Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

ĐƯA GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC TÔN GIÁO VÀO HỌC ĐƯỜNG


ĐƯA GIÁO DỤC  ĐẠO ĐỨC TÔN GIÁO VÀO HỌC ĐƯỜNG

   Người Việt Nam có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, với nhiều tấm gương cao đẹp để cho con cháu nhiều đời sau noi theo. Ham học là ý chí vươn lên đem tài năng phục vụ cho đất nước quê hương sau này. Đó là những phẩm chất đạo đức của tình cảm thiêng liêng giữa thầy và trò giữa bạn hữu, là nét văn hoá mang đậm chất nhân văn, cần được phát huy và gìn giữ truyền thống tốt đẹp này. Tục ngữ có câu: “không thầy đố mày làm nên”hay  “tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư”, ba người cùng đi tất có một người là thầy mình. Cho nên mối quan hệ giữa thầy và trò giữa bạn hữu là rất quan trọng cho sự nghiệp phát triển đời sống của mỗi cá nhân và xã hội. Đạo Phật cũng khẳng định rằng “Duy tuệ thị nghiệp”, trí tuệ là sự nghiệp, cho nên đạo và đời đều quan tâm giáo dục hàng đầu. Nhà nước coi sự nghiệp giáo dục là quốc sách hàng đầu, coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, giáo dục đưa đến kiến thức và trí tuệ góp phần xúc tiến phát triển kinh tế, văn hoá và chính trị xã hội.
   Đạo Phật cũng nêu cao tinh thần học hỏi, giáo luật còn là Phật pháp còn, giáo luật mất là Phật pháp mất, tức có người tu tập học hỏi giáo lý, giáo luật Phật pháp, thì phật pháp còn tồn tại, nếu không có người học hỏi giáo lý giáo luật thì phật pháp mất.
   Tuy nhiên với sự phát triển văn minh khoa học, với nền kinh tế thị trường giao lưu với nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới, khiến cho phần đông con người không còn giữ trọn vẹn nếp sống và truyền thống giáo dục ở học đường có nhiều hạn chế. Về đạo đức học đường không còn trong sáng như ngày xưa, trường là nơi cung cấp những vốn luyến kiến thức văn hoá cơ bản và còn là nơi giáo dục rèn luyện đạo đức, để giúp cho học sinh trở thành những người công dân tốt.
    Nhưng giá trị học đường ngày nay ngày càng sa sút, nên dẫn đến tình trạng học sinh bạo lực học đường, rồi đến những vụ việc gian lận trong thi cử, những việc tiêu cực xảy ra trong ngành giáo dục khiến cho học sinh mất phương hướng học tập, đưa đến nhát học, bỏ học, ăn chơi lêu lổng, làm mệt lòng cho cha mẹ. Bạo lực học đường và sự xuống cấp đạo đức ngày càng phổ biến và trở thành vấn nạn ở tất cả cấp học. Bạo lực không những học sinh với học sinh, mà còn giáo viên với học sinh. Điều này gây hoang mang dự luận mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về lối sống đạo đức nhân cách của giới tuổi trẻ ngày nay.
    Để thấy rằng, đây là một thực trạng rất đáng báo động và nếu không được mọi người, mọi ngành cùng quan tâm chung tay ngăn chặn, đẩy lùi thì hậu quả để lại cho gia đình và xã hội là khôn lường.
   Sự sa sút đạo đức trong học đường, có nhiều nguyên nhân và trách nhiệm không riêng thuộc về  một ngành, một lãnh vực nào mà thuộc về toàn xã hội, trước hết là của nhà trường, nơi giáo dục dạy dỗ các em từ khi mới cắp sách bước chân vào đời. Tất cả từ nhiều nguyên nhân như: do kinh tế phát triển ngày càng cao, gia đình khá giả nuông chiều con cái, các loại máy điện thoại di động, mạng internet, phim ảnh có những nội dung không lành mạnh, đã tác động đến nhận thức của các em, lối sống và hành xử của học sinh không lành mạnh, bởi bản chất hiếu động v.v đưa đến sự hiểu biết không toàn vẹn trong tâm ý học sinh.
 Những bài học của thầy cô giáo giảng dạy trên lớp dường như đi ngược lại với những gì diễn ra trong cuộc sống xã hội. Nghĩa là hằng ngày các em phải chứng kiến những tiêu cực đang diễn ra xung quanh. Trong khi nhà trường thường xuyên giáo dục các em về tính trung thực, phải biết vươn lên bằng chính đôi chân của mình, trong thực tế các em chứng kiến những người lớn không trung thực nhưng vẫn thành đạt. Tệ nạn sử dụng bằng giả, hay mua bằng, mua chức, gian dối trong thi cử, những tiêu cực này tác động lên tâm lý các em, khiến các em thiếu niềm tin với những điều mình học được trong nhà trường.
       Với các chỉ tiêu được đề ra để đánh giá năng lực thành tích của giáo viên, của nhà trường, đã buộc thầy cô giáo phải chấp nhận làm công việc rất hình thức và thiếu trung thực rồi nói gì đến việc giáo dục các em ?. Đặc biệt gian lận trong thi cử, thầy cô giáo là người thầy giáo trong việc giáo dục mà không thực hành tốt đạo đức, đã làm cho học sinh mất tự tin, mất phương hướng trên việc học tập. Thứ đến chương trình giảng dạy các cấp môn đạo đức còn yếu và thiếu, bộc lộ những bất cập, ở bậc mầm non là giáo dục lễ giáo, bậc tiểu học là môn đạo đức, bậc trung học là môn giáo dục công dân. Nhưng các giáo viên dạy học cho rằng chương trình mang tính lý thuyết, thiếu kỹ năng sống, lại không tạo được dấu ấn để tác động thành nhân cách học sinh. Những bài học gần gũi với đời sống không được chú trọng mà thay bằng những bài học quá trừu tượng. Riêng chương trình giáo dục công dân bậc Trung học Phổ thông, thì chỉ có 11 tiết dạy các vấn đề về đạo đức trên tổng số 105 tiết. Dạy đạo đức cho học sinh không chỉ có môn đạo đức mà nên phải được tích hợp ở những bộ môn xã hội như lịch sử, văn học, phương pháp giáo dục theo kiểu giáo điều không còn phù hộp, cần phải đưa học sinh vào các xử lý tình huống thực tế.
   Trước thực trạng đáng báo động về tình trạng xuống cấp về đạo đức, về lối sống, tội phạm và bạo lực trong một bộ phận học sinh, thì giáo dục đạo đức cho học sinh là vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách. Đến lúc phải xem xét lại nền giáo dục đạo đức học đường cần phải thay đổi, nếu không sẽ quá muộn. Để việc giáo dục đạo đức cho trẻ em học sinh đạt được hiệu quả thì cần phải phối hợp giữa gia đình nhà trường và xã hội đồng thời vận dụng đạo đức tôn giáo vào giáo dục học đường thì nhân cách đạo đức học sinh mới được hoàn thiện và tốt đẹp bền vững.
  Đạo đức là những tiêu chuẩn, những nguyên tắc xử lý mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng  hay xã hội, được thừa nhận rộng rãi. Đạo đức quy định hành vi, quan hệ của con người với nhau và đối với xã hội nói chung là những nguyên tắc phải tuân theo  trong quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với xã hội, phù hợp yêu cầu của mỗi chế độ chính trị và kinh tế xã hội nhất định.  Nếu hiểu như vậy thì trong giáo lý giáo luật của các tôn giáo chân chính đã có quy định rất rõ ràng và cụ thể về mối quan hệ và ứng xử đầy chất nhân văn giữa con người với nhau, cũng như giữa con người với vạn vật xung quanh, và trong thực tế có ảnh hưởng tích cực tới việc giáo dục đạo đức, nhân cách con người, ở một đất nước có trên hơn 20 triệu con người theo các tôn giáo khác nhau.
    Vì thế Đảng và Nhà nước đã khẳng định rằng: “Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và tôn giáo có những giá trị văn hoá đạo đức phù hợp với chế độ mới, cần được bảo vệ và phát huy”.  Trong thực tế tôn giáo với tư cách là một biểu hiện, một thành tố của văn hoá đạo đức đã có những đóng góp xứng đáng trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Nhất là trong việc giáo dục tư tưởng đạo đức con người, vì vậy đứng trước thực trạng của giáo dục học đường hiện nay, việc vận dụng những giá trị đạo đức trong các tôn giáo vào học đường là điều cần thiết nên làm.
      Vậy việc vận dụng những giá trị đạo đức trong tôn giáo vào  trong giáo dục học đường làm như thế nào?
  Trước hết những người làm công tác giáo dục, đặc biệt là thầy cô giáo trực tiếp làm công tác giảng dạy cần phải hiểu rằng tôn giáo chân chính bao giờ cũng đề cao, cổ vũ lòng yêu thương con người và đã trở thành giới luật phải thực hành. Đây chính là điều rất nhân văn, thiêng liêng, cao cả vốn là truyền thống, là nét đẹp văn hoá trong cốt cách, tâm hồn của người có theo đạo. Giáo lý giáo luật của các tôn giáo đều nhằm hướng con người đến việc xây dựng nếp sống trong sáng, lành mạnh, một tinh thần hướng thiện thực sự. Các tôn giáo có mặt trên đất nước Việt Nam, dù là ngoại lai hay nội sinh đều thấm nhuần truyền thống nhân văn ấy, đều nêu cao lòng vị tha, bác ái, nhân nghĩa như đã được thể hiện trong đường hướng hành đạo tích cực của mình. Vì vậy, nhà trường có thể lồng ghép nội dung đó qua các bài giảng về đạo đức, hay giáo dục công dân, hay trong các buổi ngoại khoá tham quan các di tích lịch sử, các danh thắng, nơi vinh danh các nhân vật có công với đất nước, dân tộc, để khơi dậy trong các em về lòng yêu thương con người, mà trước hết là yêu thương bạn bè, người thân, và lòng yêu kính thầy cô giáo, và niềm tự hào về đất nước con người Việt Nam.  Giáo dục nhà trường cần phải giảm bớt những vấn đề cao xa, lớn lao thay vào đó cần kiên trì bồi đắp lòng nhân ái, tính trung thực, lòng tự trọng, nếp nghĩ và lối sống lành mạnh, trong đạo lý, sống có kỷ luật. Những giá trị đạo đức. ứng xử trong đạo lý của người Việt Nam,  cần phải được chuyển tải trong những tình huống cụ thể, gần gũi để học sinh dễ tiếp cận, dễ nhớ. Cần dạy cho học sinh những giá trị đạo đức cơ bản của con người thay cho quá nhiều kiến thức triết học, hàn lâm, thiếu vắng việc hình thành những thói quen đạo đức và kỹ năng sống phù hợp với những chuẩn mực xã hội.  Lòng yêu thương con người của các tôn giáo không những chỉ thể hiện trong giáo lý giáo luật mà còn được thực hành trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người theo đạo. Là sự biểu hiện sinh động nhất là qua các hoạt động nhân đạo từ thiện của các tổ chức, cá nhân, chức sắc, tín đồ của các tôn giáo, bằng những việc làm cụ thể đầy tình người. Đó là hàng 100 cơ sở nuôi dưỡng chăm sóc trẻ mồ côi, người khuyết tật, người cô đơn không nơi nương tựa, người có HIV, các cơ sở khám chữa bệnh miễn phí, các bệnh xá tình thương, các đợt quyên góp ủng hộ tiền, lương thực, áo quần, thuốc men, giúp đồng bào bão lụt, thiên tai, các phong trào làm nhà tình nghĩa, lớp học tình thương, cầu bê tông, giếng nước,  tặng quà học bổng cho các học sinh nghèo, vươn lên học giỏi, v.v.. của các tổ chức tôn giáo, đồng bào tôn giáo. Đó là những gương tốt, người tốt, tổ chức tốt, là bài học đạo đức cụ thể và thiết thực.
  Ngành giáo dục nói chung và các trường nói riêng cũng nên thường xuyên có các hoạt động mang tính từ thiện nhân đạo như vậy, để bồi đắp lòng nhân ái yêu thương con người cho các em học sinh. Và hơn nữa, nhà trường cần phải nâng đỡ cho các em học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn có đủ điều kiện theo học cùng với các bạn trong lớp, miễn học phí, cung cấp áo quần và dụng cụ học tập cho các học sinh nghèo, nhất là các em không cha không mẹ, không người đỡ đầu v. v   Đây chính là việc làm mang tính đạo đức của bài học về nghĩa tình của ngành giáo dục, để các em học tập tốt, trở thành những công dân tốt sau này, phục vụ cho đất nước quê hương.  Sở giáo dục và các trường nên làm tốt công việc này. Các tấm gương tốt về tình bạn, cao đẹp trong sáng của các em học sinh cần phải phát huy và nhân rộng lên, như việc quyên góp sách vở cũ, đồ dùng học tập, giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn, các em khuyết tật, có đủ điều kiện và phương tiện yên tâm học tập. Đạo lý yêu thương và tình người cao cả được nuôi dưỡng và nhân lên mãi mãi thì chuyện bạo lực học đường, việc bỏ học chắc sẽ ít xảy ra. Truyền thống Việt Nam đã hoà quyện trong các tôn giáo và ngược lại các tôn giáo đã góp phần bảo tồn và phát huy những nét đẹp truyền thống ấy.
  Một nét đẹp mang tính truyền thống là các tôn giáo ở Việt Nam  đều nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy sức mạnh cộng đồng. Điều rất đặc biệt mặc dù đất nước chúng ta là quốc gia đa tôn giáo nhưng chưa bao giờ xảy ra xung đột về tôn giáo, ngược lại các tôn giáo luôn đoàn kết gắn bó với nhau, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, dân tộc. Sống xen kẽ với nhau tại các địa bàn dân cư, các tôn giáo luôn quan tâm với nhau, chia sẻ mọi vui buồn trong cuộc sống. Những ngày lễ lớn, những ngày kỷ niệm,  hay khánh thành một công trình tôn giáo, họ đều đến chúc mừng, chung vui với nhau họ gọi nhau là “tôn giáo bạn”. Nghĩa cử ấy càng tô thêm nét đẹp văn hoá ứng xử của con người Việt Nam. Bằng cách nào đó, qua từng bài học như văn học, lịch sử, hoặc các buổi ngoại khoá, nhà trường có thể cho các em biết điều đó để trân trọng truyền thống đoàn kết mà ông cha ta để lại. Cũng từ đó giáo dục cho các em tính đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong học tập. Phải đánh thức, khơi dậy trong các em tình cảm bạn bè, thầy trò trong quãng đời học sinh là rất thiêng liêng và cao đẹp, để đến khi xa mái trường, xa bạn bè, xa thầy cô giáo thì trong các em là cả một trời nhung nhớ. Và đó sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ nhất sẽ theo các em trong suốt cuộc đời. Cứ như vậy, các thế hệ học trò kế tiếp nhau làm nên bề dày truyền thống tốt đẹp của mỗi ngôi trường.. Được như vậy, chắc chắn  sẽ hạn chế được rất nhiều điều tiêu cực như đã nêu trên. Qua các thời gian gần đây, sau thời kỳ đổi mới các tôn giáo được Đảng Nhà nước quan tâm hỗ trợ cho phép, các tôn giáo tổ chức các khoá tu mùa hè cho học sinh, sinh viên thu hút đông đảo nhiều thành phần giới trẻ tham dự. Nhất là Phật giáo, như chùa Hoằng Pháp thành phố Hồ Chí Minh, là nơi tổ chức đầu tiên các khoá tu mùa hè cho học sinh, sinh viên tham dự có đến  5,7 ngàn học sinh mỗi khoá trong bảy ngày đêm, rồi từ đó lan toả khoá tu mùa hè cho học sinh, sinh viên ra các tỉnh thành cả nước. Hình ảnh các em học sinh, sinh viên trong bộ đồng phục màu lam ngồi ngay ngắn ở chùa, để nghe các thầy thuyết giảng về đạo làm người, về tình nghĩa thầy trò, tình bạn thiêng liêng cao đẹp, hay công cha nghĩa mẹ, đạo hiếu, đạo làm con v.v thật là bổ ích đối với giới trẻ hiện nay khi mà điện thoại di động, mạng internet đang chiếm hết thời gian của các em. Điều đặc biệt đáng nói là người tổ chức rất giỏi và khéo léo, giới thiệu những nhân vật cụ thể lên diễn đàn chia sẻ những chuyện rất thật trong cuộc đời mình. Họ đã từng có một thời lầm lỡ, đánh mất tuổi thơ như trộm cắp, bỏ nhà đi hoang, sa vào nghiện ngập….khiến cho cha mẹ phải đau khổ, nhưng rồi cơ may đến với họ khi họ được bạn bè, thầy cô khuyên nhủ, lại được nhà chùa cưu mang, được tiếp nhận ánh sáng phật pháp… nên đã chuyển tâm hồi hướng quay về  nẻo chính đường ngay làm lại cuộc đời và thành đạt trong cuộc sống. Nghe những chuyện này nhiều em đã khóc, có thể các em cũng thấy mình đã từng có những lỗi lầm giờ đây rất ân hận và cần sửa chữa. Phật giáo và các tôn giáo khác đều có các chủ đề thiết thực liên quan đến giới  trẻ chia sẻ mang tính giáo dục sâu sắc về đạo đức về lối sống, để các em biết sống tốt hơn vì cộng đồng và xã hội.  Vậy giáo dục nhà trường cần kết hợp với các cơ sở tổ chức tôn giáo trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên. Sự kết hợp này sẽ không những làm đa dạng, phong phú hoạt động giáo dục mà còn tận dụng và phát huy được các ưu thế của những tổ chức xã hội, cơ sở tôn giáo vào việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Rất nhiều người đi qua các nước láng giềng Lào, Campuchia, Thái Lan, đều cảm nhận một cuộc sống yên bình, trật tự, không thấy cảnh cãi lộn, đánh nhau, trộm cướp v.v mọi người sống hoà nhã thân thiện với nhau, những thành tựu tốt đẹp này từ đâu có? Là do chủ trương của các Nhà nước này, khi  đến tuổi trưởng thành mọi người đều có một quãng thời gian vào chùa đi tu trong các chùa, giống như thanh niên Việt Nam đến tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự vậy. Vì thế mọi người dân các nước này đã được giáo dục tính từ bi hỷ xả trong chùa nên trở thành người hiền lương đạo đức.
  Sự khoan dung, từ bi hỷ xả trong các tôn giáo là truyền thống tốt đẹp được các tôn giáo đề cao và bảo tồn và phát huy. Đó  chính là thái độ nhân nhượng, hiếu hoà, bác ái, vị tha, tôn trọng lẫn nhau kể cả với những gì khác với tôn giáo mình. Kinh Phật có câu: “Lễ vật lớn nhất của loài người là lòng khoan dung”. Lòng vị tha, bác ái trong tôn giáo có nét nổi bật đặc trưng là không vụ lợi, khước từ sự trả ơn, đáp nghĩa nó đối lập với sự vị kỷ, nhỏ nhen, hẹp hòi. Sự khoan dung trong tôn giáo đòi hỏi các tín đồ của mình có hành động cụ thể như: cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ rách mặc, chăm lo người ốm đau, bệnh hoạn, chăm sóc người già nua, đối xử tốt với kẻ dưới, tha thứ kẻ tội lỗi, khuyên can người lầm lạc, bảo ban kẻ tối tăm.. và luôn đặt mỗi con người trong tình thương yêu đồng loại. Phật giáo nói: đừng làm đau người khác theo cách mà chính bạn cảm thấy đau đớn, hay buổi mai đem niềm vui cho người, buổi chiều làm cho người hết khổ. Hoặc Ki-tô giáo nói: tất cả những gì người khác làm cho bạn, bạn nên làm cho họ như vậy. Những điều nêu trên đều nói lên tinh thần khoan dung cao thượng của các tôn giáo và chính điều đó đã góp phần tích cực trong việc xây dựng một cộng đồng xã hội hoà bình ổn định trên đất nước chúng ta. Từ đây các thầy cô giáo và cũng là những nhà tâm lý học cần giáo dục cho các em đức tính khoan dung, sự hoà nhã, rộng lượng, không cố chấp, sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho nhau. Vẫn biết rằng tuổi trẻ thường bồng bột, nông nổi và luôn thể hiện mình, nhất là muốn khẳng định cái tôi, cho nên không biết kìm chế rất dễ dẫn đến những va chạm, cãi cọ,  thậm chí đánh chửi nhau như các hiện tượng bạo lực học đường thường xảy ra. Một khi xảy ra các bạo lực đối với học sinh, nhà trường đem ra kiểm điểm phê bình, hoặc phạt hay đuổi học sẽ không có tác dụng tỉnh thức lương tri. Đối với tôn giáo dùng phương pháp sám hối, lương tri bị tác động thì mới có cảm xúc và thức tỉnh, người vi phạm mới nhận lỗi và sửa lỗi. Đối với những em học sinh tham gia với nhau cùng đánh bạn, thì cần phải quỳ xuống tạ tội, với em bị đánh và hãy để em bị đánh đến từng bạn nói lời tha lỗi. Sau đó những giáo viên có lỗi thì đến gia đình các em xin lỗi.  Sau khi xin lỗi này em bị đánh sẽ thấy mình lớn lên rất nhiều, em sẽ thấy được tư cách, quyền làm người, nhân cách của việc bao dung, tha thứ… Cách làm như vậy để chúng ta giáo dục các em, đã gây ra sự sai lầm thì phải đối mặt với sự sai lầm và có sự hối cải. Em bị bạo lực  dũng cảm đứng lên, đối diện để hoà giải và yêu thương. Đề xuất xin lỗi công khai là rất thuyết phục, ví như các em học sinh đánh bạn thì tổ chức xin lỗi, hai bên bắt tay nhau, hoà giải, tha thứ, hứa lần sau không thù hằn, tái phạm. Còn việc bắt các em  đánh bạn phạt phải quỳ gối xin lỗi có thể không cần thiết như thế, vì có thể gây ra những hệ luỵ khác không hay. Cách làm nên nhẹ nhàng nhưng vẫn nghiêm khắc, vừa thể hiện tinh thần khoan dung, hoà hiếu mà có tính giáo dục sâu sắc. Trong tôn giáo hình thức sám hối mà các tôn giáo thường áp dụng, thường đề cập. Từ quan niệm “nhân vô thập toàn”, con người mang thân phận “mỏng dòn”, yếu đuối nên dù tốt mấy có lúc cũng phạm phải sai lầm tội lỗi. Điều quan trọng nhất là phải nhận ra sai lầm, khuyết điểm và biết ăn năn, hối lỗi, sửa chữa để nên người tốt. Đó là tinh thần sám hối  trong tôn giáo, nó đòi hỏi vừa phải tự giác vừa phải chịu sự kiểm soát của người khác và được xem như một hình thức kỷ luật. Các nhà giáo dục, các thầy cô giáo cũng nên giáo dục để các em học sinh, sinh viên hiểu và làm được điều đó mỗi khi các em có lỗi lầm, chắc chắn  hiệu quả việc giáo dục đạo đức học đường sẽ tốt hơn thay vì các biện pháp cứng rắn mang tính bạo lực, phản giáo dục, như đánh, phạt, nộ nạt v.v.
   Cách thức sám hối của các tôn giáo, đem lại hệ quả tốt đẹp đem lại sự an bình cả hai bên, không gây các việc xấu sau này, và chấm dứt sự mẫu thuẫn bất hoà giữa hai bên hại và bị hại. Là một thành tố văn hoá đã góp phần phong phú thêm văn hoá dân tộc Việt. Tôn giáo là sự sáng tạo của con người, để lại giá trị về tinh thần và vật chất trong đời sống con người, có vai trò nhất định trong đời sống xã hội, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống con người qua nhiều thế hệ. Nói đến các di sản văn hoá tôn giáo phải kể tới một kho tàng kinh sách đồ sộ trong đó chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh cao cả, các học thuyết, hệ tư tưởng, phương châm xử thế, các giáo lý, giáo luật, các tiêu chuẩn đạo đức trở thành khuôn vàng thước ngọc có tác dụng giáo dục sâu sắc.
  Nhưng vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để có thể vận dụng được những giá trị tốt đẹp của đạo đức tôn giáo trong giáo dục đạo đức học đường là điều không phải dễ. Bởi vì các thầy cô giáo hầu như ít tiếp xúc hoặc tìm hiểu về các vấn đề tôn giáo và càng chưa có tài liệu giới thiệu về tôn giáo trong các trường học trừ một số chuyên khoa, một ngành học có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu về vấn đề này. Do đó để có thể vận dụng những điều tốt đẹp của đạo đức tôn giáo vào việc giáo dục học sinh, sinh viên trước hết bản thân thầy cô giáo phải có sự hiểu biết nhất định cũng như có quan điểm đúng đắn về tôn giáo. Phải nhìn nhận tôn giáo là một thực thể khách quan thuộc hình thái ý thức xã hội và là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Không chỉ hiểu biết về tôn giáo mà rất cần một bản lĩnh chính trị vững vàng, một phương pháp khoa học nơi các nhà giáo dục để vận dụng, khai thác mặc tích cực của đạo đức tôn giáo trong giáo dục học đường, nếu không có thể dẫn đến sự lệch lạc, khiên cưỡng và không hiệu quả. Ở đây chúng ta phải đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người thầy. Những sự việc bạo lực xảy ra trong học đường trong các thời gian qua nhiều người đặc câu hỏi: Vai trò của thầy cô đang ở đâu ? Hay là do học trò mất niềm tin quá lớn ở các thầy cô, nhà trường để rồi các em im lặng, nhẫn nhịn, chịu đựng để rồi xảy ra những tình huống đáng tiếc nhất. Có hay không chính các thầy cô giáo lại là người gây ra bạo lực khi tạo ra cho học sinh những áp lực về tinh thần khiến cho các em quá lo lắng hoảng sợ, thậm chí là ức chế với các bộ môn học thì có phải là bạo lực về vấn đề tinh thần không ? Người thầy bao giờ cũng là tấm gương mẫu mực, một giáo cụ trực quan sinh động nhất, đồng thời cũng là người bạn của các em để các em vừa kính phục, vừa tin tưởng. Có như thế thầy cô mới là người sớm nhất phát hiện ra những bất thường về tâm lý các em để phòng ngừa việc xảy ra hậu quả đáng tiếc. Một khi giáo viên có đủ năng lực sư phạm, có tay nghề chuyên môn vững vàng cùng với tấm lòng nhân hậu, biết yêu thương học sinh thì hoàn toàn có thể phát hiện cũng như tư vấn, giúp học sinh vượt qua những khó khăn trở ngại, để các em vươn lên trở thành con ngoan, trò giỏi.
  Giáo dục đạo đức, cho lối sống thế hệ trẻ là một nội dung cơ bản, thường xuyên của mọi nền giáo dục trên thế giới từ xưa đến nay nhưng trong từng giai đoạn cụ thể giáo dục cần phải vận dụng những tư tưởng, phương thức giáo dục phù hợp mới có thể mang lại hiệu quả. Vận dụng đạo đức tôn giáo vào học đường sẽ  mang lại những hiệu quả trước mắt và lâu dài cho việc giáo dục đạo đức học đường ngày nay, bởi những giá trị tích cực chứa đựng trong đó.
   Trích từ: Tạp chí Công tác Tôn giáo số 6-tháng 6/2019.
“Cần vận dụng đạo đức tôn giáo trong giáo dục học đường ngày nay “: tác giả: Hà Ngọc Thọ.
{]{

ĐƯA GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC TÔN GIÁO VÀO HỌC ĐƯỜNG Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét