Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

HỌC PHẬT NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG


HỌC PHẬT NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG

 Ngoài  thế gian người ta nói  “ rừng Nho biển Thánh” cái học ở thế gian cũng vô cùng tận, cái học của Đạo lại mênh mông. Trong đạo Phật có ba tạng kinh điển, tám vạn bốn ngàn pháp môn tu, làm sao hiểu hết và thực hành cho đúng là cả một vấn đề khó khăn cho người tu tập . Hiểu biết là một phần  nhưng quan trọng là phải thực hành cho đúng với tinh thần tu tập của đạo Phật là giác ngộ và giải thoát, ra khỏi tà kiến mê lầm là chuyện không phải dễ đối với người mới tu tập cũng như người tu lâu. Phật đã huyền ký đời mạt pháp thầy tà bạn ác đông như kiến cỏ, làm sao không bị mê hoặc bởi thầy tà bạc ác là điều không thể đối với người tu thời nay.
    Trong đạo có nhiều giảng sư thuyết giảng rất hay, có vị giảng không nên xem kinh đọc sách nhiều, xem kinh đọc sách nhiều sẽ loạn tâm, có vị lại giảng khuyến khích nên đọc tụng nhiều mới mở mang trí tuệ, mới phân biệt được chánh tà phải trái. Cái lý nào cũng đúng, nhưng  người tu học phải xem mình thích ứng với pháp nào nên tu hay nên vừa học vừa tu. Ví như các vị tuổi cao sức yếu mắt mờ tại điếc thì nên chuyên tu hơn là chuyên tụng đọc, còn những vị có trí nhớ, có mắt sáng tai nghe thì nên tu cả hai, vừa tu vừa học. Cái học rất có lợi cho mình và người khác, cái học nó bổ sung cho cái hành, cái hành nó làm sáng tỏ cho cái học. Tu là Sự học là Lý, Lý Sự đồng hành thì mau thành công và ít bị sai lệch.
  Trong đạo Phật có ba tạng kinh điển nghĩa lý rất sâu rộng, thế nhưng lại có người tu học lại cho rằng chỉ cần tụng đọc một bộ kinh là đủ rồi, hay chỉ cần niệm một danh hiệu Phật, hoặc chỉ trì một câu chú là đủ rồi, không cần tụng đọc các kinh khác. Vậy đức Phật khuyên chúng ta nên học rộng hiểu nhiều để làm gì. Cho nên chúng ta cần phải học thật nhiều kinh, đời nay chưa xong thời đời sau, đừng bao giờ cho rằng mình tu chỉ cần tụng một bộ kinh là đủ. Người mới tu học chưa đủ trình độ để chuyên tụng chuyên tu một bộ kinh đâu. Thế học ngoài đời người ta còn phải học nhiều môn, nhiều lớp khác nhau, nhiều thầy nhiều bạn mới học chuyên ngành. Tu học Phật pháp cũng thế, cần phải học nhiều môn nhiều pháp mới mở rộng tâm trí, tu tập mới mau tiến bộ. Nếu chỉ chọn đọc tụng một bộ kinh cho là đủ chúng ta rơi vào cực đoan, phải học nhiều trí tuệ mới khai mở, và sự hiểu biết mới phong phú. Ngoài tụng kinh đọc sách chúng ta cần phải nghe các vị giảng sư giảng, nhưng khi nghe ta phải suy xét đúng hay không, hợp hay không hợp với hoàn cảnh của mình. Nếu đúng thì tin, hợp thì áp dụng, còn không đúng không hợp ta có quyền không tin. Đừng bao giờ chúng ta gặp một vị thầy nào đó đáng kính đáng ưa, rồi tin theo người đó một cách tuyệt đối, đừng bao giờ thần thánh hóa  một vị nào đó, vì tất cả con người dù tu sĩ hay thế tục đều còn nằm trong địa vị phàm nhơn chứ chưa thật là thánh. Nhưng một ngày nào đó, vị thầy ấy phá trai phạm giới hoặc thôi tu, thì chúng ta mất cả lòng tin và định hướng. Ví như con tàu ra khơi bị gãy bánh lái mênh mông trên biển không quay vào bờ được.
  Người tu học không có sự hiểu biết bèn chạy theo ai đó, rồi không phân biệt phải trái, vậy nên cần phải có chánh kiến, muốn có chánh kiến cần phải nghiên cứu kinh điển. Học nhiều hiểu rộng chúng ta mới thấu hiểu những lời thâm sâu Phật dạy trong kinh điển, mới biết đâu đúng sai chánh tà. Còn không dễ bị lừa gạt, dễ bị dụ dỗ bằng những chiêu bài “ không cần đọc tụng chỉ  cần lễ lạy là có phước rồi” v.v.. tu ích mà hưởng nhiều. Đức Phật còn phải tu qua vô lượng kiếp mới thành, huống nữa phàm phu chúng ta, sự tu phải trãi qua các giai đoạn, Văn, Tư, Tu  trong thời gian dài mới thành, chứ không phải một sớm một chiều mà thành được.
   Khi đã hiểu  được pháp Phật thì chúng ta phải áp dụng lời dạy của  Phật vào trong cuộc sống của mình, phần đông người ta tu trên cửa miệng thì nhiều, còn tu thay tâm đổi tánh thì ít. Nhiều người siêng đi chùa, siêng tụng kinh bái sám, niệm Phật rất giỏi, thế nhưng thực hành thì không được bao nhiêu, vì thế có một số người, trước chưa biết Phật pháp thì cuộc sống gia đình rất hạnh phúc, nhưng sau khi đi chùa, hiểu biết chút ít Phật pháp rồi,  cuộc sống gia đình không còn hạnh phúc như xưa nữa, gia đình trở nên xào xáo, cuối cùng gia đình ly tán. Điều này do hiểu sai, tu sai. Người học Phật tại gia phải có trách nhiệm với gia đình, vợ, chồng, con cái  gia đình, sự nghiệp v.v  Không phải chỉ lo tu mà không cần quan tâm đến ai, cũng không cần làm việc gì. Tu như vậy chúng ta sẽ đánh mất hạnh phúc của chính mình và gia đình mình và mọi người chung quanh.  Nếu là người tu tại gia thì phải tròn trách nhiệm mà mình đang gánh vác, có người bỏ hết công việc gia đình để chuyên tu, cho rằng tu như thế mới đúng, là tinh tấn, thật ra tu như thế chưa đúng, tu thế nào đừng rơi vào những trạng thái cực đoan, đừng quá căng và quá dùn, đi con đường trung đạo. Bất luận người tu niệm Phật, tu thiền hay tu mật hay tụng kinh như thế nào, chỉ cần thấy gương mặt luôn có sự hoan hỷ, làm nhiều việc tốt, được mọi người kính trọng, có trách nhiệm với gia đình và xã hội, thì biết rằng người đó tu đúng, còn anh niệm Phật, ngồi thiền nhiều, tụng kinh nhiều mà tánh khí khó chịu, gương mặt không vui, không chút hiền hòa, phúc hậu, càng tu càng làm cho người khác phiền não, kinh sợ thì biết người đó tu sai rồi.
  Vậy người tu làm thế nào để cho gia đình mỗi ngày một an vui hạnh phúc, làm sao cho gia đình, con cái, thân quyến  biết ăn chay, niệm Phật, đi chùa tìm hiểu Phật pháp như mình, và nhất là làm sao bản thân mình càng ngày càng trở nên vui vẻ hiền hòa, dễ chịu được mọi người quý mến, gần gũi. Tu như thế nào để cuộc sống  của mình càng  ngày càng đầy đủ, ấm no, mọi người thấy như vậy mới thích tu, thích đi chùa, mới có cảm tình với Phật pháp .
 Có người càng tu lâu càng cố chấp, cứ nghĩ mình tu là đúng, còn người khác tu sai, ai làm việc gì cũng khó chịu, nhăn nhó, bực tức, người khác gặp thấy lo sợ, không dám đến gần tiếp chuyện, Tu rốt rồi trở thành người khó tính khó gần. trong khi Phật dạy, tu thì phải ba nghiệp cho thanh tịnh, tâm hồn luôn luôn hoan hỷ, từ bi, tu làm sao trở thành người dễ mến, dễ gần và hạt giống từ bi hỷ xả của mình mỗi ngày càng tăng trưởng, thực hành như thế mới đúng lời Phật dạy ./.
{]{

HỌC PHẬT NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét