Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

MỘT CHÚT CẢM NHẬN


MỘT CHÚT CẢM NHẬN

Phật giáo là tiếng gọi chung bao gồm các hệ phái như Nguyên thuỷ, Đại thừa và Kim Cang thừa hay được gọi là Phật giáo Mật tông Tây tạng. Phật giáo là một hệ thống gồm các phương pháp thực tiễn giúp người nhận ra bản chất của cuộc sống, thông qua việc áp dụng các lời dạy của đức Phật nhằm biến đổi bản thân theo hướng tích cực. Một hệ thống giáo dục được xây dựng rất khoa học và thực tế bởi một người có thật trong lịch sử, là Phật Thích Ca Mâu Ni hơn 2500 năm trước.
Những lời dạy của Phật mang tính giáo dục nhân cách, hướng hàng đệ tử xuất gia và tại gia đến một tư tưởng mới, tách biệt khỏi sự mê tín ám muội về thần linh ban phước hay giáng hoạ, một sự nhận định về chính bản thân mình mới có thể làm chủ được “phúc”hay “ôhoạ, và chính mình phải chịu trách nhiệm cho những hành động của mình. Đó là luật nhân quả, một quy luật không thể phá huỷ của vũ trụ. Mình xứng đáng với mọi thứ xảy ra với mình, dù tốt hay xấu. Mình là người xây dựng số phận cho mình, hạnh phúc hay đau khổ.
Một ý kiến cho rằng, một người vừa sinh ra đã bị mù, dị tật hoặc chết thì làm sao họ có thể sống bình thường để thay đổi nghiệp của họ. Đây là một câu hỏi hay ! Có thể lý giải vấn đề này như sau: bất kỳ một sự vật, hiện tượng nào trên trái đất này đều có lý do để nó tồn tại: gió, nước, lửa…côn trùng và động vật…Giống như một đứa bé vừa sinh ra đã chết, hoặc dị tật…là để gợi một thông điệp gì đó cho cha mẹ và những người xung quanh để họ thức tỉnh và sống tốt hơn.
Những người đó tồn tại với hình dạng như thế nào trong một thời gian dài là để làm vơi đi nghiệp chướng trước đây của họ, và thức tỉnh những người xung quanh. Sau khi chết, họ sẽ tái sanh ở một trạng thái tốt hơn. Thân cây mục tồn tại mấy chục năm trong rừng, để làm nền tảng cho những thứ tốt đẹp khác phát triển. Dưới thân cây mục là một “ngôi làng”, bên cạnh nó là những cành hoa.
Trong cuộc sống tu học, khi cố bám vào thứ gì đó không có ý nghĩa, điều đó có thể cản trở con đường hạnh phúc của chính mình. Theo Phật giáo, buông bỏ chấp trước là trải nghiệm hạnh phúc. Hằng ngày chúng ta gắn bó với rất nhiều thứ: con người, vật chất, công việc, ý tưởng, mục tiêu và mong muốn của chúng ta. Những chấp trước này có thể dẫn đến sự thất vọng vì chúng ta liên tục bám lấy chúng và sợ mất mát.
Buông bỏ có nghĩa là nhận ra không có gì là vĩnh viễn để bám giữ hay sở hữu. Điều này không đồng nghĩa với việc không quan tâm đến bất cứ ai hay bất cứ điều gì. Thay vào đó, chúng ta phải học cách chấp nhận mọi thứ như những gì chúng đang có.
Một ví dụ điển hình là đau khổ về một sai lầm trong quá khứ hoặc một mối quan hệ, thường có thể gây ra một cảm giác đau buồn tuyệt vọng. Thay vì đắm chìm vào những kỷ niệm buồn trong quá khứ mà chúng ta không thể thay đổi, hãy buông bỏ và biết ơn vì mình đã vượt qua khoảng thời gian đó và tập trung cho hiện tại. Hãy biết ơn những bài học mà chúng ta đã học được  trong cuộc đời, và tìm cách mình có thể làm cho hiện tại trở nên tốt hơn. Hãy sống  thật với chính con người mình, dù mình có bắt chước hay giả danh, thì mình cũng chỉ là mình không thể sai khác được. Điều quan trọng là phải vượt lên được chính bản thân mình, để trong cuộc sống tu học cũng như trong sự nghiệp hoằng pháp, có được lợi lạc cho mình và mọi người ./.
(Tác giả Thích Tâm Luật, trích báo Văn hóa Hương Pháp, tập 16, chùa Hoằng Pháp xuất bản năm 2020).
{]{

MỘT CHÚT CẢM NHẬN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét