Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

DANH XƯNG BẬC SA MÔN


DANH XƯNG BẬC SA MÔN

   Sa môn ( Samana ) là thuật từ chỉ chung cho tầng lớp tu sĩ Ấn Độ, xuất hiện khá sớm trong lịch sử văn hoá Ariyan, nhưng bắt đầu nở rộ vào khoảng thế kỷ thứ 7 trước Tây lịch. Đặc trưng của tầng lớp Sa môn này là sống độc thân, không gia đình, tìm đến các khu rừng hoang vắng, tu tập chung quanh một vị đạo sư, thực hành các pháp môn tu tập do một vị đạo sư đề xướng, để chấp trì nếp sống không sở hữu, lang thang khất thực, rày đây mai đó. Trong truyền thống động cơ xuất gia của thái tử Tất Đạt Đa ( Siddhattha ), ngoài ba cảnh tượng đầu trên là già, bệnh, chết, cảnh tượng thôi thúc thứ tư, hình ảnh vị Sa môn lặng lẽ đi khất thực, hẳn đã được rút từ bối cảnh hoạt động của các tu sĩ Ấn độ thời bấy giờ.
Nhờ chấp trì đời sống Sa môn thực hành Sa môn pháp ( Bát chánh đạo ). Đức Phật đã đoạn tận các lậu hoặc trở thành bậc Chánh đẳng giác, thể hiện nếp sống Sa môn thanh tịnh, làm sáng danh lý tưởng Sa môn, khiến cho danh xưng Sa môn vốn xuất hiện trước đó càng tăng thêm ý nghĩa và giá trị. Gia chủ Potaliya từng phát biểu: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn thật sự đã gợi ở nơi con lòng ái kính Sa môn, đối với các vị Sa môn, lòng tịnh tín Sa môn đối với các Sa môn, lòng tôn kính Sa môn”. Đối với các Sa môn. Bà la môn Kapathika biểu lộ thái độ tương tự sau khi nghe Đức Phật giảng thế nào là hộ trì chân lý và nêu rõ những bước đi giác ngộ chân lý và chứng đạt chân lý . “Thật sự Tôn giả Gotama đã làm sống dậy nơi con lòng ái kính Sa môn đối với các Sa môn lòng tín kính Sa môn đối với các Sa môn”.  Các Sa môn ngoại đạo sau khi cải giáo tu theo con đường giác ngộ của Đức Phật đắc giải thoát, cũng nói rõ lòng mình: “Thật sự chúng ta gần hoại vong, thật sự chúng ta gần hoại diệt. Xưa kia chúng ta không phải là Sa môn lại tự xem là Sa môn. Nay chúng ta mới thật sự là Sa môn ”.
Theo lời dạy của Phật thì Sa môn không phải là hình thức cạo đầu trọc mặc áo cà sa và chấp trì các hình thái tu tập mang tính truyền thống quy ước, mà Sa môn chính là nếp sống thanh tịnh, Giới thanh tịnh, Tâm thanh tịnh, Kiến thanh tịnh được thể hiện trong đời sống hằng ngày.  Sa môn là tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê, là tu chế ngự, là sống chân thật,  lắng điều ác lớn nhỏ, là tỉnh giác, tâm giải thoát. Nói cách khác, Sa môn chính là tâm giải thoát, tuệ giải thoát, biểu lộ trong đời sống thường nhật, nhờ thực hành các pháp thánh Sa môn, hay nhờ tu tập các pháp môn  xứng đáng bậc Sa môn.
Thế Tôn tuyên bố:  Này các Tỳ kheo, thế nào là Tỳ kheo thực hành các pháp môn xứng đáng là bậc Sa môn. Này các Tỳ kheo, đối với Tỳ kheo có tâm sân hận và lòng tham dục được đoạn diệt, có tâm sân hận và lòng sân hận được đoạn trừ, có tâm phẩn nộ và lòng phẩn nộ được đoạn trừ, có tâm hiềm hận và lòng hiềm hận được đoạn diệt, có tâm giả dối và lòng giả dối được đoạn diệt, có tâm não hại và lòng não hại được đoạn diệt, có tâm tật đố và lòng tật đố được đoạn trừ, có tâm xan lẫn và lòng xan lẫn được đoạn trừ, có tâm man trá và lòng man trá được đoạn trừ, có tâm xảo trá và lòng xảo trá được đoạn trừ, có tâm ác dục và lòng ác dục được đoạn trừ, có tà kiến và tà kiến được đoạn trừ…. Này các Tỳ kheo, Ta nói rằng, nếu vị ấy thực hành các pháp môn xứng đáng bậc Sa môn,  thì có thể đoạn diệt được những cấu uế cho Sa môn, những tỳ vết cho Sa môn, những lỗi lầm cho Sa môn, sự đoạ sanh vào đoạ xứ, và  sự thọ lãnh các ác thú.
Vị ấy thấy tự ngã được gột sạch tất cả những ác, bất thiện pháp và vị ấy thấy tự ngã được giải thoát. Do thấy tự ngã được gột sạch tất cả những ác, bất thiện pháp ấy, do thấy tự ngã được giải thoát nên hân hoan, do tâm hân hoan nên hỷ sanh, do hỷ sanh nên thân được khinh an, do thân được khinh an nên lạc thọ sanh, do lạc thọ sanh nên tâm được định tỉnh.
Vị ấy an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu, cũng vậy phương thứ 2, phương thứ 3 cũng vậy. Như vậy cùng khắp thế giới, trên dưới, ngang, dọc, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu, với tâm Từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân, vị ấy với tâm câu hữu với tâm Bi, với tâm Hỷ, với tâm Xả, hết thảy phương xứ cùng khắp vô biên xứ, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại vô biên, không hận, không sân..
Cũng vậy, có người từ gốc Sát đế lỵ, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy đi đến pháp luật do Như Lai thuyết dạy, sau khi tu tập Từ, Bi, Hỷ, Xả nội tâm được định tỉnh. Ta nói rằng, chính nhờ nội tâm định tỉnh, vị ấy thực hành các pháp môn xứng đáng bậc sa môn vị ấy xứng đáng là Sa môn.
Vị ấy đoạn trừ các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình chứng tri, chứng ngộ và thành đạt vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Vị ấy thành Sa môn nhờ đoạn trừ các lậu hoặc.
Trước hết Sa môn nghĩa là nổ lực nhiếp phục và diệt trừ các ác, bất thiện pháp như tham dục, sân hận, phẩn nộ, hiềm hận, giả dối, não hại, tật đố, xan lẫn, man trá, xảo trá, ái dục, tà kiến, khiến cho tự thân trở nên thanh tịnh, sạch các cấu uế, không lỗi lầm, không tỳ vết, không đọa vào các ác thú. Chú tâm nhiếp phục và diệt trừ các cấu uế, các ác dục, bất thiện pháp như vậy là dấu hiệu của tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng trí tuệ, biểu hiện của chánh kiến và chánh tinh tấn, hướng vận hành của Bát thánh đạo, đánh dấu sự trưởng thành của Sa môn, giúp cho người xuất gia có được giới thanh tịnh, tâm thanh tịnh, kiến thanh tịnh, thiết lập vững chắc nền móng của nếp sống Sa môn thanh tịnh. Người xuất gia mà chuyên tâm dứt trừ các ác dục, làm cho dừng lại các ác, bất thiện pháp thì dễ dàng đi sâu vào đời sống tu tập nội tâm và phát triển trí tuệ.
Thứ đến, Sa môn là người có định tâm, có tâm tăng thượng, có thiền định, có chuyên tâm tu tập, phát triển tâm, thực nghiệm nội chứng tâm linh, đạt đến định tỉnh, nhất tâm. Đây là hướng đi của sự thanh lọc và phát triển tâm thức được thực hiện trên nền tảng thiền định, tức sự dứt trừ các bất thiện pháp như tham dục, sân hận, hôn trầm, thùy miên, trạo hối,  nghi ngờ và sự phát triển các thiện pháp như tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm.
Do được gột sạch tất cả những ác, bất thiện pháp và được giải thoát nên vị ấy cảm thấy nhẹ nhõm, hân hoan vui sướng, như người mắc nợ được trả hết, người bệnh được thoát khỏi cơn bệnh, như người tù được phóng thích, như người nô lệ được trả tự do, như người buôn qua sa mạc được an toàn. Do tâm hân hoan nên hỷ sanh, nên thân được khinh an,  do thân khinh an nên lạc thọ sanh, do lạc thọ sanh nên tâm được định tỉnh.
Nếp sống của Sa môn thì phải tu thiền, phải hành thiền, nghĩa là dứt trừ các bất thiện pháp và phát triển các thiện pháp, có hành thiền, có dứt trừ các pháp bất thiện pháp ( tham dục, sân hận, hôn trầm, thụy miên, trạo hối, nghi ngờ ) và phát triển các thiện pháp ( tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm ) thì mới có hân hoan sanh, hỷ sanh, khinh an sanh, lạc thọ sanh, có tâm định tỉnh. Đây là pháp môn tu tập xứng đáng bậc Sa môn, tức hướng đi của tâm thanh tịnh đưa đến  chứng đắc tri kiến giải thoát các lậu hoặc, dẫn đến  phát triển bốn tâm thái, từ, bi, hỷ, xả được thực hiện trên nền tảng các thiền chứng.
 Từ: là một tâm thái thiện, luôn thương tưởng đến mọi người và mọi loài, mong cho mọi chúng sanh được hạnh phúc an lạc, có khả năng loại trừ sân tâm. Trái với tâm Từ là tâm thức bất thiện, luôn oán ghét người khác, muốn cho người khác bị tổn hại.
Bi: là một tâm thái thiện, luôn xót thương sự khổ não của người khác và mong muốn cứu giúp, có năng lực xua tan hại tâm. Trái với tâm bi là một dạng tâm thức bất thiện luôn tìm cách gây khổ não cho người khác.
Hỷ: là một tâm thái thiện, luôn hân hoan vui mừng và sự thành công của người khác, thấy người khác có sự tiến bộ và thành tựu trong thiện pháp thì sanh tâm vui mừng. Trái với tâm Hỷ là dạng tâm thức có công năng đối trị bất lạc, một dạng tâm thức bất thiện cảm thấy khó chịu, thường hay đó kỵ với người khác.
Xả: là một tâm thái thiện, một tâm thức sáng suốt, buông xả, tự do, không thiên vị, không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, có khả năng giải thoát tham tâm và hận tâm. Hai dạng tâm thức bất thiện khiến cho tâm rơi vào các cấu uế, rơi vào thuận ứng và nghịch ứng, bị trói buộc, cơ bản do sự mê muội tạo ra.
Bốn tâm thái từ, bi, hỷ, xả được mở rộng đến vô cùng vô tận, tức nói đến năng lực giải thoát của tâm thức khỏi các cấu uế tham, sân, si, khỏi các ác bất thiện pháp, trên cơ sở phát triển tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả. Đây là một cách thức tu tập gắn liền với trí tuệ, có công năng làm tiêu trừ các cấu uế tham, sân, si, dứt trừ các ác, bất thiện pháp, khiến cho tâm lần lược đi đến giải thoát các lậu hoặc, tham, sân, si, các ác, bất thiện pháp làm giam hãm tâm thức con người, làm cho tâm trở nên cấu uế, ích kỷ, nhỏ mọn, không phát triển, không giải thoát.
Do vậy con người ta có thể mở rộng tâm Từ bi, hỷ xả trên cơ sở nổ lực bào mòn, làm giảm thiểu tham, sân, si. Không thể nói đến từ, bi, hỷ, xả khi tâm còn cấu uế, còn bị tham, sân, si chi phối. Tham sân,si được bào mòn, được giảm thiểu chừng nào thì, từ bi, hỷ xả càng được mở rộng và được giải thoát chừng ấy. Với các tên gọi như Từ tâm giải thoát, Bi tâm giải thoát, hỷ tâm giải thoát, xả tâm giải thoát và lần lượt đạt đến tâm bất động .
Nói một cách khác, sự mở rộng tâm từ, bi, hỷ, xả là một phương pháp tu tập, tâm thức gắn liền với sự phát triển trí tuệ, có công năng dứt trừ các cấu uế tham, sân, si, dứt sạch các ác pháp, bất thiện pháp, khiến cho tâm đi đến giải thoát hoàn toàn các lậu hoặc, gọi là chứng đắc tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Mục đích của đời sống Sa môn là giải thoát khỏi vòng tham, sân, si, đoạn tận các lậu hoặc, dứt sạch các cấu uế, làm cho dừng lại các ác, bất thiện pháp, những pháp ô nhiễm đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh, già, bệnh chết trong tương lại.
Để thực hiện điều đó thì vị Tỳ kheo cần phải thực hành các pháp môn xứng đáng bậc Sa môn, nghĩa là thực hành Bát chánh đạo, tu tập Giới, Định, Tuệ. Phải chú tâm dứt trừ tham dục, sân hận, phẩn nộ, hiềm hận, giả dối, não hại, tật đố, xan lẫn, man trá, xảo trá, ác dục, tà kiến, phải chuyên tâm tu thiền định để thanh lọc tâm thức, phải tu tập từ, bi, hỷ, xả để phát triển trí tuệ, bào mòn tham, sân, si dứt trừ các lậu hoặc đưa đến chứng đắc tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Được gọi là hạng Sa môn tinh luyện giữa các Sa môn. Ở đây này các Tỳ kheo, do đoạn tận các lậu hoặc, Tỳ kheo ngay trong hiện tại với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát giữa các Sa môn. Này các Tỳ kheo, có bốn hạng Sa môn này có mặt xuất hiện trên đời.
Vị ấy được gọi là đệ nhất Sa môn hay Sa môn bất động, tức là người đã diệt trừ ba kiết sử gồm thân kiến, nghi, giới cấm thủ, chứng quả dự lưu, không còn bị đọa lạc, quyết chắc đi đến giác ngộ. Được gọi là đệ nhất Sa môn.
Vị ấy được gọi là đệ nhị Sa môn, tức là người đã diệt trừ thân kiến, nghi, giới cấm thủ, làm cho muội lược tham, sân, si, đắc quả nhất lai, chỉ còn một lần tái sanh nữa thì chấm dứt sanh tử khổ đau
Vị ấy được gọi là đệ tam Sa môn là người đã diệt trừ năm kiết sử, gồm thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham dục, sân hận, chứng quả bất lai, sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi Tịnh cư thiên và tại đây nhập Niết bàn.
Vị ấy được gọi là đệ tứ Sa môn  hay Sa môn tinh luyện, tức là người đã đoạn tận 10 kiết sử gồm 5 hạ phần kiết sử ( thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham dục, sân hận ) và 5 thượng phần kiết sử ( sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh ) thành tựu chánh trí, đắc quả A La Hán, ngay trong đời này, không còn chịu khổ đau sanh tử luân hồi ./.
  ( Trích: Danh xưng bậc Sa Môn: Hữu Khang- VHPG số 336- 1-1- 2020 )
{]{

DANH XƯNG BẬC SA MÔN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét