Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

THUYẾT PHÁP NHƯ THẾ NÀO ĐỂ CÓ LỢI ÍCH


THUYẾT PHÁP NHƯ THẾ NÀO ĐỂ
 CÓ LỢI ÍCH

Đức Phật khuyên bảo các Tỳ kheo rằng: “Này các Tỳ kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỳ kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh”.
Trách nhiệm của người xuất gia có bổn phận học hỏi tu tập, chứng nghiệm đầy đủ giáo pháp giác ngộ của Phật và có trách nhiệm truyền bá rộng rãi giáo lý giải thoát của Phật, vì lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho chúng sanh.
Nói cách khác, người xuất gia có bổn phận thực thi lối sống xa lìa ác pháp, thực hành thiện pháp và có trách nhiệm khuyến khích người khác xa lìa ác pháp, thực hành thiện pháp, thể hiện nếp sống tự giác và giác tha, làm lợi cho cuộc đời.
Vị ấy có lối sống như thế nào?
Tự mình từ bỏ sát sanh, khuyến khích người khác từ bỏ sát sanh; Tự mình từ bỏ lấy của không cho, khuyến khích người khác từ bỏ lấy của không cho;Tự mình từ bỏ tà hạnh, khuyến khích người khác từ bỏ tà hạnh; Tự mình từ bỏ nói dối, khuyến khích người khác từ bỏ nói dối; Tự mình từ bỏ tham, sân, si, khuyến khích người khác từ bỏ tham, sân, si; Tự mình có chánh kiến khuyến khích người khác có chánh kiến v.v...
Ở đây, nầy các Tỳ kheo, tự mình đầy đủ giới hạnh, khuyến khích người khác đầy đủ giới hạnh; Tự mình đầy đủ thiền định, khuyến khích người khác đầy đủ thiền định, Tự mình đầy đủ trí tuệ, khuyến khích người khác đầy đủ trí tuệ; Tự mình đầy đủ giải thoát, khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát; Tự mình đầy đủ giải thoát tri kiến, khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát tri kiến. Đầy đủ các pháp này đem lại hạnh phúc cho mình và đem lại hạnh phúc cho mọi người.
Nói chung, làm cho người khác tin tưởng và chấp trì pháp giải thoát của Phật là trách nhiệm cao quý mà người xuất gia cần phải nổ lực thực hiện ở trong cuộc đời. Điều này cũng có nghĩa là người xuất gia cần thực hiện tốt phận sự tu học của mình để có đủ uy đức và kinh nghiệm hướng dẫn cho người khác hành trì con đường giác ngộ của đức Phật, với kinh nghiệm của mình người xuất gia có nhiều thuận duyên trong việc khuyến khích người khác học tập và thực hành pháp giác ngộ của Phật.
Trước hết người xuất gia có điều kiện thường xuyên học tập lời Phật dạy, có nhân duyên hành sâu lời Phật dạy. Nhờ có thường xuyên học tập hành sâu lời Phật dạy, người xuất gia có cơ duyên nắm bắt đầy đủ giáo pháp của bậc Đạo sư, hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích của từng pháp môn do bậc Giác ngộ giảng dạy. Với uy tín của người học sâu và hành sâu pháp giải thoát của Phật, người xuất gia có đủ điều kiện để thuyết giảng chánh pháp, được chờ đợi thể hiện tiếng nói tốt đẹp của tâm giải thoát, tuệ giải thoát ở giữa cuộc đời.
Vậy người xuất gia nên thuyết pháp như thế nào? Phật dạy: Người xuất gia chuyên cân nhắc về năm cách nói, năm loại ngôn ngữ này mà các người có thể dùng khi nói với người khác. Đúng thời hay phi thời; chơn thực hay không chơn thực, nhu nhuyễn hay thô bạo, có lợi ích hay không lợi ích, với từ tâm hay sân tâm.
Nói cách khác, đức Phật khuyên các Tỳ kheo cần phải biết thuyết pháp đúng thời, với lời nói chân thật, tao nhã, có lợi ích có từ tâm. Nói một cách khác là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thuyết giảng Phật pháp là làm sao khiến cho người khác nhận ra mục đích của lời Phật dạy, nghĩa là nhận ra đâu là ác để từ bỏ, đâu là thiện để theo đuổi, hiểu rõ đâu là khổ để nhàm chán, đâu là diệt khổ để thực hành, mà không phải nói cho nhiều, cho hay, nói cho người khác vui lòng.
Thái độ thuyết giảng phật pháp phải thận trọng cân nhắc, trọng tâm của việc thuyết giảng nằm ở chỗ lời thuyết giảng phải tương ưng với mục đích, nghĩa là phải nói thẳng, nói thật lời Phật dạy về khổ và diệt khổ để cho người khác thấy ra con đường giải thoát và biết cách bước đi trên con đường ấy, chứ không phải nói những gì quần chúng thích nghe hay không thích nghe.
  Kinh Pháp cú có bài kệ như sau:
            Dầu nói ngàn lời  
            Nhưng không lợi ích,
            Tốt hơn một câu nghĩa
            Nghe xong được tịnh lạc
Một câu có nghĩa là chỉ cho lời dạy của Phật, dù Ngài nói cho ai và lúc nào, dù nói ngắn gọn hay giải thích rộng rãi, cũng không ra ngoài mục đích “nêu lên sự khổ và sự diệt khổ”làm sáng lên con đường giải thoát. Nói cách khác, Tỳ kheo thuyết pháp cần phải tập trung làm sáng tỏ pháp giải thoát của Phật, phải tập cho người khác biết lắng nghe lời chân thật của phật, không nên vì sở thích nhất thời của quần chúng mà nói ra ngoài lời của Phật dạy.
Kinh Tương Ưng bộ ghi lời Phật định nghĩa thế nào là Tỳ kheo thuyết pháp không thanh tịnh và thế nào thuyết pháp thanh tịnh.  Này các Tỳ kheo, Tỳ kheo nào với tâm như thế này, thuyết pháp cho các người khác nghe: “ôi , mong họ được nghe pháp ta giảng, và sau khi nghe giảng mong họ được hoan hỷ, được hoan hỷ, mong họ làm cho ta hoan hỷ. Này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo như vậy thuyết pháp không thanh tịnh”.
Này các Tỳ kheo, thế nào là không có tán thán, và không có chỉ trích? nhưng có thuyết pháp. Vị ấy không nói như sau: “những ai tìm thấy lạc liên hệ với dục, nhưng đam mê loại hỷ hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng đáng bậc thánh, không liên hệ với mục đích, tất cả những vị ấy có khổ đau, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não thuộc về tà đạo”, vị ấy chỉ thuyết pháp và nói như sau “sự đam mê là một pháp có đau khổ, có phiền lao, có nhiệt não, có ưu não, thuộc về tà đạo, vị ấy không nói”. Những ai tìm thấy lạc liên hệ với dục, nhưng không đam mê loại hỷ hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng đáng bậc thánh, tất cả những vị ấy, không có đau khổ, không có nhiệt não, không có ưu não, thuộc chánh đạo. Vị ấy chỉ thuyết pháp và nói như sau: “không đam mê là một pháp không có đau khổ, không có phiền lao, không có nhiệt não, không có ưu não thuộc chánh đạo”. Như vậy, này các Tỳ kheo, là không tán thán, không chỉ trích, nhưng chỉ thuyết pháp. Sở dĩ Thế Tôn khuyên các Tỳ kheo, chỉ nên thuyết pháp, tập trung nói lên sự hiểu biết về khổ và diệt khổ, không nên đụng chạm đến người khác, vì theo tuệ giác của Ngài thì việc tán thán và chỉ trích nhưng không thuyết pháp chính là việc đưa đến tranh chấp, có đau khổ, có nhiệt não, có ưu não, thuộc tà đạo. Còn việc không tán thán, không chỉ trích, chỉ có thuyết pháp, thì không đưa đến  tranh chấp, không có khổ đau, không có phiền lao, không có ưu não, thuộc chánh đạo.
Trong sự nghiệp 45 năm thuyết pháp độ sanh, đức phật nổi tiếng là bậc Đạo sư có cách nói nhẹ nhàng, từ tốn nhưng có sức thuyết phục rất lớn đối với đại đa số quần chúng đương thời, kể cả những người từng chống đối Ngài.  Trong kinh thường dẫn câu nói: “Thế Tôn với pháp thoại, khích lệ làm cho thích thú, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, các vị này sau khi  nghe Thế Tôn thuyết giảng họ đã thích thú, phấn khởi, hoan hỷ, tin theo lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Thế Tôn, rồi quay về bên hữu mà lui ra”. Có những vị Sát đế lỵ, Bà la môn, gia chủ và các Sa môn, bác học, tế sư, nghị luận biện tài, thỉnh thoảng đến thăm Đức Phật với động cơ không thân thiện, họ chất vấn, họ bác bỏ những lời Phật nói, nhưng với những pháp thoại, khích lệ làm cho đối phương phấn khởi, làm cho hoan hỷ, họ không còn chất vấn, trái lại họ trở thành đệ tử của đức Thế Tôn.
Đức Phật có đủ trí tuệ và từ bi để khích lệ và khuyến hóa nhiều người khác đi theo con đường giác ngộ của Ngài, Ngài thuyết phục người khác bằng chính nếp sống thanh tịnh và lời nói chân thật của một đấng giác ngộ. Ngài khuyên các Tỳ kheo chuyên tâm học hỏi tu tập và thực chứng đạo giáo của Ngài để tiếp tục thay Ngài thực hiện sứ mạng thuyết pháp độ sanh, làm lợi lạc cho đời. Bậc giác ngộ không mong các học trò mình trở thành những chuyên gia hay thuyết trình viên về đạo giác ngộ của Ngài, Ngài mong các đệ tử của ngài trở thành các hành giả giác ngộ, thể hiện nếp sống, giới đức, tâm đức, tuệ đức giữa cuộc đời và khi có duyên thì từ tốn nói lại lối sống cao đẹp ấy cho người khác ./.
             ( Trích Tỳ kheo phải biết xông khói: Nhật Tri- VHPG số 325- 15-7-2019 )
--T--

THUYẾT PHÁP NHƯ THẾ NÀO ĐỂ CÓ LỢI ÍCH Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét