Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

HẠNH PHÚC THEO LỜI PHẬT DẠY


HẠNH PHÚC THEO LỜI PHẬT DẠY

 Sự mong muốn có một đời sống hạnh phúc an lạc lâu dài là tâm lý muôn thuở của con người. Mặc dù quan niệm và cảm thức về hạnh phúc của mỗi người không hoàn toàn giống nhau, giữa con người với con người do nghiệp duyên sai biệt, nhân loại có mẫu số chúng là mong có hạnh phúc. Ai cũng mong muốn có hạnh phúc, nhưng không phải ai cũng biết cách  thực hiện hạnh phúc. Đó là lý do Đức Phật xuất hiện ở thế gian này.
 Không phải vì mục đích gì khác ngoài việc chỉ bày cho nhân loại con đường đưa đến hạnh phúc an lạc lâu dài.
Kinh Tăng Chi bộ xác nhận Như Lai ra đời vì hạnh phúc cho đa số, vì an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, hạnh phúc an lạc cho chư thiên và loài người. Ngài xuất hiện ở đời khiến cho số đông xa lìa phi pháp, an trú trong thiện pháp.
Phật dạy có tám thiện pháp hay tám đức tính để xây dựng hạnh phúc vững bền, nghĩa là bảo đảm một đời sống thoả mái về vật chất và an lạc về tinh thần, được tiến triển ổn định lâu dài, cả đời này và đời sau. Đó là đầy đủ tháo vát, đầy đủ phòng hộ, làm bạn với thiện, sống thăng bằng điều hoà, đầy đủ tín tâm, đầy đủ giới đức,  đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ.
Đầy đủ tháo vác: là thiện xảo trong công việc làm ăn, siêng năng cần mẫn, khéo tìm ra giải pháp tối ưu để tự mình giải quyết công việc có hiệu quả và vận dụng nguồn lực lao động có hiệu quả.
Đầy đủ phòng hộ: là biết cách gìn giữ và bảo vệ hợp pháp các tài sản chính đáng của mình, không để cho các thế lực dòm ngó, không để cho kẻ trộm đục khoét, không để cho thiên tai hoả hoạn, thiêu huỷ, không để cho con cái hư hỏng phá tán.
Làm bạn với thiện: nghĩa là thân cận và giao du thường xuyên với những người hiền đức để học hỏi và phát huy các phẩm chất đạo đức giác ngộ như tín tâm, giới đức, bố thí, trì giới, trí tuệ.
Sống thăng bằng điều hoà: nghĩa là biết sử dụng hợp lý các tài sản hay lợi nhuận làm ra đúng pháp để sống đời sống thích đáng, không phung phí cũng không bỏn xẻn. Nói cách khác các người gia chủ phải biết cân đối thu chi để sinh sống thoả mái hữu ích, và để bảo đảm công việc làm ăn được tiến triển vững vàng.
Đầy đủ lòng tin: là có lòng tin tưởng tôn kính đối với Tam bảo, Phật pháp Tăng.
Đầy đủ giới đức: tức là sống nếp sống đạo đức trong sáng của người tại gia cư sĩ, như không sát hại chúng sanh, không gian tham trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không rượu chè, nghiện ngập.
Đầy đủ bố thí:tức mở tâm bố thí, cúng dường, làm các việc từ thiện hay việc công ích  nhằm chia sẻ nổi khó khăn vất vả của người khác, hay góp phần bảo vệ môi trường sống và nâng cao phúc lợi cho cộng đồng.
Đầy đủ trí tuệ:  nghĩa là nuôi dưỡng, phát huy và thể hiện sự hiểu biết sáng suốt về lẽ thiện ác, về luật nhân quả, về cách hướng dẫn đời sống an lạc hay về phương pháp loại trừ phiền não khổ đau cho tự thân và người khác.
Xét tám thiện pháp hay tám đức tính được đề cập trên ta thấy Đức Phật  dạy rất thực tế và sâu sắc về đời sống hạnh phúc của người tại gia. Ngài đề xuất việc thực hành tám thiện pháp tốt nhấn mạnh hai yếu tố căn bản và thiết thực gắn với đời sống hạnh phúc của gia chủ. Tức là yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần. Về vật chất: đầy đủ tháo vác,  đầy đủ phòng hộ, làm bạn với thiện,  sống thăng bằng điều hoà.  Đối với tinh thần: Đầy đủ tín tâm, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ. Cần phải được chú tâm nuôi dưỡng và phát huy. Chính hai yếu tố này, nghĩa là kinh tế và đạo đức được cân nhắc và vận dụng đầy đủ, đặt nền móng cho một đời sống phát triển ổn định hài hoà, tạo điều kiện cho cá nhân phát huy các tiềm năng sáng suốt và phẩm chất đạo đức hướng thượng, cho phép người tại gia xây dựng và thưởng thức một đời sống hạnh phúc an lạc lâu dài.
Người tại gia biết nỗ lực đầu tư làm ăn hợp pháp, thu hoạch nhiều tài sản, rồi dùng tài sản đó nuôi dưỡng gia đình vợ con, phụng dưỡng cha mẹ, chia sẻ bố thí cho nhiều người khác và làm các việc công đức, nhờ đó có đủ bốn loại an lạc:Lạc sở hữu, lạc tài sản, lạc không mắc nợ, lạc không phạm tội.
1- Lạc sở hữu: Nghĩa là cảm thức thoải mái hạnh phúc khi nghĩ đến tài sản mình sở hữu được là nhờ chân chính nỗ lực làm lụng và tích luỹ, nhờ vào công sức lao động chính đáng, nhờ tinh tấn thâu hoạch đúng pháp.
2- Lạc tài sản: cảm thức hân hoan hạnh phúc khi sử dụng hợp lý  nguồn tài sản làm ra đúng pháp vào việc chi tiêu sinh sống hàng ngày và làm các việc phước đức.
3 -Lạc không mắc nợ: Cảm thức thanh thản an lạc khi quán sát và biết rằng mình không có mắc nợ ai một điều gì, vật chất, tình cảm hay pháp luật, dù ít hay nhiều.
      4- Lạc không phạm tội: Cảm giác thoả mái an ổn gắn liền với đời sống chân chính, hiền thiện, không lỗi lầm, thân hành không phạm tội, khẩu hành không phạm tội, ý hành không phạm tội.
    Kinh Pháp cú nói về lợi ích đời này và lợi lạc đời sau của người gia chủ có nếp sống chân chính, hiền thiện, có tín tâm, có giới đức, có bố thí, có trí tuệ.
            Nay vui, đời sau vui
            Làm thiện, hai đời vui
            Nó vui, nó an vui,
            Thấy nghiệp tịnh, mình làm
            Nay sướng, đời sau sướng
            Làm phước hai đời sướng
            Nó sướng, Ta làm thiện
            Sanh cõi lành sướng hơn.
  Nhìn chung những lời Phật dạy cho người cư sĩ là biểu mẫu của một lẽ sống hạnh phúc an lạc tiến triển bền vững, được xây dựng trên thánh đạo, thiện pháp, thuộc bản chất hiền thiện, giác ngộ giải thoát, an lạc, xứng đáng một người cư sĩ tại gia
 Người cư sĩ trên vấn đề yếu tố đạo đức được chú ý nhấn mạnh gắn liền với yếu tố kinh tế, cả hai luôn có sự trợ duyên cho nhau, tạo nên một hệ thống phát triển ổn định hài hoà về các mặt tích cực, giúp cho người cư sĩ tạo lập cuộc sống hạnh phúc bền vững lâu dài, đời này và đời sau. Cũng nên ghi nhận thêm rằng đạo Phật tin vào luật nhân quả cũng như khả năng giác ngộ của con người, quan niệm có đời này đời sau, có sự diễn tiến của sự sống tương lai, tốt hay xấu hoàn toàn do lối sống thiện hay bất thiện của chúng sanh quyết định. Do đó, mọi giải pháp được đề xuất bởi đạo Phật đều được đặt trên nền tảng đạo đức hướng thượng nhắm đến mục tiêu giác ngộ. Xem đó là hướng đi lợi lạc lâu dài cho con người. Như vậy, đạo phật quan niệm hạnh phúc thế gian là tương đối, chỉ là phương tiện để cho con người tiếp tục nổ lực tu tập nhắm đến hạnh phúc Niết bàn tuyệt đối.
Phật dạy cho những người tại gia cư sĩ sống đời sống hạnh phúc gia đình mà không quên mục tiêu giác ngộ ở phía trước.
 Trích: Hạnh phúc theo lời Phật dạy:  Diệu Huyền –VHPG số: 337- 338- 15-1- 2020
{]{

HẠNH PHÚC THEO LỜI PHẬT DẠY Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét