Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

TỰ ÁI VÀ HIỂU LẦM


TỰ ÁI VÀ HIỂU LẦM

Chuyện tự ái và hiểu lầm  là chuyện cơm bửa trong cuộc sống hằng ngày của con người. Mỗi người ai cũng đều có tự ái theo cách riêng của mình, không tự ái nào giống tự ái nào. Mà hễ tự ái khởi lên đều nguy hiểm và gây hiểu lầm dẫn đến chết người, hoặc gây chia rẻ đấu tranh, thị phi v.v.. hậu quả là mất đoàn kết mọi sự bất thành. Cho nên chúng ta đừng  xem thường tự ái xảy ra hằng ngày với ta.
 Thiếu phụ Nam Xương ngày xưa là một điển hình về câu chuyện tự ái mà phải quyên sinh nơi dòng sông để rồi thiệt mạng, gây cảm xúc đau đớn cho mọi người.
   Vào thời vua Lý Thánh Tông (1054-1072) ở huyện Nam Xương, (nay thuộc huyện Lý Nhân) tỉnh Hà Nam, miền Bắc có cô thiếu nữ nết na  xinh đẹp, tên là Vũ Thị Thiết lấy chồng tên là Trương Sinh, người cùng thôn Vũ Điện. Hai người được cha mẹ hai bên chấp thuận thành nên duyên vợ chồng. Hai vợ chồng sống chung với nhau không được bao lâu, chàng Trương phải theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, lên đường nhập ngũ tòng quân, thực hiện nghĩa vụ cao cả bảo vệ đất nước, và để lại người vợ trẻ có mang hơn hai tháng ở nhà.
  Sau ba năm nghĩa vụ hết hạn, chàng Trương trở về, và đứa con cũng đã hơn hai tuổi. Không có niềm vui sướng nào bằng khi gia đình đoàn tụ. Vừa đặt chân về  đến nhà, chàng Trương có cảm giác buồn vui lẫn lộn. Nỗi buồn lớn nhất của chàng là mất mẹ khi chàng còn trong quân ngũ và niềm vui sướng nhất là được về sum họp với gia đình sau bao nhiêu năm xa cách. Chàng Trương liền bảo với vợ đi chợ mua phẩm vật và nhang đèn  về để làm mâm cơm cúng tạ ông bà tổ tiên  và vong linh người mẹ.
  Trong khi người vợ đi chợ mua đồ, người chồng ở nhà giữ con, chơi với đứa con, anh ta tập làm quen với đứa bé nhưng đứa bé hai mắt nó nhìn thao tháo lấy làm lạ lùng, không chút thân thiện với chàng Trương. Thấy vậy mà chẳng nói gì, anh nghĩ chắc nó vừa thấy vừa  lạ nên nó sợ. Một lúc đứa bé thấy vắng mẹ, nó òa lên khóc kêu mẹ ! Chàng Trương thấy con khóc liền đến dỗ con. Lần đầu tiên trong đời, đứa bé được nghe chàng ta gọi là “con” và xưng là “bố”.
  Thôi, nín đi con, đừng khóc tí nữa mẹ về. Nào đứng lên con, đi chơi với bố, mẹ sắp về đó ..
   Đứa bé giương đôi mắt nhìn người bố ngơ ngác. Trong đầu nó nghĩ có một người bố đen đen, đêm nào cũng trở về với hai mẹ con nó kia mà. Người bố ấy không bao giờ nói, nhưng lần nào mẹ nó cũng bảo đấy là bố nó thật. Nó đã tin theo và trả lời với chàng Trương rằng :  “ Ô  ông  không phải là bố của tôi. Bố tôi đến tối mới về lận !  ”.
Chàng Trương hỏi,   Ai bảo thế ?
Đứa bé giương đôi mắt đáp : Mẹ nói thế !
Cơn cảm xúc tức giận nổi lên trong lòng chàng Trương, máu dồn lên mặt, hai tai ù đặc, tay chân run rẫy, nét mặt hằm hằm, cộc cằn thô lỗ. Khi người vợ đi chợ về chàng Trương không thèm nhìn tới vợ, không nói chuyện với vợ, Anh lạnh nhạt vô cùng.
 Nàng thiếu phụ Nam Xương buồn bã và đau xót vô cùng. Nàng không hiểu tại sao thái độ của chồng thay đổi như thế từ khi nàng đi chợ mua sắm về Nàng thầm lặng chịu đau khổ một mình suốt một thời gian. Chị nấu cơm, anh ấy không ăn, Anh bỏ nhà đi la cà ở các quán rượu tới khuya mới về. Ngày nào cũng vậy. Chị chịu không nổi. Cuối cùng, nàng đi tìm tới cái chết là gieo mình xuống dòng sông. Nghe tin vợ chết anh mới trở về nhà.
  Vợ mất rồi, mỗi tối anh phải dỗ con, đêm đến căn nhà tối om, anh đi tìm đèn châm lửa, vừa thắp cây đèn dầu cho sáng nhà, cái bóng của anh cũng hiện rõ trên vách thì đứa bé dụi mắt đột nhiên la lớn : “Ô ! Mẹ ơi, bố kia kìa !  Mẹ ơi, bố kia kìa !” và nó chỉ vào cái bóng của bố nó trên tường và chạy lại ôm chầm lấy cái bóng. Lúc này, tim chàng Trương thắt lại, nước mắt chàng ứa ra mới hiểu được sự thật là không hề có một ai khác cả.
  Sự thật là trong những tháng ngày chàng Trương đi vắng, buổi tối đứa bé hay hỏi mẹ : “Bố đâu ? ”, người thiếu phụ thường chỉ vào cái bóng của mình trên vách, nói đùa với con :“Bố kia kìa !”.
 Khi hiểu được lời con nói, chàng Trương mới lạnh toát cả người. Tất cả chỉ là sự nhầm lẫn nhưng đưa đến hậu quả giết mất người vợ đảm đang và chung thủy.
   Chàng Trương lập đàn cầu siêu cho người vợ chết oan và thề nhất quyết sống một mình cho đến trọn đời lo nuôi con học hành thành đạt
 Đến đời Hậu Lê, vua Lê Thánh Tông, là vị hoàng đế trị vì lâu nhất thời Hậu Lê 38 năm, có dịp đi kinh lý ngang qua, thấy cái miếu thờ nàng họ Vũ, gọi là “Miếu Vợ Chàng Trương”. Nghe câu chuyện thương tâm ấy, vua liền làm một bài thơ :
            Nghi ngút đầu gành tỏa khói hương
            Miếu ai như miếu vợ chàng Trương
            Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ
            Dòng nước can chi lụy đến nàng
            Chứng minh có đôi vầng nhật nguyệt
            Giải oan chi mượn đến đàn tràng
            Qua đây mới biết nguồn cơn ấy
            Há trách chàng Trương quá phũ phàng
Câu chuyện Thiếu phụ Nam Xương cho ta cái nhìn tổng thể là nỗi khổ buồn đau của hai bên quá lớn về “ tự ái”. Tự ái là gốc rễ của si mê mà ra . Nếu hiểu biết được Phật pháp thì ta dùng năng lượng chánh niệm để soi sáng cho ta thì sự tự ái có khả năng hóa giải.
 Chàng  Trương là người bị hiểu lầm về câu chuyện của đứa con nít ngây thơ. Cái thấy của đứa con nít là vậy, thấy sao nói vậy. Do người lớn chủ quan tin vào câu nói : “ Ngoài đàng hỏi ông già, về nhà hỏi trẻ con”, cho nên mới đưa đến nhận thức sai lầm chết người đáng tiếc như vậy. Lúc này chàng Trương thấy mình bị tổn thương nặng, nỗi khổ quá lớn, tự ái tràn ngập trong lòng, tỏ ra khinh thường vợ và nghỉ rằng làm như vậy thì mình mới hết khổ. Chàng càng hắt hủi vợ chừng nào thì chàng càng khổ đau chừng ấy, đây là quy luật, và đương nhiên là nàng cũng khổ đau theo luôn. Mặt khác chàng Trương cũng là người gây ra hiểu lầm cho vợ tự ái và dẫn đến cái chết oan uổng cho vợ
  Trong trường hợp này không trách ai được. Bên nào cũng có tự ái trấn ngự trong lòng, không bên nào chịu nói ra thành lời, nói ra bằng tình thương thì dẫn đến chuyện hiểu lầm là chuyện tất yếu, vì cả hai đều là con người còn yếu kém và vụng về. Cả hai là nạn nhân của câu chuyện con nít ngây thơ kia, xét cho cùng thì đáng thương hơn là đáng trách.
  Trong lúc người bố xa nhà, con hỏi mẹ “bố đâu”, mẹ thương con, chỉ cái bóng của mình trên tường là bố. Đứa bé tưởng thật, trong đầu bé cứ tưởng bố tôi là cái bóng đen đen trên tường đêm đêm mới có, còn ông bố thật trước mặt thì cho rằng không phải bố mình. Người lớn nào nghe mà không tức điên lên được ?  Đức Phật dạy rằng, chúng sanh sống trong cuộc đời  “nhận giả làm chân” là vậy. Cái thật cho là giả, cải giả cho là thật. Cái thật là cái bình an trong bên trong của mình, cái giả là cái bên ngoài đưa vô, không phải mình. Khi nghe, ta phải bình tĩnh mà nghe, Khi thấy ta bình tĩnh mà thấy. Cái khổ của chúng ta hằng ngày là do nghe và thấy sai lầm mà ra.
  Khi nào tâm mình thật sự bình an, khi ấy lời nói, suy nghĩ mới chín chắn và vững vàng, mới không gây sự hiểu lầm và tự ái cho người khác. Ta có thói quen vừa thấy cái gì, vừa nghe cái gì là tâm dao động, lung lay như ngọn đèn trước gió, làm sao sáng suốt được. Chúng ta thường không sống bằng cái thật bên trong của mình.
 Thân ta như cái nhà, mắt tai, mũi lưỡi ta như các cửa sổ. Giông bảo đến ta phải biết về nhà đóng các cửa chính và cửa sổ lại. Cửa không đóng kịp, gió mưa đều sẽ có thể luồn vào trong nhà và gây ảnh hưởng làm cho căn nhà của ta tan hoang lạnh lẽo. Nếu chúng ta không biết đóng các cánh cửa của sáu giác quan thì bão tố cảm xúc sẽ làm cho tâm ta chao đảo liên tục. Thân ta có tổng cộng sáu cánh cửa giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Đây là sáu cửa ngõ chính dẫn lối cho các tự ái phát sinh. Chúng ta không biết cảnh giác đề phòng sáu giác quan đang mở toan thì sáu giác quan kia vẫn sẽ còn lừa gạt ta dài dài.
 Tự ái từ đâu mà có ? Ai tạo ra tự ái cho ta ? Có phải do ta tạo ra tự ái hay do ai khác ngoài ta ?. Nếu ta không phải là người có quyền cao, chức lớn, lộc nhiều, thì chắc ta không có tự ái nhiều. Con người có một chút gì đó thì mới có tự ái. Thí như người vô gia cư, thì lấy đâu ra có tự ái ?  Người đi đường giơ tay cho tiền họ, họ cũng vui, mà không cho họ cũng vui. Thậm chí nói năng họ, họ cũng vui. Thế là không có tự ái. Còn chúng ta có tiền có của, có chức vị đụng đâu tự ái đó, sẵn sàng tự ái, đầy dẫy tự ái mỗi ngày. Làm sao đem lại sự an vui cho những người thân chung sống với mình được ?
  Chàng Trương là con nhà khá giả nên dễ tự ái. Nàng kia xinh đẹp giỏi giang nên cũng dễ có tự ái riêng. Càng giàu càng đẹp càng có quyền có chức càng dễ có tự ái nhiều hơn, và càng khổ đau nhiều hơn. Lòng có tự ái không biết kiềm chế, không biết tu tập chuyển hóa, thì việc vung vãi khổ đau và những thái độ thiếu tôn trọng lẫn nhau là chuyện đương nhiên.
  Nếu người thiếu phụ Nam Xương kia mà chịu ngồi xuống trong sự bình tĩnh để hỏi chàng Trương đôi câu. Tại sao anh có thái độ lạnh nhạt với em như thế từ khi em đi chợ mua sắm về. Em có làm việc gì cho anh tổn thương không, em có lỗi gì với anh không v.v ?  Và anh cũng biết đấy !  Trong em vẫn còn nhiều thứ non dại vụng về chưa làm  được việc gì cho anh hài lòng v.v Khi cô ta nói được vài câu như thế thì lòng cô ta nhẹ nhỏm trước,  và có thể tháo gỡ được gút mắt khó khăn trong lòng mình và người kia. Tại vì ai cũng có tự ái trong lòng mà không biết tháo gỡ.
  Tự ái thật nguy hại lắm. Tự ái khóa chặt cái lưỡi đôi bên, nó không cho ai mở miệng nói ra được một lời nào. Nhưng một khi được nói ra bằng tình thương và sự hiểu biết thì cứu vãng được tình thế khó khăn của đôi bên.
   Con người muốn có hạnh phúc thì đừng để tự ái xen vào. Mà hễ tự ái nổi lên trấn ngự  thì đánh mất hạnh phúc của ta ngay. Ở đâu cũng có tự ái, lãnh vực nào cũng có tự ái. Cấp bậc nào cũng có tự ái. Chỉ trừ khi nào chúng ta có hành trì lời Phật dạy. Ở đây xin nhấn mạnh là sự “hành trì” chứ không nói hiểu biết Phật pháp. Có rất nhiều người thông hiểu Phật pháp lắm nhưng không hành trì, đụng chuyện dù nhỏ, thì tự ái vẫn nổi lên là chuyện thường.
   Hành trì là sự thực tập ngồi yên lặng, nhắm mắt quay vào bên trong khoảng 10, 15 hay 30 phút mỗi ngày, vài ngày trong tuần. Một năm sau bạn là người có thể làm chủ được cơn cảm xúc tự ái bộc phát bất chợt. Nếu không thực tập như thế, bạn là người làm nô lệ cho tự ái. Khi đã bị làm nô lệ cho tự ái, thì nhìn bạn thấy khủng khiếp lắm. Có ai nổi tự ái lên mà đẹp đẽ đâu, vui vẻ đâu ?
  Cho nên cả người chồng và người vợ phải thực tập sống nhẹ nhàng thong thả, tức là thiền tập. Thiền tập là tập nhận diện những khi tự ái, những cơn giận, hờn ghen sắp có trong tâm mình. Thiền tập là ý thức rất rõ ràng tâm niệm động tịnh sắp diễn ra trên thân mình, xung quanh môi trường đang sống. Tuyệt đối làm cái gì cũng phải nhẹ tay, không gây ra tiếng ồn trong nhà. Ai cũng thích nhẹ nhàng yên lặng.
  Người mẹ muốn có đứa con sinh ra khôi ngô tuấn tú, thông minh học giỏi, thì người mẹ phải biết mỉm cười với con từng giây từng phút. Cười mỉm là thẻ hiện sự thoải mái nhẹ nhàng trong lòng. Cười nhẹ là người mẹ đang thể hiện tình thương sâu sắc đối với đứa con sắp chào đời.
   Con là tài sản quý báu của cha mẹ, nhưng cha mẹ không biết cách giữ gìn thân tâm mình an lạc, đi đứng khoan thai nhẹ nhàng  thì đứa con sẽ ảnh hưởng không tốt do hành vi cha mẹ gây ra. Cho nên, nhẹ nhàng và mỉm cười là liều thuốc tâm lý hay nhất mầu nhiệm nhất cho con.
Như vậy muốn có một gia đình hạnh phúc chân thật, mỗi người thành viên trong gia đình phải thực tập chánh niệm thường xuyên, tức là lắng lòng nhìn vào bên trong mỗi ngày, và nhận diện rõ từng hành động cử chỉ của ta mọi lúc mọi nơi, mọi việc nhẹ nhàng thong thả, không vội vàng hấp tấp. Như thế ta sẽ có cuộc sống bình an bên trong cả bên ngoài./.                                          
{]{

TỰ ÁI VÀ HIỂU LẦM Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét