Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

ĐỀ BÀ ĐẠT ĐA

ĐỀ BÀ ĐẠT ĐA

Devadatta, phiên âm là Đề Bà Đạt Đa, là anh em họ với đức Phật. Sau khi yêu cầu Phật giao phó Tăng đoàn cho mình lãnh đạo không thành, ông mượn thế lực của vua A Xà Thế thực hiện âm mưu sát hại Phật, bằng cách cử người sát thủ hại phật, thả voi say, lăn đá .. Nhưng tất cả  không thành, chỉ có hòn đá nhỏ lăn làm chân Phật tổn thương nhẹ.
  Đề Bà Đạt Đa bèn lập Tăng đoàn riêng và đề ra 5 tà pháp để thu hút mọi người.
1/ Trọn đời sống ở ẩn trong rừng sâu, không ở làng xóm.
2/Trọn đời sống khất thực, không nhận mời ăn
3/Trọn đời mặc y phấn tảo, không nhận y phục của cư sĩ
4/ Trọn đời ngồi dưới gốc cây, không ngồi trong phòng nhà
5/ Trọn đời không ăn cá thịt, ăn cá thịt là có tội.
  Có đến 500 Tỳ kheo  sơ học đi theo, sống biệt lập dưới núi Già Da.
  Nghiệm lại thời Phật có một Đề Bà Đạt Đa, nhưng đạo Phật ngày nay xuất hiện rất nhiều Đề Bà Đạt Đa, có nhiều vị Tăng giới hạnh không nghiêm, gây chia rẽ hay nghi kỵ trong Tăng đoàn và quần chúng. Chúng ta thường nghe và thường thấy ngoài đời hay  trên mạng xã hội bình phẩm về  đạo hạnh của những tu sĩ này nọ. Có những vị bon chen phấn đấu cho được địa vị trong giáo hội, hay xây chùa to Phật lớn mà thiếu phần thời gian tu dưỡng bản thân, nhất là không giữ mình trong giới luật. Lại có những vị giữ giới đức phẩm hạnh, nhưng lại mang biên kiến tư tưởng sùng bái “Đạo Phật thời Nguyên thủy” và phỉ báng kinh điển Đại thừa, cho rằng kinh điển Đại thừa là  sự ngụy tạo của những người đời sau. Ngược lại những vị cho mình là Đại thừa mới thật là tu rốt ráo.  Theo sự nhận xét của Hòa Thượng Nhất Hạnh  thì : “ Phật giáo Bắc Phương, Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Nhật Bản, Phật giáo Không Tông cũng như Hữu tông, bản chất là những hạt giống, hạt giống Bồ đề. Các hạt giống ấy tùy theo ta gieo trồng sẽ mọc lên thành nhiều cây Bồ đề khác nhau. Nhưng bao giờ Bồ đề ấy cũng vẫn là cây Bồ đề”.
  Nhất Hạnh-Đạo Phật Ngày nay, xuất bản Lá Bối 1965.
  Những người xuất gia làm tu sĩ Phật giáo có nhiều động cơ không thuần nhất, nên đương nhiên  xuất hiện những vị tu sĩ thiếu đạo hạnh làm ảnh hưởng không tốt cho Phật giáo và xã hội. Ban đầu Đề Bà Đạt Đa xuất gia với tâm chân chánh, nhưng chưa đắc được thánh quả, nên tâm ông chưa thuần tịnh, tâm chưa thuần tịnh nên vẫn bị danh lợi, quyền thế chi phối và che lấp thiện tâm, vì tham vọng lãnh đạo một tôn giáo lớn nhất xã hội Ấn Độ bấy giờ mà ông đã đánh mất lý tưởng xuất gia chân chánh của mình..
   Về thực trạng học Phật hiện nay theo sự nhận xét của Hòa Thượng Nhất Hạnh: “ Tôi đã từng gặp nhiều người học Phật lâu năm, họ có thể thuộc lòng bộ Phật giáo Bách khoa tự điển. Họ có thể giải thích cho ta về bất cứ một câu một chữ nào trong Tam tạng. Họ chất chứa trong đầu những cái biết rất bác học. Nhưng họ không hiểu đạo Phật, Lý do là tôi không thấy những kiến thức của họ về đạo phật có dính líu gì đến sự sống của chính bản thân họ và đoàn thể họ. Họ không tiếp nhận đạo Phật, không tiếp nhận được sinh khí của đạo Phật, họ chỉ mâm mê  trong tay họ  cái xác cũ của đạo phật  mà thôi. Họ chỉ ưa xem đồ cổ trong viện bảo tàng, cái học đó không có ích ”.
  Đạo Phật là con đường dẫn đưa mọi người đến Chân, Thiện,Mỹ, chứ không phải đạo phật cho những kẻ lợi dụng thời cơ, những người không hiểu đạo Phật là những kẻ thất học, thất nghiệp, thất tình, chán đời v.v. Mà là người học Phật có tâm kiên cố, tinh thần minh mẫn, biết phân biệt chánh tà hư ngụy.
   Bi kịch đời người xảy ra khi con người không biết giới hạn lòng tham. Ai biết đủ là người đó hạnh  phúc và yên vui, khi tham dục bị ngăn cản thì trở thành bất mãn và phẫn nộ. khi đã vướng mắc vào tham dục thì lúc nào con người chỉ nghĩ về mình, làm sao đẹp đẽ, giàu sang, có địa vị cao..v.v.. từ đó họ bất chấp mọi thủ đoạn kể cả tướt đoạt hạnh phúc quyền lợi của người khác. Đó là nguồn cơ của “tham nhũng” thiếu công tâm, công bằng, bất chấp lợi ích của quần chúng. Vị ngọt của tham dục trần thế khiến cho con người vong tâm chạy theo 8 ngọn gió của cuộc đời, xa rời tâm Phật của chính mình, như gả cùng tử quên mất hạt ngọc trong tay áo. Đức Phật dạy trong kinh A Hàm : “ Quả thật vậy,  này các Tỳ kheo, do tham ái thúc đẩy mà vua gây chiến với vua, hoàng tử với Hoàng tử, quan với quan, dân với dân, cha, mẹ, vợ, chồng, con cháu, làng xóm láng giềng với nhau v.v..  họ giành giật bêu xấu nhau, hận thù nhau, còn thù nghịch với nhau, dùng binh khí giết hại nhau, để sau đó nhận lấy hậu quả kẻ chết, người sợ hãi, rồi sanh ra hận thù, đau đớn khốn cùng”. Chúng ta đang chứng kiến hằng ngày, hằng giờ những tội ác trên đài, trên báo, trên mạng. Nguyên nhân là do những tâm sở bất thiện, trong đó tham ái là hàng đầu, gây ra những áp bức, bất công làm rối loạn xã hội. Chỉ có cách bứng tận gốc rễ của tham dục, con người mới giải quyết được những vấn đề khổ đau của chính mình và xã hội.
    Thời đại hiện nay văn minh tiến bộ, giàu có kỷ thuật hiện đại phục vụ con người đầy đủ về vật chất, nhưng chưa chắc đem lại hạnh phúc cho nhân loại, bởi lẽ xã hội càng phát triển thì con người càng rơi vào khủng hoảng, vì suy thoái về đạo đức và môi sinh. Con người chỉ biết tìm kiếm những phát minh mới, những thành tựu về trí tuệ nhân tạo, có thể là những hiểm họa hủy diệt con người do chiến tranh, nguyên tử, hóa chất và ô nhiễm môi sinh. Rốt cuộc con người không thể thật sự có hạnh phúc.
  Cách đây 2500 đức Phật đã giải đáp phương pháp đi tìm con đường hạnh phúc. Ngài dạy rằng : Con người chỉ thật sự hạnh phúc, khi đoạn tận lòng tham ái và chấp thủ, Đức Phật dạy: “ chúng ta là kết quả của những việc chúng ta làm bây giờ”, điều này có nghĩa là chúng ta chịu trách nhiệm mọi điều trong đời sống của chúng ta, không ai tu tập thế cho mình, cũng không ai có thể cỡi bỏ mọi ràng buộc, đau khổ thay cho mình.
 Cội rễ khủng hoảng  nằm ở vô minh và tham ái, chúng ta phải hiểu sự thật về duyên sinh hay nguyên lý cộng sinh của mọi sự hiện hữu. Nhận thức rõ, hoạch định đời sống theo hướng thiểu dục tri túc, kiềm chế tiết độ, phát huy năng lực nội tâm (thực hành bát chánh đạo). Đây là nếp sống tu tập mà người tu sĩ hay cư sĩ hay bất cứ ai muốn sống hạnh phúc trong xã hội, hòa hợp với môi trường, trân trọng thiên nhiên và để lại di sản cho thế hệ mai sau. Nếu không chúng ta sẽ không  chỉ bất an trong đời sống hôm nay mà còn di hại mai sau nữa.
Đức Phật cảm ơn Đề Bà Đạt Đa :  Tuy Đề Bà Đạt Đa luôn luôn hại Phật, nhưng đức Phật  xem Đề Bà Đạt Đa như là người bạn tốt, đức Phật thường nói : “ Hãy lấy ma quân làm đạo bạn, lấy kẻ tệ bạc làm  người giúp đỡ,  lấy người chống đối làm  bạn giao du”.  Trong kinh ghi : “Do người bạn tốt Đề Bà Đạt Đa, mà làm cho Như Lai hoàn bị sáu  Ba la mật,  bốn Vô lượng tâm, 32 tướng tốt, 80 vẽ đẹp, thân màu vàng kim,  10 đại năng lực, 4 sự Vô úy,  4 sự nhiếp hóa, 18 sự đặc biệt, sức mạnh thần thông, sức mạnh tuệ giác, trở thành bậc chánh biến tri, hóa độ sâu rộng các loài chúng sanh, toàn là do người bạn tốt  Đề Bà Đạt Đa vậy”  Kinh Pháp Hoa.
  Nghĩa là nhờ Đề Bà Đạt Đa mà Phật thành Phật, Đề Bà Đạt Đa cũng sẽ thành Phật, vì Đề Bà Đạt Đa luôn có mặt bên ta, trong ta, như một thử thách, chướng ngại phải vượt qua, khiến người tu hành chân chính thêm nghị lực dũng mãnh thêm tinh tấn./.         
{]{

ĐỀ BÀ ĐẠT ĐA Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét