Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

SỰ PHÁT TRIỂN CÁC TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM SAU THỜI KỲ ĐỔI MỚI (1990 – 2018)


SỰ PHÁT TRIỂN CÁC TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM SAU THỜI KỲ ĐỔI  MỚI  (1990 2018)

Nói đến tôn giáo là nói đến các mặt sinh hoạt tôn giáo của tín đồ, hoạt động của chức sắc, tính pháp lý và những hoạt động của tổ chức tôn giáo: như việc đăng ký, công nhận tổ chức tôn giáo, việc đào tạo, phong chức, phong phẩm, việc thuyên chuyển chức sắc, việc in ấn xuất bản kinh sách, việc sửa chữa, xây dựng nơi thờ tự, việc tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, việc thực hiện các mối quan hệ với các tổ chức tôn giáo quốc tế… Có nhiều công trình nghiên cứu về chính sách tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam đã được công bố và thực hiện. Nêu ra một số liệu về sự chuyển biến về đời sống tôn giáo ở Việt Nam sau thời kỳ đổi mới. Từ pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo rồi luật tín ngưỡng tôn giáo lần lượt ra đời đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập giao lưu quốc tế.
       1/ Về sinh hoạt tôn giáo của tín đồ:
             Sự phục hồi và tăng trưởng về tín đồ các tôn giáo tại Việt Nam từ khi đổi mới đến nay. Lấy mốc thời gian để so sánh, năm 1990 số lượng tín đồ tôn giáo ở Việt Nam  là 13, 5 triệu người, năm 1995 là 16,1 triệu người, năm 2000 là 19,8 triệu người,  năm 2010 là 22,2 triệu người, năm 2017 tăng số lượng tín đồ là 25,3 triệu người. Như vậy từ khi đổi mới đến nay, số lượng tín đồ các tôn giáo tăng đều theo thời gian, khoản thời gian từ năm 2010 đến năm 2017 số lượng tín đồ tăng nhanh hơn
 Sự tăng trưởng về tín đồ các sinh hoạt tôn giáo của tín đồ thực hiện tại gia đình và nơi thờ tự theo nghi lễ truyền thống của  mình. Đặc biệt thời gian gần đây, nhiều sinh hoạt tôn giáo diễn ra với quy mô lớn kéo dài thời gian mà trước đây không thực hiện được. Ví dụ như: Hội thánh Cao  Đài Tây Ninh dịp Lễ hội Diêu Trì  (Rằm tháng 8 năm Đinh Sửu-1997 )  hơn 200 ngàn người tham dự. Ban đại diện Phật giáo Hoà Hảo ra mắt trong dịp Lễ Khai Đạo (18-5- Kỷ Mão- 1999 ) có khoản 300 ngàn người tham dự. Đại Lễ Vesak Liên Hiệp quốc 2008 tại sân Mỹ Đình Hà Nội có hàng chục ngàn Tăng Ni, phật tử và 4.000 khách quốc tế từ 74 quốc gia và vùng lãnh thổ đến tham dự. Đại lễ Vesak 2014 Liên Hiệp quốc tại chùa Bái Đính Ninh Bình với hơn 10 ngàn phật tử tham dự, trong đó có 1.150 khách quốc tế đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Đại Lễ Vesak Liên Hiệp quốc tại chùa Tam Chúc Hà Nam năm 2019 có đến 20 ngàn Tăng ni phật tử tham dự, có 500 đoàn khách quốc tế, từ 125 quốc gia đến tham dự.  Lễ hội La Vang của giáo hội Công giáo tổ chức hàng năm thu hút 100 ngàn người tham dự; lễ Kỷ niệm 100 năm Tin lành đến Việt Nam (2011) ở Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút 30 ngàn lượt tín đồ tham dự, chức sắc và khách quốc tế tham dự.
   Sinh hoạt tôn giáo là thể hiện niềm tin tôn giáo, thực hiện các nghi lễ tôn giáo theo giáo lý giáo luật. Tín đồ các tôn giáo được thực hiện các sinh hoạt tôn giáo tại gia đình và nơi thờ tự cùng những địa điểm hợp pháp khác.  Đó là nội dung quan trọng trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Năm 2016 luật tín ngưỡng tôn giáo ban hành, mở rộng việc  đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung của tín đồ không chỉ đối với những tổ chức tôn giáo đã được công nhận, mà còn cả đối với những tổ chức tôn giáo chưa có ở Việt Nam, nếu đủ điều kiện theo pháp luật.
2. Về công nhận tổ chức tôn giáo .
Ở Việt Nam, trước thời kỳ đổi mới chỉ có ba tôn giáo được Nhà nước công nhận về tổ chức là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc, còn lại các tổ chức tôn giáo đều chưa được công nhận. Từ khi đổi mới 1995 đến 2018, Nhà nước công nhận thêm 40 tổ chức tôn giáo. Như Giáo Hội Phật giáo Hoà Hảo, Đạo Cao Đài: 11 tổ chức (Hội thánh), đạo Tin Lành: 12 tổ chức  (Hội thánh), Hồi giáo: 6 tổ chức ( theo cấp tỉnh), các tôn giáo khác 11 tổ chức. Từ Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo 2004, có 12 tổ chức tôn giáo được công nhận; từ pháp lệnh, tôn giáo 2004 đến luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 có 26 tổ chức tôn giáo được công nhận, trong đó có 1 tổ chức cấp đăng ký hoạt động. Từ sau luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 có 2 tổ chức tôn giáo được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động . Có thể nói hầu như các tổ chức tôn giáo có trước 1975 đều được Nhà nước công nhận và cấp đăng lý hoạt động.
  Tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận là có tư cách pháp nhân- địa vị pháp lý được nhân danh tổ chức triển khai các hoạt động tôn giáo, như: tổ chức các đại hội, hội nghị, mở trường đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, chức việc, phong chức, phong phẩm và điều chuyển chức sắc, chức việc, được xuất bản kinh sách, truyền thông về tôn giáo, xây dựng sửa chữa nơi thờ tự, hoạt động từ thiện xã hội, quan hệ quốc tế…Những hoạt động này ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của tín đồ và hoạt động của các chức sắc.
3- Về việc mở trường đào tạo chức sắc, chức việc các tôn giáo .
 Trước đổi mới chỉ có một số cơ sở đào tạo chức sắc của Phật giáo, Công giáo nhưng hoạt động cầm chừng, ngắt quãng. Từ khi đổi mới đến nay đã có các cơ sở đào tạo chức sắc của các tôn giáo. Cụ thể, như Phật giáo có 48 cơ sở, trong đó có 4 học viện, 1 trường trung cao đẳng Phật học, 35 trường trung cấp, 8 lớp cao đẳng Phật học; Giáo hội Công giáo Việt Nam: Có 7 đại chủng viện và 1 Học viện Công giáo Việt Nam; các hội thánh Tin lành: 4 cơ sở; các hội thánh Cao Đài: 2; giáo hội Hoà Hảo: 1 cơ sở…
Cho đến năm 2017, các tôn giáo ở Việt Nam  có 64 cơ sở đào tạo chức sắc với tổng số trên dưới 10.000 học viên đang theo học, trong đó Công giáo: 2.037 chủng sinh. Riêng Phật giáo Việt Nam, từ khi đổi mới đến nay đã đào tạo được 10.000 Tăng ni bậc cử nhân Phật học, hiện đang có 2.000 tăng ni sinh đang theo học các Phật học viện; đào tạo được 3.000 tăng ni bậc cao đẳng, hiện có 1.000 tăng ni đang theo học cao đẳng Phật học, đào tạo được 12.000 tăng ni tốt nghiệp trung cấp; 5.000 tăng ni đang theo học tại các trường trung cấp phật học. Từ khi  đổi mới đến nay 2017 có khoảng 1.100 chức sắc tôn giáo du học nước ngoài ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ. Riêng Phật giáo hơn 700 người,  trong đó có 200 người đã tốt nghiệp.
    Kết quả đào tạo chức sắc đã làm tăng số lượng chức sắc các tôn giáo ở Việt Nam từ năm 1995 đến 2017 như sau:
Năm 1995  cả nước có 31.548 chức sắc, Năm 2010  cả nước: 29.504
chức sắc; Năm 2017 cả nước 57.460 chức sắc,
 1990- Phật Giáo:12.000 chức sắc, 2017 Phật giáo có 30.566 chức sắc, 1990 Công giáo: 2.700 chức sắc, 2017 Công giáo 7.485 chức sắc,
 1990 Tin lành 506 chức sắc, 2017  Tin lành có 2.065 chức sắc
Đào tạo chức sắc tôn giáo là một trong nội dung quan trọng trong hoạt động tôn giáo, vì chức sắc là người hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo của tín đồ, là một trong những yếu tố đảm bảo cho việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Chức sắc là người hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo cho tín đồ theo quy định hiện hành, chương trình đạo tạo chức sắc có hai môn học chính khoá là lịch sử Việt Nam và Pháp luật Việt Nam.
    4- Về việc xây dựng sửa chữa nơi thờ tự các tôn giáo.
      Với nhiều lý do, trước đổi mới hình như không có hoạt động xây dựng sửa chữa nơi thờ tự của các tôn giáo. Từ khi đổi mới đến năm 2017. 95 % cơ sở  thờ tự của các tôn giáo được sửa chữa, trong đó có 1/3 được trùng tu ở quy mô lớn. Từ năm 2003 đến 2017 có 9.343 cơ sở thờ tự được phục hồi, xây mới. Riêng Phật giáo tỉnh Hải Dương năm 2003 có 889 cơ sở đến năm 2017 tăng lên 995 cơ sở, tỉnh Thanh Hoá năm 2003 có 66 cơ sở đến năm 2017 tăng lên 168 cơ sở, tỉnh Nghệ An năm 2003 có 1 cơ sở đến năm 2017 tăng lên 50 cơ sở, tỉnh Hà Tỉnh năm 2003 có 15 cơ sở đến năm 2017 tăng lên 105 cơ sở, tỉnh Khánh Hoà năm 2003 có 264 cơ sở đến năm 2017 tăng lên 411 cơ sở, tỉnh Lâm Đồng năm 2003 có 121 cơ sở đến năm 2017 tăng lên 200 cơ sở. Tỉnh Bình Phước năm 2003 có 73 cơ sở đến năm 2017 tăng lên 134 cơ sở …
     Về đất đai các cơ sở tôn giáo, chính quyền các địa phương quan tâm giải quyết đất đai đối với các tổ chức tôn giáo. Cụ thể như chính quyền thành phố Đà Nẵng cấp 5.000 m2 xây dựng trụ sở  của Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam. 10.000 m2 mở  rộng Toà Giám mục  Đà Nẵng; chính quyền tỉnh Quảng Trị  cấp 15 héc ta mở rộng khuôn viên Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang; chính quyền thành phố Hải Phòng cấp 10.000 m2 xây dựng nhà hưu dưỡng cho các linh mục, tu sĩ Giáo phận Hải Phòng; chính quyền tỉnh Ninh Bình 15.000 m2  xây dựng Trung tâm mục vụ giáo phận Phát Diệm…Riêng đất đai cho Phật giáo, như: Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã ( Huế ): 1, 90 héc ta, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên ( Vĩnh Phúc ) 5,2 héc ta, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Pháp ( Tuyên Quang ) 30 héc ta ( trong quy hoạch gần 40 héc ta ), Thiền viện Trúc Lâm  Hàm Rồng (Thanh Hoá ) 10 héc ta, Thiền viện Trúc Lâm Yên Ngộ ( Ninh Thuận ) 4,3 héc ta, Thiền viện Trúc Lâm Phú Lâm ( Quảng Nam ) 19,5 héc ta, Thiền viện Trúc Lâm Tây Nguyên ( Gia Lai ) 2 héc ta, Thiền viện Trúc Lâm  Phương Nam ( Cần thơ ) 3,9 héc ta, Thiền viện Trúc Lâm Cà Mâu 1,9 héc ta.. Chùa Linh Sơn ( Lai Châu) 4,0 héc ta, chùa Hưng Quốc ( Sơn La ) 14 héc ta, chùa Ba Vàng ( Quảng Ninh ) 21 héc ta  ( trong quy hoạch 123 héc ta), quần thể chùa Bái Đính ( Ninh Bình ) 539 héc ta, quần thể chùa Tam Chúc ( Hà Nam ) 5.100 héc ta… Riêng tỉnh Nghệ An với các chùa Giám ( Yên Thành ) 30,0 héc ta. Chùa Bảo Lâm  ( Yên Thành ) 14,31 héc ta, chùa Vĩnh Phúc ( Nam Đàn ) 19,54 héc ta, chùa Đại Tuệ ( Nam Đàn ) 11, 76 héc ta, chùa Bát Nhã ( Hoàng Mai ) 10,5 héc ta, chùa Cổ Am ( Diễn Châu ) 7, 48 héc ta.
     Nơi thờ tự là một trong những điều kiện đảm bảo sinh hoạt tôn giáo của tín đồ nên được chính quyền rất quan tâm. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, ngoài các cơ sở thờ tự theo truyền thống ( chùa, nhà thờ, thánh đường, thánh thất ) theo quy định pháp luật hiện hành qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 còn có địa điểm hợp pháp phục vụ sinh hoạt tôn giáo là đất, nhà ở, công trình mà tổ chức hoặc cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật.
   5 Về in ấn xuất bản và truyền thông tôn giáo.
     Trước đổi mới hầu như không có hoạt động xuất bản kinh sách tôn giáo, nếu có thì thực hiện xuất bản theo quy chế nhất thời ở ba nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Thuận Hoá (Huế) Nhà Xuất bản Văn Hoá-Thông tin (Hà Nội ) với một số đầu sách, trong đó có quyển kinh Thánh Tân ước do Hồng Y Trịnh Văn Cân ( 1980 ) và Những vấn đề cơ bản của Phật học của Nguyễn Văn Chế ( 1982 )…
     Từ khi đổi mới, nhất là từ năm 1990, khi Nhà Xuất bản Tôn giáo thành lập đến năm 2014 có khoảng 4.347 đầu sách ( Phật giáo: 2869, Công giáo: 1.828, Tin lành: 680, Cao Đài: 81, Phật giáo Hoà Hảo: 42…) 1.121  văn hoá phẩm được xuất bản với số lượng hàng chục triệu bản ( Riêng kinh Thánh xuất bản gần một triệu bản ). Chỉ riêng 5 năm hoạt động của Nhà Xuất bản tôn giáo ( 1990-2004 ) đã xuất bản được trên 714 tựa sách, 4.200.000 bản in, trong đó có sách Phật giáo hơn 490 đầu sách, Công giáo 205 đầu sách, Tin lành gần 45 đầu sách và hơn 205 văn hoá phẩm như:lịch, băng, đĩa liên quan đến tôn giáo.
     Cho đến 2015  các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam có 15 tờ báo và tạp chí đang hoạt động, trong đó có những tờ báo, tạp chí có uy tín như:Văn Hoá Phật giáo, Nghiến Cứu Phật học, Khuôn Việt, Phật giáo Nguyên Thuỷ, Giác ngộ ( của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ), Hiệp thông (của Công giáo), Người Công giáo Việt Nam ( của Uỷ ban doàn kết Công giáo Việt Nam ),Công giáo và Dân tộc ( của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo TP Hồ Chí Minh ) Mục vụ, Thông Công ( của Tin Lành ), Cao Đài ( của Đạo Cao Đài ), Hương sen ( của đạo Hoà Hảo )… Riêng Phật giáo Việt Nam có chương trình truyền hình An Viên. Ngoài ra có nhiều trang Thông tin điện tử-Website của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động.
     Kinh sách, ấn phẩm tôn giáo cùng với nơi thờ tự và chức sắc, chức việc là những phương tiện, điều kiện không thể thiếu được đảm bảo cho sinh hoạt tôn giáo của tín đồ. Không những thế, kinh sách ấn phẩm tôn giáo còn có những giá trị văn hoá cần được trân trọng và lưu giữ.


    6- Về tôn giáo tham gia hoạt động anh sinh xã hội.
      Về từ thiện xã hội các tôn giáo đều tích cực tham gia đem lại nhiều sự an bình cho nhân dân mỗi khi gặp thiên tại bão lụt hay các hoàn cảnh khó khăn khác v.v cùng chia sẻ với chính quyền các địa phương nơi xảy ra sự kiện khốn khó. Như Phật giáo từ trước đến 2018 có  150 Tuệ Tĩnh đường, 655 phòng chẩn trị y học dân tộc, 10 phòng khám đa khoa Tây y đang hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí hàng chục tỷ đồng, có 10 trường dạy nghề miễn phí gồm  các nghề may, thêu, đan, điện gia dụng, tin học, ngoại ngữ…1000 lớp học tình thương, 64 cơ sở được cấp chứng nhận nuôi dưỡng trẻ mồ côi, 20 cơ sở nuôi dưỡng người già cô đơn, với hơn 1000 cụ ông, cụ bà. Tp Hồ Chí Minh có 5 cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, 4 cơ sở nuôi người già cô đơn, 13 lớp học tình thương. Về tài chánh huy động hoạt động từ thiện xã hội của giáo hội qua các nhiệm kỳ từ nhiệm kỳ III đến VII là: 111.733 tỷ, 296.972 tỷ, 405.300 tỷ, 2.879,432 tỷ, 6.838,199 tỷ
   Công giáo và Tin lành: Năm 2016 Giáo hội Công giáo VN có tất cả 189 cơ sở y tế khám chữa bệnh và điều dưỡng, 13 cơ sở giúp đỡ bệnh nhân phong, ma tuý, HIV/AIDS, tâm thần; 159 cơ sở giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, 1554 nhà mẫu giáo, lớp học tình thương. Giáo hội Công giáo VN đã góp hàng mấy trăm tỉ vào nguồn tài chính cho hoạt động từ thiện xã hội. Triển khai chương trình của xã hội hoá giáo dục mầm non, các giáo phận Công giáo cả nước đã  có 797 cơ sở giáo dục mầm non.
    Đạo Tin lành là tôn giáo rất quan tâm đến hoạt động từ thiện xã hội, coi đó là lối sống đạo, là phương tiện và điều kiện để truyền giáo, Giáo hội Tin lành đã góp vào tài chánh từ thiện xã hội  cả mấy mươi tỷ vào các  việc cứu trợ bão lụt, xây dựng cầu bê tông nông thôn, khoan giếng, tổ chức khám chữa bệnh. Các tổ chức tin lành còn kêu gọi các tổ chức phi chính phủ của Tin lành thế giới tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo ở VN với trị giá mỗi năm hàng trăm nghìn đô la.
 Cao Đài, Hoà Hoả cũng đã đóng góp vào tài chánh từ thiện hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo qua các nhiệm kỳ  cũng đóng góp hàng trăm tỷ cho tài chánh từ thiện, có 300 xe cứu thương đang hoạt động ở khu vực miền Tây Nam bộ. Tịnh độ  Cư sĩ  Phật hội Việt Nam hiện có 207 phòng thuốc phước thiện ở 23 tỉnh thành phố.. Tịnh độ Cư sĩ Phật hội VN cũng đã huy động 40 tỷ đồng cho việc cứu tế xã hội giúp đỡ đồng bào lũ lụt, trẻ em nghèo, người không nơi nương tựa.
        Những hoạt động từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo ở VN  trong thời gian qua đã hỗ trợ rất quan trọng với Nhà nước trong việc giải quyết gánh nặng về mặt xã hội của một nước vừa trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài, lại phải đối diện với những vấn đề xã hội mới nảy sinh. Từ thiện xã hội của các tôn giáo ở VN là một trong những tiềm năng rất lớn cần được phát huy và trân trọng. Vì thế Nhà nước cần phải có những chính sách cụ thể, phù hợp nhằm phát huy nguồn lực, tôn giáo cần được xác nhận là nguồn lực và tiềm năng tốt đem lại sự bình an và lợi lạc về vật chất lẫn tinh thần cho mọi người dân.
7- Về tôn giáo tham gia các cơ quan dân cử và đoàn thể xã hội
Tôn giáo với xã hội là mối quan hệ quan trọng của các tôn giáo ở VN, mối quan hệ này được  các tôn giáo tham gia vào các lãnh vực: Uỷ viên Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, uỷ viên Hội đồng nhân dân, các cấp tỉnh thành, đại biểu quốc hội,  … với các danh xưng như, Phật giáo VN là đường hướng: Đạo pháp- Dân tộc- Chủ nghĩa xã hội,  Công giáo VN là: Sống phúc âm giữa lòng dân tộc, Tin lành là: Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc, với Hội Thánh Cao Đài là:  Nước Vinh Đạo sáng ( hay Phụng Đạo, yêu Nước ) với Giáo hội Hoà Hảo là: Vì Đạo pháp vì Dân tộc.
     Các tổ chức tôn giáo không những tham gia vào tổ chức từ thiện xã hội mà còn tham gia vào các cơ quan dân cử và tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội.  Các tổ chức tôn giáo có người tham gia vào các cơ quan dân cử, các đoàn thể chính trị xã hội và đoàn thể xã hội không chỉ thể hiện trách nhiệm công dân, mà còn góp phần đưa đường hướng tôn giáo vào đời sống xã hội, để kết nối giữa đạo và đời, đồng thời có cơ hội bày tỏ tâm tư nguyện vọng của tín đồ, chức sắc tôn giáo với cộng đồng và với Đảng và Nhà nước.
    8- Về hoạt động quốc tế của các tổ chức, cá nhân tôn giáo.
   Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, các hoạt động quốc tế của các tôn giáo được mở ra trên nhiều tuyến, nhất là các quan hệ về phương diện tổ chức giữa tổ chức tôn giáo ở Việt Nam và với các tổ chức tôn giáo thế giới như: Công giáo, Tin lành, Hồi giáo..Ngoài các hoạt động quốc tế bình thường mang tính tổ chức hoặc giao lưu với các tổ chức tôn giáo quốc tế, các tôn giáo ở Việt Nam tham gia tích cực các hội nghị diễn đàn tôn giáo ở khu vực và quốc tế như: đối thoại Liên tín ngưỡng Á-Âu (ASEM), đối thoại Liên tín ngưỡng khu vực  châu Á Thái Bình Dương, hợp tác liên tín ngưỡng các nước của Phong trào không liên kết, đối thoại nhân quyền Việt Nam- Hoa Kỳ, đối thoại nhân quyền Việt Nam- EU, các hợp tác liên tín ngưỡng do tổ chức các tôn giáo vì hoà bình thực hiện..
 Theo thống kê của Ban tôn giáo chính phủ, thời gian từ 2005 đến 2013, có tất cả 205 đoàn khách tôn giáo nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo. Cũng theo thống kê này, trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2013, có 1.343 đoàn thuộc tổ chức, cá nhân tôn giáo ở Việt Nam tham gia hoạt động quốc tế ở nước ngoài… Chỉ 20 năm từ 1995 đến 2015, riêng Phật giáo Việt Nam có 66 đoàn đi công tác nước ngoài, đến Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Mỹ… 6 đoàn đi dự lễ Vesak tại Thái Lan, 2 đoàn đi dự lễ Vesak tại New York (Mỹ ).
 Riêng  với Giáo Hội Công giáo, sau đổi mới, từ năm 1990 đến 2015, Việt Nam đã có quan hệ không chính thức với Vati-căng qua 18 lần hai bên gặp ở Rô-ma hoặc ở Hà Nội, hai bên đã thành lập tổ công tác hỗn hợp để bàn lộ trình quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Va-ti-căng. Đặc biệt, các vị lãnh đạo Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã gặp người đứng đầu Toà thánh Va-ti- căng trao đổi những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Như: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  gặp Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô XVI (2007), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô XVI ( 2009 ), Tổng Bí  thư Nguyễn Phú Trọng gặp Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô XVI ( 2013)  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gặp Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô XVI ( 2014 ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Giáo hoàng Phan-xi-cô tại Toà thánh Va-ti-căng (2014), Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp Giáo hoàng Phan-xi-cô (2016 )… từ những động thái ngoại giao đã nêu, từ năm 2011, Chính phủ Việt Nam đồng ý Đặc phái viên không thường trú của Toà thánh Va-ti-căng tại Việt Nam trong mối quan hệ với Giáo hội Công giáo Việt Nam và Chính phủ Việt Nam.
Quan hệ quốc tế các tôn giáo không chỉ đáp ứng các mối quan hệ truyền thống của các tôn giáo, mà còn là kênh ngoại giao nhân dân mà qua đó góp phần làm cho thế giới hiểu về Việt Nam, hiểu về chính sách đổi mới với tôn giáo và những chuyển biến tích cực của đời sống tôn giáo ở Việt Nam. Không những thế, quan hệ quốc tế các tôn giáo còn là kênh đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam của những người thiếu thiện cảm hoặc thù địch với Việt Nam.
9. Về vấn đề tôn giáo ở Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Trong khoảng thời gian cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, do  nhiều nguyên nhân đạo Tin lành phát triển nhanh trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Tấy Bắc. Năm 1975, ở Tây Nguyên có hơn 55/60 nghìn người là đồng bào dân tộc thiểu số theo Tin lành với 200 chi hội (theo buôn ) đến năm 2017 tăng lên 550/600 nghìn người ở 1.863 nhóm (theo buôn ). Năm  1985- 1986 xuất hiện một số người Mông theo đạo Tin lành, nhưng cùng với thời gian, đến năm 2017 tăng lên đến 215 nghìn người, chủ yếu là người Mông. 17.550 người Dao với 1.350 điểm nhóm theo bản ( chưa tính 34 nghìn người Mông theo Tin lành đã di cư vào Tây Nguyên) với 1.350 điểm nhóm. Đành rằng việc theo đạo là quyền của mọi người theo quy định của pháp luật, nhưng việc tăng nhanh số người theo đạo Tin lành ở Tây Bắc và Tây Nguyên đã gây ra sự xung đột văn hoá giữa tín ngưỡng tại chỗ với văn hoá, lối sống Tin lành, trong đó có việc những phần tử cực đoan lợi dụng gây mất ổn định xã hội ở một số nơi.
   Trước những tình hình trên, Đảng và Nhà nước có nhiều văn bản giải quyết, trong đó có Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 4-2-2005 của Thủ tướng Chính phủ Về một số công tác đối với đạo Tin lành. Chỉ thị số 1 không chỉ tạo ra chuyển biến về nhận thức về đạo Tin lành mà còn là cơ sở cho việc thực hiện chính sách, đúng hơn là những giải pháp cụ thể và đúng đắn với đạo Tin lành, nhất là Tin lành ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Tây Bắc. Từ năm 2005, kết họp triển khai chính sách phát triển kinh tế, văn hoá xã hội với việc thực hiện tốt chính sách tôn giáo- trên căn bản tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, các địa phương ở Tây Nguyên và Tây Bắc đã thực hiện bình thường hoá sinh hoạt tôn giáo bằng việc các điểm nhóm Tin lành đăng ký sinh hoạt tôn giáo với chính quyền cơ sở. Trong thời gian ngắn ở các tỉnh Tây Nguyên đã có đến 1.605 điểm nhóm theo buôn (làng ), chiếm 95%  tổng số điểm nhóm Tin lành đăng ký với chính quyền cơ sở để sinh hoạt tôn giáo., đã công nhận 300 chi hội. Đồng thời, ở Tây Nguyên, các hoạt động tôn giáo như xuất bản kinh sách ( Kinh Thánh  được dịch ra tiếng  Ê Đê, Ba na, Gia Rai ), đào tạo chức sắc, xây dựng, sửa chữa nơi thờ tự… của đạo Tin lành đều tiến hành bình thường. Cùng thời gian này, cá tỉnh Tây Bắc cũng từng bước bình thường hoá hoạt động của đạo Tin lành. Đến cuối năm 2018, ở các tỉnh Tây Bắc có gần 700 điểm theo bản ( làng ) được đăng ký sinh hoạt tôn giáo với chính quyền cơ sở. Cùng với cấp đăng ký sinh hoạt theo điểm nhóm là việc đào tạo chức sắc của các tổ chức Tin lành. Một số địa phương đã tiến tới công nhận các chi hội Tin lành ( 8 chi hội ) và xem xét việc xây dựng nơi thờ tự.
Dân tộc Khoe –me theo Phật giáo Nam tông ở Tây Nam Bộ là cộng đồng đông đảo với gần 1,3 triệu người.  Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đời sống kinh tế của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, đời sống tôn giáo cũng có những nội dung cần được quan tâm của Đảng và Nhà nước. Do vậy, những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, từ khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chủ trương cụ thể về Phật giáo Nam tông Khơ-me qua Thông báo 122/TB-CP, ngày 26-2-2004 của Văn phòng Chính phủ, các địa phương và các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực thực hiện đạt được kết quả quan trọng. Trước hết, về việc đào tạo tăng tài, năm 2006, Học viện Phật giáo Nam tông Khơ-me được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập tại  thành phố Cần thơ. Từ đó đến năm 2018, Học viện Phật giáo Nam tông Khơ-me đã đào tạo được ba khoá. Cùng với việc thành lập và đào tạo của Học viện, các địa phương đã chấp thuận việc mở lớp học tiếng Pali ở các chùa, mở một số trường Trung cấp Pali. Thời gian này đã có hơn 100 tăng Phật giáo Khơ-me Nam tông đang du học tại nước ngoài, trong đó có học vị thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Phật học tại các nước như Campuchia, Thái Lan, Myanma và Ấn Độ.
  Đáp ứng nhu cầu đọc tụng, nghiên cứu, học tập của tăng sĩ và tín đồ Phật giáo Nam tông Khơ-me, được sự hỗ trợ của Nhà nước, từ 2004 đến 2014 Giáo hội Phật giáo Việt Nam đại diện Phật giáo Nam tông Khơ me đã triển khai việc in kinh sách Phật giáo Nam tông Khơ me với 208.300 quyển. Đồng thời thỉnh Đại tạng kinh và kinh sách bản gốc bằng chữ Khơ me ( Trà Vinh: 156 bộ, An Giang: 60 bộ, Kiên giang:75 bộ, Sóc Trăng:52 bộ, Vĩnh Long: 3 bộ, Tây Ninh: 3 bộ )
      Vấn đề tôn giáo và dân tộc là hai vấn đề lớn ở Việt Nam vì có những đặc thù riêng khác, nhất là tính nhạy cảm. Vì vậy, trong quá trình vận động cách mạng và quản lý đất nước, điều hành xã hội, Đảng và Nhà nước luôn có chính sách riêng đối với tôn giáo và dân tộc phù hợp với từng thời kỳ, từng giai đoạn của cách mạng. Những thành tựu nêu trên là nỗ lực của các cấp uỷ, chính quyền các địa phương của cán bộ ngành công tác tôn giáo trong việc quản lý về công tác tôn giáo trong vùng dân tộc thiểu số.
 Phần kết:
Bước vào thời kỳ đổi mới, với định hướng “nhìn lại và đổi mới”, Đảng và Nhà nước đã vượt lên để có cách nhìn và ứng xử với tôn giáo một cách khách quan và toàn diện, đã thấy được tôn giáo là vấn đề tồn tại lâu dài, là nhu cầu tinh thần của một bộ phận đông đảo nhân dân, từ đó kiên trì chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, đồng thời nhìn nhận và phát huy những  giá trị về đạo đức và văn hoá của tôn giáo. Đổi mới chính sách tôn giáo ở Việt Nam được thể hiện ở hai Nghị quyết chuyên biệt của Đảng: Nghị quyết số 24/NQ-TW năm 1990 và nghị quyết số 25/NQ-TW năm 2003, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước qua Nghị định số 69/NĐ-HĐBT năm 1991, Nghị định số 26/NĐ-CP năm 1999, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 và luật Tín ngưỡng  tôn giáo năm 2016. Chính những chủ trương, chính sách đổi mới đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước là nền tảng tạo sự chuyển biến đời sống tôn giáo ở Việt Nam.
 Đời sống tôn giáo ở Việt Nam từ khi đổi mới đến nay có sự thay đổi rất căn bản, theo chiều hướng ngày càng tiến bộ và tích cực. Những chuyển biến trong đời sống tôn giáo làm cho quần chúng tín đồ, chức sắc thêm  tin tưởng vào Đảng và Nhà nước cùng sự đổi mới của đất nước. Không những thế, tín đồ, chức sắc các tôn giáo ủng hộ và tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới. Chính điều đó đã góp phần và sự ổn định tình hình chính trị và phát triển đất nước Việt Nam. Những chuyển biến trong đời sống tôn giáo trong thời gian qua đã góp phần giới thiệu với bạn bè và cộng đồng quốc tế về hình ảnh đất nước Việt Nam đổi mới, hoà bình, ổn định và phát triển, từ đó nâng cao ảnh hưởng và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Những chuyển biến trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam là bằng chứng khẳng định tính đúng đắn của chính sách đổi mới của tôn giáo ở Việt Nam./.
Trích từ: Tạp chí Công tác Tôn giáo số 6-tháng 6/2019.
Những con số liên quan đến đời sống tôn giáo ở Việt Nam thời kỳ đổi mới: tác giả:PGS,TS: Nguyễn Thanh Xuân.
{]{

SỰ PHÁT TRIỂN CÁC TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM SAU THỜI KỲ ĐỔI MỚI (1990 – 2018) Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét