Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

GIẢI THOÁT VÀ GIẢI THOÁT NHƯ THẾ NÀO


GIẢI THOÁT VÀ GIẢI THOÁT NHƯ THẾ NÀO

 Trong đạo Phật thường nói đến danh từ giải thoát, mà giải thoát cái gì phần đông người theo đạo Phật chỉ nghe bằng khái niệm chứ không rõ phải giải thoát cái gì, cho nên miệng thì nói giải thoát nhưng tâm thì cứ buộc vào. Cho nên tu tập lâu ngày chầy tháng mà vẫn thấy còn đau khổ buồn phiền, tại vì không biết phải giải cái gì để thoát. Mục đích chính của đạo Phật là con đường đạt đến giác ngộ và giải thoát. Hai từ giác ngộ và giải thoát tuy hai mà một, phải giải thoát trước rồi mới giác ngộ hay giác ngộ rồi mới được giải thoát ?  Câu trả lời là, trước phải giác ngộ rồi mới có giải thoát. Mà giác ngộ cái gì để được giải thoát, giác ngộ Phật tánh, chân như hay Niết bàn v.v. Nói đến giác ngộ có nhiều giai đoạn cao thấp khác nhau tuỳ theo trình độ tu chứng. Nhưng ở đây nói đến giác ngộ ở giai đoạn thấp để có giải thoát thật sự trong cuộc sống đau khổ thường hằng của kiếp nhân sinh. Đó là giác ngộ “vô thường, khổ, không “ Nếu ta giác ngộ cuộc đời mọi sự mọi vật, tâm lý vật lý đều vô thường, đều là khổ, đều là không, thì ta sẽ không bị tham, sân, si, chấp trước làm chúng ta khổ. Từ khởi thuỷ cho đến khi cha mẹ sinh ra ta cho đến nay, ta đã huân tập vào trong tâm thức không biết bao nhiêu ý niệm, tư tưởng, tập khí. Những ý niệm, tư tưởng, tập khí này nó chi phối ràng buộc chúng ta, sai khiến chúng ta tham lam, sân hận, ganh ghét thù hiềm, phải trái, hơn thua, được mất v.v. không bao giờ cho chúng ta được tự do là vậy. Để làm sáng tỏ hai từ giải thoát chúng ta mượn câu chuyện của Tư Mã Ý thù hận Khổng Minh trong truyện Tam Quốc Chí thì sẽ rõ hơn.
  Trong truyện Tam Quốc Chỉ kể như vầy, một ngày nọ Tư Mã Ý đi vào đất Thục để tiếp quản đất Ba Thục của Lưu Bị và Khổng Minh khi ông đánh thắng quân Ngô. Khi đi vào đất Thục ông thấy lăng mộ của Khổng Minh. Tư Mã Ý và Khổng Minh khi còn sinh tiền là hai kẻ thù không đội trời chung, cho nên Tư Mã Ý  rất thù ghét và căm tức Khổng Minh, cho nên ông qua đất Thục thấy lăng mộ Khổng Minh ông đi xăm xở vào định đập phá lăng mộ Khổng Minh, để trừ cái hận ngày xưa ông luôn luôn bị thua, ông bước vào lăng mộ liền té cái rập nằm ngửa, chưa kịp phá thì đã té nhào đầu. Ông ngước lên lăng mộ nhìn thấy Khổng Minh viết bốn chữ “Giải y nhi thoát ”, tức là mở áo ra thì thoát. Vì dưới mặt đất Khổng Minh cho chôn một khối nam châm to, nên Tư Mã Ý bước vào cái áo giáp sắt Tư Mã Ý bị  nam châm hút liền té nhào, nhìn thấy bốn chữ  “giải y nhi thoát” Tư Mã Ý liền cởi áo ra và chạy thoát chứ không còn ý tưởng phá lăng mộ Khổng minh nữa.
   Câu chuyện này xuyên qua Phật giáo,  chúng ta cũng phải giải y nhi thoát, có giải mới thoát được, giải có nghĩa là cởi bỏ, nếu cứ khư khư không cởi bỏ thì làm sao thoát được. Chữ giải ở trong câu chuyện này đồng với chữ giác ngộ trong việc tu tập của người tu học. Chúng ta từ khi sanh ra cho đến lớn lên, chúng ta đã huân tập không biết bao nhiêu là ý niệm, tư tưởng, những ý niệm tư tưởng này nó ràng buộc chúng ta không thoát được, cũng như chiếc áo giáp vậy. Những ý tưởng đúng, sai, phải trái, được mất, hơn thua v.v. Giải là cởi, thoát là ra khỏi vị trí chúng ta đang đứng, ra khỏi vị trí lòng tham ái, si mê, sân hận. Chúng ta dịch chuyển vị trí chúng ta đang đứng thì gọi là giải thoát, mà muốn giải thoát thì phải cởi ra, giải ra, cởi ra những gì chúng ta đang huân tập. Ví như con gà trong võ trứng, nó ra khỏi võ thì thấy bầu trời mênh mông. Chúng ta chưa được giải thoát, mà đang đi trên hành trình giải thoát, muốn giải thoát chúng ta phải xả bỏ những ý tưởng, phải trái, hơn thua, thương yêu, thù ghét. Ta tự tạo ra để rồi tự ràng buộc lấy. “Khổ hải thao thao, nghiệp tự chiêu ”, những nổi khổ niềm đau chúng ta tự mời nó vào, chứ không phải tự nó vào, rồi tự chấp lấy làm cái Tôi và cái Của Tôi để rồi tự làm khổ mình. Ví dụ chúng ta ghét một ai đó, chúng ta luôn luôn nghỉ về người đó, càng nghỉ về người đó chúng ta càng căm tức họ, càng căm tức ta họ càng không ăn không ngủ được, ta tự hành hạ mình, còn người kia ta tức họ, họ tỉnh bơ vui đùa không hề hay biết gì về mình cả. Chúng ta thấy cái sân hận căm tức của mình thật vô duyên và lạc nhách thế mà con người ai cũng đều mang cái bệnh muôn thuở này.
Mỗi một con người có hai loại chủng tử mà khó cởi ra, đó là Bản hữu chủng tử và Tân huân chúng tử. Bản hữu chủng tử là hạt giống cũ, Tân huân chủng tử là hạt giống mới. Hạt giống mới nó tiếp nhận và thừa kế từ hạt giống cũ để rồi nó hình thành nên một cái đời sống mới, đó là cái Bản ngã, hay là cái Ta, cái Tôi mà chúng ta thường đối diện với mọi người, Tôi và Anh, Nó v.v… Hai loại chủng tử này khó mà cởi nó ra được, cho nên tu cho được giải thoát là cả một vấn đề nan giải.
Chúng ta đang sống trong bùn lầy của cõi dục, cái gì cũng muốn, cái gì cũng ưa, Muốn ưa, ganh ghét, thù hận  nó dẫn dắt chúng ta đi trong con đường sanh tử khổ đau muôn đời kiếp kiếp khó mà ra được. Vì thế cho nên phải học mới có sức hiểu để tu, nếu tu mà không hiểu thì như người đi ban đêm không có đèn đuốc thì lạc đường là lẽ tất nhiên. Học và tu là hai việc song hành,  tức là tri hành hợp nhất là hiểu biết và thực hành là điều người con Phật phải làm, chứ không phải chỉ dừng nơi lễ lạy tụng niệm mà có giải thoát có an lạc đâu../.
{]{

GIẢI THOÁT VÀ GIẢI THOÁT NHƯ THẾ NÀO Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét