Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

PHẢN TƯỞNG KHỔ LÀ LẠC


PHẢN TƯỞNG KHỔ LÀ LẠC

Trong Trung Bộ Kinh, đức Phật giảng cho du sĩ Magandiya về sự lợi ích  của sự nhiếp phục lòng tham và phân tích về sự nguy hiểm  của các dục, tức những tổn hại lòng tham muốn các lạc thú thế gian (sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, cảm xúc êm dịu)  gây ra, Đức Phật xác nhận  những ai chưa đoạn trừ tham ái đối với các dục, đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, với các căn bị hư hoại, do sự xúc chạm đau khổ với các dục, lại có phản tưởng là hạnh phúc.
   Thông thường, con người sống ở đời xem các lạc thú thế gian là hạnh phúc, đôi khi còn cho đó là hạnh phúc tối thượng, tức sự thỏa mãn lòng khao khát sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, cảm xúc êm dịu hay sự sở hữu và thụ hưởng đầy đủ các thứ khoái lạc như tiền tài vật chất (tài), danh vọng quyền lực (danh), sắc đẹp khác phái (sắc), ăn uống no say (thực), ngủ nghỉ êm ái (thùy). Hẳn là quan niệm và kinh nghiệm thực dụng này có công năng kích thích đời sống con người, khuyến khích các hoạt động tạo tác của con người, thôi thúc con người nỗ lực tìm kiếm và sở hữu các khoái lạc trần thế, càng nhiều càng tốt, càng nhiều càng hạnh phúc. Đó không khác gì là chủ đích và xu thế vượt trội của nền văn minh vật chất đã và đang ngự trị mạnh mẽ trong đời sống nhân loại, một nền văn minh được xây dựng trên lòng tham, cổ vũ lòng tham và làm tăng trưởng lòng tham dục ở bên trong con người. Chắc chắn không ai có thể phủ nhận và chối bỏ một đời sống gắn liền với sự sở hữu các tiện nghi khoái lạc vật chất. Tuy nhiên, chính do quan niệm và kinh nghiệm thực dụng này mà nhân loại thường xuyên phải đối mặt với các khủng hoảng và thách thức, không ngừng rơi vào tranh chấp, tranh đoạt, cướp bóc, xâm lăng và tàn hại lẫn nhau chỉ vì mục đích thỏa mãn lòng tham, khiến cho lịch sử loài người ngập tràn chiến tranh hơn hòa bình, đời sống nhân loại đổ đầy nước mắt hơn nụ cười, vì “ dầu mua bằng tiền vàng, các dục khó thỏa mãn”  và bởi “các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm càng nhiều hơn”.
  Trong kinh Phật dạy : “ Này các Tỳ kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, Sát đề lỵ tranh đoạt với Sát đế Lỵ, Bà la môn tranh đoạt với Bà la môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh em tranh đoạt với anh em, anh tranh đoạt với chị, chị tranh đoạt với anh, bạn bè tranh đoạt với bạn bè. Khi họ đã dấn mình vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt, họ công phá nhau bằng tay; họ công phá nhau bằng đá, họ công phá nhau bằng gậy, họ công phá nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỳ kheo, như vậy là sự nguy  hiển các dục là nguyên nhân của dục.
   Lại nữa, này các Tỳ kheo, do dục làm nhân do chính dục làm nhân, họ cầm mâu và thuẫn, họ đeo cung và tên, họ dàn trận hai mặt, và tên được nhắm bắn nhau, đao được quăng ném nhau, kiếm được vung chém nhau. Họ bắn đâm nhau bằng tên, họ quăng đâm nhau bằng đao, họ chặt đầu nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỳ kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục là nguyên nhân của dục.
   Lại nữa, này các Tỳ kheo, do dục làm nhân..do chính dục làm nhân, họ cầm mâu và thuẫn, họ đeo cung và tên, họ công phá thành quách mới trét vôi hồ và tên được nhắm bắn nhau, đao được quăng ném nhau, kiếm được vung chém nhau. Ở đây họ, họ bắn đâm nhau bằng tên, họ quăng đâm nhau bằng đao, họ đổ nước phân sôi, họ đè bẹp nhau bằng đá, họ chặt đầu nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỳ kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục là nguyên nhân của dục.
    Lại nữa, này các Tỳ kheo, do dục làm nhân  do chính dục làm nhân, họ đột nhập nhà cửa, họ cướp giật đồ đạc, họ hành động như kẻ cướp, họ phục kích các đường lớn, họ đi đến vợ người. Các vua chúa khi bắt được một người như vậy liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân, họ xẻo tai, họ cắt mũi, họ xẻo tai cắt mũi, họ dùng hình phạt vạc dầu sôi . v.v ..họ cho chó cắn, cho cọp nhai, voi dày, họ đóng đinh  v.v  Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự khổ đau gần như tử vong. Này các Tỳ kheo, như vậy là sự nguy hiểm của dục là nguyên nhân của dục.
  Lại nữa, này các Tỳ kheo, do dục làm nhân do chính dục làm nhân, họ sống làm các ác hạnh về thân, làm các ác hạnh về lời nói, làm các ác hạnh về ý. Do họ sống làm các ác hạnh về thân, làm các ác hạnh về lời nói,  làm các ác hạnh về ý, khi thân hoại mạng chung, họ sanh về cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Tỳ kheo, như vậy là sự nguy hiểm  các dục, đưa đến khổ đau tương lai, là khổ uẩn, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nhân duyên. Do chính dục làm nhân”.
 Sự phân tích của bậc Giác ngộ cho chúng ta thấy dục lạc hay các lạc thú thế gian là nguyên nhân của mọi bất hạnh khổ đau xảy ra cho con người và cuộc đời. Chúng được xem là loại hạnh phúc có khổ đau, có phiền não, có ưu não, có nhiệt não, vì chúng đưa đến tranh chấp, tranh đoạt, chiến tranh, gây nên nhiều tai họa khổ đau cho nhân thế. Hẳn nhiên, bất hạnh khổ đau xảy ra không hoàn toàn do dục lạc mà do con người thiếu hiểu biết đầy đủ về dục lạc; con người chỉ thấy vị ngọt của các dục lạc mà không thấy sự nguy hiểm của các dục lạc, càng không biết cách chế ngự và thoát ly các dục; vì thế con người mới bị lòng tham trói buộc và chi phối, mới mê say  khao khát dục lạc, mới đi đến tranh chấp, tranh đoạt, cấu xé và tàn hại lẫn nhau chỉ vì mục đích sở hữu và thỏa mãn các dục. Sự thiếu hiểu biết này thật tai hại vì nó khiến cho con người hoàn toàn mê mờ và mù lòa, nhầm tưởng khổ là lạc, tiếp tục lôi kéo và giam hãm loài người trong thế giới tranh chấp khổ đau.
 Đạo Phật không phủ nhận dục lạc hay các lạc thú thế gian. Đạo Phật chỉ nêu rõ dục lạc vui ít khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm càng nhiều hơn và khuyến khích mọi người nỗ lực tu tập, nâng cao đời sống  tâm thức để hạn chế và vượt qua các phiền toái khổ đau do lòng tham muốn dục lạc gây ra. Với kinh nghiệm  của bậc Giác ngộ, Đức Phật nói cho chúng ta biết con người không thể thoát khỏi  phiền não khổ đau do lòng tham muốn dục lạc tạo nên, trừ phi người ấy có sự tu tập chuyển hóa đời sống nội tâm, thực nghiệm các cấp độ an lạc tự nội. Nói cách khác,  con người có thể khắc phục và đoạn trừ mọi bất hạnh khổ đau cơ bản do dục vọng gây ra, nếu con người có được sự hiểu biết đầy đủ về vị ngọt và sự nguy hiểm của các dục, cùng lúc có phương pháp tu tập thoát khỏi sự  trói buộc và chi phối của các dục.
 Đức  Phật nói với Mahanama rằng : thuở xưa, khi ta còn là Bồ tát, chưa chứng Bồ đề, chưa thành Chánh đẳng Chánh giác, Ta khéo thấy với như thật chánh trí tuệ, “ Các dục vui ít khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhều hơn”  dầu Ta có thấy với như thật  chánh trí tuệ như vậy, nhưng Ta chưa chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sanh hay một pháp nào khác cao thượng hơn. Và như vậy Ta biết rằng, Ta chưa khỏi bị các dục chi phối. Và này Mahanama, khi nào Ta khéo thấy với như thật chánh trí tuệ : “Các dục, vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn ”, và Ta chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp hay một pháp nào khác cao thượng hơn, như vậy Ta khỏi bị các dục chi phối .
  Này Magandiya, Ta thuở trước, khi còn tại gia, Ta sống hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn, năm dục lạc trưởng dưỡng, các sắc pháp do mắt nhận thức, các sắc pháp này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức các hương do mũi nhận thức các vị do lưỡi nhận thức các xúc do thân nhận thức,các xúc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nay Magandiya, Ta có ba tòa lâu đài, một cho mùa mưa, một cho mùa đông, một cho mùa hạ. Này Magandiya, trong bốn tháng mùa mưa, Ta sống hưởng thụ trong lâu đài mùa mưa, được những nữ nhạc công giúp vui và không bước xuống khỏi lâu đài ấy. Rồi Ta sau một thời gian, sau khi như chơn biết được sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các dục vọng; sau khi đoạn tận dục ái, sau khi trừ diệt nhiệt não của các dục, Ta trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Rồi Ta thấy chúng sanh khác, chưa xả ly tham ái đối với các dục đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, đang chạy theo dục lạc. Ta không ước vọng được như họ; ở đây, Ta không ham thích. Vì sao vậy ? vì rằng, này Magandiya, có hỷ lạc này, ly dục, y bất thiện pháp, sau khi chứng đạt Thiền lạc, được an trú, hoan hỷ trong hỷ lạc ấy. Ta không ao ước cái gì thấp kém, ở đây, Ta không ham thích.
  Kinh nghiệm tu chứng của Đức Phật xác nhận rằng ngoài dục lạc hay các lạc thú thế gian dễ làm cho con người rơi vào mê say tham đắm, nhầm tưởng khổ là lạc, tự mình bị sầu lại tìm cầu cái bị sầu, con người có khả năng sở hữu nhiều niềm vui hay nhiều loại hạnh phúc khác cao cả hơn, sâu lắng hơn, an ổn hơn dục lạc hay các khoái cảm trần thế. Đó là sự thanh thản an lạc nội tâm, đạt được nhờ chuyển hóa và thanh lọc tâm thông qua hành Thiền. Đây chính là phương pháp chuyển hóa tâm thức rất quan trọng, làm phát sinh các cấp độ an lạc tinh tế sâu lắng thuộc nội tâm gọi là Thiền lạc, có khả năng  làm thay đổi cảm thức của con người về kinh nghiệm hạnh phúc.
 Theo kinh nghiệm của Đức Phật thì Thiền lạc có khả năng đối trị và loại trừ lòng đam mê dục lạc, vì Thiền lạc vi diệu, thù thắng và an ổn hơn dục lạc. Bậc giác ngộ đánh giá cao Thiền lạc, gọi hành thiền là Tăng thượng tâm và hiện tại lạc trú, vì việc hành Thiền, chứng đạt Tăng thượng tâm, giống như người đứng trên núi cao, có thể hít thở không khí trong lành và thưởng thức vẻ đẹp kỳ diệu của một cảnh quan thiên nhiên rộng lớn, so với cảm thức giới hạn của người không hành thiền, đứng dưới chân đồi, bị dục lạc chi phối. Đây hẳn là kinh nghiệm và giải pháp thiết thực bổ ích cho đời sống của con người, giúp cho con người tìm thấy lối đi quân bình và hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống tâm thức, giải tỏa được các tâm lý ngột ngạt và tẻ nhạt của lối sống một chiều tìm kiếm và thụ hưởng dục lạc.
 Nhìn chung, sự hiểu biết đầy đủ về các dục khiến cho con người bị trói buộc và chi phối bởi dục lạc, nhầm tưởng dục lạc là hạnh phúc, không thấy được sự nguy hại khổ não của các dục hay lòng khao khát thỏa mãn các lạc thú thế gian. Con người càng thích thú chạy theo dục lạc, càng khao khát thỏa mãn các dục, thì càng bị các dục trói buộc và chi phối đến độ trở thành nô lệ hoàn toàn cho các dục, thực thi lối sống bị trói buộc khổ đau giữa các dục mà không hay biết; giống như người bị bệnh cùi càng hơ đốt thân mình trên hố than hừng chừng nào thời miệng các vết thương lại càng thêm bất tịnh, càng thêm hôi thối và càng thêm thối nát, và người ấy chỉ có cảm giác dễ chịu, thỏa thích do nhân duyên gãi ngứa miệng vết thương.
  Đáng chú ý rằng có sự khác biệt hoàn toàn về kinh nghiệm và khuynh hướng tìm cầu hạnh phúc giữa chúng sanh và các bậc giác ngộ. Những gì chúng sanh xem là hạnh phúc thì các bậc giác ngộ thấy là khổ đau. Những gì chúng sanh khao khát tìm cầu thì các bậc giác ngộ lặng lẽ rời bỏ. Với các bậc giác ngộ thì các dục lạc là phiền toái khổ đau, buông bỏ được lòng tham dục thì giải thoát an lạc. Nhưng đối với chúng sanh thì các dục lạc là vui thích là hạnh phúc, rời xa các dục là sầu muộn khổ đau. Vì sao như vậy ? vì chúng sanh không tìm thấy và chưa tìm thấy được loại hạnh phúc nào khác, ngoài dục lạc hay các lạc thú thế gian. Một người chỉ có một món ăn duy nhất là dục lạc thì không bao giờ rời bỏ được dục lạc, dù biết rằng đó là khổ đau. Nhưng một người sở hữu nhiều loại hạnh phúc khác vi diệu và thù thắng hơn dục lạc thì không có gì khó để buông bỏ dục lạc, cũng đồng nghĩa là buông bỏ trói buộc khổ đau.
   Đó là lý do vì sao Đức Phật khuyên các học trò mình cần phải nhận thức cho thật đầy đủ về các dục, về vị ngọt, sự nguy hiểm của các dục lạc và trên hết, phải thực hành con đường chế ngự và xuất ly các dục (hành Thiền) để có được sự thăng tiến tâm thức (Tăng thượng tâm),  sự thăng hoa hạnh phúc (tăng thượng an lạc) từng bước nâng cao đời sống nhận thức, nâng cao đời sống tâm thức, nâng cao đới sống giải thoát trong đời sống hằng ngày, ngăn tránh sự quyến rũ và trói buộc của dục lạc vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp đưa đến bất hạnh khổ đau của thế giới loài người./.
   Trích từ :    Nguyên Hoàn . VHPG .1-4-2018. Số 294.

{]{

PHẢN TƯỞNG KHỔ LÀ LẠC Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét