Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

THAY ĐỔI SẮC ĐẸP


THAY ĐỔI SẮC ĐẸP

Mỗi người sinh ra trong đời ai cũng có một hình tướng khác nhau, người cao, người thấp, người lùn người béo, người gầy, người đủ chân tay người thiếu chân tay, người da vàng, người da đen, da đỏ, người tóc quăn người tóc quắn, người tóc đen người tóc vàng; người mặt tròn người mặt dài, người má đầy người má táp v.v...hình tướng khác nhau, nhưng tâm lý chung ai cũng muốn mình đẹp, đặc biệt là phái nữ nhiều hơn phái nam, nên có nhiều người tìm cách làm cho mình xinh đẹp. Người đã xinh đẹp lại muốn làm cho xinh đẹp thêm bằng cách trang điểm, sửa soạn hay phẫu thuật thẩm mỹ.  Nhưng dù có làm cho đẹp cũng chỉ đẹp bên ngoài thôi, muốn có cái đẹp thật sự phải là cái đẹp bên trong, đó gọi là đẹp nết, còn gọi là đức hạnh. Người có cái đẹp toàn diện, thì phải đẹp cả hai bên ngoài lẫn bên trong. Đẹp bên ngoài làm thì phải tốn kém tiền của, nhưng không đẹp được bền lâu mà còn nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe nữa. Còn cái đẹp bên trong không tốn kém, không nguy hiểm tính mạng và ảnh hưởng sức khỏe, lại bền lâu tâm lý không lo lắng. Sau đây phân tích các cách sửa đổi sắc đẹp :
     Xưa và nay nhu cầu sửa đổi sắc đẹp luôn diễn ra với những người thích sửa đổi sắc đẹp cả phái nam lẫn phái nữ. Ngày nay kỷ thuật y học phát triển việc sửa đổi sắc đẹp lại càng dễ dàng thuận tiện hơn, nên có rất nhiều thẩm mỹ viện  ra đời đáp ứng nhu cầu làm đẹp của mọi người. Các bác sỹ có thể phẫu thuật thay đổi toàn bộ gương mặt cũng như hình thể làm cho con người từ xấu xí trở thành đẹp, từ mất cân đối  thành cân đối hơn. Ngày xưa làm đẹp rất đơn giản, như lông mày rậm thì tỉa thành lông mày lá liễu. Bây giờ có phương pháp xăm chân mày, xăm một lần thì sử dụng mãi. Rồi mắt một mí  có thể sửa thành hai mí, sống mũi thấp thì nâng lên cho cao, môi thâm thành môi đỏ, môi trái tim. Ngực nhỏ nâng lên thành ngực lớn. Bụng mỡ nhiều hơi to thì hút mỡ cho có eo, móng tay dài, nhọn, màu hồng, màu đỏ,màu tím, màu trắng v.v đủ loại. Từ miệng, mũi, môi, răng, mí mắt, lông mi, lông mày, râu coi nón, râu mép, cằm, má, nốt ruồi, trái tai, tóc, làn da v.v... người ta có thể  thay đổi tùy theo ý muốn của mỗi người. Đó là trên cơ thê, còn ngoài cơ thể nào là áo, quần, khăn, mũ, giày dép, son phấn, nước hoa, cà vạt v.v... cũng thuộc loại trang điểm làm đẹp. Ngày nay người ta còn chuyển đổi giới tính từ nam qua nữ, từ nữ qua nam nữa, tất cả các cách làm đẹp người phẫu thuật thẩm mỹ phải chịu các việc như sau :
1/ Phải chịu đau đớn khi phẫu thuật
2/ Phải tốn tiền của
3/ Phải lo lắng cho những sự bị biếng chứng
4/ Cảm giác không bình thường sau khi phẫu thuật thay đổi sắc đẹp
5/ Tâm lý lo lắng khi các hình thức thời trang thay đổi
6/ Khi tuổi lớn cơ thể thay đổi những vật đưa vào cơ thể không phù hợp như trước nữa.
7/ Bệnh tật sẽ phát sinh do những thứ vật ghép vào không phù hợp với cơ thể.
  Mỗi khi phẫu thuật, hoặc xăm tất nhiên phải chịu đau đớn, độ nguy hiểm là sẽ nhiễm trùng, hoại tử đưa đến cơ thể sẽ bị tàn phế suốt đời, đôi lúc dẫn đến tử vong là chuyện thường. Nâng ngực tuổi trẻ chưa có gia đình, không nên phẫu thuật, vì về sau sẽ ảnh hưởng không tốt cho việc con bú. Phẫu thuật không những làm lãng phí tiền bạc mà còn làm cho cơ thể đau đớn, tự mình làm khổ mình vì phải chịu nhiều đau đớn là điều không thể tránh khỏi, đó là điều người đi phẫu thuật phải đối mặt.  Sự lo lắng, là phải mang trong mình một vật giả tạo và phải lo lắng về sự biếng chứng suốt đời. Cơ thể đang bình thường, lại đưa vào một chất liệu khác, chất trơ trung tính, khiến trên mũi luôn có cảm giác khó chịu. Ngực cũng vậy, tự nhiên thoải mái, lại thêm một cái túi độn vào trong đó, trong mình mang thêm một vật giả, cảm giác thấy không bình thường, chưa nói đến việc vật độn đó có thể bị cơ thể đào thải hoặc bị biến chứng về sau. Sự thay đổi này không đẹp bền lâu mãi được, một thời gian sau nó sẽ phai tàn, không còn thích hợp và đẹp nữa. Lúc đó phải xóa đi hoặc phải phẫu thuật lại, cũng đau đớn và tốn kém. Về mặt tâm lý, bây giờ người ta thích chạy theo mốt này, thời gian sau người ta lại đưa ra mốt khác, những hình thức ngày trước cho là đẹp ngày nay không còn phù hợp nữa, bây giờ trở nên lỗi thời. Cũng như thời trang quần áo, ngày trước người ta chọn kiểu quần ống loa ống túm, áo dài khăn đóng. Ngày nay họ lại chọn quần rin, quần cụt, ống ngắn, áo đầm,váy ngắn v.v...
   Thời trang thay đổi thì tâm lý con người cũng thay đổi. Quần áo, khăn lượt thay đổi thì dễ chứ cơ thể thay đổi không  dễ dàng chút nào. Cho nên tốt hơn hết là chúng ta không nên chạy theo xu hướng làm đẹp mà đi phẫu thuật thẩm mỹ để sửa sắc đẹp.  Ông bà ta nói : “cái nết đánh chết cái đẹp”, con người phần đông chú ý làm đẹp cơ thể bên ngoài, chứ ít khi quan tâm làm đẹp bên trong tâm hồn. Cái đẹp bên ngoài không quan trọng bèn cái đẹp bên trong, cái đẹp bên trong mới thật sự là đẹp, đẹp nết quan trọng hơn đẹp người. Đẹp nết là đẹp tâm hồn, là đẹp của đức hạnh.
   Người đến với đạo là người muốn làm đẹp cho mình, muốn làm cho mình đẹp nết, muốn làm cho mình trở thành người tốt, một người có đức hạnh, một người cao thượng, một người khác với mọi người sống xô bồ ngoài xã hội.  Vì thế mới phát nguyện quy y thọ giới ăn chay, niệm Phật tụng kinh, học giáo lý, dự các khóa tu, cúng dường bố thí, làm từ thiện v.v đó là những cách làm đẹp nết, nâng cao đức hạnh.
 Con người có hai thành phần gọi là xấu và đẹp, thành phần đẹp thân mà xấu tánh, thành phần xấu người đẹp tánh. Xấu thân không quan trọng, xấu tâm, xấu tánh,xấu nết mới quan trọng. Vậy đến với đạo Phật dự tu các khóa là cách làm đẹp tâm tánh, đẹp nết đẹp hạnh. Cái xấu của tâm tánh nết na là những thói hư tật xấu như : tham lam, bỏn sẻn, sân giận,si mê, tật đố, cống cao, ngã mạn, bất hiếu bất trung, bất nghĩa, bất lương, ích kỷ, ganh tỵ, giả dối. Đến với đạo là phương pháp, là con đường chuyển hóa thói hư tật xấu thành những tánh tốt, nết na thuần thiện, những việc làm hiền thiện lợi mình lợi người, là cách làm đẹp người đẹp nết. Không còn tham sân si ích kỷ như xưa nữa. Nhưng tánh tham lam ích kỷ tật đố v.v là những thứ độc tố nằm trong tâm, nếu không chuyển hóa lâu ngày nó sẽ làm hại mình và người khác, khổ mình khổ người khổ cả hai, đời nay và đời sau.  Mỗi khi cơn sân giận khởi lên là mình chịu khổ trước, mặt đỏ, môi thâm, chân tay run rẩy, nói năng không được ôn hòa, người khác nhìn thấy cũng thất kinh không vui chút nào, không an lạc không bình an, không khí trở nên ngột ngạt v.v... Khi tâm bị giận làm ô nhiễm thì thân thể cũng ô nhiễm theo. Nếu chuyển hóa được những độc tố này trong tâm thì thân thể được  nhẹ nhàng khinh an. Đó là lý do tại sao người tu học phải loại trừ những tánh hư tật xấu càng sớm càng tốt.
  Tham lam là một tánh xấu, vì những người tham lam trộm cắp, hối lộ, lừa gạt lúc nào cũng sống trong trạng thái lo sợ pháp luật. Quả báo hiện tại là bị người chê cười, luật pháp trừng trị, quả báo tương lai là nghèo khổ, túng thiếu, đọa làm thân trâu ngựa kéo xe chở nặng để đền trả nợ cũ, có thể bị quả báo tay chân không đầy đủ, lành lặn. Người tu học hiểu biết luật nhân quả không dám tham lam trộm cắp và làm các việc ác độc thất đức. Thay vì không tham lam, làm các việc từ thiện, giúp những người nghèo khó, hoạn nạn, đau ốm bệnh tật v.v...  Nếu không có vật chất giúp đỡ thì đem kiến thức sự hiểu biết của mình chia sẻ cho người, nhất là sự hiểu biết về Phật pháp. Chia sẻ lời Phật dạy để người ta hiểu Phật pháp và họ chuyển hóa được những nổi khổ niềm đau, đó là pháp thí. Hoặc gặp những người sầu khổ, lo âu, sợ sệt, phiền muộn, ta đến động viên an ủi để họ bớt lo bớt khổ đó gọi là bố thí vô úy, tức ban cho họ cái không lo không sợ.
   Khi biết tu tập ta mở rộng lòng mình giúp đỡ nhiều người khác, tức là ta có nhiều quyến thuộc thân thiết, được nhiều người mến thương. Còn nếu cả đời chỉ biết lo cho riêng mình thì không ai thương cả. Khi mở rộng lòng mình làm lợi cho nhiều khác, thì tự nhiên  nhiều người dành tình thương cho mình. Còn như cứ bo bo ích kỷ, chỉ biết sống cho riêng mình, thì suốt đời không làm được việc gì đáng giá giúp ích cho đời, của cải chết rồi để lại chứ có ai đem theo được . Người như thế là người sống cuộc sống cô độc.
 Một người dù có ngoại hình xinh đẹp, mà tâm lý tham lam, bực bội, thô lỗ cộc cằn, cống cao ngã mạn, ích kỷ hẹp hòi, ganh tỵ giả dối, bất hiếu, bất trung, bất nghĩa, thì chắc chắn không ai ưa thích và gần gũi, không ai dám đến gần. Ngược lại người tuy không có ngoại hình đẹp, nhưng lúc nào cũng tươi cười, hòa nhã, nhẹ nhàng êm dịu, tấm lòng luôn rộng mở giúp đỡ người khác, không chơi bời, cờ bạc rượu chè say sưa, luôn khiêm hạ, lễ phép, kính trên nhường dưới, tôn trọng người khác, khoan dung, hoan hỷ với mọi người. Sống chân thật từ lời nói đến việc làm, luôn nhớ ơn cha me, thấy tổ và những người có công đức, thì chắc chắn sẽ được nhiều người quý mến và giúp đỡ, thương yêu, tôn trọng và tin tưởng.
 Cổ nhân nói : “tướng tự tâm sanh”, nghĩa là nếu tâm tốt thì dẫn đến tướng tốt, tướng sẽ chuyển thành đẹp người. Người có tâm tốt thì ai cũng thương yêu, quý mến, còn người có tướng đẹp nhưng tâm xấu thì không phải là người đẹp đúng nghĩa, thường bị người ghét bỏ lánh xa. Vì thế việc học phật, làm theo lời Phật dạy là làm con người đẹp toàn diện, đẹp người đẹp nết để làm lợi ích cho mình và mọi người, cũng là thể hiện một người Phật tử chân chính, đem lại lợi đạo ích đời./.
   Trích từ tập: Đẹp người đẹp nết : TT Thích Chân Tính.
{]{

THAY ĐỔI SẮC ĐẸP Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét