Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

HOÀ HỢP


HOÀ HỢP

Đặc trưng nếp sống tu học cộng trụ mà mọi thành viên của Tăng đoàn đều nỗ lực nhắm đến là sự thanh tịnh và hoà hợp. Đó là ý thức và trách nhiệm cao quý của người xuất gia gắn liền với lý tưởng giải thoát thanh tịnh- Niết bàn, giải thoát, tham, sân,si. Bản chất của hoà hợp là thông suốt, hoan hỉ, không chướng ngại, là kết quả của tâm thanh tịnh, tâm giải thoát. Nỗ lực phát huy hai phẩm chất này là công hạnh của một hành giả tu học nhắm đến quả vị thanh tịnh giải thoát, tiến đến xây dựng nếp sống thanh tịnh và hoà hợp của Tăng đoàn.
Thanh tịnh ở đây là giới thanh tịnh, tâm thanh tịnh, tuệ thanh tịnh, tức tự trong sạch, vắng lặng các cấu uế tham, sân, si, các phiền não, lậu hoặc, hay các bất thiện pháp, nơi một người chuyên tâm thực hành Bát chánh đạo của Phật. Hoà hợp tức là sự đồng nhất, hợp nhất, thống nhất, sự không sai biệt, không ngăn ngại, không chống đối nhau giữa hai hay nhiều tâm thức cùng nỗ lực đạt đến thanh tịnh nhờ tu tập Bát chánh đạo.
 Người đệ tử phật sống theo lời Phật dạy, nỗ lực nhiếp phục và đoạn tận tham, sân, si, tức là bước đi trên con đường hướng đến thanh tịnh và hoà hợp. Theo quan niệm của đạo phật thì tham, sân, si là cội gốc của muôn ngàn khác biệt được tạo ra trong tâm thức của chúng sanh, khiến cho chúng sanh tự mâu thuẫn với chính mình và luôn luôn cảm thấy xa lạ với người khác. Tham, sân, si tạo ra mọi tướng trạng, mọi biên giới, mọi phân biệt, mọi chướng ngại, khiến cho lòng người bị phân ly, bị chia chẻ, bị ngăn ngại, không gần gủi và hoà hợp với nhau. Đạo Phật nói đến hoà hợp tức là nói đến tâm giải thoát, bình đẳng giữa chúng sanh, nói đến khả năng nhiếp phục tham, sân, si của mỗi người. Như vậy, tuỳ vào cấp độ thanh tịnh, tức sự nổ lực nhiếp phục tham sân si của các cá nhân mà sự hoà hợp được tạo ra trong đời sống tập thể. Các thành viên càng nỗ lực tu tập đạt dến thanh tịnh thì Tăng đoàn càng đi đến hoà hợp, mặt khác, Tăng đoàn hoà hợp cho thấy các thành viên có đời sống tu học thanh tịnh. Khi hành giả nỗ lực đoạn tận tham, sân, si đạt đến tâm giải thoát, thì tâm thức hoàn toàn đi đến hoà hợp, hợp nhất, như nước hợp với sữa, chỉ thuần một vị giải thoát, không có khác biệt, giống như nước của mọi con sông đổ vào biển cả chỉ thuần một vị mặn.
 Để các thành viên thực hiện mục đích thanh tịnh hướng đến xây dựng Tăng đoàn hoà hợp. Đức Phật đưa ra sáu pháp tu tập đáp ứng cho tất cả hai mục tiêu, thanh tịnh và hoà hợp, thường được gọi là pháp Lục hoà.  Đức Phật nói  “ Này các Tỳ kheo, có sáu pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương tác, tạo thành tương kính, đưa đến hoà đồng, đưa đến không tranh luận, hoà hợp nhất trí, thế nào là sáu pháp hoà kính ?
Này các Tỳ kheo, an trú từ thân hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng, pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hoà đồng, đưa đến không tranh luận, hoà hợp, nhất trí.
Lại nữa, này các Tỳ kheo, an trú từ khẩu hành đối với các bậc đồng phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng. – pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hoà đồng, đưa đến không tranh luận, hoà hợp, nhất trí.
 An trú ý hành, đối với các bậc đồng phạm hạnh, trước mặt lẫn sau lưng. - pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hoà đồng, đưa đến không tranh luận, hoà hợp, nhất trí.
   -Đối với các tài vật đúng pháp, hợp pháp cùng chia đều đến với các bậc đồng phạm hạnh, có hiện diện hay không hiện diện cùng một trú xứ. pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hoà đồng, đưa đến không tranh luận, hoà hợp, nhất trí.
Đối với sự hiểu biết, cùng chia sẻ với các bậc chưa thông hiểu, để có chánh kiến thực hành chân chánh diệt tận khổ đau, đoạn tận phiền não, đưa đến giải thoát an lạc.. Đức phật khuyên các Tỳ kheo cần phải ghi nhớ và thực hành sáu pháp hoà kính trên. Vì chúng là lẽ sống tạo nên sự tương mến và quý kính lẫn nhau đưa đến hoà đồng, không tranh luận, hoà hợp, nhất trí giữa các thành viên trong cùng một trú xứ. Một thành viên tu tập thực hành nếp sống lục hoà như vậy, thì cùng một lúc thành tựu hai việc: tự mình thanh tịnh và góp phần tạo nên sự hoà hợp trong Tăng đoàn.
Trước hết người tu tập cần phải thể hiện từ thân hành, khẩu hành, ý hành, đối với các vị đồng phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng. Đây là nếp sống của người có tâm tôn trọng và thương quý người khác, được thể hiện qua mỗi hành vi có chánh niệm và từ ái của chính mình. Từ thân hành, khẩu hành, ý hành là lẽ sống sáng suốt, có chánh niệm, có từ tâm, đưa đến lợi mình lợi người. Đối lập với tâm sân hận, ích kỷ, có nghĩa là thương mến, yêu quý, ban cho, sẵn sàng giúp đỡ, không làm hại, muốn lợi ích cho người khác. Nghĩa là người tu tập sống với ý thức luôn luôn tự phòng hộ và kiểm soát bản thân mình, tuyệt đối không để cho bất cứ hành vi nào thuộc về thân, miệng, ý xảy ra khiến cho tổn thương đến người khác, ngay cả người ấy có mặt hay không có mặt. Làm bất cứ điều gì về thân, miệng, ý những việc làm ấy nhất định chân chính, tốt đẹp đem lại lợi lạc cho người khác. Đây chính là giới đức của một người tu tập thể hiện ở mọi lúc mọi nơi, có công năng tạo nên sự thanh tịnh và hoà hợp trong đời sống Tăng đoàn. Tức người tu tập kiên quyết từ bỏ thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, nỗ lực thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, đem đến sự an vui và lòng tin tưởng cho mọi người, tạo nên không khí tương tác, tương kính, đưa đến hoà hợp, hoan hỉ trong đời sống Tăng đoàn.
Một yếu tố khác có công năng giúp cho người tu tập thực thi lẽ sống thanh tịnh, tạo ra sự hoan hỷ hoà đồng trong đời sống tập thể là việc hoan hỉ san sẻ với các bậc đồng tu những vật dụng mình có, như thức ăn, vật dụng, thuốc men v.v... sẵn sàng chia sẻ khó khăn với các vị đồng tu. Đây là hạnh thí xả của người tu tập, có công năng nhiếp phục lòng tham, giúp cho hành giả tu tập thể hiện đời sống thiểu dục tri túc thanh tịnh, mặt khác tạo nên tình thân ái hoà đồng giữa mình với người khác đồng tu.
Thứ đến là ý thức tuân thủ giới luật và khuyến khích người tôn trọng giới luật trong đời sống tập thể là điều kiện khác giúp cho cá nhân đi đến thanh tịnh và khiến cho tập thể đi đến hòa hợp. Giới luật ở đây là các điều khoảng quy định lối sống của người tu tập và các hoạt động của Tăng đoàn do Đức Phật thiết lập, có công năng phòng phi chỉ ác, giúp cho hành giả tu tập thể hiện đời sống tu tập đúng đắn không sai phạm, đồng thời khiến cho các hoạt động của Tăng đoàn được tiến triển ổn định và hài hoà. Giới của Phật chế có chức năng tạo ra môi trường sinh hoạt lành mạnh và an ổn cho các thành viên của Tăng đoàn. Các hành giả cùng nhau tuân thủ giới luật của Phật tức là cùng nhau sách tấn nổ lực thực hành và gìn giữ các nguyên tắc tạo nên sự trong sáng, thoả mái và hoà đồng trong đời sống cá nhân và đời sống tập thể.
Yếu tố thứ sáu có công năng quyết định sự thanh tịnh và hoà hợp của đời sống tập thể là tri kiến được tu tập và phát huy bởi mỗi thành viên của Tăng đoàn. Tri kiến ở đây tức trí tuệ thấy rõ tham, sân, si, dục vọng và ngũ kiến, các ác bất thiện pháp chính là nguyên nhân gây nên phiền toái khổ đau cho mình và người khác, cần phải nỗ lực dứt trừ. Tri kiến ấy nói rõ người nào thành tựu tri kiến thì không còn tham, sân, si, không còn dục vọng và ngã kiến, có đời sống thanh tịnh và từ ái, không còn tạo các chướng duyên gây phiền hà cho người khác. Người tu tập sống với tri kiến như vậy và cùng khuyến khích nhau nỗ lực hướng đến thành tựu tri kiến thì Tăng đoàn càng đi đến thanh tịnh và hoà hợp, càng tỏ rõ sức sống của một tập thể có kiến giải hoà đồng có tinh thần tu tập, có nổ lực hướng thượng, có cứu cánh giải thoát, có đời sống an lạc.
Như vậy, lời Phật dạy cho thấy ý thức tu học của người tu tập thể hiện trong đời sống tập thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên một Tăng đoàn thanh tịnh và hoà hợp. Người tu tập mà chuyên tâm thực hành Bát chánh đạo khiến cho giới đức, tâm đức, tuệ đức đi đến thanh tịnh thì Tăng đoàn trở nên thanh tịnh và hoà hợp. Nói cách khác, người tu tập càng nỗ lực uốn nắn bản thân mình, nhiếp phục dục vọng và ngã tưởng, buông bỏ các tập khí tham, sân, si, thì càng tỏ rõ một đời sống thanh tịnh, dễ dàng hoà hợp với mọi thành viên khác của Tăng đoàn trong đời sống thực hành ý tưởng giải thoát.
Trong một văn cảnh khác, nói rằng một Tỳ kheo sống trong Tăng chúng, mong được các Tỳ kheo khác tin tưởng, thương mến và giảng dạy thì vị ấy cần phải tập uốn nắn bản thân thoát khỏi các cấu uế và các biểu hiện tiêu cực như ác dục, khen mình chê người, phẫn nộ, hiềm hận, cố chấp, nói lời phẫn nộ, hư nguỵ não hại, tật đố và gian tham, gian trá và lừa gạt, ngoan cố và ngã mạn, chống báng và né tránh các cáo buộc trong những trường hợp vi phạm học giới, chấp trước thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả.
Người tu tập mà thường xuyên tỉnh giác và tự nhắc nhỡ mình, về các phương pháp uốn nắn bản thân, sao cho xứng đáng là Thích tử có nếp sống trong sáng và hiền thiện, giữa Tăng chúng thì quyết chắc hướng đi giải thoát thanh tịnh, không còn lo chư Tăng không hoan hỷ và hoà hợp.  Nếp sống lục hoà được nỗ lực thực hiện bởi những con người hiểu biết, chuyên trì uốn nắn để thành tựu thân thanh tịnh, tâm thanh tịnh, ý thanh tịnh để có được giới thanh tịnh và tuệ thanh tịnh. Đoạn tận các lậu hoặc, đạt đến tâm giải thoát bất động, hoàn toàn đồng đẳng, không còn khác biệt nào về mặt nào về mặt giải thoát, hoà hợp với nhau như nước với sữa. Có lòng tôn trọng nhau, thương mến và hỗ trợ cho nhau trong đời sống tu tập hằng ngày. Nổ lực nhiếp phục tham, sân, si  khiến cho tâm mình không rơi vào cấu uế, đoạn tận các lậu hoặc, dứt trừ tham, sân, si, khiến cho tâm đạt đến giải thoát bất động.
Tâm đạt đến giải thoát đoạn tận các lậu hoặc, dứt sạch tham, sân, si, hoàn thanh tịnh, vắng bặt mọi ý niệm phân biệt, không có ta và người, không tốt xấu, không thêm bớt, thanh tịnh và hoà hợp thành tựu giải thoát hướng đến Niết Bàn../.
{]{

HOÀ HỢP Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét