Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

QUÁN CHIẾU VỀ CÁI CHẾT


QUÁN CHIẾU VỀ CÁI CHẾT

 Hạnh phúc và khổ đau là hai mặt đối lập nhau trong cuộc đời con người, từ xa xưa đến nay, các nhà tôn giáo, các triết gia, các nhà khoa học luôn đi tìm cho mình và mọi người con đường hạnh phúc và tránh con đường khổ đau. Tâm lý chung con người là muốn cầu an vui hạnh phúc và xa lìa khổ đau. Nhưng việc tránh khổ cầu an chưa có một vị giáo chủ tôn giáo nào đưa ra phương pháp cụ thể và thiết thực, cho đến các triết gia, các khoa học gia cũng vậy. Họ chỉ có đem lại những nổi khổ niềm đau nhiều hơn là an lạc,và làm tâm trí rối loạn hơn là an tịnh. Những lý thuyết và việc làm của họ chưa thực sự tìm ra con đường chấm dứt khổ đau cho con người một cách tuyệt đối hoàn hảo. Chỉ có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người duy nhất tìm ra cho nhân loại con đường thoát khổ được an một cách tuyệt đối mà thôi.
    Con người ai cũng ham sống sợ chết, cho đến các loài cầm thú cũng vậy, đều cùng chung tâm trạng ưa sống sợ chết. Cho nên sanh, già, bệnh, chết là bốn sự thật khổ đau mà con người muôn đời phải tuân chịu, không một ai tránh khỏi, không một ai trường sinh bất tử. Nổi sợ chết là nổi sợ lớn nhất của con người không ai qua mặt thần chết. Vậy chết là luật công bằng nhất  mà ai cũng phải chết, dù có sợ hay không sợ cái chết là cái rất bình đẳng của mọi người và chúng sanh, khỏi phải đòi hỏi công bằng.
   Người đến với đạo Phật là người tìm cho mình cách sống bất tử không sợ chết, và nếu có chết chỉ chết một lần của thân tứ đại này thôi. Vì người tu tập theo Phật giáo, y theo lời Phật dạy thì sẽ đạt được cái lý vô sanh, chứng nhập được tự tánh không sanh không diệt, trừ được tham dục chấp thủ thì ra khỏi con đường sống chết khổ đau, không còn sống trong vòng mê muội, chết trong hoài nghi nữa.  Đức Phật đã dạy cho dân chúng Alavi một bài học về cái chết.
   Một hôm Đức Phật đến Alavi, dân chúng Alavi rất hạnh phúc vui mừng khi được Phật đến xứ sở họ. Dân chúng Alavi thỉnh Phật thọ trai. Thọ trai xong, Đức Phật nói một bài pháp ngắn về  cái chết. Đức Phật nói : “ Này các người hãy quán niệm về cái chết, các người hãy tự nhủ rằng : Đời sống của ta mong manh, cái chết của ta là điều cố nhiên, chắc chắn ta sẽ chết, cái chết sẽ chấm dứt đời ta. Đời sống không cố định, cố định là cái chết.  Ai không quán niệm về cái chết, sẽ sợ hãi khi giờ lâm chung đến, và sẽ chết trong sợ hãi kinh hoàng, như một người đi đường gặp rắn, không có gậy trong tay, run rẫy dường nào !
  Tại làng Alavi cô bé con nhà thợ dệt năm 13 tuổi đã được nghe Đức Phật chỉ dạy về cái chết. Nay duyên lành Phật lại đến làng mình thuyết pháp, cô bé chủng bị sẳn sàng để tham dự, mặc dù cha cô bé bảo phải hoàn thành các thoi chỉ sợi để kịp giao hàng cho khách. Nhưng cô quyết tâm cao độ không phụ lời cha dặn và vẫn hoàn thành ý nguyện của mình là đi gặp Phật.   Năm nay cô bé 16 tuổi con nhà thợ dệt đến gặp Phật nghe pháp. Khi cô bé đến diện kiến trước Đức Phật, Phật  mới hỏi cô bé bốn câu hỏi. Đức phật đã thấu rõ tâm ý của cô bé bèn hỏi rằng :
Con từ đâu đến đây ?
Bạch Thế Tôn con không biết,
Con sẽ đi về đâu ?
Bạch Thế Tôn con không biết,
Con biết hay không biết ?
Bạch Thế Tôn, con biết
Con không biết phải chăng ?
Bạch Thế Tôn, con không biết.
Trong 4 câu hỏi này chỉ có 2 từ KHÔNG và BIẾT. Không ở đây là không biết từ đâu sanh ra, chết đi về đâu, và chết lúc nào. Còn  Biết là biết mình trước sau gì cũng phải chết .
   Trước sự thắc mắc của thính chúng, Ngài hỏi cô bé.
- Này con ! khi Ta hỏi con từ đâu đến, vì sao con trả lời không biết.
-  Bạch Thế Tôn ! Ngài cũng biết rằng con từ nhà cha con, là con của người thợ dệt đến đây. Vì thế khi Ngài hỏi con từ đâu đến, con hiểu rằng ý của câu ấy là con từ đâu sanh ra đây. Nhưng con chẳng biết con từ đâu sanh đến nơi nầy.
  -Ngài hỏi tiếp :  Khi Ta hỏi con đi về đâu, vì sao con trả lời không biết ?
 -Bạch Thế Tôn ! Ngài cũng biết con đến từ xưởng dệt nhà cha con với giỏ thoi trên tay. Nên khi Ngài hỏi con đi đâu, con hiểu ý câu ấy là khi rời nơi đây con tái sanh về đâu. Nhưng đối với con, sau khi chết con chưa biết sanh về đâu.
  -Khi Ta hỏi, con biết hay không, vì sao con trả lời con biết ?
   -Bạch Thế Tôn ! vì con biết rằng chắc chắn con sẽ chết, nên con đáp như thế.
- Vì sao Ta hỏi con không biết hay chăng, con trả lời không biết ?
 - Bạch Thế Tôn !  điều con biết chắc chắn là con sẽ chết, nhưng chết vào lúc nào, vào ban đêm hay ban ngày, buổi sáng hay buổi trưa, khi nào con không thể biết, nên con trả lời không biết.
 Đức Phật dạy thính chúng rằng: Với người không có tuệ nhãn, họ đui mù, chỉ khi nào người có tuệ nhãn mới thấy được điều này, rồi Ngài nói bài kệ :
  Đời này thật mù quáng
  Ít kẻ thấy rõ ràng
  Như chim thoát khỏi lưới
  Rất ít đi thiên giới
  Quả thật câu chuyện của cô bé cho chúng ta  thấm thía ý nghĩa của từng lời giải đáp, bận lòng chi quá khứ từ đâu đến và lo lắng chi ta chết về đâu. Sự có mặt của ta từ vô thủy đến vô chung, không có điểm khởi nguồn và kết thúc, cuộc sống chỉ có thực tại là bây giờ, ở đây và một sự thật hiển nhiên, ai rồi cũng sẽ chết. Tuy nhiên, chết lúc nào ở đâu và chết như thế nào cũng là điều không quan trọng nữa, bởi lẽ chính cái hiện tại mới là yếu tố quyết định con đường tái sanh. Nhưng cũng vì thế gian này “thật mù quáng” không tuệ nhãn cho nên cứ mãi quẩn quanh trong bể khổ trầm luân. Chính sự suy niệm về những điều vô nghĩa trong cuộc sống làm tâm trí họ rối ren, mù quáng, tức như chim tung lưới chỉ biết tung cánh bay trong phương trời vô định, không biết đích điểm là đâu. Con người không ai là bất tử trường sanh, suy niệm về lẽ thật cuộc đời, sanh, già, bệnh, chết, luôn mang ý nghĩa thiết thực. Một khi trong tâm luôn nghĩ về cái chết sẽ đến, lẽ tất nhiên chúng ta sẽ sống có ý nghĩa từng ngày chánh niệm trong từng phút từng giây và quán chiếu tu tập trong từng lời dạy của Đức Phật, đây chính là nền tảng cho hạnh phúc hiện tại và sự chứng đắc giải thoát trong tương lai..
  Mỗi ngày qua là mạng sống con người giảm dần, giống như con bò sắp bị giết, con bò  được dắt từ chuồng trại đến lò mỗ, mỗi bước chân giơ lên là mỗi bước gần đến bị giết, gần đến cái chết. Cũng vậy, đời sống con người cũng thế, như con bò sắp bị giết, con người thật nhỏ bé so với vũ trụ bao la, không đáng kể, nhưng lại có nhiều đau khổ, nhiều phiền muộn, nhiều ưu não. Vì thế hãy giác ngộ, hãy làm những điều lành, hãy sống phạm hạnh, với người đã sanh không có bất tử.  Chính vì thế, với đạo Phật vấn đề trọng tâm không phải là vũ trụ thế giới mà là con người. Mục đích của Đức Phật dạy là đoạn tận khổ đau đem lại an lạc hạnh phúc cho con người. Tính thiết thực hiện tại của Phật giáo không phải ở giáo lý mà còn ở thái độ và hành động của người con Phật, đó là lộ trình tu tập của chính bản thân mỗi người.
   Đức Phật nhấn mạnh sự nổi lực của tự thân tu tập là điều quan trọng, là điều kiện cần thiết để đi đến giải thoát an lạc Niết bàn.  Vấn đề giải thoát giác ngộ là do sự nổ lực của mỗi người chứ không phải cầu xin mà được. không một đấng thiêng liêng nào ban cho chúng ta sự giác ngộ, mà chính tự thân mỗi con người phải nổ lực để giác ngộ. Đức Phật dạy rằng :  “ Hãy tự mình làm ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một cái gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác”.
   Đức Phật đã  xác định cầu xin và ước vọng không có lợi ích gì.  Ngài nêu rõ: “ Nếu có người làm 10 điều ác hạnh, rồi một quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khẩn chắp tay mong rằng, người ấy sẽ được sanh thiện thú, thiên giới. Sự cầu khẩn như vậy vô ích. Vì người ấy làm 10 điều ác hạnh sẽ bị rơi vào địa ngục. Như một người quăng một tảng đá vào hồ nước, rồi một số đông đảo người đến cầu xin, cầu khẩn chấp tay cầu rằng :  Tảng đá ấy sẽ được nổi lên, sự cầu khẩn như vậy là vô ích. Vì tảng đá ấy với sức nặng của nó không thể nổi lên, không thể trôi vào bờ như lời cầu xin của quần chúng ấy. ”
  Các phương pháp tu tập của đạo Phật, chính là những phương pháp giúp cho con người trở về với nội tâm mình để giải quyết một cách căn bản mọi ưu tư và bất an của nội tâm. Khổ đau chỉ có mặt trong hiện tại, do đó quả quyết  khổ đau cũng được bắt đầu từ trong giờ phút hiện tại. Đức Phật dạy : “ Này các Tỳ kheo, có một con đường độc nhất làm cho chúng sanh thanh tịnh, vượt qua ưu sầu, đoạn trừ hết khổ đau, thành tựu chánh lý, chứng đắc Niết bàn. Đó là Tứ niệm xứ, phương pháp tu tập Tứ niệm xứ là con đường trở về với chính mình, quán chiếu tự thân, tu tập tự mình làm hòn đảo của chính mình. Như vậy tứ niệm xứ, là một nếp sống giúp cho chúng sanh được thanh tịnh trong sạch, khỏi các cấu uế. Với nếp sống như vậy, vị hành giả vượt khỏi sầu bi, chấm dứt ưu khổ, tức sống an lạc hạnh phúc trong chánh pháp. Với nếp sống hỷ lạc định tĩnh, vị hành giả phát triển trí tuệ, trí tuệ được chính lý duyên sanh, duyên diệt của các pháp và cuối cùng chứng ngộ Niết bàn.
  (Trích :Hạnh phúc thực tại giữa thế giới vô thường : Huỳnh Thị Cẩm Nhung- VHPG số 305- 15-9-2018)

{]{

QUÁN CHIẾU VỀ CÁI CHẾT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét