“NGHIỆP” TÁC ĐỘNG VÀO
CÁI CHẾT CỦA
CON NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO?
I. DẪN NHẬP
Phật sử ghi lại rằng, vào canh Ba đêm thành
đạo, đức Phật đã tìm ra câu giải đáp làm
sao thoát khỏi cảnh “Sinh, Già, Bệnh, Chết”, tức thoát
khỏi vòng “luân hồi sinh tử”. Câu trả lời là
phải đoạn diệt tất cả “lậu hoặc”. Lậu hoặc chính là
những dính mắc phiền não, xấu xa, ác độc, tham, sân, si… khiến
tâm con người bị ô nhiễm từ đời này sang đời khác, và đời
này con người ta vẫn tiếp tục huân tập lậu hoặc, tạo
thành nghiệp. “Lậu hoặc” hay “nghiệp” là nguyên
tố nhận chìm con người trong luân hồi sanh tử,
là nguyên nhân của khổ đau. Muốn chấm dứt khổ
đau, chấm dứt luân hồi sanh tử thì phải đoạn diệt tất
cả các lậu hoặc, không có con đường nào khác!
Cũng trong canh Ba đêm thành đạo, đức
Phật đã chứng ngộ bốn chân lý, đó là Khổ đế, Tập
đế, Diệt đế và Đạo đế. Qua bốn đế này, chúng ta tạm
hiểu là con người sinh ra đời không ai hoàn toàn vui
vẻ hạnh phúc. Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những
điều bất như ý khiến chúng ta buồn khổ nhiều hơn là an vui,
nên gọi là Khổ đế. Nhưng khổ không phải tự nó có, mà khổ do
nhiều nguyên nhân gây nên. Muốn diệt khổ phải tìm cho ra
những nguyên nhân gây khổ để từ bỏ. Những nguyên nhân này
gọi là Tập đế. Khi không còn Tập đế nữa thì con
người sẽ được giải thoát hết khổ, gọi là Diệt đế. Nhưng làm
sao để diệt các nguyên nhân gây ra khổ, nghĩa là làm sao đoạn
diệt “lậu hoặc”, đức Phật đưa ra phương pháp tu
tập gọi là Đạo đế. Đạo đế là “Con đường chân
chánh” gồm tám nhánh. Trong kinh gọi là “Bát Chánh Đạo”
hay “Bát Thánh Đạo” là con đường tu tập đưa
đến giải thoát giác ngộ của các bậc Thánh gồm: Chánh
kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh
mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. (Xem
“Tương Ưng Giữa Giới-Định-Huệ và Bát-Chánh-Đạo” trong quyển “Trên Đường Về Nhà”
cùng tác giả).
Bài toán khó đã được đức Phật tìm
ra phương trình giải đáp, phần còn lại, chúng
sanh muốn đạt được cứu cánh, phải tự mình áp dụng tu
tập, trải nghiệm trên thân tâm của mình.
Tất cả mọi người, mọi loài sinh ra ở thế gian này, đều trải
qua chu kỳ “Sinh, Già, Bệnh, Chết”. Đức
Phật nói “Sinh (sống), Già, Bệnh, Chết” là bốn cái khổ to
lớn đè nặng trên mỗi con người. Trong bài viết này chúng
ta chỉ đề cập đến nỗi khổ cuối cùng của đời người đó
là cái chết. Nói về chết, thì ai cũng phải chết. Ngay cả đức Phật hay
các vị Thánh Tăng đệ tử của Ngài cũng không thoát
khỏi cái chết. Đúng rồi, ai cũng chết! Nhưng không phải mọi cái chết
đều giống nhau. Có cái chết nhẹ nhàng thảnh thơi như kiểu chết
của một số thiền sư bỏ thân phàm một cách nhẹ tênh như cởi bỏ chiếc
áo bông cũ rách mùa đông để thay chiếc áo mới, hay cái chết quằn
quại đau đớn sợ hãi của những con người phàm
tục tham sống sợ chết?
Là người phàm phu, đương nhiên chúng ta khó tránh được
sự sợ hãi khi nghĩ đến cái chết. Chết là một nỗi thống
khổ trong bốn cái khổ to lớn và vô số cái khổ khác mà con
người phải chịu đựng trong cuộc sống ở thế
gian này. Đối diện với cái chết con
người thường lo lắng không biết lúc ra đi, mình sẽ đi như thế
nào cho được an lành thanh thản? Và sau đó thì đi về đâu
trong ba cõi sáu đường? Đương nhiên kinh
nghiệm này chúng ta chưa trải qua nên không biết được
cái chết sẽ đến với chúng ta ra sao? Nhưng là người Phật
tử, chúng ta có niềm tin vào những lời dạy của đức Phật. Đức
Phật dạy rằng con người sống bằng thực dưỡng và hơi thở.
Chỉ cần một niệm thở ra và không hít vô nữa, thì người đó sẽ chết.
Ngay khi đó thần thức lập tức tái sanh qua đời
sống khác. Còn tấm thân tứ đại sẽ tan rã theo thời gian.
Nhưng mà trước khi chấm dứt hơi thở thì tâm trạng của người sắp
chết như thế nào?
Chúng ta, không ít thì nhiều cũng đã từng chứng
kiến sự ra đi của người thân quen. Hoặc đã từng nghe nói có những
vị tu hành lâu năm, mà khi ra đi rất vất vả, ngược lại có những
người cả đời không biết một câu kinh tiếng kệ, mà ra đi một
cách an ổn nhẹ nhàng. Tại sao thế? Người hiểu Phật
pháp sẽ trả lời rằng: “Đó là do nghiệp nặng hay nhẹ
của mỗi người”. Trong bài chia sẻ này chúng ta cùng
nhau tìm hiểu khái quát về ảnh hưởng của nghiệp tác
động vào cái chết của mỗi người, nhất là tìm hiểu thế nào
là nghiệp nặng, thế nào là nghiệp nhẹ?
II.
NGHIỆP LÀ GÌ?
Nghiệp là những ý nghĩ, tư duy, lời nói và hành động được
cất giữ trong ký ức của con người. Những ý nghĩ tốt hay xấu,
những việc làm thiện lành hay ác độc, những lời nói êm
ái hay xỉa xói kết hợp với những đam mê ghiền
nghiện từ nhiều đời trước, theo ta sang tới đời này cùng với những tham,
sân, si, mạn, nghi, tà kiến... mang đến hạnh
phúc hay phiền não cho chính mình, hay cho những người xung
quanh mình. Đó là nghiệp cũ đã đeo theo mình, cộng thêm nghiệp
mới tạo ra trong đời này. Nghiệp là những nguyên tố đóng
góp làm ô nhiễm tâm, trong nhà Phật gọi chung là “lậu hoặc”.
Hễ còn “lậu hoặc” là còn sinh tử!
Nghiệp gây ra dù cố tình hay vô tình, dù quên hay nhớ,
tất cả đều được cất giữ trong ký ức của người gây ra nghiệp. Đức
Phật dạy rằng: “Con người tạo ra nghiệp và thừa tự nghiệp mình đã
gây ra”. Nghiệp cất giữ trong ký ức lâu ngày sẽ có năng
lực ảnh hưởng tới đời sống của con người gọi là “Nghiệp
lực”.
Người mang nghiệp nặng là người đã từng có những hành
động xấu ác, trong tâm người đó luôn nặng nề vẩn đục, luôn nóng
nảy bất an, có khi buồn khổ vì bứt rứt hối hận điều gì đó
còn ẩn chứa trong tâm không thể nói ra trước khi chết. Lại có những
dạng người trong giờ phút lâm chung phải chịu nhiều đau đớn,
muốn chết ngay cũng không chết được. Đó là những người khi sống hành
nghề đồ tể, giết bò, giết heo hay hại người đến chết. Những tiếng thét
la đau đớn hằng ngày của những con người hay con vật
bị ép tử đó, lúc này vây quanh ám ảnh, khiến tâm thức người sắp
chết vô cùng hỗn loạn sợ hãi. Khi chết, cái tâm nặng nề đó
bị nghiệp lực xấu cuốn hút sanh về đường dữ mà thuật
ngữ trong kinh gọi là “ác thú”. Người mang nghiệp nhẹ là những
người khi sống tạo ra nghiệp tốt nhiều hơn nghiệp xấu. Tóm lại, tùy
theo nghiệp nặng hay nhẹ mà sự ra đi của người đó được nhẹ
nhàng an nhiên hay khó khăn, chật vật, đau khổ?
III. CÁC
LOẠI NGHIỆP QUYẾT ĐỊNH SỰ TÁI SANH
Trong nhà Phật có bốn loại nghiệp quyết định sự tái
sanh của người sắp chết. Đó là Thường nghiệp, Tích
lũy nghiệp, Cực trọng nghiệp và Cận tử nghiệp.
A. THƯỜNG
NGHIỆP
Thời nay, khoa học nói rằng một người có bộ não bình
thường, ký ức tế bào não sẽ ghi nhận tất cả những gì con
người làm hằng ngày qua tác ý, lời nói và hành
động. Ngày xưa, đức Phật giảng rằng Thường nghiệp là
những gì chúng ta làm hằng ngày qua ý, lời và hành động
thành thói quen, được cất giữ trong tàng thức. Con
người gây ra nghiệp gì thì sẽ thừa hưởng hậu quả của nghiệp
ấy! Thường nghiệp có hai loại: Thiện và ác.
1.Thường
nghiệp thiện: Còn gọi
là “Tập quán nghiệp”. Tập quán nghiệp là những việc
thiện hay ác mà người ta làm hằng ngày theo thói
quen không từ bỏ được. Thường nghiệp thiện có thể nói
là cuộc sống hằng ngày của con người, là việc
làm thiện lành đóng góp vào sự phát triển của đời sống cộng
đồng xã hội như những vị Bác sĩ cứu người, như những
vị hành nghề giáo dục, truyền dạy văn hóa giúp học
sinh mở mang kiến thức giúp đời, hay các nhà nghiên
cứu tìm tòi phát minh trên nhiều mặt y học, khoa học, thiên
văn, vật lý, kỹ thuật v.v... giúp cải thiện cuộc sống nhân
loại trên hành tinh này. Chẳng hạn như mới đây trong
một thời gian ngắn các nhà bác học đã nỗ lực phát
minh ra các loại thuốc chích ngừa giúp xoa dịu sự kinh
hoàng của nhân loại trước căn bệnh lây lan Covid-19 đã lấy
đi mạng sống của gần 2 triệu người trên toàn cầu… Về đạo đức, như
những người sống trong gia đình là những người con hiếu
thảo thuận hòa, chăm sóc ông bà, cha mẹ già yếu với
lòng trân trọng biết ơn người sanh ra và dưỡng
dục mình. Là người chồng, người vợ chung thủy. Là bậc cha
mẹ biết hy sinh vì con cái. Ra ngoài xã hội, là người hay
làm việc thiện, đóng góp ít nhiều công sức vào những công tác thiện nguyện
giúp người cơ nhỡ đói nghèo bất hạnh. Về tâm linh là người hay
đến chùa nghe kinh nghe kệ, tham dự những khóa học Phật
pháp hay nhập thất chuyên tu nhằm chuyển đổi nhận
thức, chừa bỏ tật xấu, siêng làm việc lành tránh việc ác. Những
việc phước báu như thế lâu ngày sẽ tạo nên sức mạnh gọi là “Nghiệp
lực” thúc đẩy người đó khi lâm chung được sanh trở
lại Cõi Người hay lên Cõi Trời.
2. Thường
nghiệp ác: Ngược lại
với Thường nghiệp thiện là Thường nghiệp ác. Những người
chuyên sống bằng các nghề mang lại sự đau khổ, chết chốc như thọc huyết
trâu, bò, heo, chó, hành nghề buôn lậu, buôn bán người, buôn bán trẻ
em, buôn bán sì-ke ma túy, độc dược, hay làm việc trong các kỷ nghệ
chế tạo sản xuất súng đạn là những vũ khí giết người v.v... Những Thường
nghiệp ác này kết tựu thành lực, và lực này đặc biệt sẽ tác
động vào con người khi lâm chung tái sanh vào cõi
xấu.
B. TÍCH LŨY NGHIỆP
Có sách ghi là “Bảo lưu nghiệp”, tích
lũy hay bảo lưu là giữ lại. Tích lũy nghiệp là
những việc làm nhỏ nhặt, tốt hay xấu, làm rồi mà không để
tâm nhớ đến, nhưng nó vẫn được cất giữ trong tàng thức. Tích
lũy nghiệp tuy không có công năng mạnh mẽ như Thường
nghiệp, nhưng khi đủ lực, nó cũng ảnh hưởng đến cuộc sống
của con người, bởi hễ gây nghiệp thì phải thọ quả nghiệp mình gây ra.
1. Tích
lũy nghiệp lành: Chẳng hạn như
một người đi đường thấy cây đinh liền lượm lên mang về nhà cho vào thùng
rác. Người lượm đinh lúc đó không nghĩ là mình đang tạo nghiệp tốt, chỉ là
không muốn mình dẫm lên cây đinh. Nhưng hành động này vô tình giúp cho những
người khác không bị thương khi vô ý dẫm phải. Đây chính là
hành động thiện lành. Hành động này đã được cất giữ trong tàng
thức của người đó, mặc dù sau một thời gian người đó không còn
nhớ tới và cũng không có cơ hội thường lượm đinh nữa! Một thí
dụ khác, như giúp một cụ già băng qua đường, hay tặng cho người ăn xin vài
đồng, hoặc thấy con mèo sắp vồ chú chim, người đó nhanh chân xua
đuổi mèo giúp con chim thoát chết. Những việc làm này khác
thời điểm, khác không gian, người làm không mấy chú ý quan tâm, nên
sau một thời gian thì quên bẵng đi. Tuy vậy, những việc
làm thiện nho nhỏ, tích lũy lâu ngày sẽ thành lớn, gọi là “tích
lũy nghiệp thiện”, như nước rỉ từng giọt trong lu chứa, lâu ngày nước sẽ
đầy lu.
2. Tích
lũy nghiệp xấu: Là
những việc làm ác ý hay không ác ý, khiến tổn
thương những sinh linh khác, như trong nhà có mấy con
gián cảm thấy bực mình đập chết. Ngoài sân có mấy ổ kiến mình
rải thuốc hoặc xịt nước cho nó đi chỗ khác. Vô ý dẫm đạp côn trùng
nhỏ dưới chân v.v... Trong cuộc mưu sinh hằng ngày thỉnh
thoảng có những va chạm, nói năng xúc phạm người này, đụng
chạm người khác, hay trong sở làm mình đối xử không công bằng, bênh vực
người này, ép bức người kia, khiến người này vui, người kia tổn
thương v.v… Lâu ngày quên mất!
Tất
cả những việc nhỏ, lớn, dù thiện dù ác, dù cố ý hay tình cờ, nhớ
hay không nhớ... đều tích lũy trong tàng thức của mình tạo
thành nghiệp. Khi năng lực Tích lũy thiện mạnh tự dưng một ngày
đẹp trời gặp người tốt giúp đỡ mình vô vụ lợi, hoặc gặp may mắn trong
công ăn việc làm, hay xui khiến đang đứng chỗ này bỗng dưng dời
sang chỗ khác không lý do, lại tránh được tai nạn. Khi nghiệp
ác tích lũy nhiều, đủ năng lực, nó sẽ xuất hiện hỗ
trợ Thường nghiệp ác, khiến cho người gây nghiệp trở tay không kịp,
gặp chuyện xui rủi hay tai nạn bất ngờ. Nói chung, những may
rủi họa phước xảy ra bất chợt giống như tình cờ đó, một
phần có thể do Tích lũy nghiệp thiện hay ác thúc đẩy.
Tích lũy nghiệp không có sức mạnh lộ diện rõ
ràng như Thường nghiệp, nhưng nó có sức mạnh giúp đỡ hỗ trợ
hay ngăn cản những Thường nghiệp. Biết như vậy, chúng
ta chớ xem thường những Tích lũy nghiệp này.
C. CỰC TRỌNG
NGHIỆP
Cực trọng nghiệp là nghiệp có năng lực mạnh mẽ,
cho Quả vượt trội hơn các nghiệp khác. Có hai loại: Cực trọng
nghiệp thiện và Cực trọng nghiệp ác.
1. Cực trọng
nghiệp ác: Trong Kinh
văn, đức Phật dạy có năm cực trọng nghiệp ác là: Giết cha,
giết mẹ, giết A-la-hán, làm Phật bị thương và chia rẽ hòa
hợp Tăng. Ngày nay chỉ còn ba Cực trọng nghiệp, vì đời này không có vị
A-la-hán, không có Phật. Người nào giết Cha, hay giết Mẹ hoặc gây chia
rẽ Tăng đoàn thì cho dù người ấy làm nhiều việc tốt như đóng góp tiền
tài vật chất xây cất chùa chiền, như góp công góp của đúc
chuông, đúc tượng Phật, tượng Bồ-tát, sửa đường, xây cầu, đào
giếng, giúp nuôi trẻ mồ côi, giúp nuôi người già neo đơn v.v...
nhưng lỡ phạm một trong ba cực ác này thì khi chết bị đọa liền địa
ngục không ai cứu nổi.
2. Cực trọng
nghiệp thiện: Có
hai quả Cực trọng nghiệp thiện.
a) Thứ nhất là người nào cả đời thường làm những
việc phước đức lớn lao. Khi thân hoại mạng chung sẽ được
sanh lên cõi Trời ngay tức khắc.
b) Quả thiện cực trọng thứ hai là đắc các tầng Thiền. Nếu trong
giây phút lâm chung, người đó đắc thiền Định, thì Cực trọng
nghiệp thiện này đưa người đó lên cõi Phạm Thiên liền. Còn
những tội lỗi trước lúc chưa đắc Định hay những Thường
nghiệp khác nếu có, không kịp trổ Quả trong lúc này.
D. CẬN TỬ
NGHIỆP
Là nghiệp tạo ra ngay trước lúc chết, có năng lực vô
cùng mạnh mẽ, ưu tiên trả Quả trước cả “Thường
nghiệp” và “Tích lũy nghiệp”. Thí dụ như một
sát-na trước khi lâm chung mình đang nghĩ đến điều tốt đẹp,
chẳng hạn như tưởng nghĩ đến hình ảnh đức Phật, đến một cảnh
chùa quen thuộc, hoặc đang nghe một bài kinh, hay đang niệm
Phật, hoặc đang trong thiền Định... Nếu ngay lúc đó chấm dứt hơi
thở, thức cuối cùng do nghiệp lành thúc đẩy sanh về
cõi lành ngay tức khắc.
Nếu tâm người sắp chết xuất hiện những sân
hận thù ghét, những bực tức khó chịu, thì thức cuối
cùng này đưa thần thức tái sanh đến những đường dữ, bởi
những Thường nghiệp lành chưa đủ mạnh để vượt qua Cận tử
nghiệp.
Nếu có nhiều phước báu gặp Cận tử nghiệp tốt, thì
người sắp lâm chung ra đi nhẹ nhàng. Tuy nhiên cũng
có trường hợp “Thường nghiệp ác” quá mạnh với sự hợp
tác của “Tích lũy nghiệp ác” sẽ trồi lên đẩy Cận tử
nghiệp tốt yếu ớt qua một bên, và dẫn tâm thức đi tái
sanh vào cõi xấu ngay tức khắc, hoặc vả Thường
nghiệp thiện gặp duyên may trồi lên tác động tử thức tái
sanh vào cõi lành. Nên thật khó biết được Cận tử nghiệp của mình
ra sao, vì thế lúc sinh thời nên tu tập tạo nghiệp
lành tránh nghiệp dữ, để mình có tư lương thiện lành
mạnh mẽ chuẩn bị cho lúc cuối đời.
Đời nay, chúng ta thấy có nhiều gia đình khi
có thân nhân sắp qua đời đã mời quý Thầy đến khai thị, tụng
kinh, niệm Phật hộ niệm. Việc làm này có giá
trị là giúp cho người sắp qua đời nghĩ nhớ đến những điều lành, hướng tâm
đến Phật, buông bỏ tất cả những tình cảm luyến ái của
cải trần gian để nhẹ nhàng ra đi. Trong giây phút Cận tử
nghiệp mà tâm thần được an ổn, ý thiện xuất
hiện ngay lúc đó sẽ được tái sanh về cõi lành. Đó là tự mình cứu
lấy mình, chứ những người hộ niệm xung quanh chỉ hỗ trợ giúp
mình mà thôi!
IV. BA GIAI ĐOẠN XUẤT HIỆN
TRONG TÂM NGƯỜI
SẮP LÂM CHUNG
Theo lời dạy của các bậc tôn túc, thì khi người
sắp lâm chung thường có ba giai đoạn hiện ra trong tâm
người sắp tắt thở. Thứ nhất là Thường Nghiệp; thứ hai là Nghiệp
tướng; thứ ba là Thú tướng.
1. Thường
nghiệp: Thường
nghiệp nào mạnh nhất sẽ xuất hiện trong giờ phút lâm chung.
Nghiệp này thúc đẩy thức đi tái sanh.
2. Nghiệp tướng: Tướng là hình ảnh. Nghiệp tướng là
những hình ảnh liên hệ đến Thường nghiệp. Nếu Thường
nghiệp thiện thì những hình ảnh thiện lành hiện
ra trong tâm người sắp làm chung. Chẳng hạn như người ấy thấy mình đang
dạo chơi trong một rừng hoa, đang tụng kinh niệm Phật, đang đọc quyển
sách hay, đang lắng nghe tiếng chuông chùa v.v... Nếu Thường
nghiệp ác xuất hiện thì trong tâm người sắp mất sẽ thấy
những hình tượng ghê gớm dữ dằn chẳng hạn như thấy một hồ máu chận
trước đường đi, thấy mình lạc vào khu rừng âm u, tối tăm không
biết lối ra, hay thấy những con thú dữ đang gầm gừ muốn xé xác mình
v.v...
Đó là những hình ảnh xấu hay tốt hiện
ra trong tâm người sắp mất tùy theo sự thúc
đẩy của Thường nghiệp.
3. Thú tướng: Khi Nghiệp tướng phát sanh thì tâm
thức tái sanh nắm bắt cảnh giới tái sanh tương
ưng ngay trước mắt tức khắc. Thú tướng là nơi tử thức
sẽ tái sanh.
Thí dụ như “Thường nghiệp lành” xuất hiện,
thì “Nghiệp tướng lành” hiện ra trong tâm người
sắp lâm chung, toàn những cảnh thanh nhàn u nhã, tâm người đó
nhẹ nhàng, hoan hỷ, thì “Thú tướng” nắm bắt
ngay chỗ tương ưng, hiện ra cảnh giới mà người đó
sẽ tái sanh, có thể sanh lên làm Người hay được thăng
thiên lên cõi Trời.
Nếu như sống trên đời, mình phạm quá nhiều tội ác, giết
người hại vật. Khi sắp chết, năng lực “Thường nghiệp ác” xuất
hiện, “Nghiệp tướng xấu” hiện ra những cảnh ghê rợn,
khiến người sắp chết hoang mang sợ hãi. Ngay lúc đó, “Thú tướng” xuất
hiện một trong bốn ác đạo mà người đó sẽ tái sanh vào
đời kế tiếp.
Gặp “Nghiệp tướng” này, người sắp lâm
chung rất cần sự hộ niệm của mọi người để nhắc nhở tâm
thức người này nương tựa vào lời niệm Phật, lấy lại sự bình
tỉnh sáng suốt mà ra đi.
Làm sao biết được hình ảnh nào xảy ra trong tâm người
sắp mất? Tạm trả lời là nếu hình ảnh ghê rợn xuất
hiện trong tâm thì khuôn mặt người sắp mất lộ nét sợ hãi, chừng
như cưỡng lại không muốn chết. Nếu hình ảnh an vui nhẹ
nhàng xuất hiện trong tâm, thì nét mặt của người sắp chết lộ
nét thanh thản tươi tắn, ra đi nhẹ nhàng.
V. KHI NÀO “NGHIỆP” TRỔ “QUẢ” ?
Chúng ta biết tất cả những suy nghĩ, nói năng hay hành
động dù tốt hay xấu đều được cất giữ trong ký ức tạo thành Nghiệp. Tất cả
những hành vi tạo tác qua thân, miệng, ý ấy chính là Nghiệp, là Nhân.
Khi đủ duyên thì Nhân trổ Quả. Trong cuộc sống của chúng ta Quả trổ
ra rất nhiều lần, có khi nhẹ, có khi nặng, có khi trổ ngay trong
đời này hoặc trổ ở đời sau… Nghiệp được phân biệt theo thời
gian trả Quả có bốn loại:
1. Nghiệp trả
Quả tức khắc, còn gọi là Hiện nghiệp: Là
Nghiệp gây ra trong đời này, trước sau gì cũng phải trả
ngay trong đời này.
2. Nghiệp trả
Quả tiếp theo: Sau
khi lìa bỏ kiếp sống hiện tại, tái sanh vào kiếp tới,
mới trả Nghiệp gây ra trong kiếp này.
3. Nghiệp Vô
Tận: Là Nghiệp trả
Quả sau kiếp tái sanh, cho đến khi chấm
dứt vòng luân hồi sinh tử.
4. Nghiệp Vô
Hiệu: Nếu “Nghiệp Tức
Khắc” không đủ duyên trổ Quả trong kiếp này thì trở thành Vô
hiệu. Nếu “Nghiệp cho Quả trong kiếp sau” không
đủ điều kiện thuận lợi để trả thì trở thành Vô Hiệu.
Nhưng “Nghiệp Vô Tận” thì không thể Vô Hiệu được. Nghiệp
này tồn tại mãi cho đến khi chấm
dứt vòng luân hồi mới ngưng.
Tóm lại, khi “Nghiệp trả Quả tức khắc” và “Nghiệp trả
Quả trong kiếp tới” không đủ duyên thì chúng trở nên Vô
Hiệu. Riêng “Nghiệp Vô Tận” sẽ theo chúng sanh từ
đời này sang đời khác. Khi thì làm Người, khi thì làm Trời hoặc sinh ra trong
các cảnh Khổ để trả nghiệp cho tới khi nào chấm dứt luân hồi. Tất
cả chúng sanh đều có kho chứa Nghiệp Vô Tận này.
Gặp hoàn cảnh hay cơ hội thuận tiện Nghiệp sẽ trồi lên
khiến ta nhận Quả tốt hay xấu do chính ta gây ra từ nhiều đời nhiều kiếp.
VI. THẾ NÀO
LÀ NGHIỆP BẤT THIỆN VÀ NGHIỆP THIỆN?
Sống ở đời thật khó mà giữ không tạo Nghiệp. Nếu
không tạo Nghiệp thì chúng ta đã không sanh làm Người trong
đời này. Mà cho dù sanh ở đâu? Cõi lành hay cõi dữ, thì đó cũng là
cách chúng ta chết đi rồi tái sanh vào một trong các cõi đó
để thọ nghiệp. Sanh cõi lành là nhờ chúng ta đã tạo nhiều điều
lành. Còn sanh vào đường dữ là do chúng ta đã tạo nhiều nghiệp dữ qua
thân, khẩu, ý. Có mười loại Nghiệp dữ hay Nghiệp bất thiện như sau:
- Ba
nghiệp bất thiện về Thân:
1) Nghiệp sát
sanh: Là giết người, súc
vật và ngay cả những côn trùng bé nhỏ. Người nào giết hại một hay
nhiều chúng sanh là người đó đã tạo Nghiệp ác.
2) Nghiệp trộm
cắp: Là lấy bất cứ vật gì mà
chủ nhân không đồng ý. Lường gạt giờ làm việc, làm ít khai nhiều
để ăn lương cũng là hành động trộm cắp.
3) Nghiệp tà
hạnh: Là thông dâm với
người không phải là vợ hay chồng của mình, hãm hại hiếp dâm người khác hay có
những hành động bất chánh tà vạy đối với mọi người và
ngay cả với chính bản thân mình. Ngoài ra, đánh đập người
hay súc vật để thỏa mãn thú tính của mình cũng thuộc
về tà hạnh.
- Bốn nghiệp
bất thiện về Khẩu:
1) Nghiệp nói
dối: Chủ tâm nói không đúng sự
thật gây tai hại, làm mất nhân phẩm hay khiến người khác
lâm vào tình trạng hiểm nguy.
2) Nói lời đâm
thọc: Với mục đích gây
chia rẽ người khác.
3) Nói lời hung dữ: Dùng lời hung dữ, cộc cằn, thô lỗ thóa
mạ khiến người khác bị tổn thương.
4) Nói lời vô
ích: Dùng lời hoa
mỹ để tự tôn vinh mình, hoặc nói chuyện trên trời dưới
đất không giúp ích gì cho việc tu tập thoát khổ giác ngộ.
- Ba
nghiệp về Ý:
1) Tham (lam): Có tâm muốn chiếm đoạt vật sở hữu của người khác
làm của mình.
2) Sân (hận): Tâm giận dữ, thù ghét… cầu mong kẻ thù bị
hãm hại, bị thương vong.
3) Si (tà kiến, xử
dụng chất say): Xử dụng chất
say khiến tâm không còn tỉnh táo dễ gây ra những hành động
hại mình hại người tạo Nghiệp ác. Chấp tà kiến không
tin Nhân Quả, cho rằng không có Nghiệp nên tự do tạo Nghiệp
ác.
Ba nghiệp này chưa phải là hành vi thực
hiện qua thân và lời mà chỉ là ý nghĩ xuất hiện trong Tâm.
Do đó tham, sân, si được gọi là ba Nghiệp về Ý.
Trên đây là mười Nghiệp bất thiện. Ngược lại với bất
thiện là mười Nghiệp lành. Đó là: 1) Không sát sanh, 2)
Không trộm cắp, 3) Không tà hạnh, 4) Không nói dối, 5)
Không nói lời đâm thọc, 6) Không nói lời hung dữ, 7) Không nói lời vô
ích, 8) Không tham, 9) Không sân, 10) Không Tà kiến (Si).
VII. KẾT LUẬN
Chúng ta biết rằng từ vô thủy vô chung đến nay,
không một người nào sanh ra đời sống mãi với thời gian. Con
người là một hiện hữu nhỏ nhoi và ngắn hạn trong vũ trụ.
Tuổi thọ lâu nhất của đời người dài lắm cũng chỉ hơn trăm năm đôi
chút. Trong đời sống trầm luân vui buồn đau
khổ này, có ai không tạo nghiệp? Tạo nghiệp thì phải chịu luân
hồi tái sanh để thọ nghiệp đã gây.
Muốn thoát khỏi luân hồi sinh tử, đức
Phật dạy là phải tu tập làm sạch lậu hoặc tức sạch
nghiệp. Mà nghiệp đã gây ra từ nhiều đời nhiều kiếp, đến đời này nghiệp quá sâu
dày làm sao xóa được? Theo đạo Phật thì chúng sanh có
thể tu tập để sạch nghiệp. Đức Phật chỉ cho chúng
sanh 37 phương thức tu tập để hỗ trợ cho việc đoạn trừ lậu
hoặc cũng có nghĩa là làm sạch nghiệp mà chúng sanh đã gây ra,
trong đó phải kể đến Bát Thánh Đạo. Tùy theo căn cơ chúng
sanh chọn cho mình pháp thích hợp để tu tập.
Phương thức tu hành nào của Phật dạy cũng đều thông
qua Giới-Định-Huệ.
Giới là sống đàng hoàng không gây ra những lỗi lầm hại
người, mà hại người cũng chính là tự hại mình. Đó là tránh hành “Mười Nghiệp
Bất Thiện” nêu trên. Cơ bản: “Siêng làm việc lành, tránh làm việc
ác” tức là siêng tạo Thường Nghiệp thiện lành, tránh
gây Thường Nghiệp bất thiện.
Ngoài ra Phật cũng dạy “nên giữ Ý trong sạch”
nghĩa là trong tâm không khởi ý phân biệt tốt xấu hại người
mà nên phát huy tâm từ bi hỷ xả đối với tất cả
mọi chúng sanh với tâm tôn trọng bình đẳng.
Muốn
đạt cứu cánh rốt ráo hành giả chọn tu theo con
đường đức Thế Tôn dạy là thực hành “Bát Thánh Đạo”.
Muốn tu đúng, mình cần có Chánh kiến, Chánh tư duy để phân
biệt chánh, tà, tức phân biệt điều thiện thì làm, điều ác thì
tránh. Mình hành thiện bằng cách thực hành đúng
theo Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng nghĩa là
mình giữ Giới, tránh gây những Thường nghiệp ác qua thân, khẩu,
ý. Bên cạnh đó mình giữ Chánh niệm, khi sáu căn tiếp
xúc với sáu trần, giữ niệm Biết không lời về sáu trần,
không để vọng niệm hiện tại xen vào khen chê, hoặc ký
ức quá khứ gây phiền não, hay trí năng rượt đuổi
chuyện chưa xảy ra ở tương lai. Tất cả những hành này đều là nguyên
nhân gây nên Nghiệp xấu.
Ngoài việc giữ Giới trong sạch, hành giả cần
tu thiền Định. Trong trạng thái Định sâu (giới thể trong
sạch) các lậu hoặc sẽ bị cô lập không trồi lên.
Trong trạng thái tâm trong sạch, yên lặng, định tĩnh đó… bất
chợt vọng tưởng khởi lên, hành giả lặng lẽ ghi
nhận các pháp tự đến tự đi, tự sinh tự diệt, mà không phản
ứng gì. Hành giả nhận thức như thật các pháp này
đều vô thường, vô ngã, trống rỗng, hành giả yểm ly không
dính mắc, ngay lúc đó hành giả ở trong trạng
thái Định-Huệ đồng thời, tuệ tri mình thoát khổ giải
thoát.
Nếu ở trong trạng thái này (Cực trọng thiện
nghiệp) khi thân hoại mạng chung hành giả không còn bị ảnh
hưởng của nghiệp, sẽ sanh về các cõi Trời (Dục, Sắc hay Vô
Sắc) hay cõi Người theo nguyện lực, để tiếp tục đời
sống tu tập tiến hóa trên con đường tâm linh. Còn như
lúc sinh thời hành giả sống theo lời Phật dạy chỉ làm
những việc thiện lành tránh làm việc ác, thì Thường
nghiệp lành xuất hiện thúc đẩy hành giả tái
sanh đến cõi lành.
Hiện tại, chúng ta đang sống ở cõi đời tạm bợ này, tuy
là người phàm phu, nhưng trộm nghĩ chúng ta cũng đã tạo
nhiều phước lành ở đời trước nên đời này mới được làm người. Từ mấy ngàn năm
qua, chư Tổ đã kết tập lại lời dạy của đức Phật, kinh
điển ghi rõ lại những chân lý, phơi bày trọn vẹn con
đường Giới-Định-Huệ để hướng dẫn chúng sanh tu tập. Con
đường Giới-Định-Huệ không từ chối bất cứ một ai. Muốn bước
lên con đường này để đi đến giải thoát giác ngộ hay
không, là do quyết định của mỗi người, không ai ép buộc.
Nam Mô Bổn Sư Thích
Ca Mâu Ni Phật.
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
Bài giảng
trong mùa An Cư tháng 04-2021 tại
Thiền Viện Chân
Như, Navasota, Texas, Hoa Kỳ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét