẽ bị cuốn hút không giữ được giới.
Nhiều người tu cầu mong sao cho không có sự chướng nạn bất như ý, trắc trở xảy ra. Vậy tu không có hoạn nạn, không có chuyện bất như ý xảy ra, thì khỏi cần phải tu, vì có gì cũng như ý thì đâu có việc gì rắc rối, chướng ngại, để trắc nghiệm tâm mình có tỉnh sáng và làm chủ được mình hay không. Như vậy mới là tu chứ cái gì cũng như ý hết là trái với sự tu hành. Người tu cũng như đứa học trò thi lên lớp, khi thi phải làm những bài toán khó, bài toán khó mà giải được thì mới đậu, mới lên lớp. Học trò mỗi năm phải thi lên lớp, mỗi lần thi là mỗi lần làm bài rất khó. Bài khó mà làm được mới đậu và được lên lớp. Cũng vậy, người Phật tử phát tâm tu tập, tự nguyện ăn ở hiền lành, không nói lời hung ác, xảo trá lường gạt, không làm các việc ác, thất đức mà làm những việc có lợi ích cho mọi người, không nóng giận như vậy mới gọi là người biết tu, là người chân tu.
Bản chất sự tu tập là phải hiền thiện, nếu tu mà thực tập được tánh hiền thiện, còn nóng nảy thì chưa gọi là tu đúng pháp. Hiền lúc thuận cảnh cũng như nghịch cảnh tâm tánh luôn giữ  hiền hoà thì mới thật là chân tu. Có người lúc thuận cảnh thì hiền hoà, còn lúc nghịch cảnh thì nổi trận lôi đình, không chừa ai, không chịu thua ai. Tu như vậy thì quá sai rồi, hoàn cảnh nào cũng giữ tâm thanh tịnh, bình thản mới đúng là phong cách của người tu, ở hoàn cảnh bất như ý mà thể hiện được tâm tánh hiền hoà mới thật là người hiền là người có tu.  Trên đường tu ta thường chọn cảnh như ý, còn không chịu cảnh bất như ý, gặp cảnh bất như ý mà giữ vững được lập trường là chiến thắng, vượt qua thử thách thế mới gọi là tu. Gặp cảnh bất như ý mà bỏ cuộc là thất bại, không phải là người biết tu. Thế nên người biết tu thì không đòi hỏi cảnh như ý, mà chấp nhận cảnh bất như ý xảy ra. Chính cái hoàn cảnh bất như ý là nấc thang đưa người tu tiến đến đạo quả. Tu thì phải tiến, mà tiến thì phải thử thách. Thử thách là sự giám định sự tu tiến hay lùi, thành công hay thất bại. Khi nghịch cảnh xảy ra ta nên cảm ơn hơn là trách móc giận hờn, thù ghét. Tu cần có những cảnh đối đầu bất như ý để thấy rõ khả năng của mình tu đến đâu. Thấy được như thế thì không buồn, không giận ai mới là tu chân thật. Vì tu là chiến đấu với phiền não để làm chủ mình, chứ không phải yếu đuối cầu an, đòi hỏi mọi người phải như ý mình tu như vậy không bao giờ thành công./.
{]{

PHÁP TU CĂN BẢN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét