Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

TÀM QUÝ


TÀM QUÝ

Tàm quý có nghĩa là hổ thẹn. Hổ với mình và thẹn với người, hỗ thẹn có hai lãnh vực, lãnh vực tiêu cực và lãnh vực tích cực, tức là hỗ thẹn việc ác đã làm và hỗ thẹn việc thiện chưa làm được. Tàm quý là một loại tâm sở thiện trong các tâm sở. Đức Phật dạy: Có hai pháp tịnh diệu thủ hộ thế gian. Thế nào là hai pháp ?  Có tàm có quý. Này các Tỳ kheo, nếu không có hai pháp này, thế gian sẽ không phân biệt, có cha, có mẹ, có anh, có em, có vợ, chồng, con, tri thức, tôn trưởng, lớn nhỏ.v.v
Thật vậy, nguồn gốc sâu xa của mọi tệ nạn xã hội là do con người đã đánh mất tính tàm quý, tức là không còn biết hỗ thẹn với hành vi sai lầm của mình. Và một khi con người không biết hỗ thẹn, thì có thể làm bất cứ điều ác nào mà họ không làm.
Người không biết tàm quý sẽ không biết tự sữa mình, cứ nghĩ mình tốt, mình giỏi, mình là người trong sạch.chỉ thấy lỗi người mà không thấy lỗi của mình, sẽ trở nên người bảo thủ, không biết gạn đục khơi trong, cân nhắc, sữa đổi thân, khẩu, ý của mình, cứ đi chỉ trích, moi móc lỗi người khác. Người như thế thì không được mọi người ưa thích và kính mến, tôn trọng, không nhận được sự chia sẻ cảm thông từ người khác. Đức tính tàm quý là một phương pháp ngăn chận hành vi sai lầm, đồng thời nó cũng là một thứ trang phục đẹp nhất trong mọi trang phục. Muốn có đức tính tàm quý phải có Văn, Tư, Tu.
Văn, Tư,Tu :   “Văn” tức là học hỏi giáo lý, “Tư” tức suy nghĩ thấu đáo nghĩa lý của kinh văn, và “Tu” là thực hành áp dụng những điều đã được suy nghĩa thấu đáo đó vào đời sống. Nếu người chỉ có “ văn ” mà không có “tư”, tức là không có suy nghĩ thấu đáo nghĩa lý ấy, cũng dễ rơi vào mê tín, hiểu sai lệch ý nghĩa giáo điển của Phật. Còn nếu có  “Văn ” có “Tư” mà không có “Tu” tức là không có sự thực hành, thì không thể hiểu sâu và chứng nghiệm lời Phật dạy là đúng. Thì mọi việc làm đều không đạt kết quả, cũng như có đi mà không đến đích.
 Phải biết thực tập chánh niệm vào trong cuộc sống hàng ngày.
  Chánh niệm có hai: Chánh ức niệm và chánh quán niệm.
a/ Chánh ức niệm : là nhớ đến các điều lỗi lầm để thành tâm sám hối, và nghĩ nhớ đến tứ trọng ân : ân cha mẹ, ân tổ quốc, ân chúng sanh, và ân Tam Bảo để lo báo đền.
b/ Chánh quán niệm : là tâm từ bi xét nghĩ cuộc đời là khổ não, tật bệnh, mê mờ mà chúng sanh đang mắt phải, để mở rộng lòng thương và quyết ra tay cứu độ.
   Cũng theo Hòa Thượng Thiện Hoa :  Bát Chánh đạo là 8 con đường ngay thẳng, hay 8 phương tiện mầu nhiệm, đưa chúng sanh đến đời sống chí diệu, và là con đường chánh có 8 nhánh, để đưa chúng sanh đến địa vị Thánh.
 Như vậy, Chánh niệm chính là một trong những phương pháp hành trì của một hành giả Phật giáo, giúp vị này trở thành một bậc Thánh.
 Phật dạy :  “ Dầu sống 100 năm thực hành ác giới, không thiền định, tốt hơn sống một ngày mà có trì giới, có thiền định ”. Mỗi ngày ít nhất để ra 30 phút vào mỗi buổi sáng, ngồi yên lặng, lắng tâm quay về với chính mình, để quan sát dọn dẹp tâm, loại bỏ tâm nhiễm ô, vọng động, lao xao lo nghĩ về công việc, về người thân, gia đình v.v ra khỏi đầu, cho tâm rảnh rang, thư thái, giúp mình có một ngày mới, với sự định tĩnh, sáng suốt trong mọi tình huống.
   Tất cả chúng ta đều đang sống với tâm và bằng tâm, tùy theo chất lượng của tâm mà chúng ta có đời sống như thế nào. Nếu tâm nặng nề, hạn hẹp, ô nhiễm, thì cuộc đời chúng ta hằng ở cấp độ thấp, nhiều khổ đau, lo âu, buồn giận còn nếu tâm nhẹ nhàng, rộng lớn, trong sáng, thì cuộc đời của chúng ta ở cấp độ cao, có nhiều niềm vui và hạnh phúc. Thế nên, ta phải hiểu biết, kinh nghiệm tâm ở chiều cao rộng của nó, đó chính là mục đích thật sự của đời người.
  Mỗi người tu tập đều có thể nâng cao bổn phận và trách nhiệm của mình, tự trang nghiêm lấy mình, tức tự mình thanh cao trong sạch, loại bỏ thói hư tật xấu. Từ đó đức tính thanh cao của mình sẽ lan tỏa từ một người đến những người khác, đến những người chung quanh, và những tệ nạn, tai nạn, những lo âu, buồn khổ, thị phi v.v sẽ giảm. Đó cũng là phương pháp giúp giảm gánh nặng cho cho tâm trí mình, cho tập thể mình, cho gia đình và cho xã hội.
   Giới kinh nói : “ Hương của những loài hoa, không bay ngược gió. Nhưng hương người đức hạnh, ngược gió tung bay ”. Vì vậy, đối với những hành giả tu tập theo Phật học, phải cẩn trọng thân, khẩu, ý của mình để có thể đóng góp chút nhỏ nhoi vào việc làm cho cuộc sống hằng ngày càng tươi đẹp hơn./.
{]{

TÀM QUÝ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét