Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

NIỀM HY VỌNG NƠI CON CÁI


NIỀM HY VỌNG NƠI CON CÁI

Mỗi một người mẹ khi mang trong người một sinh mạng mới, thì đêm ngày hy vọng trông chờ thấy được mặt con, nghe được tiếng khóc của con, đó là cái cảm giác ban đầu khi đứa con chưa ra khỏi bụng mẹ. Cho nên mỗi khi nhìn thấy những đứa trẻ con chạy tung tăng chơi đùa, người mẹ mang thai đưa đôi mắt theo dõi lũ trẻ, đôi mắt chứa đựng cả một bầu trời yêu thương, đó là sự mong chờ và niềm vui nho nhỏ đang loé lên trên ánh mắt. Niềm vui trong tưởng tượng, trong suy nghĩ, không biết khi nào con mình có thể nhìn thấy đứa con trong bụng mình tung tăng chạy nhảy như lũ trẻ kia!
Những suy tư tưởng tượng này rất hay có với những người phụ nữ khó sinh con, hiếm muộn con, có nhiều người phụ nữ mang thai hay bị sẩy thai, có những người phụ nữ không có khả năng sinh đẻ, nên tâm trạng lo âu và hy vọng ngày qua ngày theo dõi tình trạng thai nhi là mỗi hy vọng, mà cũng là nổi buồn nổi lo của thân phận người nữ khi mang thai, muốn có được đứa con hoàn hảo sau này. Họ lo từng giờ từng phút, từng tháng từng năm cho đứa con của mình lớn lên và khoẻ mạnh. Để một ngày tương lai được dang rộng đôi tay mà chào đón con vào đời. Đó là ánh mắt và niềm hy vọng cho tất cả những bà mẹ mang thai, bao nổi cảm xúc về những người mẹ trong đời. Những bậc làm cha làm mẹ hay kể rằng:  khi mang thai họ chỉ ước ao nhìn thấy mặt con của mình, khi con cất tiếng khóc chào đời, cha mẹ mong nhìn thấy hình hài toàn vẹn cùng cất tiếng khóc chào đời đầu tiên là họ đã vui và hạnh phúc lắm rồi. Rồi từ đấy cha mẹ nỗ lực chăm sóc từng ngày từng giờ qua năm tháng, cưng như trứng hứng như hoa, không giờ phút nào mà đôi mắt của mẹ rời con.
Cứ như vậy mà mong chờ và hy vọng, con mình sẽ lớn lên, biết ăn, biết nói, biết lật, biết bò, biết đi. Mỗi tiếng nói bi bô, mỗi bước đi chập chững là niềm vui và hạnh phúc của cha mẹ, nơi đứa con dần theo năm tháng. Cứ như thế mà mong chờ hy vọng, con đi học mẫu giáo, rồi học cấp một, cấp hai, cấp ba, con lên đại học, rồi ra trường, đi kiếm được việc làm, rồi lập gia đình, rồi lo con dâu thằng rễ có hiếu thuận với con mình không. Rồi cháu nội cháu ngoại có hay chưa. Có rồi có khoẻ mạnh và khôn ngoan hay không v.v cả một chuỗi thời gian dài đầy lo âu và hy vọng. Bao nỗi buồn vui bất tận trông chờ và hy vọng của thân phận người nữ khi được thăng chức làm mẹ, rồi làm bà trong cuộc đời người.
Bao nhiêu người con là bấy nhiêu  lo buồn hy vọng. Nhưng trái lại ít khi có người cha người mẹ nào mong con cái sẽ chăm sóc hay lo lắng lại mình. Cha mẹ chỉ mong con mình thành đạt và khoẻ mạnh. Thế rồi các người con ngày càng lớn lên, ngày lại qua ngày, dần xa vòng tay của cha mẹ ít khi về thăm cha mẹ, chưa nói việc chăm sóc và nuôi dưỡng. Đến khi những đứa con gặp thất bại trong sự nghiệp hay đổ vỡ trong tình duyên, chúng lại tìm về nhà, cha mẹ lại ân cần dang tay ra đón lấy.
Công ơn cha mẹ là như thế, nhưng trong đời  cũng có người nghe nói về đạo hiếu lại có chút không vui, bởi cuộc đời của họ gặp chuyện buồn nhiều hơn vui khi sống với gia đình, hay có người cha hay người mẹ bỏ rơi con từ lúc chào đời, có người bị cha mẹ ngược đãi, đánh đập khi còn bé. Những người này không dám  khuyên họ phải có hiếu, phải phụng dưỡng cha mẹ, cũng không dám nhắc nhiều về ân nghĩa sinh thành, bởi lẽ duyên nghiệp mỗi người mỗi khác. Nhưng mà ta nên khuyên họ rằng: “khi bạn sống trong oán ghét, thù hận, và sống trong sự bao dung tha thứ và thương yêu, cảm giác nào dễ chịu hơn ?”. Đành rằng ta thiếu đi một mái ấm tình thương, sẽ bất hạnh hơn người, nhưng không phải vì thế mà đánh rơi lòng hiếu đạo, chán chê tình phụ mẫu trong đời. Cuộc đời ta không phải là mẫu số chung, vậy tại sao không mỉm cười với những gì đẹp nhất, thay vì giữ trong lòng những cảm xúc muộn phiền, tập thương nhiều hơn ghét và đừng bao giờ để mình giống như mình còn bé. Dù cha mẹ có đối xử với mình ra sao, ta cũng phải sống chân thành và đối xử với họ, thì ta vẫn có được niềm vui và hạnh phúc trước mắt và phước báu sau này, không có mất đi đâu mà lo sợ. Và cứ nghĩ rằng dù cha mẹ tốt hay không tốt với con cái đều là nghiệp duyên với nhau của mình từ đời trước cho đến nay.
 Vả lại tin Phật pháp là tin vào nhân quả. Hôm nay ta có đời sống tốt là nhờ có nhân tốt đời trước còn lưu lại, và có đời sống không tốt cũng là nhân không tốt của ta trong quá khứ còn lưu lại, vì thế ta hãy luôn suy nghĩ những điều tốt đẹp và làm những điều lợi ích cho cha mẹ, cho mọi người, để ta có đời sống hạnh phúc về cả hai mặt vật chất và tinh thần cho hiện tại và tương lai./.
{]{

NIỀM HY VỌNG NƠI CON CÁI Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét