Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

NỀN TẢNG CỦA HẠNH PHÚC


NỀN TẢNG CỦA HẠNH PHÚC

  Nhận biết được ảnh hưởng tiêu cực của sự bất hoà là điều nguy hại nhất, nó khiến cho con người phải sống trong thù hận, chia rẽ và xa cách. Vì vậy đức Phật liền thuyết giảng sáu nguyên tắc hoà bình, gọi là lục hoà kỉnh. Gồm có thân hoà, ý hoà, khẩu hoà, giới hoà, lợi hoà và kiến hoà, để nêu lên những lợi ích của đức tính nhu hoà rất quan trọng và cần thiết trong cuộc sống tập thể.
Tuy nhiên, sáu pháp hoà hợp này không chỉ áp dụng chủ yếu cho nếp sống trong Tăng đoàn, mà nó còn áp dụng cho bất cứ đoàn thể nào ngoài xã hội nữa, đều có thể áp dụng, để thấy được giá trị tích cực của sáu nguyên tắc hoà kỉnh này. Vấn đề ở đây là chúng ta cần biết vận dụng như thế nào cho phù hợp với đời sống thực tế của mỗi người từ gốc độ. Lục hoà là sáu phương pháp thể hiện cách sống của con người có đạo đức, đem lại sự hoà thuận yêu thương giúp đỡ và chia sẻ cho nhau từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói cho đến mọi việc làm, cùng nhau chung hưởng những lợi lạc bình đẳng một cách có trí tuệ  và từ bi.
 Như chúng ta đã biết,  “quốc có quốc pháp, gia có gia quy”nghĩa là trong một nước nói chung, trong một gia đình nói riêng, thì sẽ có những luật lệ, quy định riêng. Mặc dù những luật định hay quy định đó có khắt khe hay đầy đủ đến thế nào, thì cũng chỉ vì một mục đích là bảo vệ lợi ích chung cho toàn thể trong môi trường đó mà thôi. Điều đáng nói là mọi người có thật sự đồng tâm chung lòng để thực hiện những điều này có được dễ dàng hay không. Vì lẽ đó, với bất kỳ một tổ chức nào, hay một đoàn thể nào trong xã hội, cũng phải có những lúc ngồi lại bên nhau để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cũng như lắng nghe trọn vẹn những tâm tư nguyện vọng của nhau để hiểu và thương với mọi người nhiều hơn. Đây cũng là thể hiện nền tảng của sự hạnh phúc chung, tức thể hiện tinh thần lục hoà.
Trong Tiểu bộ kinh ghi rằng: “Này các Tỳ kheo, có một pháp khởi lên ở đời, khi khởi lên đem lại hạnh phúc cho nhiều người, đem lại hạnh phúc cho nhiều người, không đem lại bất hạnh khổ đau cho chư thiên và loài người. Thế nào là một pháp ? Sự hoà hợp chúng Tăng. Này các Tỳ kheo, khi chư Tăng được hoà hợp, không có những tranh luận với nhau, không có mắng nhiếc lẫn nhau, không có những ngăn cách và từ bỏ lẫn nhau. Ở tại đây, những người không hoà hợp đi đến hoà hợp và những người hoà hợp lại càng hoà hợp hơn nữa.
Vì trong truyền thống của đạo Phật, cứ mỗi nữa tháng những vị Tỳ kheo đều phải ngồi lại với nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tu tập, cũng như nói ra những thiếu sót, lỗi lầm của mình trong nữa tháng vừa qua để chư Tăng soi sáng và chỉ bảo. Chất liệu của sự hoà hợp trong Tăng đoàn là nguồn hạnh phúc của tự thân, và từ đó lan toả ra đến với mọi người. Bởi lẽ hoà hợp là yếu tố vô cùng thiết thực trong vấn đề hình thành thiện pháp, làm nền tảng cho Tăng chúng cường thịnh, và trong các tổ chức đoàn thể cũng vậy. Yếu tố hoà hợp sẽ tạo nên sự gắn kết bền vững cho sự phát triển và phát huy tối đa hạnh phúc thật sự, khi tinh thần này được kết hợp với lòng từ bi.
Ở đây, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo an trú từ thân hành đến với các vị đồng phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hoà đồng,đưa đến không tranh luận, hoà hợp nhất trí.
Để giữ được hoà khí ngoài thân, hạn chế mọi tranh cãi thì chúng ta cần thể hiện ở lời nói thận trọng và khéo léo, luôn tôn trọng lắng nghe ý kiến của người khác. Lời nói nhẹ nhàng ôn hoà, không tranh cãi chính là nguyên tắc  “khẩu hoà vô tranh”mà đức Phật lần lượt đề cập đến. Theo ý nghĩa kinh văn thì ta có thể nói đó là “khẩu hành từ bi ”. Lời nói hoà hợp không những cần thiết cho gia đình hạnh phúc, mà còn nhân tố thiết yếu cho bất cứ tập thể hoà hợp nào. Trong thời hiện đại ngày nay, lời nói có thể được hiểu từ nhiều khía cạnh khác nhau như qua mạng xã hội…bởi vì không chỉ là ngồi nói chuyện trực tiếp mà họ sử dụng phương tiện công nghệ 4.0. Tuy nhiên, dù có sử dụng ở khía cạnh nào đi chăng nữa, thì khi lời đã nói ra, nếu đã không mang lại sự an vui hạnh phúc thì tuyệt đối không dùng những binh khí miệng lưỡi để đấu tranh gây đau khổ cho nhau, thậm chí không dùng những ngôn từ thô tục, bạo động có thể làm mất mạng nhau. Lời nói không cẩn trọng là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra hận thù tranh chấp, gây cho cuộc sống ngày càng đau khổ, gây ra những hậu quả đáng tiếc khôn lường.
“Lại nữa, Này các Tỳ kheo,  Tỳ kheo an trú từ ý hành đối với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hoà đồng, đưa đến không tranh luận, hoà hợp, nhất trí .”
Nếp sống của “ý hoà đồng duyệt “xây dựng một tập thể nề nếp, bao dung, chia sẻ với nhau mà đức Phật luôn đề cao bằng sự chân thành, nuôi dưỡng ý nghĩ tốt đẹp đối với nhau, không giữ trong lòng những lỗi lầm, sơ hở của người khác. Ý nghỉ là nguyên nhân trực tiếp tạo tác mọi hành động và lời nói, mà có khi tạo nên sự bất hoà. Hiểu được tầm quan trọng đó, đức Phật nói rằng kể cả hoà hợp trong thân và khẩu, thì ý nghỉ khởi đầu cũng phải thể hiện niềm hoà hợp, luôn giữ tâm ý hoà hợp. Có như thế thì tâm chúng ta mới được thanh lương, trong sáng, lợi ích cho đời sống tinh thần. Nếu trong tập thể mà mỗi người làm đều làm theo ý riêng của mình, tâm tư, ý tưởng chống trái nhau, sinh ra đố kỵ, thì khó mà có được sự hoà hảo. “ý hoà đồng duyệt “là niềm vui chung của những người có cùng lý tưởng, chí hướng bỏ qua tất cả những dị biệt về thân phận, hoàn cảnh, sở hữu với tâm vô ngại.
Để thiết lập được sự hoà hợp, tạo nên sự an vui, hạnh phúc thì chúng ta cần có thái độ chuyển hoá bạo hành tâm tưởng, nghĩa là dừng những ý nghĩ bạo lực, ý nghĩ bất thiện. Chính vì những bạo hành từ ý nghĩ là nguyên nhân tạo nên bạo hành lời nói, là gặp mặt nhau mà thấy đau khổ hơn là hạnh phúc. Vì vậy, để cuộc sống trở nên hạnh phúc, thì mỗi chúng ta cần phải thực tập thay đổi từ những ý nghĩ của mình. Nguyên tắc “ý hoà đồng duyệt ”, mọi ý kiến đều được tôn trọng giải quyết chứ không phải là sự thù hằn ẩn chứa bên trong vẻ mặt lầm lì đáng sợ.
Tuy nhiên, đó chỉ là một phương diện nhỏ. Chúng ta có thể nói rộng hơn đó là “ý hành từ bi”, ý nghĩ của lòng từ bi. Nơi ý nghĩ có lòng từ bi hiện hữu sẽ tạo nên chất liệu sống chân thật với nhau, làm cho mọi người muốn gần nhau và có thể xem nguyên tắc này là một từ trường giao cảm, kết nối, làm cho mọi người mang yêu thương đến gần nhau hơn.
“Lại nữa, này các Tỳ kheo, đối với các tài vật nhận được đúng pháp, hợp pháp, cho đến những tài vật thâu nhận chỉ trong bình bát. Tỳ kheo không phải là người không san sẻ. Các tài vật nhận được như vậy, phải là người san sẻ dùng chung với các vị đồng phạm hạnh có giới đức. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hoà đồng, đưa đến không tranh luận, hoà hợp nhất trí ”.
Nguyên tắc này là sự san sẻ vật chất, tài vật tiếp nhận hợp pháp với nhau. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải chú ý nhiều hơn trong sự phân chia, đối với những của cải tài vật được làm ra bằng nước mắt mồ hôi của bản thân. Đối với người xuất gia, theo trong kinh tạng thì sự phân chia cần được đồng đều, khi đó là những tài vật được mang đến từ tín chủ. Sự san sẻ này khác với sự chia chác trong làm ăn của những người buôn bán “ăn đồng chia đều”, hay lợi nhuận phát sinh từ công tác làm ăn chung. Nhưng ngày nay chúng ta cần phải hiểu đó là sự phân chia dựa trên năng lực lao động của từng người. Chẳng hạn, với một cơ quan thì sự phân chia phải khác nhau giữa những người có vị trí, chức vụ khác nhau và những đóng góp khác nhau. Nếu không khéo thì đây cũng là mầm mống cho sự tranh chấp, đấu đá lẫn nhau. Chúng ta thấy rằng, cũng bởi sự phân chia nói chung mà ngoài xã hội có biết bao nhiêu sự tranh chấp hơn thua.  Như trong một gia đình, nếu cha mẹ không có sự phân chia phù hợp thì có thể dẫn đến sự tranh chấp giữa các con, chỉ để giành giật tài sản, vẫn thường xảy ra hằng ngày.
Do đó, nguyên tắc “lợi hoà đồng quân”cần được sử dụng một cách tốt nhất, cần có sự phân chia đồng đều, rõ ràng, cụ thể, minh bạch, nếu không sẽ gây ra hận thù, khổ đau về sau.
“Lại nữa, Này các Tỳ kheo, đối với các giới luật không vi phạm, không có tỳ vết, không có vẩn đục, không có tạp uế, giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp trước, đưa đến thiền định, Tỳ kheo sống thành tựu trong các giới luật ấy với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hoà đồng, đưa đến không tranh luận, hoà hợp, nhất trí .”
Nền tảng “giới hoà đồng tu” dựa trên những nguyên tắc đạo đức khi sống chung với nhau trong một cộng đồng, được ấn định nhằm ngăn chận những người lấn lướt hay lạm quyền tạo nên yếu tố bất đồng. Chi tiết hơn, nghĩa là một lối sống với giới hạnh trong sáng không tỳ vết, không có sự vẩn đục nào. Trong tập thể Tăng đoàn, nếu một vị Tỳ kheo có những sai lầm, phải chấp nhận những khung hình phạt nhất định do đức Phật chế định. Như ngày nay, bất kỳ ai vi phạm pháp luật thì phải theo những quy định của pháp luật mà chấp nhận.
Không những vậy, “giới hoà đồng tu” từ lâu đã trở thành một nguyên tắc vô cùng tích cực đối với đời sống thế tục, vì một tập thể vô kỷ luật sẽ là nguyên nhân gây ra xáo trộn, bất an và nhanh chóng bị đào thải, tan rã. Nếu mọi người trong gia đình hay một tập thể cộng tác đều nghiêm túc tuân thủ, tôn trọng chuẩn mực đúng và cùng khuyến khích nhau sửa chữa mọi sai lầm, khuyết điểm, thì gia đình hay tập thể đó chắc chắn  sẽ sớm trở thành một môi trường hoà hợp, gắn bó mọi người với nhau để cùng tiến bộ.
Tóm lại, sống trong một đoàn thể, bao giờ cũng lấy kỷ luật làm đầu, phải cùng nhau  giữ gìn luật lệ mới có thể dễ dàng hợp tác lâu dài, sống chung với nhau mới thật bình an và hạnh phúc. Đạo Phật luôn giữ được oai nghi đức hạnh, vì Tăng đoàn xưa nay luôn duy trì quy tắc hoà hợp của “giới hoà đồng tu”.
“Lại nữa, Này các Tỳ kheo, đối với các tri kiến thuộc về bậc Thánh có khả năng hướng thượng, khiến người thực hành chân chính diệt được tận khổ đau, Tỳ kheo sống thành tựu tri kiến như vậy, cùng với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hoà đồng, đưa đến không tranh luận, hoà hợp, nhất trí .”
Nguyên tắc cuối cùng là nền tảng của tri kiến bậc Thánh. Điều tiên quyết để có được sự hoà hợp thì phải có trí tuệ, nhưng đã có trí tuệ mà không có lòng từ bi vẫn chưa đủ. Với nguyên tắc này, đức Phật nói đây chính là nguyên tắc quan trọng nhất, nó là chất liệu nối kết năm yếu tố trước của sự hoà hợp, hoà kính và hoà giải tạo nên nền tảng hạnh phúc thật sự cho đời này và đời sau. Như ba yếu tố đầu tiên đó là thân hành từ bi, khẩu hành từ bi và ý hành từ bi, bởi như nhiều người tuy có lòng thương nhưng không có trí tuệ, thì có  khúc mắc vẫn không được giải quyết thoả đáng. Cho nên, chúng ta thường nói từ bi phải đi liền với trí tuệ. Trí tuệ được đức Phật dạy là làm sao để giải quyết các vấn đề khổ đau, có khuynh hướng thượng cho người hành trì. Giá trị của trí tuệ là giải phóng khổ đau. Muốn được trí tuệ thì phải giải toả những khổ đau bằng con đường trí tuệ. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải có lòng buông xả những gì không hài lòng, những vướng mắc, như vậy mới thật sự có được hạnh phúc.
“kiến hoà đồng giải “không chỉ dừng lại là những quan điểm, là lập trường, là sự thấy biết hoà hảo với nhau, mà là khi ấy chúng ta đủ lòng bao dung biến thù thành bạn, biến khổ đau thành hạnh phúc. Đạo Phật quan trọng đến trí tuệ rất nhiều. Như chúng ta biết,  Phật là bậc giải thoát bởi tuệ giác nên đạo Phật là đạo của tuệ giác, khác với các tôn giáo khác được đặt trên cơ sở  niềm tin. Nên với nền tảng này, đức Phật dạy “lấy trí tuệ làm ngọn đuốc soi đường”thì mọi nổi khổ niềm đau sẽ được giải quyết và vượt qua.
Trong đời sống mỗi người chúng ta đều nương tựa vào nhau, không tách rời nhau. Lục hoà kính là sáu phương pháp đúng đắn hoàn thiện để xây dựng đạo đức cá nhân và đối nhân xử thế, tạo nên tập hợp chuẩn mực của những giá trị tinh thần như lòng từ bi, đức nhẫn nhục mà không phải là các giá trị vật chất nhìn thấy được. Mặc khác,  khi áp dụng lục hoà vào bất kể trường hợp nào và nơi nào, thì cũng có được yên vui hoà ái, duy trì trật tự luân thường trên dưới. Tinh thần lục hoà có nhân rộng từ một người sang người khác, từ một tập thể này sang tập một thể khác, từ một quốc gia này đến một quốc gia khác… thì nơi đó sẽ không có đấu tranh, không còn phân biệt, sẽ là nơi yên bình đáng sống  nơi nhân loại.
Điều đáng quý hơn, nếu Tăng chúng cùng nhau sống với tinh thần lục hoà thì sự tu học sẽ nhanh chóng tiến triển, giáo pháp xương minh, làm điểm tựa vững chãi cho hàng hậu học./.
( Nền tảng của hạnh phúc: Thích Tâm Bá: Hương Pháp tập 16- 2020. BVH chùa Hoằng Pháp)
                                    {]{

NỀN TẢNG CỦA HẠNH PHÚC Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét