Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

SỐNG VUI SỐNG KHOẺ






SỐNG VUI
 SỐNG KHOẺ


Thích Thiện Phương
Sưu tập




Tháng 4/2020 - PL 2564


 

 

SỐNG VUI SỐNG KHOẺ

  Người muốn sống vui sống khoẻ, thì không bị bốn thứ quấy nhiễu là: Không vui, Không buồn, không giận, không lo sợ.
  Vì sao? Vui quá hại tim; Buồn quá hại phổi;  Tức quá hại gan; Sợ quá hại tỳ. Tim, gan, tỳ, phế, thận không bị bịnh thì con người khoẻ về thân; Không giận, không buồn, không vui, không lo sợ thì khoẻ về tâm. Thân tâm không bịnh thì con người sống khoẻ sống vui.
    Cổ nhân nói: “Hoạ tùng khẩu xuất, bịnh tùng khẩu nhập”. Tai hoạ xảy ra đều từ cái miệng, bịnh tật có ra là do ăn uống. Tâm lý vật lý  không hài hoà thì bịnh tật và tai hoạ sẽ xảy ra với tự thân ta. Nếu con người biết kiềm chế tâm lý và vật lý thì không cần thuốc để chữa trị bịnh tật. Thuận thiên giả tồn nghịch thiên giả vong là vậy, thuận theo sự vận hành của thiên nhiên thì sống, nghịch lại với thiên nhiên thì chết.
   Mà muốn không lo, không buồn, không giận, không sợ thì phải tu tập. Tu tập có rất nhiều phương pháp như tu Thiền, tu Tịnh, tu Mật v.v... phổ biến nhất là tu Thiền và tu Tịnh.
  Ở đây nêu ra pháp môn tu Tịnh, là pháp dễ tu dễ thành, không sợ sai lạc, không cần có thầy hướng dẫn thường xuyên. Với điều duy nhất là niềm tin tuyệt đối với pháp môn không nghi ngờ là được. Niềm tin là mẹ đẻ của mọi thành công, của mọi công đức lành …
    Khi đã có niềm tin chân thật rồi hành giả chuyên tâm trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà (danh hiệu Phật là phương pháp cột tâm dễ nhất, so với các phương pháp khác). Câu phật hiệu A Di Đà là một linh dược trị cả thân bệnh và tâm bệnh cho chúng sanh ở hiện đời. Mãn phần lại được vãng sanh về cõi Phật.
   Độ tuổi U 60, 70  trở lên là cái tuổi gọi là “gần đất xa trời” đó là nói theo thế gian, còn nói theo tu đạo thì là “Đường xa trời tối”, mặt trời đã sắp xuống núi mà đường về nhà còn quá xa vời vợi, trong lòng cảm thấy bồn chồn, nôn nao.
        Đối với tuổi già thời gian không còn nhiều nữa, mà việc vãng sanh chưa thấy có tin tức gì, hy vọng gì cả. Tuy nói với người già, nhưng bao gồm cả người lớn cả người trẻ. Bởi vì,  trên đường huỳnh tuyền không phân chia già hay trẻ, ngoài nghĩa địa kia lắm kẻ đầu xanh. Vô thường muốn đến là đến, không một người trẻ nào dám bảo đảm mình nhất định sống đến đầu bạc răng long. Cho nên, có thể nói mỗi người chúng ta  là những kẻ  “đường xa trời tối ”, thời gian không nhiều thế mà việc lớn sanh tử vẫn giải quyết chưa xong. Cho nên phải sắp xếp cho xong mọi việc, trong tâm ngoài việc niệm Phật ra, không nên vương vấn lo âu điều gì cả, được như vậy, khi lâm chung mới không bị chướng ngại. Nếu hiện nay nhiều việc lo toan, việc gì cũng không chịu buông, ôm ấp một cách nặng nề đến lúc lâm chung cái tâm tham luyến, áo quần, xe cộ, nhà cửa, tài sản, của cải, thân quyến v.v...đều hiện ra trước mắt làm sao mà vãng sanh Tây phương được?. Chẳng những không vãng sanh mà cả một đời ăn chay, niệm phật, làm lành, bố thí, cúng dường, phóng sanh, phước thiện hoàn toàn trở thành Phước báo cho sự tái sanh đời sau thọ hưởng rồi lại tạo nghiệp sanh tử.
        Bạn hiện nay chưa có trí tuệ, tuy thường tinh tấn niệm Phật, làm lành tránh dữ…nếu trong tâm không quyết định cầu vãng sanh Tây phương, qua đời sau được hưởng phước, chắc chắn sẽ bị phước  nó làm mê mờ rồi tạo đủ thứ nghiệp ác. Một khi đã tạo nghiệp ác chắc chắn sẽ đoạ vào ba đường khổ, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Cái khổ to lớn này đều do đời nay niệm Phật không biết cầu sanh Tây phương mà chiêu cảm lấy.
Muốn không hưởng phước báo đời sau, thì nên đem các thứ của cải bố thí, cúng dường rồi hồi hướng vãng sanh, khởi tâm từ bi đến với những người đau khổ, thiếu thốn, mở rộng tâm ra không còn luyến tiếc hẹp hòi, không còn quyết lưu giữ những gì mình yêu quý nữa. Trong tâm của bạn ngoài câu Phật hiệu ra, không để một chút ý niệm nào khác, ngay cả cái thân này cũng không cần tính toán sau khi chết phải an trí như thế nào v.v... Nào con nào cháu ta không bận việc tốt việc xấu của chúng, chỉ chuyên lo niệm Phật, một lòng cầu vãng sanh. Tất cả mọi việc đều buông hết, đến lúc lâm chung tự nhiên sẽ cảm đến Phật đích thân đến đón bạn về Tây phương.
  Nếu cứ mãi tham luyến của cải tài sản và thân quyến thì sẽ không bao giờ vãng sanh Tây phương, mà chỉ hưởng si phước, tức phước báo si mê, rồi nhân hưởng phước báo mà tạo nghiệp, chắc chắn sẽ bị đoạ lạc. Do ác nghiệp  làm mê mờ chướng ngại tâm thức không sáng suốt, cho dù Phật có hiện ra trước mặt cũng không cứu được bạn.
  Những người tu cần phải suy nghĩ về đại sự sanh tử của mình, thời gian qua nhanh vô thường chóng đến với ta. Nếu không gấp cầu sanh Tây phương để rồi sau hối tiếc không kịp. Lúc bình thường không lo niệm Phật, không tập luyện, khi chết không hề có chủ trương đi về đâu, như vậy phải tiếp tục luân hồi. Nếu như nghiệp ác nó phát khởi dẫn xuống tam đồ phải chịu khổ đau đến ngàn vạn kiếp trong ác đạo. Hằng ngày có rất nhiều người chết, nhưng đã có được bao nhiêu người vãng sanh, lại trong những người tu lại có được bao nhiêu người liễu sanh thoát tử. Hiện nay ta đã có hy vọng chắc chắn gì chưa? Khi lâm chung đến ta phải làm thế nào để vượt qua không sa đoạ vào lục đạo luân hồi.
  Hãy kiểm nghiệm lại trong một đời này ta tu hành được bao nhiêu, tiến bộ hay lui sụt, phiền não đã giảm được bao nhiêu phần,  nghiệp chướng đã tiêu được phần nào. Cứ đặt kế hoạch để mà  tính quyết phải đạt cho được chỉ tiêu là phải hết phiền não và quyết vãng sanh.
  Thể lực càng ngày càng suy yếu, bịnh tật càng tăng, tuổi già gần đến, nếu không nắm chặt thời gian này để dốc lòng tích luỹ tư lương vãng sanh, e rằng lỡ bước sai đường muôn ngàn vạn lần khó tìm lại được thân người để tu.
 Đến giây phút lâm chung tự mình chưa đạt cảnh giới tự tại, thì lúc đó tâm có thể không tán loạn chăng? Lúc còn mạnh khoẻ không lo chuẩn bị, đến lúc bệnh nặng, tâm thần hoảng hốt mê hoặc, trong tâm không tự làm chủ được huống hồ khi chết, lâm chung tứ đại phân ra, đau đớn như con bò đang còn sống bị lột da, nếu không phải là bậc đại tu hành thì làm sao có thể vượt qua một cách nhẹ nhàng thư thái. Lại nghĩ trong cả một đời nay ta dám bảo đảm chỉ có thiện nghiệp mà không có ác nghiệp chăng? Trong cuộc sống hằng ngày tâm nghĩ, miệng nói, thân làm đã tạo nên biết bao nhiêu nghiệp rồi, khi lâm chung nếu như ác nghiệp phát động, liền dẫn tâm ta xuống tam ác đạo chịu khổ muôn ngàn vạn kiếp, nhận lãnh quả báo khổ đau, sẽ khơi dậy cái tâm xấu ác trả thù, như thế nghiệp cũ chưa dứt lại chồng thêm nghiệp mới, cứ thế mà luân chuyển không có ngày thôi dứt thật đáng sợ hãi.
Khi chết đến cha mẹ không thể cứu, anh em bạn bè, con cái không thể thay thế được, không ai cứu mình được, ai là người ta có thể nương tựa lúc này, chỉ có A Di Đà Phật  mới có thể cứu ta được, nhiếp thọ và bảo hộ ta được. Khi đã thấu rõ điều này rồi, thì phải nhất tâm thành ý một lòng một dạ, niệm Phật cầu sanh Tây phương, thật sự là không còn con đường nào khác nữa cho ta chọn.
Chúng ta hãy trân quý khi mắt ta còn sáng, chân tay ta còn bước đi được, thể lực đang còn khoẻ mạnh, gấp rút đem hết thân tâm nương tựa vào câu A Di Đà Phật, khẩn cầu Phật thương xót nhiếp thọ. Từ sáng đến tối, từ ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm liên tục không phí bỏ thời gian nào mà quên danh hiệu Phật A Di Đà.
Nếu lơ là suốt ngày từ sáng đến tối sống qua loa qua ngày tháng, chớp mắt đã thấy đầu đã bạc, lại thêm bịnh tật dày vò thân tâm, lúc đó muốn lạy Phật một lạy, niệm Phật một câu cũng không được nữa, muốn nghe tiếng niệm Phật nghe cũng không vô, lúc này hối tiếc thì đã muộn rồi. Hãy thường xuyên suy nghĩ thời gian của mình còn lại không nhiều, giống như ngọn đèn tàn treo trước gió, có thể bị dập tắt lúc nào không hay, lại như giọt sương trên ngọn cỏ, phút chốc liền bốc hơi. Cái thân thể giả hợp mong manh này, tuổi càng xế chiều, sự vô thường nó đến biết lúc nào, không sáng thì tối.  Nghĩ như vậy, không nóng lòng chột dạ sao được. Đời người không quá trăm năm, nhưng có mấy ai sống đủ trăm năm, hãy mở tâm ra nhìn thấu, thế gian như một vở tuồng, không có gì là thật. Trên sân khấu có thể đóng nhiều vai trò khác nhau, có vai nào là thật, toàn là giả tạm.  Cuộc đời con người cũng vậy, chúng ta đang đóng vai vợ chồng, cha con, vai trò gia đình, sự nghiệp. Khi đến tuổi già nhìn lại thấy mọi thứ như một vở tuồng, không thật chút nào, cho nên chớ cố chấp.
 Thời gian của tuổi già không còn bao lăm, có thể 5, 3 năm, với thời gian ngắn ngủi này phải lấy câu niệm Phật làm niềm vui, lấy thế giới Cực lạc làm quê hương để ta nương về. Ngày nay niệm Phật ngày sau vãng sanh Tây phương là niềm vui sướng biết chừng nào, không có sự hạnh phúc nào bằng, nghỉ như vậy nên thường sanh tâm hoan hỷ, không nên sanh phiền não, lo buồn bất cứ việc gì nữa. 
   Nếu có gặp việc gì không vừa ý tâm phiền não khởi lên, lập tức chuyển tâm qua câu niệm phật A Di Đà. Câu Phật hiệu nó sẽ lấn áp sự lo nghĩ của ta, ta có thể chuyển giận thành vui, lúc nào cũng vui niệm phật A Di Đà. Chuyện đời chớ có xen vào, lo âu nhiều quá, chớ tranh hơn tranh thua với người, được như vậy mới là người có trí tuệ. Tự mình được an vui tự tại, đồng thời cùng khiến cho gia đình mình an vui.
    Cuộc sống trong gia đình, nào con, nào cháu, nào rể, dâu, thường hay đối xử với ta không tốt, hoặc việc nhà quá nhiều, chỗ ở chật hẹp. Quá nhiều mọi thứ đều không vừa ý, những thứ này đều không quá để ý, phải nhất tâm niệm Phật, nếu không bạn càng suy nghĩ bạn càng khởi tâm giận tức, lo buồn, lại càng thấy tủi thân. Muốn tâm không khổ thì nhất tâm niệm Phật A Di Đà, suy nghĩ như vậy rồi càng niệm Phật càng hoan hỷ và luôn nương câu Phật hiệu không lìa bỏ.
  Chỉ cần trong tâm bạn có Phật, mọi thứ sẽ biến thành tốt, chỉ cần nhất tâm niệm phật không nghĩ ngợi chuyện khác, sẽ thoát ly được  các thứ khổ lớn nhỏ của đời người, chẳng những thế ngay đến cả đại khổ sanh tử vẫn có thể thoát ly. Lúc lâm chung Phật sẽ đón về thế giới Cực lạc, tốt biết bao. Cho nên, tập buông xả để nhất tâm niệm phật, không cần đợi sau khi mãn phần, mà ngay bây giờ cũng thường hưởng được niềm vui an lạc, gọi là hiện tiền vãng sanh.
  Cuộc sống hằng ngày mọi việc đa đoan, nếu nhất tâm chuyên niệm Phật A Di Đà, khi niệm Phật tâm ta hoan hỷ thì làm bất cứ việc gì cũng cảm thấy mọi việc đều thấy dễ dàng, nhìn thấy ai cũng vui, mỗi ngày  mỗi đêm không có việc gì không vui. Muốn được an vui thì không nên rời  cầu Phật hiệu, nếu trong tâm khởi lên vô minh phiền não liền rơi vào bất an và khổ đau ngay.
        Phải chuyên nhất niệm Phật, kiên trì niệm phật, đi đứng nằm ngồi đều niệm Phật, vừa làm vừa niệm phật, không gián đoạn, được như vậy nổi khổ trong tâm sẽ càng lúc càng ít, nhất định sẽ được an lạc . Đặt trọn tâm tư vào câu Phật hiệu, thì tâm ta tương ưng với từ lực của Phật, thì liền được thoát khổ, gia đình , con cái, việc làm sẽ không làm ta khổ. Cho nên câu Phật hiệu rất là quan trọng, là chìa khoá vàng mở cửa hanh thông, khi niệm Phật thuần thục, có năng lượng nơi công đức niệm phật rồi, thì không thấy cuộc đời là đau khổ, mà là niềm vui. Ngược lại không niệm phật không tu hành, thì tâm không chỗ nương tựa, luôn duyên theo mọi việc, như thế sẽ rất khổ. Do đó, phải niệm Phật không gián đoạn, sẽ được sự gia trì của Phật khiến tâm trở nên an ổn, thư thái. Niệm Phật không những giúp tâm an ổn, mà còn làm cho thân thể tráng kiện tươi vui. Trong cuộc sống có nhiều niềm vui và hy vọng, không tuyệt vọng, bi quan, bởi lo âu sầu khổ, cho đến việc sợ chết . Cho nên niệm Phật là một phương pháp đem lại đại sự an lạc.
        Người đời sở dĩ họ khổ là vì họ không có điểm tựa của tâm , họ cảm thấy cô đơn, trống vắng. Nếu họ có thể đặt hết niềm tin và tâm tư nơi Phật, một lòng một dạ nương tựa câu Phật hiệu, Phật sẽ không bỏ chúng sanh đau khổ. Như thế tâm ta sẽ nhẹ nhàng vui vẻ hết khổ đau. Niềm vui này không cần điều kiện bên ngoài ban cho, chỉ cần trong tâm luôn giữ câu Phật hiệu, đây chính là linh đơn diệu dược đại hoan hỷ vậy.  Không có niềm vui nào so sánh bằng niềm vui của sự niệm Phật. Ăn ngon, mặc đẹp, con cháu hiếu thảo, nhà cửa sang trọng, danh to lợi lớn, những niềm vui của thế gian, không có niềm vui nào sánh bằng. Cho nên phải biết trân trọng và tha thiết quý mến phương pháp niệm Phật, không nên thờ ơ xem thường để bỏ lỡ thời cơ tốt đẹp nhất để ta thay đổi cuộc đời hiện tại cũng như tương lại.
        Nương vào câu Phật hiệu rất thuận tiện cho tuổi già, đến lúc lâm chung được chánh niệm phân minh, đương nhiên trước khi lâm chung thân không bệnh tật, tâm không phiền não, an nhiên tự tại sống khoẻ, chết an. Công năng niệm Phật có thể giúp ta tránh được bệnh tật về thân, giải toả những nỗi khổ về tâm, nhưng phải tự mình thực hành mới được.
         Phàm là chuyện gia đình, chuyện con cái, chuyện làm ăn, mỗi khi tu tập phải để qua một bên, không vì những chuyện đó mà ta bỏ qua không lo tu tập, để một đời trôi qua, nhìn lại ra đi không có một tư lương về cõi tịnh. ( tích niên hành xứ, thốn bộ bất di ). Chỗ đi năm trước năm nay chẳng dời, tu tập mỗi ngày mỗi thăng tiến không thể để tánh tình tâm lý y như hồi chưa tu. Việc giải quyết sanh tử là việc đại sự, ta không làm thì không ai có thể làm thế cho ta. Vì lẽ đó không lý do nào mà ta cứ đổ thừa cho việc không có thời gian cho việc tu tập. Nếu ta biết nghĩ như vậy ta sẽ có thời gian lo tu tập, chứ không thể đợi đến tuổi già tai điếc mắt mờ mới chịu tu. Lúc đó muốn xem kinh nghe pháp cũng không được, thân thể suy kiệt muốn lạy Phật cũng không nỗi, chỉ có câu niệm phật là dễ thực hành nhất.
        Đối với tuổi già, một câu niệm Phật có thể thay thế cho các việc tụng kinh, nghe pháp, lạy phật, làm phước. Đi đứng nằm ngồi đều có thể niệm. Dù có bận rộn cỡ nào cũng không rời câu Phật hiệu A Di Đà. Tuổi đời đã lớn con đường giải thoát còn xa, giống như đường còn xa mà trời sắp tối, làm sao về nhà cho kịp, nếu không nương nhờ vào xe cộ ( tha lực của Phật ) thì làm sao về cho kịp. Cũng thế nếu không nương vào câu A Di Đà Phật nguyện vãng sanh thì làm sao chúng ta bảo đảm không ở lại giữa đường trong đêm tối vô minh.
        Câu Phật hiệu là báu vật như ý không thể nghĩ bàn, có thể cho ta đạt thành mọi thứ lợi ích trong thế gian này, cho đến xuất thế gian. Nó có thể giải trừ mọi nguy nan trong thế gian, giải những nỗi khổ niềm đau về thân về tâm cho chúng sanh, đưa chúng sanh từ phàm lên thánh cho đến địa vị Phật quả.
        Nói tóm lại, mọi việc có thể dùng câu Phật hiệu để giải quyết, vấn đề then chốt là chúng ta phải có niềm tin chân thật, phải buông bỏ vạn duyên, nhất tâm nhất ý niệm A Di Đà Phật, cầu Phật từ bi nhiếp thọ, tiếp dẫn mình vãng sanh  sau khi mạng chung. Điều này trong lúc bình thường cần phải luyện tập cho thuần thục trước.
        Người ta hay tin vào khoa học kỹ thuật, về y liệu, dược liệu, nhưng họ không biết năng lực dịu dụng mầu nhiệm cực kỳ siêu nhiên vượt  khoa học kỹ thuật, Từ lực của Phật A Di Đà không thể nghỉ bàn. Nếu có tín tâm một cách trọn vẹn thì sự gia trì cũng trọn vẹn.
Trong cuộc sống con người, người ta tin vào đồng tiền, ai ai cũng tìm mọi cách làm sao có tiền, để mua xe cộ, nhà cửa, thức ăn, để có cuộc sống thoả mái đầy đủ tiện nghi, tất cả đều do đồng tiền quyết định. Nên tiền đối với họ là duy nhất, rồi dốc hết ý chí cùng sức lực đi kiếm tiền. Nhưng càng kiếm có tiền nhiều, người ta lại bất an, lo toan tính toán, nên không bao giờ được an. Còn tin vào sự mầu nhiệm của tâm thức của con người  thì họ không tin, nên không có sự bình an nơi tâm thức. Nếu chúng ta hết lòng tin vào tâm thức của mình cả khả năng kết nối với từ lực của Phật, thì chắc chắn sẽ có lợi ích chân thật, đó là sự bình an giải thoát ngay trong đời này, thật là đơn giản dễ dàng, không cần bất cứ điều kiện ngoại tại nào, chỉ cần có lòng tin chịu trì niệm danh hiệu Phật thì người đó có lợi ích bình an trong tâm. Đây là  phương tiện vô cùng diệu bảo mà đức Phật A Di Đà dùng để cứu độ chúng sanh.  Nếu không biết khéo léo sử dụng thời gian, cứ lo chạy Đông chạy Tây, điều gì cũng muốn học, muốn thử, tâm không chuyên nhất, không có phương hướng cố định, đến lúc lâm chung tâm thần bấn loạn, không tự chủ được, như thế thật là nguy hiểm. Phải biết phân biệt cái gì chính cái gì phụ, phải đem việc cầu vãng sanh làm trọng yếu cho việc tu hành, khiến cho sức lực niệm phật càng thêm mạnh hơn, duy nhất niệm Phật A Di Đà làm mục đích chính, như vậy nhất định sẽ được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây phương.  Vì thế, Ấn Quang Đại sư nói một cách trực chỉ rằng:  “Nhất tâm niệm Phật, làm việc gì cũng thành ”
Vì thế phải biết ba lo:
Lúc trẻ phải lo lúc già; Lúc khoẻ phải biết lo lúc bịnh;
Lúc còn sống phải biết lo cho lúc gần chết. Có  như thế mới đúng nghĩa sống vui chết an.
( 14-5- Kỷ Hợi- 16-6-2019 )
TU :  THÂN, KHẨU, Ý
Tu thân: Dẫn cái thư:  là giữ cái thân
Tu khẩu:  Tiên cái mụ: là tu cái miệng
Tu ý      : Kỳ cái yếm  : là kiềm cái ý
{]{
CHIẾC ÁO TRÀNG LAM
Thân thương chiếc áo màu lam
Mặc vào thấy tánh tham lam giảm dần
An vui đang đến thật gần
Tham si nóng giận lần lần ra đi.
{]{

SỐNG VUI SỐNG KHOẺ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét