Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

TU LÀ CHUYỂN NGHIỆP


TU LÀ CHUYỂN NGHIỆP

Nói đến Đạo là người ta nghĩ đến việc Tu, Tu nói cho trọn là Tu sửa, sửa xấu thành tốt, sửa dỡ thành hay đồng nghĩa với bỏ ác làm lành. Tại sao ta phải tu, tu có lợi ích gì. Tu có nghĩa là sửa đổi, tu bao gồm trong ba trường hợp : tu thân, tu tâm và tu hoàn cảnh. Tu sửa thân là làm cho thân khỏe mạnh cường tráng, không bịnh tật, sạch sẻ thanh thoát; Tu sửa Tâm là làm cho tâm  sáng suốt minh mẫn, không tham lam tật đố ganh ghét,tỵ hiềm, giận hờn, ích kỷ, không phiền não đau buồn,lo âu v.v.. Tu hoàn cảnh là làm cho môi trường mình đang ở sạch sẻ khang trang, thoáng mát . Như nhà cửa, đường sá,sân vườn v.v
  Như vậy, nói tu là cách làm cho một con người từ xấu trở nên tốt cả thân lẫn tâm và hoàn cảnh tốt đẹp khang trang. Ngược lại là người xấu, người xấu là người có thói hư tật xấu; như tham lam, sân giận, si mê, bỏn sẻn, ích kỷ, gạnh tỵ bất trung, bất hiếu v.v..
   Sân giận ai cũng có ít nhiều khác nhau tùy theo tuổi tác và địa vị mà thể hiện sự nóng giận. Đứa bé thể hiện sự giận dữ bèn khóc la, người giám đốc thể hiện giận dữ khác so với người làm công nhân, tất cả ai cũng có nóng giận. Nhưng tất cả sự sân giận là gốc rễ của phiền não bắt nguồn từ tam độc tham,sân, si. Nên người tu cần phải thấy được những tập khí xấu này để cố gắng sửa đổi,  có thấy được mới biết sửa đổi, nếu không thấy được nó sẽ âm thầm chi phối ta suốt đời. Như một vị tướng ra trận phải biết giặc ở đâu mới đánh được, bằng không sẽ bị giặc bao vây khống chế. Người tu là phải thấy được cái tật xấu của mình để sửa đổi, thế mới gọi là tu. Niệm Phật, lạy Phật tụng kinh thì dễ, chứ điều phục được phiền não tham, sân, si thì rất khó; đòi hỏi chúng ta phải nhận diện được tam độc, tham sân si và phải trải qua quá trình nổ lực lâu dài để chuyển hóa. Phải thường xuyên nhìn lại ba nghiệp thân, khẩu, ý của mình, và tu sửa dần dần đến tiến bộ, hoàn thiện bản thân để trở thành một người tốt hoàn toàn.
 Có ba loại giận, loại giận khó xóa khó trừ, loại giận dễ xóa dễ trừ, loại giận không cần phải xóa trừ. Loại giận thứ nhất như chữ khắc trên đá khó xóa khó trừ. Loại giận thứ hai dễ xóa dễ trừ như chữ viết trên đất. Loại giận thứ ba không cần xóa trừ như chữ viết trên nước.  Dù là Phật tử hay không Phật tử, có duyên biết đến chùa, biết đến Phật pháp, tiếp cận được giáo pháp, hiểu được lời Phật dạy, giúp chúng ta mở mang được sự hiểu biết, tăng trưởng trí tuệ, từ đó có được cuộc sống an lạc hạnh phúc ở hiện tại và tương lai.
    Muốn giảm trừ sự sân giận ta cần phải tập Nhẫn nhịn. HT Giác Nhiên có bài thơ khuyên Nhẫn như sau :
  Nhẫn là điều, dầu có họ nói không
  Không nói có, mặc tình ai thêu dệt
  Con quyết tu, thì chi chi nhịn hết
  Nhịn, nhịn hoài, nhịn nhịn mãi con ơi !
  Chẳng phải là nhìn có ba lần thôi
  Mà nhịn mãi đến khi thành Chánh giác
  Con nhịn được dầu thân con có thác
  Thác thân con mà tâm thức nhẹ nhàng
  Cõi Tây phương con chắc chắn bước sang
  Bằng con đọa Thầy nguyện ra chịu thế.
    Biết rằng, tham,sân, si là xấu nhưng để chuyển hóa được nó thì không đơn giản, đòi hỏi phải có một quá trình lâu dài công phu tu tập. Những người chấp vào việc đi chùa lâu năm cho là tu, từ đó làm tăng trưởng bản ngã. Bản ngã càng lớn thì phiền não càng nhiều. Hồi mới đi chùa thì bản ngã còn nhỏ, đi chùa lâu, có công có việc, có chức vụ trong chùa, thì bản ngã lại lớn dần, phiền não cũng từ đó mà tăng lên. Chỉ cần có một người đụng đến mình là phiền não nổi lên ngay. Rốt cuộc không biết đến chùa là để tu cái chi. Mục đích ban đầu đến chùa là tu để gột rửa bớt tham, sân, si, nhưng tu riết rồi tham, sân, si  lại càng tăng trưởng. Cho nên có nhiều người đi chùa càng lâu càng trở nên khó tính, khó ưa, bởi vì cái ngã, cái Ta của họ quá lớn.
  Nhiều người đi chùa hay vướng vào khẩu nghiệp, cứ nghĩ đến chùa là để tụng kinh, niệm Phật, nhưng đến rồi lại bắt đầu bàn luận lung tung, huyên thuyên đủ thứ chuyện, rồi trở thành “Bà Tám” lúc nào không hay. Đi chùa nói về những điều tốt, nói về tu học Phật pháp lại không nói, nói toàn những chuyện thị phi, nói người này xấu, người kia tốt, rồi gây chia rẽ hiềm khích với nhau, rốt cuộc tạo thêm khẩu nghiệp.  Lời nói có sức mạnh rất lớn, nhiều khi chỉ một lời nói mà làm người ta buồn khổ phiền não mất ăn mất ngủ, có khi đưa đến cái chết. Cho nên Phật dạy chúng ta không nên nói dối, không nói lời thô lô độc ác cộc cằn, không nói lời phù phiếm. Mà phải nói lời chân thật, hiền hòa êm dịu. Nói lời lợi ích đem lại sự an vui lợi lạc cho người khác.  Có bốn cách nói : Lời nói như mật, lời nói như hoa, lời nói như nước, và lời nói như phân. Lời nói như mật là lời nói ra ai nghe cũng thấy an lạc vui mừng, cảm thấy như được nếm mật. Nói như hoa là lời nói ra người nghe như đang ngửi mùi hương dễ chịu. Nói như nước là lời nói người nghe xóa tan nghi ngờ, hận thù, buồn giận. Lời nói như phân là nói ra người nghe buồn bực tức giận, lo âu đau khổ. Người tu học theo Phật pháp nên tạp nói theo như mật, như hoa và như nước tránh nói như phân.
   Câu ca dao rằng :
  Lời nói không mất tiền mua
  Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
  Ngoài ra phải tập nói ái ngữ, nghĩa là phải nói những lời yêu thương, nhẹ nhàng hòa nhã, lễ phép. Như vậy sẽ được nhiều người yêu thương cảm mến. Có thể mình tụng kinh nhiều, niệm Phật nhiều rất giỏi, nhưng để nói được một lời yêu thương hòa hợp lại thì rất khó, đôi khi nói không được. Ta phải suy gẩm lại khẩu nghiệp của mình chưa thanh tịnh, nên khi nói những lời chân chính, ái ngữ là ta khó nói, nói không được. Cho nên phải cố gắng tập nói những lời hòa nhã êm dịu ôn hòa, khiến người nghe nhớ mãi không quên.
  Tất cả lời nói, hành động của ta đều bắt đầu từ ý, ý nghĩ tốt sẽ  biểu hiện thành lời nói và hành động tốt, còn ý nghĩ xấu  thì biểu hiện lời nói và hành động cũng xấu theo.  Để có được ý nghĩ tốt, nhận biết đúng sai, thì chúng ta phải học Phật pháp. Nhờ giáo pháp của Phật, nhờ ánh sáng chân lý nên mình mới nhận ra ý nghĩ,lời nói việc làm của mình là sai. Nếu chúng ta không thấy được lỗi của mình, không biết điều mình làm đúng hay sai, thì không thể sửa đổi được, cho nên cần phải học phật pháp mới sửa đổi được.
  Như vậy muốn trở thành người tốt, thì đều phải tu tập, học hỏi Phật pháp. Tu là sửa đổi ba nghiệp thân, khẩu, ý của mình từ xấu qua tốt, biết được tập khí tham sân si trong mình còn nhiều hay ít, mỗi ngày bớt hay tăng. Nếu bớt thì mình tu có tiến bộ, còn tăng thì mình tu sai rồi ./.
  Trích từ : Sửa đổi ba nghiệp : TT Thích Chơn Tính
{]{

TU LÀ CHUYỂN NGHIỆP Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét