Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

TÁNH BIẾT VÀ TƯỚNG BIẾT


TÁNH BIẾT VÀ TƯỚNG BIẾT

Con người có hai cái biết, cái biết nương vào sáu căn, tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý. Cái biết đó gọi là cái biết của Tướng biết, còn cái biết không nương vào sáu căn gọi là cái biết của Tánh biết. Tuy nói hai nhưng là một, cũng như nói sóng và nước, sóng cũng từ nước mà có, chẳng qua có sóng là do gió thổi mới tạo ra sóng. Cũng vậy bản tánh của Tánh biết là trong sáng thanh tịnh nhưng do ý khởi vọng niệm, sanh ra phân biệt  nên Tánh biết bị che khuất, khi Tánh biết bị che khuất lu mờ không còn hiển hiện chỉ còn Tướng biết hoạt động. Cũng vậy gió thổi mạnh thì sóng khởi động mạnh, lúc này chỉ thấy toàn là sóng chứ không thấy mặt nước trong suốt và phẳng lặng nữa. Ý khởi phân biệt thì Tướng biết hoạt động, Tướng biết khởi động  thì sinh ra phiền não, Tôi và người, tức nhơn ngã, bỉ thử, hơn thua, đẹp xấu, được mất, cao thấp, giàu nghèo, thông minh ngu đần.v.v… vô vàn ý niệm, vô vàn phiền não khởi lên liên tục không kể ngày đêm.  Phương pháp chận đứng ý niệm để không cho phiền não sinh khởi là con đường tu tập. Con đường tu tập có nhiều phương pháp tuỳ theo căn cơ mỗi người, như tu Thiền, tu Tịnh, tu Mật v.v.. đều là những phương pháp chận đứng vọng niệm, không cho vọng niệm sanh khởi. Khi vọng niệm không sanh khởi Tướng biết không hoạt động, thì Tánh biết xuất hiện, Tánh biết xuất hiện thì mọi khổ đau được tiêu trừ
Tánh biết không thay đổi không mất đi đâu dù trong bất cứ trường hợp nào, còn Tướng biết luôn thay đổi, sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, như một luồng sóng, sóng này hạ xuống sóng kia khởi lên, còn nước thì không thêm không bớt. Trong khi Tánh biết luôn luôn túc trực không sanh không diệt, cho nên kinh Bát nhã nói về Tánh biết: “bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm ”. Khi đức Phật chứng đạo dưới gốc cây Bồ đề Ngài nhìn thấy rõ thật tướng của Tánh biết của mình và chúng sanh, Ngài bèn nói lên lời đầu tiên mà con người trong nhân loại chưa ai nói và chưa thấy được, Ngài nói rằng: “Lạ thay, tất cả chúng sanh đều có cái Diệu Tánh này. Ta là phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”.
Chính sự khám phá ra cái Tánh biết của chúng sanh này của Phật, mà từ khi Phật thành đạo cho đến này đã có rất nhiều vị thánh hiền ra đời, và muôn loài loài chúng sanh đã tìm ra Tánh biết của mình mà thoát sanh liễu tử ra khỏi con đường khổ đau muôn đời kiếp kiếp. Nhờ Tánh biết này mà nhơn loại bớt chiến tranh, bớt hận thù, bớt ăn nuốt lẫn nhau, bớt ỷ mạnh hiếp kẻ yếu.
Chúng ta hy vọng ngày nào đó, giờ phút nào đó chúng ta sẽ ngộ ra Tánh biết của mình, chúng ta sẽ trở thành người tự do không bị phiền não sai khiến đi trong con đường mê khổ đau nữa. Hy vọng mọi người đều sẽ đạt được Tánh biết của mình, để mình hết khổ đau và giúp chúng sanh bớt khổ đau, như sự mong muốn của Phật. Trong kinh Pháp Hoa phẩm Phương tiện,  Như Lai ra đời vì một đại sự nhân duyên duy nhất là: “Khai, Thị, Ngộ, Nhập cho chúng sanh vào Tri kiến”. Cái Tri kiến trong kinh Pháp Hoa tức là Tánh biết sẵn có của chúng sanh. Mục đích của Phật là mở bày chỉ rõ để cho chúng sanh ngộ được tri kiến sẵn có của chính mình, để không chạy đi cầu xin bên ngoài sự bình an lợi lạc nào khác. Lục Tổ Huệ Năng khi được Ngũ Tổ khai thị cho thấy được Tánh biết của mình cũng thốt lên rằng: Đâu ngờ Tự tánh vốn chẳng sanh chẳng diệt, đâu ngờ tự tánh vốn bình đẳng, đầy đủ. Đâu ngờ Tự tánh hay sanh muôn pháp ./.
{]{

TÁNH BIẾT VÀ TƯỚNG BIẾT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét