Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

BUÔNG CÁI NGÃ


BUÔNG CÁI NGÃ

Vua Trần Thái Tông cảm ngộ thế sự vô thường hưng suy của sự nghiệp chính trị nên đã bỏ ngôi báu, triều thần trốn lên núi Yên tử ẩn tu, ở đấy vua gặp pháp sư Phù Vân, và chính lời khai thị của quốc sư, mà Thái Tông chịu lời thỉnh mời của quần thần và dân chúng tha thiết cầu ngài trở lại kinh đô để tục tục lãnh đạo đất nước, đưa vua trở lại triều đình, tiếp tục sự nghiệp làm vua của mình. Vị vua đã ba lần hướng dẫn đánh thắng quân Mông xâm lược. Một lời khuyên của quốc sư Phù Vân mà làm cho nước nhà được thịnh vượng, thắng giặc ngoại xâm  đem lại thanh bình cho xã tắc. Lời khuyên của quốc sư Phù vân như sau : “ Phàm làm bậc nhân quân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng thiên hạ làm tấm lòng của mình”.
 Khi lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình, thì không còn chỗ nào để cho bản ngã trú ngụ, có đất nào cho bản ngã trú ngụ nữa đâu. Cái tôi còn chỗ nào dựa vào đâu để mà ra oai lên mặt. Khi tâm mình chứa đầy tâm thiên hạ thì đấu tranh với ai, hơn thua với ai ? Khi ấy tất cả đã là một, một khối thống nhất, không còn phân biệt ta và người.
Mọi nhu cầu của người cũng là nhu cầu của ta, mọi quan tâm của người cũng là quan tâm của ta. Tiếng nói của người cũng là tiếng nói của ta. Tâm thiên hạ trong tâm ta, thì đâu là ranh giới của cái tôi ? cái tôi tan biến vào hư không, khi tâm ta hòa làm một với tâm thiên hạ, lời khai thị của quốc sư Phù Vân quả là một phát ngôn trác tuyệt về đạo lý vô ngã.
Nguyện vọng phụng sự tha nhân, phục vụ người khác thì phải thực hiện triệt tiêu cái ngã thì việc làm mới có đầy ý nghĩa. Phật, Bồ Tát đã đạt đến vô ngã, vì mỗi giây mỗi phút các ngài đều nguyện phụng sự chúng sanh, làm lợi ích cho chúng sanh, tu tập là cầu làm Phật, làm Thánh, mà làm Phật làm Thánh là làm gì ?  nếu không phải là để phục vụ chúng sanh.
Phật, Thánh quý ngài mỗi người mỗi nguyện, nhưng tất cả đều phục vụ chúng sanh, làm lợi ích cho chúng sanh, làm tốt đẹp cho chúng sanh, mọi ngã chấp đều tan biến trước lời nguyện thiết tha phụng sự tha nhân.
Buông cái tôi xuống thì đạo đức cao, không có đạo đức nào cao hơn đạo đức buông cái tôi xuống. Vì đạo đức ấy không xét trên bình diện thiện ác nữa, mà là đạo đức của giải thoát, hành động vô ngã là hành động của giải thoát, chứ không phải hành động của thiện ác nữa. Hành động ấy đưa ta đến tự do. Hành động mà không thấy mình hành động, không thấy người hành động, không thấy mình, không thấy người thì không bị kẹt ở hai bên. Đó là tự do, là giải thoát, làm mà thấy mình làm, là chấp vào công lao, chấp vào công trạng, chấp vào việc làm, ấy là ta bị kẹt ở ta. Hành động mà không thấy người hành động đó cũng như gió thổi, mây bay, suối chảy, lá rơi..
Không ai giận đám mây che khuất mặt trời, không ai giận gió thổi làm rối mái tóc, không ai giận tiếng suối chảy róc rách suốt ngày đêm. Nếu có giận thì cái giận ấy vô cớ vu vơ, rỗng không..
Có một anh chàng đại gia, muốn thưởng thức một đêm gió mát trăng thanh trên dòng sông, anh bèn thuê một chiếc thuyền nhỏ, ra đậu giữa dòng sông để thưởng thức và ngủ qua đêm. Đêm khuya thanh vắng giấc ngủ êm đềm, một chiếc thuyền khác đứt dây neo trôi tạc vào chiếc thuyền anh đang neo đậu, sức va chạm mạnh chiếc thuyền kia vào thuyền của anh, làm chấn động và lắc lư con thuyền, anh đang ngủ ngon giấc, giật mình thức dậy, cơn giận đùng đùng nổi dậy, anh chửi bới um tùm hướng về chiếc thuyền đang trôi, chửi những lời thô tục, lớn tiếng trong ban đêm. Thế nhưng không thấy thuyền bên kia lên tiếng, anh xem lại thuyền kia rỗng không, không có người, lúc bấy giờ cơn giận của anh mới hạ xuống, may mà không có ai nghe !!
Nếu trước kia anh biết thuyền kia không người, chắc anh không có những lời lẽ thô tục lớn tiếng thịnh nộ với chiếc thuyền trống không làm gì. Cũng thế, chúng ta muốn buông cái ngã, phải tập nhìn và quán con người và hoàn cảnh như chiếc thuyền trôi trống không, thì ta mới không nổi cáu nổi giận  được. Chỉ dừng cái thấy nơi hành động mà không thấy thân ai nữa thì phiền não giận hờn, buồn phiền không có nơi để bám vào.
Cái tôi nếu không được buông xuống, thì mọi hành động, việc làm của mình đều bị vướng kẹt, kể cả việc tu hành. Làm việc thiện mà không buông cái tôi xuống thì tự hào với việc thiện của mình làm. Học nhiều hiểu rộng mà không buông cái tôi xuống thì tự cao về cái học của mình. Tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, trì chú nhiều mà không buông cái tôi xuống, thì tự đắc với việc hành trì của mình. Đức Phật dạy nổ lực tu tập là để vượt qua bản ngã, chiến thắng mình, chứ không phải để tranh hơn tranh thua với ai. Dù một người có nổ lực sống đúng với giới luật, siêng năng tụng kinh, trì chú, nhưng nếu trong tâm còn bóng dáng của cái ngã chấp, quý mình khinh người thì người đó chưa phải là người tu tập đúng nghĩa.
 Vậy tu tập rốt ráo và tối hậu là  nhằm đạt đến tự do và giải thoát, là buông xuống cái Tôi của mình./.
Trích : Sự buông xuống sau cùng _ Hoàng Nguyên- VHPG số 306- 1-10-2018.
                                   {]{

BUÔNG CÁI NGÃ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét