Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

TĂNG THƯỢNG AN LẠC


TĂNG THƯỢNG AN LẠC

 Nguyên An
Với kinh nghiệm của một bậc Giác ngộ, Đức Phật nói cho chúng ta biết rằng con người có khả năng sở hữu nhiều niềm vui hay cảm  thức an lạc vi diệu hơn và thù thắng hơn những gì mà nhân loại từng kinh nghiệm. Đó là những niềm vui hay các cấp độ an lạc thanh thoát phát sanh do nổ lực chuyển hóa và thanh lọc nội tâm, tu tập tâm, phát triển tâm, khiến cho tâm đạt đến trong sáng, đạt đến định tĩnh, đạt đến tăng thượng, đạt đến giải thoát. Tùy thuộc vào công phu chuyển hóa và phát triển tâm thức mà an lạc phát sinh và tăng thượng theo các cấp độ khác nhau. Ngoài các lạc thú trần thế  gọi chung là hạnh phúc thế gian, bậc Giác ngộ nói đến các cấp độ an lạc thù thắng mà con người có thể chứng nghiệm, cơ bản do chuyển hóa và thanh lọc tâm, gọi là Tăng thượng tâm- Tăng thượng an lạc.
  Tăng thượng an lạc, nghĩa là hạnh phúc hướng thượng hay nâng cao giá trị hạnh phúc gắn liền với Tăng thượng tâm, là hệ quả của tiến trình tu học theo giáo pháp Giới-Định-Tuệ của đức Phật. Đạo Phật- Bát Thánh đạo- được biết là nếp sống Tăng thượng giới, Tăng thượng tâm, Tăng thượng trí tuệ, có công năng giúp cho con người nâng cao giá trị an lạc trên nền tảng nâng cao các phẩm chất giác ngộ tự nội. Đức Phật chủ trương nâng cao giá trị hạnh phúc trên cơ sở nâng cao giới đức, tâm đức và tuệ đức của con người.
  Để giúp cho mọi người nhận rõ lối đi của Tăng thượng tâm, Tăng thượng an lạc, đạo Phật phân biệt rõ các cấp độ hạnh phúc khác nhau, gồm dục lạc, thiện lạc, thiền lạc và giải thoát lạc.
  Dục lạc :  nghĩa là hạnh phúc hay lạc thú thế gian, bao gồm các đối tượng ham muốn thường tình của con người, như tiền tài vật chất(tài), danh vọng quyền lực (danh) sắc đẹp khác phái (sắc), ăn uống no say (thực), ngủ nghỉ êm ái (thùy) hay còn gọi là các khoái cảm giác quan sinh khởi do duyên tiếp xúc với sắc đẹp, tiếng hay,hương thơm,vị ngon, cảm xúc êm dịu.Đây là loại lạc thú mang tính  đắc trưng và hấp dẫn nhất trong thế giới con người dến độ nó được xem như một căn bệnh phổ biến của loài người : bệnh tham dục. Bậc giác ngộ xác chứng: “ Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho tham dục”.
   Dục lạc có công năng kích thích đời sống con người thôi thúc các hoạt động tạo tác của con người, kích động bản năng ham muốn và làm tăng trưởng lòng tham không giới hạn của con người. Đạo Phật gọi các đối tượng kích thích như vậy là các dục trưởng dưỡng, tức các yếu tố quyến rũ, hấp dẫn, gây cảm kích, tạo khoái lạc, làm lớn mạnh lòng tham hay dục vọng của con người. Đức  Phật  nêu định nghĩa về dục lạc :
  “ Này Ananda, có năm dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm ? Các sắc do nhãn căn nhận thức, khả ái, khả lạc, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức các hương do mũi nhận thức các vị do lưỡi nhận thức các xúc do thân cảm xúc, khả ái, khả lạc, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn, này Ananda, như vậy là năm dục trưởng dưỡng, Này Ananda, duyên năm dục trưởng dưỡng này khởi lên lạc và hỷ, như vậy gọi là dục lạc”.
  Theo kinh nghiệm của Đức Phật thì dục lạc có vị ngọt làm say đắm lòng người nhưng chúng nguy hiểm, vì chúng là nguyên nhân gây nên nhiều tổn thất và bất hạnh lớn cho con người.  Bậc giác ngộ định danh dục lạc là “Vui ít, khổ nhiều, não nhiều, nguy hiểm càng nhiều hơn”, bởi dục lạc làm lớn mạnh lòng tham gây nên nhiều phiền muộn khổ đau cho con người và cuộc đời. Đại kinh khổ uẩn thuộc tuyển tập Trung bộ nêu một loạt các hậu quả nguy hại do lòng tham hay dục vọng gây ra.
-Khiến cho con người lao tâm khổ tứ, làm việc vất vã cực nhọc, thức khuya dậy sớm, chịu nắng chịu mưa.
- Rơi vào sầu muộn khổ não, nếu công ăn việc làm bị thất bại.
- Lo lắng tài sản bị tổn thất bởi nạn trộm cướp, bởi quan lại nhũng nhiễu, bởi thiên tai hỏa hoạn,nước cuốn hay bởi con cái phá tán.
-Rơi vào các việc làm xấu ác, vi phạm pháp luật khiến bị tù tội, chịu nhiều cực hình tra tấn khổ đau.
- Rơi vào tranh chấp cãi vã xâu xé lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái, giữa anh em hay giữa bạn bè với nhau chỉ vì mục đích thỏa mãn dục vọng.
- Tranh chấp dòng tộc, đấu tranh giai cấp dẫn đến đả thương, tàn sát lẫn nhau vì lý do danh vọng quyền lợi không được chia đều.
  Tranh chấp lãnh thổ, xâm chiếm đất đai, chiếm đoạt tài nguyên giữa các quốc gia hay các khối chủ nghĩa khiến chiến tranh, hận thù xảy ra gây chết chóc khổ đau cho vô số người.
-Tạo tác các ác nghiệp về thân, về lời, về ý do duyên dục vọng gây nên sau khi thân hoại mạng chung, tái sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
 Do dục lạc là nguyên nhân gây nên nhiều phiền toái khổ đau cho con người và cho cuộc đời, Đức Phật gọi dục lạc này là hạnh phúc có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, đưa đến tranh chấp, đáng sợ hãi, không nên tìm cầu, không nên làm cho sung mãn, cần hạn chế, cần nhiếp phục, cần buông bỏ. Ngài xem dục lạc là ô uế lạc, tức các lạc thú làm ô uế tâm thức con người, khiến cho con người trở nên hèn hạ tầm thường, không nâng cao phẩm giá của con người.
Thiện lạc : tức là niềm vui của lẽ sống tuân theo thiện pháp hay hạnh phúc phát khởi do sinh sống chơn chánh đúng pháp, nổ lực làm các việc lành, làm các công đức. Đây cũng là hạnh phúc thế gian, được thực nghiệm bởi người gia chủ tầm cầu tài sản đúng pháp; sau khi tầm cầu tài sản đúng pháp, vị ấy tự mình an lạc, hân hoan, chia sẻ và làm các công đức. Người ấy hưởng thọ các tài sản ấy, không có tham đắm, không có đắm say, không có mê loạn, thấy được sự nguy hại, có xuất ly với trí tuệ. Bản kinh không nợ thuộc tuyển tập Tăng chi bộ đề cập một người gia chủ biết đầu tư làm ăn hợp pháp, thu hoạch nhiều tài sản, rồi dùng lợi tức ấy nuôi sống gia đình vợ con, phụng dưỡng cha mẹ, chia sẻ bố thí cho nhiều người khác, nhờ đó có được bốn loại lạc :
1. Lạc sở hữu : Nghĩa là vị ấy sinh sống chân chính đúng pháp, thu hoạch được tài sản và nghỉ về thành quả ấy mà sinh tâm hoan hỷ.
2. Lạc tài sản : Vị ấy sinh sống chân chính đúng pháp, thu hoạch được tài sản và dùng tài sản ấy vào việc thọ dụng, chia sẻ, bố thí, cúng dường nhờ đó có được hân hoan hỷ lạc.
3. Lạc không mắc nợ :  Vị ấy sống chân chính đúng pháp, không mắc nợ ai điều gì và do đó cảm thấy được an ổn an lạc.
4.Lạc không phạm tội : Vị ấy sinh sống chân chính đúng pháp, không phạm phải các lỗi lầm về thân, về lời, về ý, hiểu rõ mình không phạm tội do đó đạt được niềm vui lớn.
  Như vậy, thiện lạc là hạnh phúc thế gian mà người cư sĩ có thể thành tựu trên cơ sở nổ lực tìm cầu tài sản đúng pháp, tạo dựng của cải vật chất chính đáng, thể hiện lối sống thiểu dục tri túc, hân hoan chia sẻ lợi ích vật chất với nhiều người khác, chuyên tâm làm các việc lành, làm các việc công đức. Đạo Phật khuyến khích loại hạnh phúc này bởi nó đi đôi với thiện, đi đôi với nếp sống có giới đức và tiết độ, đi đôi với hiểu biết chia sẻ và mở tâm bố thí, đi đôi với công đức làm lành lánh dữ. Có thể nói rằng thiện lạc là hạnh phúc thế gian nhưng khác với dục lạc, vì loại hạnh phúc này gắn liền với giới đức và trí tuệ, gắn liền với nhiều dục tri túc, gắn liền với từ tâm bố thí, gắn liền với nhiếp hóa lòng tham. Có thể xem đây là bước chuyển hóa và thăng hoa tâm thức căn bản mà người cư sĩ có thể thực hiện trong đời sống tại gia vốn có nhiều bổn phận và trách nhiệm phải làm đối với gia đình và xã hội. Đức Phật tán dương lối sống đưa đến thiện lạc.
  Học nhiều, nghề nghiệp giỏi,
  Khéo huấn luyện, học tập,
  Nói những lời khéo nói,
  Là điềm lành tối thượng,
  Hiếu dưỡng mẹ và cha,
  Nuôi dưỡng vợ và con,
  Làm nghề không rắc rối,
  Là điềm lành tối thượng,
  Bố thí, hành động đúng pháp,
  Săn sóc các bà con,
  Làm nghề không lỗi lầm
  Là điềm lành tối thượng,
  Chấm dứt, từ bỏ ác,
  Chế ngự đam mê rượu,
  Trong pháp, không phóng dật,
  Là điềm lành tối thượng.
Thiền lạc : nghĩa là niềm hân hoan an lạc nội tâm, đạt được nhờ chuyển hóa và thanh lọc tâm thông qua hành Thiền. Đây là phương pháp chuyển hóa tâm thức rất quan trọng, làm phát sinh các cấp độ an lạc tinh tế sâu lắng thuộc nội tâm, có khả năng làm thay đổi cảm thức của con người về kinh nghiệm hạnh phúc. Đức Phật khuyên gia chủ thực nghiệm cho được  Thiền lạc, bên cạnh các thiện lạc mà vị cư sĩ này đã có được nhờ nếp sống cúng dường bố thí và giữ giới. Theo kinh nghiệm của Đức Phật thì Thiền lạc có khả năng đối trị và nhiếp phục dục lạc, vì Thiền lạc vi diệu, thù thắng và an ổn hơn dục lạc. Bậc Giác ngộ đánh giá cao Thiền lạc, gọi hành Thiền là Tăng thượng tâm và hiện tại lạc trú, tức sự thăng hoa tâm thức và sống an lạc ngay trong hiện tại. Sau đây là các minh họa về Thiền lạc.
  -Cảm  giác sung sướng hân hoan do gột rửa tâm khỏi năm triền cái (tham, sân, si, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi ngờ) như người mắt nợ thoát khỏi nợ nần, như người bệnh thoát khỏi bệnh tật, như người tù được trả tự do, như người nô lệ thoát khỏi cảnh nô lệ, như người buôn băng qua sa mạc được an toàn : “ Này các Tỳ kheo, như một người mắc nợ liền làm các nghề nghiệp. Những nghề này được phát đạt, người ấy không những trả được nợ cũ, còn có tiền dư nuôi dưỡng vợ con..  Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ. Này các Tỳ kheo, như một người bị bệnh, đau đớn, trầm trọng, ăn uống không tiêu, thể lực suy yếu. Sau thời gian, người ấy khỏi bệnh, ăn uống tiêu thông, thể lực khôi phục.. Người ấy nhờ vậy sung sướng hoan hỷ. Này các Tỳ kheo, như một người bị nhốt trong ngục. Người ấy sau một thời gian được khỏi tù tội, an lạc kiện toàn, tài sản không bị giảm tổn Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ. Này các Tỳ kheo, như một người nô lệ, không được tự chủ, lệ thuộc người khác, không được tự do đi lại. Người ấy sau một thời gian thoát khỏi cảnh nô lệ, được tự chủ, không lệ thuộc người khác, được tự do đi lại Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ. Này các Tỳ kheo, như một người giàu có, nhiều tài sản, đang đi qua sa mạc. Người ấy sau một thời gian đã đi khỏi sa mạc ấy, đến đầu làng yên ổn, không có nguy hiểm, tài sản không bị tổn giảm Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ. Cũng vậy này các Tỳ kheo, Tỳ kheo tự mình quán năm triền cái  chưa xả ly, như món nợ, như bệnh hoạn, như ngục tù, như cảnh nô lệ, như con đường qua sa mạc. Này các Tỳ kheo, cũng như không mắc nợ, không bị bệnh tật được khỏi tù tội, được tự do, đến được đất lành yên ổn. Này các Tỳ kheo, Tỳ kheo quán năm triền cái khi chúng được diệt trừ.”
- Lạc sơ thiền : “Vị Tỳ kheo ly  dục, ly ác, bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không có hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.”.
-Lạc đệ nhị thiền : “Lại nữa, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần .”.
- Lạc đệ tam thiền : “ Lại nữa, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tĩnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “Xả niệm lạc trú” chứng và trú Thiền thứ ba. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân này với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.”
- Lạc đệ tứ thiền : “ Lại nữa, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo xả lạc khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.”
 Các mô tả về bốn trạng thái Thiền trên đây của Kinh tạng Pali cho chúng ta một hình ảnh sống động về kinh nghiệm hạnh phúc an lạc của pháp môn hành Thiền. Một người hành Thiền tức là một người đang sống trong hạnh phúc an lạc. Vì hạnh phúc an lạc bởi thân tâm vị ấy được thấm nhuần, tẩm ướt, tràn đầy với hỷ lạc do ly dục sanh, với hỷ lạc do định sanh, với xả niệm lạc trú và với xả niệm thanh tịnh. Kinh tạng Pali ví người hành thiền giống như một người đứng trên núi cao, có thể hít thở  không khí trong lành và thưởng thức vẻ đẹp của một cảnh quan thiên nhiên rộng lớn, so với cảm thức giới hạn của người không hành thiền, đứng dưới chân đồi.
  Như vậy, hành Thiền là bước chuyển hóa và thực nghiệm tâm linh to lớn với kết quả thân được khinh an, thoải mái, tâm được hân hoan, định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản. Chính trên nền tảng một tâm thức được khéo huấn luyện như vậy mà hành giả có thể dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh nhằm đoạn tận các lậu hoặc, thành tựu quả giải thoát giác ngộ.
    Do Thiền lạc có khả năng làm trong sáng và an tịnh nội tâm, giúp cho người thực hành thành tựu trí tuệ đưa đến đoạn tận các lậu hoặc, Đức Phật xem loại lạc này là lạc hợp pháp, tức xuất ly lạc, hạnh phúc của sự từ bỏ dục lạc, an tịnh lạc, niềm vui của tâm thức an tịnh, vắng bặt các cấu uế tham, sân, si hay năm triền cái; độc cư, hạnh phúc của nếp sống thanh tịnh vắng lặng; Chánh giác lạc, niềm vui có khả năng đưa đến giác ngộ. Cũng theo lời Phật thì Thiền là loại hạnh phúc không có đau khổ, không có phiền lao, không có ưu não, không có nhiệt não, không đưa đến tranh chấp mà mọi người nên thực hành, nên tu tập, nên làm cho sung mãn trong đời sống hằng ngày.
Giải thoát lạc : Nghĩa là hạnh phúc của tâm thức giác ngộ, bặt dứt các cấu uế tham  sân-si, thoát khỏi các lậu hoặc và kiết sử, đạt đến hoàn toàn tịch tịnh, an nhiên tự tại, không còn bị quy luật vô thường sanh diệt làm cho phiền muộn khổ não. Đó là niềm an tịnh tuyệt đối của Niết bàn, vượt ra ngoài cảm thức hạnh phúc thông thường của thế gian, được chứng nghiệm bởi những người đã hành sâu Bát Thánh đạo, đã đạt đến Chánh trí và Chánh giải thoát, tức đã đạt đến liễu tri và đoạn tận khổ đau.
   Nói cách khác, đó là lẽ sống tịch tịnh, giải thoát, an nhiên tự tại của những người đã chứng ngộ sự thật duyên sanh, vô thường, khổ, vô ngã của tự thân (ngũ uẩn) và của hết thảy những gì gắn liền với bản thân mình, không còn xem những gì mắt thấy tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm, ý nhận thức là mình hay của mình, không còn bị chi phối (vui hay buồn, hân hoan hay sầu khổ) bởi tính chất sanh diệt của hiện hữu.
  Khi xúc chạm việc đời,
  Tâm không động, không sầu,
  Không uế nhiễm, an ổn,
  Là hạnh phúc tối thượng
  Theo sự mô tả của Kinh tạng Pali đó là cảm thức của một người đã thoát khỏi các lậu hoặc, biết rõ mình đã giải thoát: “ Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn tái sanh nữa”. Sự an tịnh vắng lặng hoàn toàn của một người sống toàn tâm toàn ý với phút giây hiện tại, không còn vọng tâm truy tìm quá khứ hay phóng tưởng mơ ước tương lai. Cảm giác hỷ lạc khởi lên  nơi một người đã đoạn tận các lậu hoặc, quán sát tâm mình đã giải thoát khỏi tham,sân,si. Sự tịnh lạc của một người mà thân, khẩu, ý nghiệp đã đạt đến an tịnh, đã thành tựu chánh trí và chơn chánh giải thoát. Cảm thức bình an tuyệt đối của một người mà tâm không còn luyến ái, không còn chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy đối với bất cứ điều gì. Sự giải thoát tất cả, không còn sầu muộn, không còn nhiệt não của một người đã đạt đến đích, đã đoạn trừ mọi ràng buộc. Sự tịnh chỉ hoàn toàn của một người không còn, tham, sân, si, không ái luyến, không chấp thủ, có trí tuệ, không thuận ứng, không nghịch ứng, không ưa hý luận, không thích hý luận. Sự thoát khỏi mọi hy cầu, được tịch tịnh, được thanh lương, cảm thấy an lạc của một người rõ biết mình đã thoát khỏi tham, sân, si. Cảm giác của một người không tự làm khổ mình, không làm khổ người, ngay trong hiện tại không có tham dục, không có khao khát, tịch tịnh, cảm thấy mát lạnh, cảm giác lạc thọ. Tâm trạng của một người không còn âu lo sợ hãi, ngày đêm không khởi phiền não, ý vui niềm bất hại, luôn luôn đỏ đầy tâm từ thương tưởng chúng sinh. Thái độ tịch tịnh, không hoan hỷ, không sầu muộn của một người đã đã dứt sạch mọi ý niệm phân biệt, thấy rõ mọi thứ đến và đi, sanh và diệt do nhân duyên, không phải của mình, đã an toàn vượt khỏi chỗ người đời đắm say. Tóm lại, đó là cảm giác an lạc tuyệt đối của một người đã đoạn tận tham,sân, si, đã thực chứng Niết bàn là hạnh phúc tối thượng.
 Nhìn chung, đạo Phật là con đường của hạnh phúc an lạc hướng thượng mà càng nổ lực thực hành thì hạnh phúc càng tăng thượng cho đến khi đạt đến tối thượng (giải thoát lạc hay Niết bàn). Đó là con đường Bát Chánh đạo hay nếp sống Giới-Định-Tuệ, có công năng giúp cho con người phát huy các phẩm chất giác ngộ tự nội, giúp cho con người có đủ năng lực chuyển hóa và nhiếp phục tham,sân,si, từng bước nâng cao giá trị an lạc giải thoát trong đời sống, không còn bị trói buộc khổ não bởi thế giới dục lạc thấp kém. Rõ ràng trong một thế giới ngày càng bộc lộ bản chất hư huyển và bất an cơ bản do lòng tham muốn dục lạc của con người tạo nên, con đường thiện lạc, thiền lạc, giải thoát lạc do Đức Phật khuyến khích đang hiện rõ sức sống an lạc vững bền, như tiếng gọi mùa xuân mang lại niềm tin yêu và lối sống hòa ái cho muôn loài vậy./.
 Trích VHPG Xuân :1-2-2018
{]{

TĂNG THƯỢNG AN LẠC Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét