Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

THẢM HẠI CỦA SỰ SÂN HẬN


THẢM HẠI CỦA SỰ SÂN HẬN

Tự ngã và sự cố chấp vào tự ngã là một trong những nguyên nhân dẫn đến khổ đau tang thương và mất mát. Khi tự ngã được đề cao thì con người thoả mãn, hạnh phúc, nhưng một khi tự ngã bị xúc phạm thì sự bực bội và thậm chí thù hận sẽ khởi sanh. Tuỳ theo sự luyến ái và cố chấp vào tự ngã, tuỳ theo tính chất, quy mô của sự xúc phạm mà mức độ phiền não hoặc hận thù được kéo theo tương ứng.
Trong lịch sử nhân loại, đã có nhiều cuộc chiến đẫm máu mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc làm tổn thương và huỷ nhục tự ngã tha nhân. Thời Đức Phật còn tại thế, Vương tử Tỳ Lưu Ly là một trường hợp điển hình như vậy.  Tỳ Lưu Ly đã bị sỉ nhục về nguồn gốc xuất thân, ôm ấp vết thương đó bằng lòng hận thù cao độ, được tưới tẩm bởi sự xúc xiểm ngoa mị của bề tôi bất chính. Tỳ Lưu Ly đã thảm sát gần như hoàn toàn  vương tộc Thích Ca, với mức độ tàn khốc từ cuộc thảm sát này, theo ngôn ngữ tư pháp ngày nay xem tương đương như tội diệt chủng.
   Vương tộc Thích Ca ở Ca Tỳ La vệ có hoàng thân Mahanama là người kế nghiệp vương quốc Ca Tỳ la vệ ( Kapilavatthu ), sau khi  vua Suddahodana quá vãng. Thân vương Mahanama trước đây đã lấy tỳ nữ Nagamunda và  sanh ra một con gái tên là Vasabha khattiya. Vua Pasenadi ( Ba Tư Nặc ) trị vì vương quốc Kosala ( Kiều Tất la ) ngỏ ý cầu hôn một người con gái của vương tộc Thích Ca ( Sakya ) xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, nên vương tộc Thích Ca đã gả nàng Vasabha Khattiya, một người con gái có mẹ ở giai cấp thấp cho quốc vương Pasenadi ( Ba Tư Nặc ). Tỳ Lưu Ly là đứa con được sanh ra từ cuộc hôn nhân không rõ ràng về danh phận. Nói cách khác, Tỳ Lưu ly là con của vua Ba Tư Nặc ( Pasenadi ) và nàng Vasabha khattiya.
   Tuy có mẹ xuất thân từ giai cấp thấp, nhưng do được giáo dưỡng trong môi trường quyền quý và tình yêu thương của vua cha Pasenadi, nên Tỳ Lưu Ly từng bước trở thành một người mộ Phật và là một tướng quân uy dũng. Tỳ Lưu Ly sống trong tình yêu thương và truyền thống mộ Phật của cha mẹ, Tỳ Lưu Ly cũng ảnh hưởng phần nào từ môi trường giáo dục này. Tỳ Lưu Ly cũng đam mê học Phật, các nguồn tư liệu chứng mình rằng, từ nhỏ đến lúc trưởng thành làm một vị tướng quân, Tỳ Lưu Ly vẫn còn là một vương tử hiền lành và là một người ủng hộ cũng đam mê học hỏi Phật pháp. Vậy nguyên nhân nào khiến cho vương tử Tỳ Lưu Ly trở thành một kẻ phiến nghịch với tôn thân?
Đã có lần vua Pasenadi biết được  nguồn gốc thấp kém của vợ mình, là nàng Vasabha khattiya nên đã phế truất tước vị cả mẹ lẫn con, bắt cả hai mẹ con phải sống trong nội cung và không được tự do đi lại.  Đức Phật biết được chuyện, Ngài đã khuyên vua Pasenadi.
 -Thưa Đại vương, nàng Vasabha khattiya là con gái của ai?
- Bạch Thế Tôn, của Mahanama
-Khi nàng đến , nàng là vợ của ai?
- Bạch Thế tôn, của tôi
-Thưa Đại vương, nàng là con của vua, nàng đến làm vợ vua, nàng sanh đứa con trai cho vua. Đứa con trai ấy, do lý do gì không làm chủ vương quốc thuộc sở hữu của người cha?
  Từ lời khuyên này, vua Pasenadi đã khôi phục nhân thân và địa vị của Tỳ Lưu Ly.  Đây là dấu ấn thứ nhất ảnh hưởng tiêu cực đến tâm tư của vương tử Tỳ Lưu Ly khi còn thơ ấu.
  Không những vậy, trong một lần về thăm quê ngoại, vương tử Tỳ Lưu Ly đã đi vào một nơi thâm nghiêm của hoàng gia, vô ý ngồi trên một bảo toà nằm ở vị trí trung tâm của toà nhà. Các người trong hoàng tộc Thích Ca biết chuyện này, nên đã trách mắng Tỳ Lưu Ly thậm tệ, và sau đó họ tẩy rửa căn nhà cũng như chỗ ngồi đó bằng sữa và nước. Theo vương tộc Thích Ca, căn nhà này và chỗ ngồi đó đã bị một đứa trẻ có nguồn gốc nô tỳ làm cho dơ bẩn, nên phải làm lễ thanh tẩy. Các kinh luận đã ghi nhận và lý giải về trường hợp này. Đây là tác động thứ hai làm cho hạt giống hận thù trong vương tử Tỳ Lưu Ly sôi sục dâng trào.
 Tư liệu Nikaya cho rằng, thời điểm vương tử Tỳ Lưu Ly về thăm quê ngoại  và bị sỉ nhục nặng nề vào lúc 16 tuổi, vào thời điểm ấy, vương tộc Sakya vừa hoàn thành một giảng đường lớn, giảng đường này sau đó được Đức Phật dự lễ khánh thành. Đây cũng là lúc Đức Phật đã lớn tuổi và không được khoẻ lắm.
  Tỳ Lưu Ly với một thanh niên vừa trưởng thành, sự phát triển về tâm sinh lý chưa ổn định, với việc bị nhiều người bên ngoại tộc làm nhục về nguồn gốc nhân thân, đã tạo nên một vết thương lòng lớn khó phai mờ trong tâm khảm.
Không những vậy, nổi đau nầy còn được nhân lên bởi sự xúc xiểm của Bà la môn Hảo Khổ, và sự hỗ trợ của cận thần Digha Karayana. Viên quan Digha Karayana vốn là một người cháu của đại tướng Bandhula vốn có oán thù với vua Pasenadi trước đó. Trong khi vua Pasenadi giao cho Digha Karayana tín vật của vương quyền trước khi vào nghe pháp với đức Phật tại tu viện ở thị tứ Medulampa của người Sakya, thì viên quan ấy đã đoạt lấy và sau đó trao lại cho Tỳ Lưu Ly, để vương tử chính thức nắm lấy vương quyền, dù chưa được phép của thân phụ. Đây là điều kiện thuận lợi, làm chín muồi quyết tâm phục hận của Tỳ Lưu Ly đối với vương tộc Thích Ca.
Trên đây là nguyên nhân trong đời hiện tại. Trong một liên hệ xa hơn, tức là nguyên nhân nhiều đời về trước, theo tư liệu Nikaya, thì dòng tộc Thích Ca đã ném thuốc độc xuống dòng sông hại chết nhiều loài thuỷ tộc, nên hôm nay phải chịu quả diệt vong. Lại có tư liệu khác nói rằng, trong nhiều kiếp trước, Tỳ Lưu Ly làm thân  cá , có tên là Câu Toả dòng tộc Thích Ca đã ăn loại cá đó, nên hôm nay phải gánh lấy tai ương. Một tư liệu khác nói rằng, trong một tiền kiếp xa xưa vương tử Tỳ Lưu Ly làm thân một con cá lớn trong một ao đầm, vương tộc Thích Ca đã vây bắt cá lớn cá nhỏ  trong đầm ăn, nên bây giờ trả quả báo sát hại cả dòng tộc.
Trong các nguyên nhân nêu trên, thì nguyên nhân bị huỷ nhục về nguồn gốc nhân thân, bị xúc phạm nặng nề về đẳng cấp thân tộc mang tính thuyết phục hơn cả. Vì lẽ điều đó phù hợp với quan điểm phân biệt đẳng cấp, đã ăn sâu trong tim và trong tâm của người dân Ấn, từ thuở xa xưa cho đến ngày hôm nay.
  Diễn biến và hệ quả của cuộc thảm sát:
  Sau khi cận thần Digha Karayana trao cho biểu tượng vương quyền. Tỳ Lưu Ly lên ngôi vua và bắt đầu thực hiện dã tâm của mình. Nhớ lại mối hận năm xưa. Tỳ Lưu Ly quyết tâm kéo binh về làm cỏ kinh thành Kapilavatthu.
   Trước sự kiện này, theo tư liệu Nikaya, Đức Phật đã ba lần can ngăn Tỳ Lưu Ly bằng cách ngồi dưới một cội cây bên con đường chính của cuộc hành quân chinh phạt. Điều đặc biệt kỳ thú trong sự kiện này là cội cây Ngài đang ngồi tuy thuộc đất của vương thành Kapilavatthu nhưng bị khô trụi lá, trong khi đó có rất nhiều bóng cây râm mát, nhưng thuộc phần đất của Tỳ Lưu Ly. Khi kéo quân sang, thấy Đức Phật ngồi dưới gốc cây trụi lá, Tỳ Lưu Ly kinh ngạc, nên dừng ngựa vấn an và sau đó cầu xin Đức Phật  đừng ngồi dưới gốc cây khô trụi lá kia. Nhân đó Đức Phật đáp rằng:
Thưa Đại vương, cứ để mặc Ta, bóng của thân tộc Ta khiến cho Ta mát mẻ. Từ câu trả lời này, Tỳ Lưu Ly đã phần nào hiểu được tấm lòng của Đức Phật đối với vương tộc của mình, nên đã ban lệnh thu quân. Qua ba lần như vậy, lần thứ tư Đức Phật biết rằng nghiệp quả của vương tộc Thích Ca đã chín muồi, nên Ngài không sử dụng biện pháp hỗ trợ nào nữa. Với bao nỗi uất hận được tích tập từ thuở bé, cộng với sự xúc xiểm của những cận thần xấu ác như Digha Karayana, Tỳ Lưu Ly đã thảm sát gần như hoàn toàn dòng họ Thích Ca, xương chất thành đống, máu chảy thành sông, chỉ trừ ông ngoại Mahanama và vài người thân thuộc. Sau đó không lâu, đau khổ với những lỗi lầm do đứa cháu ngoại bất trị gây ra với vương tộc Sakya, Mahanama cũng tự trầm tuẫn tiết.
Từ cuộc thảm sát của Tỳ Lưu Ly, kinh thành Kapilavatthu chìm ngập trong tang thương với bao nổi đau trầm thống. Có những gia đình cha mẹ đều chết mất vì vương nạn Tỳ Lưu Ly, nên con cái phải bơ vơ nương tựa với người thân. Đây cũng là trường hợp về hai người cháu ngoại của Tỳ kheo Thiện Ngữ,  do vì cả cha và mẹ đều mất từ vương nạn, nên ông ngoại phải vất vả khất thực để nuôi  dưỡng chăm nom. Không những vậy, có những vị Tỳ kheo ni do vì chiến loạn của Tỳ Lưu Ly nên phải qua đêm một mình ở ngoài thành nên phạm lỗi, nhân đó Phật dạy rằng, đây là việc chẳng đặng đừng nên không có tội. Thậm chí có những người dòng họ Thích Ca do quá sợ hãi nên phải quy y ngoại đạo để giữ gìn sinh mạng của mình. Đức Phật vì họ nên nói: “các ngươi do sợ hãi nên nương theo ngoại đạo xuất gia, thọ pháp phục của họ, nay không còn lo sợ nữa, tất nên về quy y nơi Phật pháp”. Vì vậy, Đức Phật ra lệnh cho các đệ tử đặc biệt độ cho những người đó, nhân đây rất nhiều người họ Thích từ ngoại đạo trở về quy y với Phật pháp.
   Trong cuộc thảm sát vương tộc Thích Ca của Tỳ Lưu Ly  trừ một số ít còn sống sót, để rồi không lâu sau đó, đại diện vương tộc Sakya ở Kapilavatthu đã đến Kuslynagar cầu xin phần Xá lợi của Phật để phụng thờ, ngoài ra còn có bốn vị vương tử dòng họ Thích đào thoát được đến khu vực Ganadhara, lập quốc làm vua các nước nhỏ và xiển dương giáo pháp của Phật nơi xứ sở đó ./.
{]{

THẢM HẠI CỦA SỰ SÂN HẬN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét