Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

QUÁN TÂM TRÊN TÂM

QUÁN TÂM TRÊN TÂM

Quán tâm trên tâm là một trong số các phương pháp Thiền quán đưa đến chứng đắc tâm giải thoát, tuệ giải thoát được đề xuất trong kinh Niệm Xứ thuộc tạng Pali. Đó là tập trung nhìn vào tâm, quan sát tâm, nhận rõ các diễn biến của dòng chảy tâm thức và thức tỉnh về chúng. Chuyên tâm làm mỗi công việc như vậy gọi là sống quán tâm trên tâm.
 Nghĩa là :  hành giả quán tâm trên tâm, với tâm có tham biết tâm có tham, với tâm không tham biết tâm không tham. Với tâm có sân, biết tâm có sân, với không sân biết tâm không sân. Với tâm có si biết tâm có si, với tâm không si biết tâm không si. Với tâm tán loạn biết tâm tán loạn, với tâm không tán loạn biết tâm không tán loạn. Với tâm không quảng đại biết tâm không quảng đại, với tâm quảng đại biết tâm quảng đại. Tâm có định biết tâm có định, tâm không định biết tâm không định. Tâm có giải thoát biết tâm có giải thoát, tâm không giải thoát biết tâm không giải thoát v.v
  Như vậy vị ấy sống quán tâm trên nội tâm, hay sống quán tâm trên ngoại tâm; hay sống quán tánh sanh khởi trên tâm, hay sống quán tánh diệt tận trên tâm, hay sống quán tánh sanh diệt trên tâm. “ Có tâm đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời, như vậy là sống quán tâm trên tâm.
 Tâm có tham tức là một âm thức sinh khởi gắn liền với tham dục.
Tâm không tham nghĩa là một tâm thức hiện khởi không đi kèm với tham dục.
Tâm có sân tức là một tâm thức khởi lên gắn kết với sự giận dữ bực phiền.
Tâm không sân tức là một tâm thức sinh khởi không có bóng dáng giận dữ đi kèm.
Tâm có định nghĩa là tâm thức được tu tập trở nên định tĩnh, nhất tâm, không còn dao động, tán loạn.
Tâm không định tức là một tâm thức tán loạn, không tập trung, không định tĩnh,
Tâm giải thoát nghĩa là một tâm thức được tu tập tạm thời thoát khỏi các phiền não tham, sân, si ngay trong sát na tu tập.
Tâm không giải thoát nghĩa là tâm thức không thoát khỏi các phiền não tham, sân si.
 Trước hết, tâm ở đây được hiểu là tâm hành hay dòng chảy tâm thức, tức các trạng huống tâm thức khác nhau sinh khởi và đoạn diệt trong đời sống hàng ngày gắn liền với các hoạt động của thân ngũ uẩn. Chúng là các tâm sở thiện hoặc bất thiện phát sinh do duyên sáu căn tiếp xúc với sáu trần, có tu tập hay không tu tập, có công năng dẫn dắt tâm thức chuyển vận theo hướng này hay hướng khác tùy thuộc vào phẩm chất và diễn biến của chúng. Mặc dầu chúng có những tác động tích cực hoặc tiêu cực lên đời sống con người, các tâm sở này chỉ là pháp hữu vi, sinh khởi và đoạn diệt do nhân duyên, chuyển biến vô thường, không phải của con người, không ảnh hưởng gì đến tâm giải thoát tối hậu, vốn tự chói sáng, không sanh diệt, không tịnh nhiễm; vì vậy chúng được sử dụng làm đối tượng tu tập, giúp cho người thực hành quán niệm thấy được lý vô thường sanh diệt của danh sắc hay ngũ uẩn, đạt đến chánh trí và chánh giải thoát, thể hiện nếp sống “không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời”. Nói cách khác, mục đích của phương pháp quán tâm trên tâm là nhằm thấy rõ tính chất duyên sanh, vô thường, vô ngã của các biểu hiện tâm thức, chúng chỉ là các hiện tượng chuyển biến sanh diệt, không phải là cái gì thường hằng, thường trụ, có thực, đáng được xem là ngã hay đồng hóa chúng là “tôi” và “của tôi”.
 Đức Phật nói về tâm như sau : “Thân do bốn đại tạo thành này được đứng vững một năm,  hai năm, mươi năm, 20, 30, 40  đứng vững 100 năm hay nhiều năm hơn nữa”. Còn cái gọi là tâm này, là ý này, là thức này, cả đêm và ngày khởi lên là khác, là diệt đi là khác.  Ví như một con khỉ trong khi đi lại trong rừng, năm lấy một cành cây, bỏ nhành cây ấy xuống, nó nắm giữ một cành khác. Cũng vậy, cái gọi là tâm, là ý, là thấy cả đêm và ngày, khởi lên là khác, diệt đi là khác.
 Kinh pháp cú xác nhận “
                     Khó nắm giữ, khinh động
            Theo các dục vọng quay cuồng  
            Lành thay, điều phục tâm
            Tâm điều, an lạc đến
Quán tâm trên tâm là tập trung nhận diện và làm việc với các trạng huống khác nhau của tâm. Làm như thế nào thì Kinh Niệm Xứ đã nói rõ, nghĩa là tâm có tham biết  rõ là tâm có tham, tâm không tham biết rõ là tâm không tham tâm giải thoát biết rõ tâm giải thoát, tâm không giải thoát biết rõ tâm không giải thoát. Tập trung nhìn vào tâm và thấy tường tận các diễn biến khác nhau của tâm mà không khởi niệm phân biệt, không tư lương phán xét, không thuận ứng nghịch, không uốn nén chúng theo cách này hay cách khác thì gọi là quán tâm trên tâm, tức chú tâm thấy biết như thật sự sanh diệt, vô thường, vô ngã của dòng chảy tâm thức nhằm dứt bỏ tập quán tham ái và chấp thủ đối với danh sắc, thực chứng tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Đây là hệ quả tất yếu của pháp môn quán niệm lâu ngày đạt đến thuần thục, tức sự thể hiện tâm giải thoát, “không nương tựa, không chấp trước một thứ gì trên đời”, do chứng nghiệm bản chất duyên sanh, vô thường, hư huyễn, không thực thể của tâm hay của mọi sự vật và hiện tượng. Trong kinh Phật dùng các  hình ảnh bong bóng nước, ráng mặt trời, cây chuối không lõi, trò ảo thuật để nói lên tính chất hư huyễn, trống không, không thực thể của các hiện tượng tâm thức một khi quán sát kỷ. Quán sát các diễn biến của tâm với kết quả tâm đi đến ly tham, giải thoát, không nương nấu, không bám víu vào bất cứ ý niệm nào thì được xem là thành tựu pháp môn quán tâm trên tâm, cũng  được gọi là đã điều phục được tâm, không phải bị tâm điều phục.
 Như vậy, nhờ thực tập pháp môn quán tâm trên tâm, mà hành giả có thể chứng đắc tâm giải thoát, tuệ giải thoát, đoạn tận các lậu hoặc, chấm dứt khổ đau sanh tử luân hồi, xứng đáng là một hành giả tu tập có chánh trí, chánh giải thoát.
Trích  : Quán tâm trên tâm : Nguyên Thanh  VHPG số 306- 1-10-2018
{]{

QUÁN TÂM TRÊN TÂM Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét