Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

ĐỨC PHẬT VỚI THÔNG ĐIỆP BÌNH ĐẲNG


ĐỨC PHẬT VỚI THÔNG ĐIỆP BÌNH ĐẲNG

Lịch sử Ấn Độ, tộc người Aryan khi tiến vào bình nguyên Nam Á này, họ cũng mang theo với họ bộ tộc Rig-Veda. Dựa vào ưu thế văn minh, họ giành quyền tổ chức xã hội theo quan điểm Bà la môn giáo. Một chế độ xã hội ra đời với hệ thống bốn đẳng cấp do sự an bài của đấng tối cao, lợi dụng yếu tố tín ngưỡng họ thiết lập hệ thống vì mục đích quyền lợi riêng của những người mang danh nghĩa là con người cao quý. Tầng lớp chiến sĩ đã kết hợp cùng với tầng lớp tăng lữ thiết lập nên hệ thống thần linh và đấng sáng tạo gọi là Phạm thiên. Họ cho rằng đẳng cấp Bà la môn được sinh ra từ miệng Phạm thiên nên là cao quý nhất, nắm giữ việc hướng dẫn tinh thần của xã hội. Kế đó là đẳng cấp  Sát đế lỵ được sanh ra từ cánh tay Phạm thiên, thay mặt Phạm thiên nắm giữ quyền hành thống trị dân chúng. Đẳng cấp Xá phệ là những thương gia, chủ điền được sinh ra từ bắp vế Phạm thiên, là thành phần thi hành các nhiệm vụ sản xuất và phân phối cũng như vô vàn các nhiệm vụ khác trong xã hội. Đẳng cấp Thủ đà la sinh ra từ gót chân Phạm thiên nên thủ phận làm khổ sai suốt đời cho các giai cấp trên.
Tất nhiên hệ thống đẳng cấp tương tự như vậy thì ở đâu cũng có trong xã hội loài người, nhưng ở xã hội Ấn Độ cổ đại đó là một định chế kiên cố được ủng hộ mạnh mẽ bởi niềm tin tôn giáo, nên đã có những tác động sâu sắc đến thân phận con người, đem lại khổ đau cùng cực trong đời sống xã hội.
Về phương diện lịch sử xã hội, Đức Phật là người đầu tiên đặt vấn đề bình đẳng giữa mọi người, không chỉ về các phương diện đẳng cấp, tài sản, tài năng…mà còn giới tính, chủng tộc nữa. Ngài khẳng định con người chỉ được tôn trọng nhờ giới đức và sự đóng góp vào việc làm vơi bớt nổi khổ đau trong xã hội loài người. Thông điệp đẳng cấp của Ngài đã đồng vọng suốt hơn 25 thế kỷ và có nhiều ảnh hưởng đến nhân loại.
 Giáo lý và giáo đoàn của Phật đã phát triển mạnh mẽ từ khi Phật thành đạo cho đến thế kỷ thứ 11, đoàn quân Hồi giáo tràn vào Ấn Độ, giết hại tăng sĩ Phật giáo và phá hoại chùa tháp, Phật giáo Ấn Độ trở nên hoang tàn trống vắng. Chế độ cai trị và ảnh hưởng Ấn giáo Bà la môn  đã chiếm lại ưu thế  của mình như cũ. Phật giáo chỉ còn lại phế tích. Đến lúc người Anh đến cai trị Ấn Độ, có những nhà khảo cổ nghiên cứu, khai quật những di tích Phật giáo do vua A Dục làm những trụ đá ghi lại những mốc quan trọng của cuộc đời đức Phật, được nhiều nước trên thế giới công nhận Đức Phật là một nhân vật lịch sử, có sự thật chứ không phải là con nguyền huyền sử. Từ đó Phật giáo Ấn Độ được nhiều học giả tìm đến nghiên cứu và học hỏi tu tập. Và cũng từ đây khởi đầu cho các học giả phương Tây nghiên cứu và quảng bá đạo Phật đến các nước trên toàn thế giới. Hai nhân vật có công khôi phục niềm tin Phật pháp của người dân Ấn Độ là A Bhimrao Remjee Ambedwar ( 1891-1956 ) ông là một luật gia, một kiến trúc sư, là một nhà lãnh đạo chính trị của Ấn Độ, là một trong vô vàn những nạn nhân của chế độ đẳng cấp Ấn Độ. Rồi chính từ nạn nhân ông đã trở thành một chiến sĩ mạnh mẽ trong công cuộc đòi lại, quyền bình đẳng cho giai cấp cùng đinh.
Ông đã thốt lên rằng: “Bất hạnh cho tôi khi sinh ra là một tín đồ Hindu, nhưng chắc chắn khi tôi chết tôi không phải là tín đồ Hindu ”. Một sự thẳng thắn chối bỏ tôn giáo mà bao thế kỷ nay con người Ấn Độ rất tôn sùng, và Phật giáo chính là sự lựa chọn của ông, với mong muốn trở về vị trí một con người đúng nghĩa.
Trong công cuộc phục hưng Phật giáo tại Ấn Độ chính Amberdkar đã góp phần tạo nên được uy tín và dưới lời hiệu triệu của ông, hơn 500.000 người đã quy y Tam bảo vào 14/10/1956 tại Nagpur thuộc bang  Maharaohtra. Đây là một sự chối bỏ hùng hồn vai trò đấng sáng thế quyền năng để tìm giá trị con người từ Phật giáo, một việc làm hầu như không tưởng.
Và một nhân vật cùng thời với Ambedkar, nhưng khác xa ông về đẳng cấp, đó là Jawaharlah Nehru , ông là một nhà chính trị Ấn Độ và là vị thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ từ 1947- 1964, được coi là một trong những nhân vật trung tâm chính trị Ấn Độ từ những ngày đầu thành lập quốc gia năm 1947.
 Tuy ông thuộc một gia tộc có truyền thống chính trị và là một tín đồ theo đạo Hindu, nhưng ông nhận định về chế độ đẳng cấp như sau: “Nó là một cố gắng tổ chức xã hội của các chủng tộc khác nhau, một sự hợp lý hoá những thực tế tồn tại lúc đó, về sau này qua quá trình phát triển nó đã trở nên xấu xa và cho đến ngày nay, nó vẫn còn là một gánh nặng và là điều đáng nguyền rủa ”. Có thể thấy rõ thủ tướng Nehru, nhà chính trị lỗi lạc của Ấn Độ cũng đã được truyền cảm hứng từ Đức Phật , ông từng nhận định về Đức Phật nhắm đến việc cải tạo xã hội trong lúc trao truyền giáo pháp giải thoát.
 Ông viết: “Đức Phật đã can đảm tấn công nền tôn giáo được ưa chuộng, sự mê tín, các nghi lễ và địa vị giáo sĩ cùng tất cả những quyền lợi được ban cấp vẫn bám chặt vào họ. Ngài lên án mọi quan điểm thần học và siêu hình, những sự thần khải, các phép lạ và mọi giao dịch với thế giới siêu nhiên. Sức mạnh hấp dẫn ở Ngài là luân lý, biện giải và kinh nghiệm. Ngài nhấn mạnh đến đạo đức và phương pháp của Ngài là phương pháp phân tích tâm lý, một nền tâm lý học không dựa vào linh hồn. Toàn bộ phương pháp của Ngài như một làn gió mát từ đỉnh núi thổi tan sự ngột ngạt của những suy đoán siêu hình ”.  Theo ông, một trong những vấn đề được Phật rất quan tâm là sự bình đẳng giữa người với người, đã được bậc giác ngộ giải quyết một cách hoà nhã.
Ngày nay phong trào nữ quyền cũng đang tiếp tục được đẩy mạnh trên khắp thế giới, nhằm tranh đấu cho sự bình đẳng giới tính, cũng được truyền cảm hứng từ thông điệp bình đẳng mà Đức Phật đã tuyên đi cách đây 25 thế kỷ. Thật vĩ đại thay, bậc Chánh Đẳng Giác với tâm thương yêu trải rộng và hùng lực không lay chuyển, đã phát triển tuệ giác để thấy mọi chúng sanh đều bình đẳng và truyền bá thông điệp bình đẳng ấy cho loài người, đem lại tin yêu và hy vọng cho toàn nhân loại. Chúng ta tin rằng thông điệp bình đẳng  từ Đức Phật vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho các nhà hoạt động để từng bước  xoá bỏ mọi ranh giới giữa người với người khiến cho cuộc sống loài người ngày thêm tươi đẹp./.
 Trích: VHPG – số 322- 1-6-2019 – Thích nữ Trung Mẫn
{]{

ĐỨC PHẬT VỚI THÔNG ĐIỆP BÌNH ĐẲNG Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét