Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

NHẪN NẠI TRONG SỰ TU TẬP


NHẪN NẠI TRONG SỰ TU TẬP

  Phổ môn: Phổ là khắp cả, môn là cửa, là nghĩa năng thông. 10 cõi không có cửa duy người tự tạo như thập ác, ngũ nghịch v.v...Phổ môn là cửa khắp. Vậy phổ môn đây là một môn tất cả đều môn, một phổ tất cả đều phổ, một trung tất cả đều trung, đấy là trung đạo diệu môn. Y theo nhất thiệt tướng trung, đấy là trung đạo diệu môn. Y theo nhất thiệt tướng trung đạo để khai ra có 10 phổ môn sau đây, tất cả các pháp đều lấy đây mà bình đẳng quán vào.
  1. Từ Bi Phổ Môn   2. Hoằng thệ Phổ Môn, 3.Tu hành Phổ Môn,
  4. Đoạn hoặc Phổ Môn, 5.Nhập pháp môn Phổ Môn, 6.Thần thông Phổ Môn  7. Phương tiện Phổ Môn,   8. Thuyết pháp Phổ Môn, 9. Cúng dường Chư Phật Phổ Môn,10. Thành tựu chúng sanh Phổ Môn
 
    2/ Hoằng thệ phổ môn: Đã đầy đủ vô duyên đại từ, đồng thể đại bi, tất nhiên phải có mục tiêu thật hành. Gì là mục tiêu? Là 4 hoằng thệ nguyện, chúng sanh vôbiên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành. Bốn đại nguyện này tức là phổ môn đại nguyện. Đã biết chúng sanh ở trong tự tánh ta, cho nên phải thệ nguyện độ tự tánh chúng sanh, thệ nguyện dứt tự tánh phiền não, thệ nguyện học tự tánh pháp môn và thệ nguyện thành tự tánh Phật đạo.
     Như vậy nay ta hiểu kinh, tin Phật khuyên lại người khác giữ giới ăn chay tụng kinh niệm phật, tức là độ sanh. Nếu chúng ta không tin lời khuyên thời nên niệm Phật, niệm danh hiệu Quan Âm cho chúng nghe, khiến tiếng niệm chun vào tai, rồi xuống tận đám ruộng 8 thức của chúng làm nhân đắc đạo đời sau. Tâm độ sanh cần phải rộng lớn, không luận 4 loài, không xứ nào chẳng độ, không thời nào chẳng đến. Đây là phổ môn độ sanh đại nguyện phiền não vô tận vô biên. Tóm lại có 8 muôn 4 ngàn thứ như tham, sân, si, ác độc xà tâm, mặt người tâm thú, bất trung, bất tín, bất nghĩa, bất hiếu v.v... chúng ta muốn lìa khổ được vui quyết phải dứt phiền não. Và cũng cần khuyên mọi người đều dứt nó. Đây là phổ môn dứt phiền não đại nguyện.
  Pháp môn như giới, định, huệ. 8 muôn 4 ngàn pháp, ba tạng 12 bộ kinh, 5 thời 8 giáo đều nên học. Nhưng nếu ta căn cùn huệ cạn không thể học khắp cả thì tuỳ chọn một môn nào đó học sâu vào. Cứ đi thẳng vào một, đừng rẻ hai, sâu và lâu mãi, rổng vậy thông suốt. Một môn đầy đủ thì tất cả các môn đầy đủ. Một môn thông suốt tất cả các môn đều thông. Trái lại nay học tánh môn, mai học tướng môn, triêu tam mộ tứ, rốt cuộc không thành quả một môn nào cả, mà tự phí công phu một đời. Cổ đức dạy: “một câu Di Đà dọc suốt 5 thời ngang trùm 8 giáo, ai năng già niệm Phật tức đã học tất cả các pháp môn”. Đấy là phổ môn học  pháp môn đại nguyện.
  Phàm phu có phân đoạn sanh tử, La Hán, Bồ Tát có biến dịch sanh tử. Duy khi thành Phật mới rốt ráo diệt tận 2 thứ sanh tử trên. Sở dĩ Phật đạo  tuy là cao siêu vô thượng nhưng phải thệ nguyện cho thành đạt mới xong. Đấy tức là đại nguyện phổ môn thành Phật đạo vậy.
  Đức Quan Thế Âm khi ban sơ hưng khởi phổ môn đại bi, rồi sau mới phát hiện phổ môn hoằng thệ. Mục đích Phật giáo không chuộng nói suông mà cốt quý ở thực hành. Có hiểu có làm, hiểu là con mắt, làm là đôi chân. Có hiểu không làm như có mắt không chân. Có mắt không chân thì không đi được. Có chân không mắt ắt sẽ sa xuống hầm hố.
  (Một nhà có 10 người -  một người đui, một người què, 8 người khoẻ mạnh đi làm. Còn lại 2 người ở nhà, nhà cháy người đui cõng người què chạy ra khỏi nhà lửa).Nhà cháy dụ cho 3 cõi không yên, 8 khổ giao đốt, 5 trược lồng lộn, chỉ biết mà không đi cố nhiên chẳng ra khỏi 3 cõi. Cũng như đi mà chẳng biết tức dễ chạy lầm đường. Rời nhau đôi  bên đều bị hại, hợp tác lại hai đứa an toàn. Nghe kinh mở trí tuệ là hiểu, niệm Phật niệm Quan Âm là tu. Hiểu và tu đều song tiến, như mắt và chân đôi bên giúp lẫn nhau, mới có thể chứng được diệu pháp, chứng được tự tánh Quan Âm.
Trong kinh Phổ môn giảng giải có 10 phổ môn, phổ môn thứ ba nói như sau:
    3/ Tu hành phổ môn: Một khi đã hiểu rõ kinh pháp rồi thực hành tu. Giữ giới niệm Phật ăn chay khuyên người làm lành lánh dữ cũng là phổ biến phổ môn vậy. Trong khi tu hành cần phải nhẫn nại các hoàn cảnh thuận nghịch, có như thế chính là tinh thần nghị lực tinh tiến dũng mãnh vậy. Đó là những điều mà người học Phật pháp nên phải có đầy đủ vậy.
  Phải tinh cần cầu khẩn như Thần Quang cầu pháp với Ngài Đạt Ma Tổ Sư vậy. Ngài Thần Quang đứng hầu 2 tháng Tổ Sư mới hỏi một câu:  Ngươi cầu việc gì?.
  Thần Quang trả lời: Bch Tổ Sư phát lòng Đại bi khai thị cho phương pháp dụng công và Phật pháp diệu đạo.
 Tổ Sư đáp:  Ngươi nên biết. Diệu đạo của Đức Phật nhiều kiếp tinh cần, phải làm được việc khó làm, phải nhẫn điều khó nhẫn, thậm chí có khi vì pháp mà hy sinh đến tính mạng. Dễ đâu mà nói cho ngươi. Sau khi nghe trọn lời dạy ấy. Thần Quang chạy xuống nhà trù lấy dao tự mình chặt đứt một cánh tay của mình, mới trở lại quỳ trước Tổ Sư cầu ngài khai thị. Đạt Ma thấy sư vì say sưa cầu pháp mà chặt dứt trọn mất một cánh tay, đấy  thật là vì pháp vong thân, là kẻ có trí tuệ khá lớn vậy, nhân đây Tổ đặt tên là Huệ Khả.
Lúc này tuyết xuống ngập ngang lưng, máu chảy thấm vào tuyết, tuyết lại biến thành màu hồng.Vậy mà Huệ Khả vẫn cố sức khẩn cầu lòng từ bi của Tổ Sư ban cho mình pháp an tâm.
Đạt Ma hỏi:  Tâm của ngươi ở đâu, lấy đem đây, ta sẽ thay ngươi mà an nó cho?
Huệ Khả suy đi nghĩ lại hồi lâu ... chính lúc đó Huệ Khả trong vong thân tâm, ngoài quên thế giới, căn thoát xa trần vong thân vong thể, thân tâm cũng không có thời đau nhức có ở đâu? nên Huệ Khả đáp: Tôi tìm tâm tôi trọn bất khả đắc.
  Đạt Ma nói: Ngươi đã nói tâm ngươi tìm trọn bất khả đắc, thời ta cũng đã ban cấp cho ngươi pháp an tâm rồi vậy.
  Cứ theo ý nghĩa trên đây là tâm trọn bất khả đắc, nó không ngằn không mé, đầy khắp cả pháp giới không có phân chia chừng ngằn được. Đấy là phổ môn tự tánh vậy. Cho nên người tu hành phải nếm khổ chịu nhọc, khẩn thiết tâm thành, nhất tâm nhất ý, còn nếu có tâm phân liệt suy lường sanh diệt thì chẳng có thể nghe và lãnh thọ phổ biến pháp môn được. Giờ này mà chẳng phải chơn thật thì đợi lúc nào? Đời này không tu đợi đến kiếp bao giờ ? Cho nên đức Quán Thế Âm Bồ Tát ước về phần tự hành và lợi tha đều dùng nhất tâm mà tu công hạnh vậy, nên không một công hạnh nào chẳng phổ biến cho nên gọi là tu hành phổ môn.
{]{

NHẪN NẠI TRONG SỰ TU TẬP Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét