Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

THỰC HÀNH CHÁNH NIỆM


THỰC HÀNH CHÁNH NIỆM

 Cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, các học giả phương Tây, thuộc các quốc gia Đức, Nga, Anh, Pháp, đã sớm tiếp cận giáo lý đạo Phật, họ sớm  nhận biết đây là lối sống hiền thiện. Sống theo phương pháp Phật dạy là thực tập lối sống hiền thiện dựa trên tình thương và trí tuệ, có khả năng mang lại cuộc sống hài hòa giữa con người với con người, cũng như giữa người với các sinh vật khác và thiên nhiên, góp phần làm dịu  sự khủng hoảng về niềm tin tâm linh đang gây nên những khổ đau cho con người phương Tây lúc bấy giờ.  Nhưng do lòng tự tôn dân tộc và quan niệm cho rằng người phương Tây vẫn văn minh hơn, nên những sự cố gắng của các học giả tiên phong chưa có kết quả rõ rệt. Sau hai cuộc thế chiến và những cuộc chiến tranh cục bộ ở thế kỷ 20. Nhiều người châu Á sang cư ngụ ở châu Âu và châu Mỹ, trong số họ có nhiều học giả Phật giáo sinh hoạt trong các khu vực dân cư Âu Mỹ, đã dần làm thay đổi cách nhìn của người phương Tây đối với Phật giáo. Tiếp đến việc những người Tây Tạng lưu vong di cư hầu khắp thế giới phương Tây, và sự tích cực giao tiếp với các nhà khoa học phương Tây của vị Đạt Lai lạt ma thứ 14, đã truyền cảm hứng để các nhà khoa học nghiên cứu Phật giáo và các kỷ thuật hành trì Phật giáo một cách nghiêm túc.
  Trong các kỷ thuật hành trì Phật giáo được người phương Tây đánh giá cao nhất là Chánh niệm.  Chánh niệm là một chi phần trong Bát Chánh đạo, thuộc Đạo đế của nhà Phật. Theo Phật Học Phổ Thông của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, giải thích Chánh niệm là : “ ghi nhớ đến những điều hay lẽ phải, những điều lợi lạc cho mình và cho người, những đạo lý chân chính, quý trọng cao siêu ”.  Ngài phân tích Chánh niệm có hai phần :
 a/ Chánh ức niệm : là nhớ đến các điều lỗi lầm để thành tâm sám hối, và nghĩ nhớ đến tứ trọng ân : ân cha mẹ, ân tổ quốc, ân chúng sanh, và ân Tam Bảo để lo báo đền.
b/ Chánh quán niệm : là tâm từ bi xét nghĩ cuộc đời là khổ não, tật bệnh, mê mờ mà chúng sanh đang mắt phải, để mở rộng lòng thương và quyết ra tay cứu độ.
   Cũng theo Hòa Thượng Thiện Hoa :  Bát Chánh đạo là 8 con đường ngay thẳng, hay 8 phương tiện mầu nhiệm, đưa chúng sanh đến đời sống chí diệu, và là con đường chánh có 8 nhánh, để đưa chúng sanh đến địa vị Thánh.
 Như vậy, Chánh niệm chính là một trong những phương pháp hành trì của một hành giả Phật giáo, giúp vị này trở thành một bậc Thánh, một lãnh vực hoàn toàn tôn giáo.
  Thế nhưng gần đây, trong một báo cáo của Nhóm các Nghị sĩ Liên đảng thuộc Nghị viện Anh bảo trợ Chánh niệm, trình bày trước Nghị viện Anh vào tháng 10-2015, các vị này đưa ra kiến nghị về việc đưa Chánh niệm vào ứng dụng trong 4 lãnh vực hoạt động của xã hội Anh gồm : Sức khỏe, Giáo dục, Lao động và hệ thống Tư pháp hình sự.  Trong phần kiến nghị về Giáo dục, nhóm các nghị sĩ này đã yêu cầu hai điểm: Thứ nhất, bộ giáo dục Anh nên chỉ định trước hết ba cơ sở huấn luyện giáo viên cao cấp đi tiên phong trong việc giảng dạy về chánh niệm. Phối hợp và triển khai các cải cách, kiểm chứng những mô hình có khả năng nhân rộng và khả năng chuyển đổi quy mô hoạt động, sau đó phổ biến những ứng dụng thực tế tốt nhất. Thứ hai : Căn cứ vào sự quan tâm của bộ giáo dục về cá tính và sự bền bỉ (của những người được giáo dục). Đề nghị một ngân khoản một triệu bảng Anh hằng năm cho những cơ sở huấn luyện có thể dự thầu để có chi phí cho việc huấn luyện giáo viên trong lãnh vực chánh niệm.
  Qua báo cáo này, người ta có thể thấy Chánh niệm đã bước đầu được người Anh chấp nhận như một kỷ thuật không mang tính cách tôn giáo để góp phần vào việc giáo dục con người của vương quốc Anh.
  Bài này nhằm tìm hiểu Chánh niệm có tác dụng gì đối với việc trồng người và đã được  phương Tây chấp nhận như thế nào, sau đó với tính cách một dân tộc đã hơn 2000 năm theo Phật giáo, và cũng để xét đến trường hợp xã hội Việt Nam và học đường Việt Nam, nghĩ gì về cách tiếp cận Chánh niệm của đạo Phật hiện nay, để ứng dụng cho bản thân mình, cho gia đình và xã hội đem lại đời sống thật sự hạnh phúc an lạc bền lâu.
   Trước hết ta phải biết Niệm và Chánh niệm là gì Thuật ngữ Pali gọi là Sati và Samma-Sati, là một phẩm chất của tâm được nhắc đến nhiều trong 37 phẩm trợ đạo. Niệm- tức là Sati trong ngôn ngữ Pali, có nhiều nghĩa gồm cả : nghĩ đến, nhớ đến, tưởng đến, ghi nhận, chú tâm, nhưng nghĩa của Niệm gần với ghi nhận  và chú tâm hơn.  Chánh niệm tức Samma-Sati, được hiểu là sự nhớ nghĩ chơn chánh, nhớ nghĩ những gì liên quan đến con đường tới đạo giải thoát.
  Chính vì niệm có vai trò rất quan trọng nên niệm xứ đã được xem là trái tim của thiền định Phật giáo.  Trong kinh điển Nguyên thủy, Chánh niệm được gắn liền với Niệm xứ. Kinh Niệm xứ thuộc Trung bộ kinh định nghĩa như sau : “ Này các Tỳ kheo, đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt qua khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết bàn. Đó là Bốn niệm xứ.”
  Thế nào là Bốn ? “ Này các Tỳ kheo, ở đây Tỳ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Sống quán thọ trên thọ, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Sống quán pháp trên pháp, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.
   Định nghĩa này luôn được các học giả Tây phương tôn trọng, và các nhà khoa học cộng tác với ngài Đạt Lai Lạt ma trong viện Tâm linh và Đời sống, đã có những cố gắng tìm hiểu sâu hơn về những  kết quả thiền định tác động lên não bộ của người hành thiền, và đi đến kết luận rằng, người ta có thể coi Chánh niệm như một quà tặng mà con người có sẵn, chỉ cần thực hành theo đúng hướng dẫn của Đức Phật, để đạt tới trạng thái tỉnh thức cho tâm, từ đó mang lại an lạc cho thân. Một trong những người có nhiều nổ lực nghiên cứu về lãnh vực Chánh niệm này là Jon Kabat-Zinn và ông đã đạt tới những kết quả có thể xác định được.
  Jon Kabat-Zinn là người nổ lực du nhập Chánh niệm vào phương Tây . Kabat-Zin là người Mỹ gốc Do Thái, từ năm 1970, ông bắt đầu tìm hiểu về thiền Phật giáo, lần lượt học hỏi qua các Ngài Philip Kepleau (Hoa Kỳ), Thích Nhất Hạnh (Việt Nam) và Seungsanhn (Hàn quốc). Năm 1979 ông thành lập Dưỡng đường Giảm căng thẳng (Stress-Reduction Clinic) tại trường y khao Viện Đại Học Massachusetts. Tại đây ông ứng dụng giáo lý chánh niệm của Phật giáo vào việc xây dựng một chương trình Giảm căng thẳng và Thư giản. Tiếp theo sau đó cũng tại trường y khao Viện Đại Học Massachusetts, ông lại thành lập Trung tâm ứng dụng Chánh niệm trong y khoa Chăm sóc sức khỏe và xã hội. Mục đích là hướng dẫn các bệnh nhân cách thích ứng với những căng thẳng đau đớn, bệnh tật bằng cách sử dụng đều  được gọi là “ Nhận thức trong từng khoảnh khắc ”. Phương pháp do ông đề nghị có những thành công nhất định và đã lan tỏa trên hầu khắp thế giới phương Tây. Nhiều nơi tổ chức các trung tâm giảm căng thẳng dựa trên Chánh niệm theo mô hình của ông. Giới khoa học từng bước đặt ra những biện pháp đánh giá và đo đạc để kiểm chứng các kết quả cho các trung tâm như vậy đã đạt được. Một số cơ quan chính phủ Hoa Kỳ đã ứng dụng phương pháp của Kabat-Zinn để giúp nhân viên của họ giảm áp lực công việc và tăng năng suất.
  Đầu thế kỷ 19. Kabat-Zinn  được Nghị viện Anh mời đến điều trần về sự kiện liên quan đến Chánh niệm. Một nhóm các Nghị sĩ Liên đảng thuộc nghị viện Anh, đã được quy tụ để bảo trợ cho việc triển khai các hoạt động liên quan đến Chánh niệm trên quy nô cả nước. Để thuyết phục đại chúng Kabat-Zinn khẳng định rằng : “  Chánh niệm là một lối sống dựa trên mối quan hệ sáng suốt và có chủ đích với những kinh nghiệm của chính mình, cả ở nội tâm lẫn ngoại cảnh. Lối sống này, có thể được tu dưỡng bằng cách rèn luyện có hệ thống các khả năng của con người về việc chú tâm có chủ đích vào khoảnh khắc hiện tại và không có phê phán, bằng việc học để sử dụng được và sống trong sự trong sáng, sự nhận thức sâu sắc, sự hiểu biết về đạo đức cũng như sự tỉnh giác xuất hiện từ việc tận dụng những nguồn năng lực nội tại bẩm sinh sâu xa nhất của chính con người. Kết quả của sự tu dưỡng đó giúp con người học tập, tăng trưởng, chuyển hóa, là những phẩm chất có sẵn cho tất cả chúng ta trong suốt quảng thời gian sống còn của ta vì ta là con người. Về bản chất, Chánh niệm hướng tới sự chú tâm tỉnh giác, trạng thái có quan hệ, và sự thận trọng, chính là khả năng phổ quát của con người, chẳng khác gì khả năng tiếp thu ngôn ngữ của chúng ta. Mặc dù việc trình bày rõ ràng mạch lạc đầy đủ và có hệ thống nhất về Chánh niệm cùng những thuộc tính của biện pháp này xuất phát từ truyền thống Phật giáo, Chánh niệm không hề là một tài liệu hỏi đáp về tôn giáo, một ý thức hệ, một hệ thống niềm tin, một kỷ thuật hay một tập hợp những kỷ thuật một tôn giáo hay một nền triết học.
   Chánh niệm có thể được mô tả đúng nhất như là một lối sống, có nhiều đường lối khác nhau để nuôi dưỡng Chánh niệm một cách khôn ngoan và hiệu quả thông qua việc thực hành. Các trung tâm hướng dẫn về Chánh niệm đã trở thành một hoạt động có tiêu chuẩn  và được nhiêu nơi công nhận và thực hiện. Thiền Chánh niệm theo phương pháp của Kabat-Zinn đã có mặt hầu như tất các bang nước Mỹ và ở trên 30 quốc gia khác.
 Chánh niệm từng bước giành được vai trò chính thống ở phương Tây: Chương trình dạy khóa thực tập thiền chánh niệm trong các khóa, ngoài ra con có khóa hàm thụ trực tuyến và các lớp trên tivi nữa.  Trung tâm Y học và giáo dục tỉnh giác thuộc trường đại học y Massachusetts được xem là cơ sở lớn nhất và lâu đời nhất ở Mỹ trong lãnh vực quảng bá, giáo dục và điều trị bằng phương pháp Chánh niệm. Đến nay đã có hàng chục ngàn người đã được hưởng lợi từ chương trình huấn luyện và điều trị này. Kết quả cho thấy phương pháp chánh niệm giúp điều trị những bệnh về tim mạch, các chứng đau nhức mãn tính, rối loạn chức năng, dạ dày, ruột, chứng đau nữa đầu, cao huyết áp, mất ngủ, âu lo, hoảng loạn.
   Chánh niệm đang phát ở quy mô tầm quốc tế. Chánh niệm đã được áp dụng vào các lãnh vực y học, giáo dục và còn được thực hành  chánh niệm trong tổ chức ở quốc hội Mỹ nữa.
 Chánh niệm trong học đường Anh. Chánh niệm đang ngày càng được áp dụng trong hầu hết các trường học ở nước Anh như là một phương pháp để cải thiện sức khỏe và nâng cao thành tích học tập của học sinh. Mặc dù có nguồn gốc truyền thống từ Phật giáo, nhưng tính phổ biến của Chánh niệm trong các lớp học và nơi làm việc đã được lan tỏa ngày một nhiều và đa dạng tại xứ sở sương mù này..
   Vào tháng 12 năm 2013, Nghị viện Anh đã tổ chức một cuộc thảo luận về việc  áp dụng chánh niệm trong đời sống của người Anh. Về lợi ích của chánh niệm trong lãnh vực giáo dục, một nghị sĩ đã phát biểu: “ Chánh niệm có thể cung cấp những chỉ dẫn thực tiễn giúp mang lại một nền giáo dục ưu tú. Tình trạng khủng hoảng về sự chú tâm có thể được cải thiện nhờ chánh niệm. Chánh niệm đang được đào tạo để có được sự tập trung và sự tự nhận thức, đã chứng tỏ là các yếu tố nâng đỡ cho thành tích cao và tình trạng sức khỏe tâm thần tốt đẹp. Chánh niệm là một hình thái đào tạo tâm thức nhằm phát triển sự chú ý bền vững. Việc đào tạo về chánh niệm liên quan đến việc nuôi dưỡng khả năng dự phần vào bất kỳ điều gì đang diễn ra theo những cách có chủ đích và giữ được sự quân bình. Đó là khả năng hiện diện trong thời khắc  hiện tại, không bị truy đuổi bởi quá khứ hay lo lắng về tương lai khiến ta không thể tập trung vào hiện tại. Chánh niệm nhắm vào việc sống trong khoảnh khắc hiện tại và giải phóng tâm thức khỏi khuôn mẫu tư duy quen thuộc dẫn đến lo lắng, trầm uất, chánh niệm cũng mang lại khả năng giúp ta có những phản ứng sáng tạo hơn và đầy trực giác trước những thách thức mới. Xét về khả năng có mặt tại trung tâm sự chú ý trong mọi chức năng tâm thức, hình thức đào tạo ấy có những tiềm năng đáng kể cho sức khỏe tâm thần và thể chất, cho sự tự điều chỉnh và cho giáo dục.
  Nói chung, người Anh cũng đã được thuyết phục về lợi ích của chánh niệm trong trường học, và trên thực tế, “ Chánh niệm đang được sử dụng trong các các trường Trung tiểu học, cao đẳng và Đại học, để giúp trẻ em, các sinh viên và ban giảng huấn cải thiện sức tập trung, sự chú ý, bản lĩnh giải quyết xung đột và khả năng thấu cảm của họ ”. Tuy nhiên, cũng nên ghi nhận rằng đa phần những trường hợp đang áp dụng học hành chánh niệm ở Anh vẫn là các trường tư. Cũng theo trang mạng này, một số tổ chức giáo dục liên quan đến chánh niệm đang hoạt động trên Vương quốc Anh có thể kể đến gồm : Cung cấp tài liệu cho các trường học phù hợp với Chương trình sức khỏe Học đường Quốc gia. Nhóm này sử dụng giáo trình riêng do họ tự soạn với khẩu hiệu “ Dừng lại ! Thở ! Đang là ! ”.
  Một giáo trình gồm 16 bài học nhập môn về chánh niệm cho học sinh từ 7 đến 11 tuổi gồm các trò chơi, những băng ghi hình hướng dẫn và những hoạt động vận động có sự nhấn mạnh đến việc học tập dựa trên kinh nghiệm. Mỗi bài học kéo dài một giờ được xây dựng có tính liên tục, nhằm giới thiệu và thăm dò những phương diện mới của chánh niệm theo từng bài học. Trước hết học sinh được rèn luyện về tính có chủ tâm, sự chú ý và thái độ. Tiếp theo, học sinh được dạy về lòng biết ơn và xử lý những khó khăn về tư tưởng và tình cảm, sau cùng, học sinh được hướng đến sự tử tế đối với chính mình và tha nhân. Mục đích của chương trình là giúp học sinh có nhận thức, có lòng cảm thông với người khác, biết thương người, có thái độ vui vẻ, hòa mình vào thực tại đời sống của lớp học ”.
 Một chương trình “ toàn trường ” được xây dựng trên nền của khoa sinh học thần kinh và khoa tâm lý học tích cực, được kích hoạt bởi sự chú tâm tỉnh giác và là một chất xúc tác cho việc học tập về tình cảm xã hội. Chương trình này đi tiên phong trong việc huấn luyện cho lứa tuổi từ 4 đến 13. Chương trình gồm 15 bài học giúp cho học sinh phát triển sự hiểu biết tha nhân, có khả năng tự điều chỉnh trạng thái cảm xúc của mình và tập trung được sự chú ý.
 Có thể thấy người Anh họ đang tiếp tục bước những bước vững chắc để đưa chánh niệm vào học đường. Những cuộc nghiên cứu về kết quả của việc đưa chánh niệm vào học đường vẫn còn đang tiếp tục, nhưng trước những kết quả của việc áp dụng chánh niệm trong những lãnh vực khác của đời sống, người ta hy vọng việc áp dụng chánh niệm trong học đường cũng sẽ tốt đẹp. Tất nhiên người Anh vẫn còn phải giải quyết nhiều việc, như đào tạo giảng viên của ngành giáo dục này, ổn định giáo trình, xác định rạch ròi khuôn khổ tôn giáo và giáo dục Dù sao, họ cũng đã thực sự biết được vị ngọt của chánh niệm.
Suy nghĩ về học đường Việt Nam và việc đưa chánh niệm vào học đường :
 Cuộc sống với bao lo toan vất vã khiến chúng ta sống trong quên lãng, thất niệm quá nhiều. Chúng ta bị hoàn cảnh chi phối, bị xã hội khuôn đúc, bị tham dục sai sử, bị sân si xâm chiếm, cũng bởi không ý thức giờ phút hiện tại mình đang nghĩ gì, nói gì, làm gì nên gây đau khổ phiền não cho nhau. Chính lối sống xô bồ, chụp giựt vội vàng, mạnh được yếu thua làm cho con người vọng ngoại, điển đảo, tán động, phát sinh nhiều tâm bệnh. Do đó,  Chánh niệm là lương dược cần thiết chữa lành căn bệnh thời đại, có khả năng chuyển hướng tâm niệm cuồng vọng đảo điên, đưa chúng ta trở về thực tại với sự tỉnh thức.
   Người Việt tự hào là một dân tộc đã có trên hơn 2000 năm theo phật giáo, vậy mà chúng ta chưa phổ cập được việc đưa chánh niệm vào cuộc sống, trong khi các nước phương Tây họ đi sau chúng ta, chỉ mấy chục năm mà họ đã đến trước ta, họ gặt hái vô số điều lợi ích từ việc áp dụng chánh niệm vào học đường. Tuy nhiên nền giáo dục của chúng ta đang có nhiều điều cần chấn chỉnh nhưng cho đến nay, hình như chưa có ai quan tâm đến việc áp dụng một vài giáo lý căn bản của Phật giáo vào hệ thống nhà trường. Có những chuyện rất đơn giản có thể thực hiện được mà không gây ra cảm giác lớp học là nơi phổ biến tôn giáo.  Chẳng hạn,  chỉ cần trước khi bắt đầu bài học,  các học sinh để hai tay lên bàn, nhắm hờ mắt lại, hướng về phía bàn tay của mình, thở nhẹ vài hơi để tĩnh tâm trước khi đi vào chính khóa.. Chắc chắn, chỉ với những động tác đơn giản ấy, các em sẽ từng bước cảm nhận được những điều sâu sắc hơn, và không cần ai phải nói với các học sinh rằng đó là kỹ thuật Phật giáo. Chúng ta hy vọng rằng trong tương lai, những điều này sẽ từng bước được áp dụng trong trường học Việt Nam.
Sự lợi ích của chánh niệm :
  Các nước Phật giáo như Thái Lan, Lào, Campuchia mọi người dân họ thực tập chánh niệm một cách nhuần nhuyễn, nên khi gặp việc trắc trở xảy ra trong cuộc sống, những tình huống gần như bế tắc mà họ vần vượt qua được. Đơn cử câu chuyện đội bóng thiếu niên vừa qua của Thái Lan  đi lạc vào hang động và bị nước chận đường không thoát ra được trong 18 ngày đêm, không nước uống, không thức ăn, điện đài mà vẫn sống bình an, thì do đâu, là do các em thực tập chánh niệm trong những ngày đêm bị nước chận không ra được. Những thông tin về đội bóng thiếu niên của Thái Lan như sau :
  Thời gian tháng 6- 7 năm 2018. Đội bóng thiếu niên của Thái Lan một lần di dã ngoại vùng hang động, đã bị một cơn lũ cuốn trôi vào sâu trong hang động, không tìm được lối ra, và chỉ được cứu thoát sau một chiến dịch cứu nạn quốc tế cam go dài ngày. Mười hai đứa trẻ và người thầy huấn luyện viên đã ở trong hang động ẩm ướt suốt 18 ngày đêm đói và lạnh, cho đến khi được cứu hộ hoàn thành ngày 10/7-2018. Cuộc cứu hộ cam go của Thái Lan và Quốc tế, bỏ rất nhiều công sức và hy sinh tính mạng (chết một người)  làm cho cả thế giới hồi họp theo dõi diễn tiến từng giờ. Nhưng bài học để lại cho đội rất bổ ích. Trước hết bọn trẻ đã vẫn định tâm, không hoảng sợ, càng yêu thương chia sẻ lẫn nhau, và đó chính là nhờ thiền định, từ người thầy trẻ biết thiền đã dạy cho các em vô cùng hiệu quả trước mắt Sau khi được giải cứu, các em trở về cuộc sống bình thường. Các em xuất gia có thời hạn để tu tập và cúng dường công đức cho những người đã hy sinh để cứu các em.
  Thầy và trò đội bóng được sống trong truyền thống Phật giáo, cho nên khi gặp việc bất trắc xảy ra, văn hóa Phật giáo và thiền định đã thâm nhập vào tâm trí các em, cho nên các em có thể sống tự tại trong môi trường khắc nghiệt.
   Giáo dục Phật giáo đưa vào nhà trường và gia đình là nền tảng đạo đức cho giới trẻ, là bức tường phòng vệ chống lại những sa đọa vật chất và tinh thần trong xã hội. Mặc dầu Thái Lan là nước có nền kinh tế thị trường sôi động, có ngành du lịch phát triển hàng đầu châu Á. Nhưng họ vẫn giữ được truyền thống giao dục tâm linh cho thế hệ trẻ ./
  (Trích : Đưa chánh niệm vào trường học : Hoa Tâm Thủy  Mẹ ơi ! đừng để con ngủ :Cao Huy Hóa  VHPG- số : 305- 15-9-2018)
{]{

THỰC HÀNH CHÁNH NIỆM Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét