Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

NGUỒN GỐC TÍN NIỆM CÚNG SAO GIẢI HẠN


NGUỒN GỐC TÍN NIỆM CÚNG SAO GIẢI HẠN

   Chờ đợi các vì sao
  Kẻ ngu hòng điều lành
  Điều lành chiếu điều lành
  Sao trời làm gì được
  Đức Phật đã chỉ rõ các loài hữu tình là chủ nhân của Nghiệp là thừa tự của Nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghiệp là có liệt có ưu. Nghiệp có thể thay đổi, con người hoàn toàn có thể làm chủ vận mạng của mình, thông qua những nổ lực chuyển hoá bản thân mà không phải cầu xin một vị thần linh nào hay phụng cúng một vì tinh tú nào. Đó là một trong những điểm khác biệt căn bản giữa Phật giáo và các triết phái tư tưởng tôn giáo khác tại Ấn Độ nói chung và Bà la môn giáo nói riêng.
  Sự vận hành của trời đất, trăng sao được các nhà hiền triết thời ấy quan tâm sâu sắc. Có những chủ trương mặt trời mọc từ Đông sang Tây, kẻ khác thì chủ trương từ Tây sang Đông. Có người chủ trương mặt trăng và các vì sao chuyển động từ Đông sang Tây, kẻ khác lại chủ trương từ Tây sang Đông. Không những thế, trong kinh Phật giáo thường hay ghi lại, có những vị phạm chí nắm vững ba kinh, thông đạt ngũ điển, trên thông thiên văn dưới tường địa lý. Với Bà la môn giáo nói chung thì kiến thức về thiên văn và những lễ nghi tế tự trăng sao, là một trong những yêu cầu quan trọng, để hình thành nên phẩm chất căn bản của một vị Ba la môn.
TÍN NIỆM THỜ CÚNG TRĂNG SAO TRONG TRUYỀN THỐNG ẤN ĐỘ.
Trong cách hiểu xưa nay, khi bàn về thờ tự trăng sao, cụ thể là tín niệm cúng sao giải hạn, phần lớn đều cho rằng, đó là một tín niệm có nguồn gốc từ Trung Hoa. Tuy nhiên theo các nghiên cứu của các học giả, thì tục phụng cúng trăng sao cũng như quan điểm về chín vì sao ( cửu diệu ) vốn có mặt  từ lâu trong triết học về thiên văn và lịch pháp của Bà la môn giáo. Tư liệu lịch sử cho thấy, Bà la môn giáo vốn là một tôn giáo đa thần. Trăng sao đối với Ba la môn là những vị thần có năng lực đặc biệt. Trong vô vàn những vì tinh tú, trăng sao, thì niềm tin vào chín vì sao, Phạm ngữ gọi là Navagraha, Trung Hoa dịch là cửu diệu, là một tín niệm có lịch sử hình thành rất sớm, có cơ sở lý luận rõ ràng và hiện còn tiếp tục duy trì tại một số khu vực ở Ấn Độ. Theo Phạn ngữ Nava nghĩa là số 9 Graha có nghĩa là chi phối, nắm giữ, ảnh hưởng. Từ điển Phạn ngữ đã đưa ra ví dụ về sao La hầu (Rahu) và nhân đó giải thích. Một vì sao có thể ảnh hưởng đến số phận của con người bằng năng lực thần bí siêu nhiên.
 Tên tuổi của 9 vì sao này gồm: Aditya ( Surya-1-Nhật diệu ), Soma (Chandra – 2-Nguyên diệu ) Amgaraka ( Mangala-3- Hỏa diệu), Budha (4- Thuỷ diệu ),  Vrhaspati (Brhaspati – 5-Mộc diệu, Sukra ( Shuka- 6-Kim diệu ) Sanaicara ( Shani- 7-Thổ diệu ),  Ra hu (8- la hầu ) ketu (9- kế đô ). Tín niệm về chín vì sao này khá phổ biến trong xã hội Ấn Độ cổ đại.
Hiện nay, tín niệm thờ tự chín vì sao đặc biệt này còn được trân trọng phụng thờ tại bang Tamil Nadu ở Ấn Độ, thậm chí trong năm 2014, tổng công ty Phát triển du lịch Tamil Nadu  còn thiết kế một tuor du lịch 4 đêm 3 ngày dành cho du khách có nhu cầu chiêm bái 9 ngôi đền thờ nổi tiếng này.
Như vậy, tín niệm thờ trăng sao thực sự có nguồn gốc từ Ấn giáo, trong quá trình thăng trầm và phát triển của phật giáo, tín niệm thờ tự 9 vì sao của Ấn giáo đã từng bước du nhập định hình khá cụ thể và chi tiết trong kinh văn Hán tạng, cụ thể là trong Đại tạng kinh Đại chính tân tu. Trong quá trình phát triển của Phật giáo đã có những tín niệm của Bà la môn và tín niệm của nhân gian pha trộn lẫn và hình thức, lễ nghi, thậm chí ảnh hưởng cả về mặt tư tưởng của Phật giáo. Ngài Ấn Thuận ( 1906-2005 )  đã chứng minh nguồn gốc cụ thể về những trường hợp này và đã có những phân biện khá cứng rắn ở đây, việc chia ra những tín niệm không phải bản chất của Phật giáo cũng là một khát vọng chính đáng của đệ tử Phật, nhằm góp phần gìn giữ sự thuần nhất của Phật giáo. Do vậy, việc điểm qua những bản kinh mang hơi thở thờ phụng thượng đế, trăng sao như hình thức cúng sao giải hạn có mặt trong Đại Tạng Kinh, Đại Chính Tân Tu cũng là một trong những phương cách góp phần vào xu hướng đó.
Là một tôn giáo chủ trương phủ định một cái Ngã thường hằng, xác tín mọi cá nhân đều bình đẳng trước hành nghiệp của mình như Phật giáo, thì triết lý về sự chi phối của thượng đề, của trăng sao, không phù hợp với tôn chỉ căn bản. Có một số kinh thuộc Mật giáo, không những mang nội dung không đúng với tôn chỉ của Phật giáo mà còn cổ xuý cho tín niệm của tôn giáo khác, thì cần phải có một phương thức ứng xử cho phù hợp ./.
{]{

NGUỒN GỐC TÍN NIỆM CÚNG SAO GIẢI HẠN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét