Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

HÓA GIẢI HOÀI NGHI VỀ VIỆC XUẤT GIA TU HỌC


HÓA GIẢI HOÀI NGHI VỀ VIỆC XUẤT GIA TU HỌC

 Trong đời sống thế tục này không có gì là hoàn hảo, nên gọi là thế gian. Năm 2019  phật giáo Việt Nam có rất nhiều sự kiện thành công, như hoàn thành ngôi chùa Tam Chúc ở Hà Nam, kế đến tổ chức lễ Phật Đản Vesak thành công. Tạo một dấu ấn trong giai đoạn phát triển của Phật giáo ở giai đoạn hội nhập quốc tế, đồng thời kết nối sự hiểu bết của bạn bè năm châu trên thế giới biết được Phật giáo Việt Nam, con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam và  đất nước Việt Nam. Trong sự thành công đó không sao tránh khỏi sự chê bai phỉ báng của một số người không đồng tình với Phật giáo về chùa chiền và nếp sống tu học của người xuất gia.  Đã xảy ra hai cuộc tranh luận trên mạng xã hội, làm cho một số người đang tin hụt hẫn về niềm tin của mình, một số người muốn tin không dám đến với đạo Phật.
     Về chùa chiền to lớn và rộng rãi, không phải bây giờ mà trong thời Phật tại thế có rất nhiều ngôi chùa to lớn do vua chúa hiến cúng, như vua Tần Bà Ta La, trưởng giả Cấp Cô Độc v.v.., để dung nạp mấy ngàn người tu học. Sang các nước như Trung Hoa, Thái Lan v.v. các vua quan, các đại gia cư sĩ phát tâm xây chùa,  Việt Nam các thời vua Đinh, Lê, Lý Trần cũng từng ủng hộ Phật giáo xây chùa, tạc tượng, đúc chuông. Như vậy việc xây chùa to phật lớn không có gì lạ, mục đích là để giáo dục con người đi vào con đường bỏ ác làm lành, góp phần xây dựng một xã hội công bằngvăn minh có hạnh phúc cả vật chất lẫn tinh thần.
  Về việc người xuất gia tu học, người đời họ không hiểu lý tưởng và mục đích của người xuất gia tu học, nên họ gán cho những người xuất gia ở chùa là những thành phần tiêu cực như: thất tình, thất nghiệp, đói nghèo, chán đời trốn nợ v.v… vào chùa nương nhờ miếng cơm manh áo để sống. Nhưng họ không biết được sống với môi trường ở chùa, không phải là việc ngẫu nhiên mà được. Trong kinh luận có nói: “Mạc vị xuất gia dung dị đắc, giai do lịch kiếp chủng Bồ đề”, nghĩa là “chớ bảo việc xuất gia là việc dễ, đều do có hạt giống Bồ đề sẳn từ nhiều kiếp nên nay mới được xuất gia”. Hay câu “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân bạc tế tam hữu ”. Nghĩa là, phàm người xuất gia là hướng đến phương trời cao rộng, tâm hình khác tục, nối tiếp dòng thánh, trên đền bốn ân dưới cứu giúp ba cõi. Vì thế  bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia không phải nhỏ và không phải dễ như nhiều người lầm tưởng.
   Và sau đây là một bài viết của một tác giả cho nhưng hoài nghi và những ác ý của những người chê bai và phỉ báng đạo Phật như sau:
Này bạn!
 Xin bạn đừng buồn vì những dư luận xảy ra dạo gần đây. Đạo Phật mình vẫn đẹp. Người tu sĩ mình vẫn đẹp lắm, nhất là giữa cuộc sống hối hả hiện nay. Khi xưa Phật cũng đã từng bị vu oan hạ nhục đấy thôi. Đạo Phật đã trải qua 2.600 năm lịch sử, thời đại nào mà chẳng có những biến động thử thách.
 Suy cho cùng dù nói gì đi nữa, chúng ta cũng không thể phủ nhận giá trị thiết thực của đạo Phật đối với con người và xã hội, nhất là trong thời đại giá trị đạo đức con người đang dần đi xuống.
   Đạo Phật đã và đang chung tay cùng xã hội để giáo dục một thế hệ trẻ có lối sống lành mạnh, đạo đức qua những khoá tu mùa hè trên khắp cả nước thu hút hàng ngàn thanh thiếu niên tham gia. Chúng ta không thể phủ nhận đạo Phật đã và đang chung tay làm đẹp cuộc đời bằng nếp sống từ bi và trí tuệ. Tôi thích nhất lời của Phật dạy rằng: “Đạo Phật thiết thực, hiện đại, được người trí chứng biết, đến để mà thấy chứ không phải để tin suông”
Tôi được biết Huynh A là con của một nhà giàu, đẹp trai, học giỏi trốn đi tu, Huynh B xuất thân một nhà nghèo từng bán vé số đổi gạo nấu cơm, nhưng không thấy sự khác biệt nào trong nhân cách giữa hai người, huynh nào cũng toả ra một năng lượng an lạc, nhẹ nhàng, huynh nào cũng hướng đến lý tưởng tự độ và độ tha. Như vậy, chẳng phải đạo Phật đã làm nên  một giá trị tuyệt vời hay sao? Nếu ai đó có hoài nghi thì hãy cạo tóc xuất gia ăn chay khổ luyện chừng ba năm sẽ thấy được giá trị của đạo phật thôi. Ngày xưa chàng gánh phân Na Đề, tên tướng cướp khắc tiếng Angulimala hay xuất thân từ dòng dõi Bà la môn cao quý như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên… Khi xuất gia vào trong Tăng đoàn của Phật đều chứng thánh quả A La Hán như nhau. Thế thì nguồn gốc xuất thân đâu có mảy may ảnh hưởng gì đến sự tu tập mà chúng ta phải nhọc lòng bàn cãi?
 Hỡi các bạn trẻ!  Cùng trong lứa của chúng tôi đang sống trong đời sống gia đình, các bạn nghĩ gì về chúng tôi, những người tu bỏ gia đình để sống đời không gia đình?  Nếu bạn là người trí thức, có sự nhìn nhận và sẽ càng trân trọng người tu sĩ biết bao. Trong xã hội phát triển về mọi mặt như ngày nay, nhu cầu hưởng thụ của con người càng cao thì bạn nhìn lại mà xem. Khi các bạn chưng diện cho mình những bộ cách đắt tiền thì người tu sĩ vẫn bộ đồ lam giản dị, khi các bạn có sơn hào hải vị, hội họp thường xuyên, thì người tu sĩ vẫn rau dưa đạm bạc, sống chay lạc qua ngày, khi các bạn có những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, picnic, Karaoke, vũ trường …thì người tu sĩ vẫn lặng lẽ âm thầm đều đặn kệ kinh sớm chiều, khi các bạn có những ngày ngủ tới mặt trời lên đến đỉnh, thì người tu sĩ vẫn đúng 3-4 giờ dậy công phu. Trong khi bạn yêu sống chết duy nhất một người, thì người tu sĩ lại đem tình yêu của mình ban trải đến mọi loài xung quanh.
Chúng ta không tránh khỏi những trường hợp sư giả len lỏi đâu đó trên những ngã đường để kiếm tiền bằng cách này hay cách khác. Cũng dễ hiểu thôi, vì khi người ta muốn làm hàng giả, hàng nhái thì người ta phải chọn loại mặt hàng có giá trị và được người tiêu dùng ưa chuộng. Chúng ta cũng không tránh khỏi những trường hợp người tu sĩ không đẹp như những gì ta thần thánh hoá, cũng dễ thôi, vì người tu sĩ đang trên bước đường tu tập, đang chuyển từ phàm qua thánh, phạm phải những lỗi lầm sai sót là điều khó tránh, cái quan trọng là biết sai thì sửa lại cho đúng, và càng quan trọng hơn nữa là ở cách chỉ lỗi của chúng ta. Đức Phật dạy một người khi muốn chỉ lỗi người khác phải đủ năm đức tính:
1/  Không vì lòng sân hận – 2/  Không vì đố kỵ, 3/ Không phải để hạ uy tín vị ấy, 4/ Có tâm từ bi, 5/ chỉ với mục đích giúp vị ấy sửa lỗi để hoàn thiện bản thân.
  Chúng ta hãy xét lại xem mình được mấy đức tính trong số đó không? Đôi khi những lời nhận xét vô tội vạ, vô tình đẩy họ vào bước đường cùng, vì thế tôi mong bạn hãy suy xét cẩn thận từng lời nói.
  Hơn nữa chúng ta không nên vì những học trò lưu ban mà chỉ trích cho rằng nền giáo dục là vô ích, phỉ báng thầy giáo là những kẻ lừa bịp, thiếu tư cách rồi cho con em mình nghỉ học, cam chịu số phận mù chữ. Đó chẳng phải là hành động của người có trí.
  Ngày ấy khi tôi mới phát tâm xuất gia, mọi người nói tôi thất tình nên đi tu, và khuyên tôi rằng “không có đứa này thì kiếm đứa khác, tội gì phải chôn vùi tuổi xuân của mình trong chốn chùa chiền hiu quạnh vậy con?”. Tôi mỉm cười vì biết câu chuyện tình Lan và Điệp đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi con người Việt, từ đó vô tình mặc định đi tu là do thất tình.
   Ba tôi thì phán một câu chắc nịch: “mày muốn đi tu thì bước qua xác tao đã”. Còn mẹ tôi thì ngồi bệt ra đất mà khóc, mà giãy đạp như đứa con nít lên ba.  Bà con xóm làng cũng có người nói thẳng: “đồ bất hiếu, cha mẹ nuôi ăn học cỡ đó, sao không lo nuôi dưỡng báo đáp mà lại bỏ đi tu? ”
Tôi cũng không biết mình đã vượt qua thử thách dư luận ấy như thế nào, chỉ biết rằng lúc ấy trong tôi tràn đầy lý tưởng nhiệt huyết, chỉ một lòng mong muốn được xuất gia.
 Như bạn biết đó !
 Cuộc đời tu là cả hành trình dài chiến đấu với tham,sân, si của mình. Đâu phải dễ dàng để từ bỏ những thói quen thế tục, những suy nghĩ phàm trần đã huân tập trong tâm mình từ bao đời kiếp, cũng có những giây phút bất giác yếu lòng thả hồn theo những thú vui bên đường nhưng nhờ lý tưởng, nhờ sơ tâm ban đầu, nhờ sự nhắc nhở của chánh pháp và sự bảo hộ của giới luật, tôi kịp thời dừng lại và tiếp tục cuộc hành trình tiến về nẻo giác.
   Rất nhiều người hỏi tôi đi tu có khó không? Tôi trả lời khó chứ, người tu đi ngược dòng đời, khó vô vàn. Sư phụ tôi dạy,: ““một khúc gỗ muốn tạc thành tượng phật để người ta tôn thờ, thì trước đó phải là một khúc gỗ tốt, không sâu mọt. Rồi khúc gỗ ấy phải chịu để người ta cưa xẻ, đục đẽo. Mọi thứ đều cẩn thận chi li, từng đường nét, nếu không chỉ cần lỡ tay làm sức cái mũi thôi thì pho tượng ấy cũng phải bỏ đi.
      Người tu sĩ phải trải qua những khổ luyện tương tự như thế đấy bạn ạ!  chứ không phải đơn giản là những kẻ hôm trước người ta kêu bằng “thằng” hôm sau cạo tóc một cái, người ta kêu gọi bằng “thầy”, rồi lạy lục và dâng cúng.
 Bạn ơi, cơn lốc xoáy nào rồi cũng đi qua, tất cả mọi thứ rồi cũng lùi vào dĩ vãng. Tôi chỉ biết rằng tôi và bạn đang rất hạnh phúc, một hạnh phúc không gì đánh đổi được giữa cuộc đời vô thường sanh diệt. Hãy hứa với tôi, chúng ta mãi mãi là pháp lữ,2 mãi mãi mạnh mẽ bước những bước chân thật vững chãi trên con đường mình đã chọn, dù sao đi nữa tôi vẫn thấy mình thật hạnh phúc vì được làm con của Phật, làm tu sĩ bạn ạ./.
                                                       TSNTS  ( ghi lại – 10/11-2019 )
--T--

HÓA GIẢI HOÀI NGHI VỀ VIỆC XUẤT GIA TU HỌC Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét