Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

ĐỢI TUỔI GIÀ MỚI TU


ĐỢI TUỔI GIÀ MỚI TU

  Trưởng lão Mahapala là con trai của nhà trưởng giả hào phú tên là Maha Suvanna ( Đại Kim ) tại thành Xá Vệ ( Savatthi) người này có gia tài đồ sộ nhưng hiếm muộn con cái. Sau khi cầu nguyện dưới cây đại thọ, ông khấn nguyện rằng, xin cho tôi một đứa con dầu trai hay gái tôi sẽ làm đại lễ cúng tế tôn thần, không bao lâu vợ ông lần lượt sinh được hai người con.  Đứa con lớn tên là Mahapala ( Đại hộ ), đứa con nhỏ tên là Cullapala ( Tiểu hộ ). Ông tin rằng nhờ việc bảo hộ cây rừng mà vợ ông mới sinh được hai con cầu  tự .
 Sau khi hai đứa trẻ lớn khôn thì cha mẹ lần lượt qua đời, và tất cả tài sản chia đều cho hai anh em. Thuở ấy, thành Xá Vệ rất phồn thịnh và đông đúc. Sau khi nghe đức Thế Tôn thuyết pháp phần lớn các cư sĩ nhập vào dòng Thánh đạo, chứng bậc Thanh văn. Chư Thánh Thanh văn có hai phận sự: buổi sáng lo cúng dường vật thực cho chư Tăng, buổi chiều thì chuẩn bị lễ vật đi nghe pháp. Khi đi các vị ấy cầm hương hoa trên tay và dắt theo người để mang vải hoặc y, thuốc, nước uống ..
Một hôm trưởng giả Mahapala trông thấy các vị cư sĩ cùng nhau đi đến Tịnh xá trên tay cầm hương hoa, nên bèn hỏi hàng đại chúng đi đâu mà đông như vậy. Trong đoàn người đi có người trả lời lại rằng: “đi nghe thuyết pháp”. Sau đó trưởng giả Mahapala nhập theo đoàn người đến Tịnh xá, đi đến nơi, trưởng giả đảnh lễ đức Bổn sư rồi ngồi xuống một nơi sau cùng.
Trước khi thuyết pháp, đức Phật quan sát căn cơ và trình độ thính chúng, rồi mới tuỳ duyên mà giảng giải, sau khi quan sát xong căn cơ và trình độ của trưởng giả Mahapala, đức Bổn sư đã thuyết  bài pháp Tuần tự pháp, nghĩa là đức Phật lần lượt giảng giải liên tục về năm pháp kế tiếp nhau, từ bố thí, trì giới, nhân cách, tội ngũ trần, và phước báu của bậc xuất gia. Ngồi yên nghe thuyết pháp, trưởng giả Mahapala thầm nghĩ rằng: “khi mình lìa đời sang thế giới bên kia thì con trai, con gái chẳng theo mình, nhà cửa ruộng vườn cũng đều bỏ lại, địa vị cao sang cũng chấm dứt, thậm chí cái xác thân cũng không còn làm bạn đồng hành, nó có ích chi mà cứ mải miết đeo mang gánh nặng gia đình, Ta phải xuất gia mới được ”
 Đợi sau khi nghe thời pháp thoại xong, trưởng giả Mahapala đến gần đức Thế Tôn ngỏ lời cầu xin xuất gia nhập đạo. Do ông còn người em trai nên đức Phật bảo ông trở về nhà từ giã em trai.   Khi về nhà ông bảo với người em rằng: “Em à, tất cả tài sản hữu thức, vô thức, gồm tôi tớ, tài vật, động sản, bất động sản nhà này, anh giao hết lại cho em trọn quyền sử dụng”.
Người em thắc mắc, “còn anh thì sao ? ”.
  Trưởng giả Mahapala nói rằng: “Anh sẽ xuất gia với đức Tôn sư”.
  Anh ơi ! sao anh nói chi những lời ấy. Từ khi cha mẹ qua đời, thì em cậy nhờ nơi anh thay vào chỗ cha mẹ, cha mẹ quá cố thì em cũng nhờ nơi anh thế chỗ cha mẹ, vả lại, anh là một bậc phú gia, tiền của thừa thãi, anh cứ ở nhà làm việc phước đức cũng được, hà tất gì phải xuất gia như vậy.
  Em ơi, anh vừa được nghe chánh pháp của đức Tôn sư, Ngài đã thuyết một thời pháp tuyệt diệu cả đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Giải rằng ba tướng mong manh là vô ngã,vô thường, khổ, khiến cho anh nghe qua ngán ngẩm sự đời, muốn xuất gia để kiện toàn đạo hạnh.
 Thưa anh, hiện giờ anh vẫn là thanh niên tráng kiện, xin hãy nán lại chừng khi già cả rồi hãy xuất gia.
   Em à, con người khi già nua thì chắc chắn chân tay không còn tự chủ, không thể điều khiển theo ý muốn của mình, chính ngay bản thân mình hãy còn như vậy, huống hồ chi thân bằng quyến thuộc. Bởi thế, anh sẽ đi ngay bây giờ để thực hành đầy đủ giới hạnh của bậc Sa môn.
  Người anh liền nói bài kệ rằng:
  Tuổi già làm suy yếu
  Tay chân khó dạy bảo
  Người lực kiệt sức cùng
  Lấy chi hành pháp diệu
  Nói xong bài kệ, trưởng lão Mahpala  bỏ mặc người em, kêu gào than khóc, dứt tình ra đi đến chỗ đức Bổn Sư đang ngự, và xin xuất gia nhập đạo.
Qua đây ta thấy trưởng lão Mahapala, dù nhà đầy đủ vật chất, giàu sang phú quý, nhưng nhờ nhân duyên nghe một lần thuyết pháp của đức Thế Tôn. Mà đã hiểu rõ được thế nào là vô ngã, vô thường, khổ. Nhờ giác ngộ mà trưởng giả Mahapala đã đoạn được tình cảm gia đình, quyết chí xuất gia nhập đạo với bậc Tôn sư.
  Điều này cho ta thấy, sự xuất gia của trưởng lão Mahapala bắt nguồn từ sự hiểu biết, bắt nguồn từ trí tuệ, chứ không phải do hoàn cảnh khổ đau, như thất nghiệp, bị phạm tội, thiếu ăn thiếu mặc.. một bài học được rút ra, đó là người xuất gia khi còn trẻ tuổi, khoẻ mạnh thì sẽ có nhiều thời gian để học hỏi và thực hành chánh pháp ./.
( Trích từ:  Bài học từ Đại Đức Mahapala – Thích Tâm Duyệt- Hương Pháp số 16-2020 BVH chùa hoằng pháp )
{]{

ĐỢI TUỔI GIÀ MỚI TU Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét