BỐN THỨ TÂM CỦA PHÁP MÔN NIỆM PHẬT
Dùng tín tâm đối với bản thệ
nguyện lực của Đức Phật A Di Đà.
Dùng chí thành tâm miệng
niệm tâm nhớ.
Dùng thâm tâm niệm Phật niệm
niệm buộc tâm.
Lại dùng hồi hướng phát
nguyện tâm, đem công đức niệm Phật hồi hướng cho tất cả chúng sanh, đều lìa khổ
được vui, đều tin Phật học pháp kính Tăng, đều niệm Phật thành Phật.
1/- Tín tâm: Ở trong Phật pháp cho
dù tu pháp môn nào trước tiên phải có tín tâm, như trong kinh đã nói: Tín thì
có thể vào. Người học Phật lấy tín tâm làm điều kiện trọng yếu thứ nhất. Đối
tượng của tín tâm là tin pháp mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói trong kinh,
đều là chân ngữ, thật ngữ, câu câu đều hữu dụng, chữ chữ quý như vàng. Đứng ở
lập trường phàm phu dù không đủ sức làm được đều phải nên tin. Vì đó gọi là
Thánh ngôn lượng, đối với lời nói của bậc đại thánh Phật Đà, lời lời đều chân
thật không được hoài nghi, không nên cân nhắc. Đặc biệc là phương pháp tu hành
rất nhiều, có vô lượng pháp môn, mỗi một pháp môn đều tuỳ căn tánh bất đồng. Người
không cùng hoàn cảnh thời đại cũng có căn tánh tương đồng và căn tánh bất đồng,
cần phải đem pháp môn vô lượng để tiếp chúng sanh vô biên, cho nên lúc chúng ta
nhận định chính xác và chấp nhận theo một vị thiện tri thức nào tu hành, không
nên hoài nghi.
Chúng ta tin gì? Tin trong kinh điển nói có thế giới Cực lạc
Phương Tây, tin bản thệ nguyện lực của Phật A Di Đà tiếp dẫn chúng sanh hữu
duyên đồng đăng chín phẩm sen ở cõi tịnh độ Phương Tây. Trước hết phải có tín
tâm đối với bản nguyện của Phật A Di Đà, có tâm nguyện cầu sanh tịnh độ, thì
mới có thể quyết định được Đức Phật Di Đà tiếp dẫn vãng sanh về thế giới Cực
lạc Phương Tây.
Phương pháp tu hành trong ba kinh tịnh độ đã giới thiệu cũng có
khác biệt. Kinh Quán Vô Lượng Thọ chủ trương tu 16 phép quán tưởng, tu trì theo
phép quán tưởng tam muội và niệm Phật tam muội để đạt thành mục đích vãng sanh
ba bậc chín phẩm.
Kinh Vô Lượng Thọ chủ trương tín ngưỡng 48 lời nguyện của Phật A
Di Đà, y nguyện tu hành, dù cho phàm phu còn hoặc nghiệp cũng nhất định được vãng
sanh.
Kinh A Di Đà chủ trương Tín, Hạnh, Nguyện chấp trì danh hiệu Phật
A Di Đà, cầu nguyện vãng sanh.
Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật cũng yêu cầu phải trì giới, tu phước,
phát tâm Bồ đề.
Kinh A Di Đà, thì yêu cầu
phải trì danh đến chổ nhất tâm bất loạn.
Kinh Vô Lượng Thọ chủ trương nếu chỉ có thể tin vui không sanh
tâm nghi, từ 10 niệm đến một niệm, người cầu nguyện vãng sanh cũng được như
nguyện.
Tin vào bản nguyện tha lực của Phật A Di Đà, tức là nương nhờ sức
Phật mà được cứu, tư tưởng này cũng giống như niềm tin thượng đế của Cơ Đốc
giáo. Nhưng trên thực tế thì chẳng đồng. Bởi vì tín đồ Cơ đốc Giáo tin Chúa, tự
mình không thể thành chúa được, còn tín đồ Phật giáo niệm Phật kết quả sẽ thành
Phật.
Trong ba kinh. Kinh Quán Vô
Lượng Thọ thì so ra phiền phức khó tu hơn, chia làm ba điểm để tiến tu.
1/
Tu ba phước, bao gồm, luân lý thế gian, quy giới, thập thiện, phát tâm Bồ đề,
tụng kinh đại thừa.
2/Tu
16 phép quán tưởng.
3/
Tu pháp chín phẩm vãng sanh.
Ở Trung Quốc và Nhật Bản ít người tu pháp
này, chỉ có kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà được chú trọng. Hiện nay kinh A
Di Đà được nhiều người chú trọng. Cứu cánh của pháp môn Tịnh độ ở chổ chữ TÍN,
có tin bản nguyện của Đức Phật A Di Đà, mới có thể niệm Phật vãng sanh.
Pháp môn tịnh độ, sở dĩ được
nhiều người sùng tín, là ở chổ bản nguyện tha lực của Đức Phật A Di Đà ban cho
người ta tín tâm tuyệt đối an ổn, không phải suy nghĩ công đức của mình đã làm
nhiều hay ít, không cần quan tâm đến công đức lớn hay nhỏ mà mình tu chứng. Chỉ
cần tin tưởng bản nguyện của Phật A Di Đà, lập thệ vãng sanh là được, sau đó có
thể an tâm gánh vác những việc tự lợi lợi tha. Cho dù trì giới không nghiêm,
phiền não chưa đoạn hết, cũng được Đức Phật A Di Đà y theo bản thệ nguyện lực
của Ngài đến tiếp dẫn. Hành giả tịnh độ có thể an tâm tu tập.
Cho nên cần phải tin bản thệ nguyện lực của Đức Phật A Di Đà, tin
người niệm Phật lúc lâm chung quyết định thấy được Phật A Di Đà từ bi tiếp dẫn.
Cho nên tu niệm có thể được nhất tâm niệm Phật rất tốt, nên cần phải mỗi niệm
dùng tâm niệm. Nếu niệm mà tâm cứ tán loạn, không được nhất tâm, không đạt hiệu
quả cũng không nên lo, như trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đã nói, dù là
người phạm tội ngũ nghịch, thập ác nếu đến lúc lâm chung gặp được bậc tri thức
dạy cho niệm Phật A Di Đà, niệm được 10 niệm thì thấp nhất cũng được vãng sanh
hạ phẩm hạ sanh nơi Cực lạc.
2- Chí thành tâm: Là Tâm khẩn thiết, tâm tha thiết,
không phải lòng này ý nọ, tính khí bất đồng, làm lấy lệ cho xong. Lúc niệm Phật
phải miệng niệm tâm nhớ, như Đức Phật A Di Đà đang ở trước mặt mình, tiếng từ
miệng xuất, lại từ tai vào, tiếng tiếng in vào ruộng tâm, câu câu đều từ tâm
xuất. Niệm niệm đều là danh hiệu Phật, chổ chổ đều là cõi Phật. Nếu như không
có cách gì chuyên tâm niệm Phật thì nên quán tưởng: Bạn là khách trên chiếc
thuyền, gặp phải nạn biển thuyền bị bể,
trồi hụp trong cơn sóng dữ, rất may lúc ấy bạn với được tấm ván thuyền bể, tất
phải nắm chắc ôm chặt, không được sơ suất, ngược lại sẽ bị sóng to nhận chìm. Chỉ
cần sơ ý lỏng tay một chút là tấm ván vuột ra khỏi tay trôi đi biền biệt, khi
đó muốn nắm giữ cũng không còn kịp nữa. Lúc ấy thân bạn ở trong biển cả mênh
mông, chỉ còn có con đường chết mà thôi. Lúc chúng ta niệm Phật một câu danh
hiệu Phật, cũng giống như người ở trong biển cả mênh mông sắp bị chết chìm ôm
được tấm ván thuyền kia, ôm giữ danh hiệu Phật để niệm cũng vậy, lúc niệm phải
đem danh hiệu Phật làm chiếc ván nổi cứu mạng trong biển, không thể đem tâm lơ
là mà niệm Phật. Đem toàn bộ ba nghiệp thân khẩu ý chăm chú vào từng câu niệm
Phật.
3/
Thâm Tâm: Phẩm Phật quốc trong Kinh Duy Ma có nói: “Thâm tâm tức là tịnh độ”.
Còn trong phẩm Bồ Tát của kinh này thì lại nói “Thâm tâm là đạo tràng hay tăng
trưởng công đức”. Tín tâm kiên cố không lay chuyển là do chổ kinh nghiệm tu
chứng và sự ứng nghiệm niệm Phật mà có. Khởi tâm niệm niệm, buộc tâm niệm niệm
Phật, khi thành thói quen rồi thì tự nhiên lúc nào cũng niệm Phật, đó chính là
thâm tâm niệm Phật. Nếu lúc niệm lúc không, ngày có ngày không, một ngày nóng
10 ngày lạnh thì đó là thiển tâm niệm Phật. Nếu vừa niệm Phật lại vừa khởi vọng
tưởng, vừa niệm Phật lại vừa hôn trầm ngủ gục thì đó là thiển tâm niệm Phật.
Ngài Vĩnh Minh ở vào đời nhà Tống cuối đời nhà Đường, đề
xướng thiền tịnh song tu, nhưng lại lấy tịnh độ làm chổ quy thú, mỗi ngày Ngài
trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà 100.000 câu. Đây là tấm gương của sự thâm tâm
niệm Phật, phải niệm liên tục, cả lúc ăn cơm, làm công việc, đi vệ sinh. . . không
lúc nào lìa câu niệm Phật, mới có thể một ngày niệm đủ 100.000 câu. Nếu có thể
thâm tâm niệm Phật như vậy thì phiền não vọng tưởng không có cách gì sinh khởi
được.
Đủ chứng tỏ thâm tâm tức là tâm vi tế miên mật, là định tâm
thật sự, là huệ tâm sáng suốt. Nếu có thể dùng thâm tâm niệm Phật, thì chính là
nhất tâm niệm Phật, như vậy không chỉ thông đạt sự nhất tâm, cũng có thể tương
ưng với lý nhất tâm. Không chỉ nhất định được vãng sanh tịnh độ phương Tây, còn
có thể tự mình thể nghiệm được tịnh độ tự tánh và tịnh độ tự tâm. Vì thế Ngài
Vĩnh Minh chủ trương thiền tịnh song tu, khác đường nhưng chung mục đích đến. Nếu
có thể thâm tâm niệm Phật cho đắc pháp đắc lực thì đã thông cả cửa ngộ của
người tu thiền rồi.
4/ Hồi hướng tâm: Ý cạn của sự hồi hướng là đem mục
đích niệm Phật mà cầu vãng sanh tịnh độ phương Tây, là đem tất cả công đức tu
hành hồi hướng vãng sanh thế giới Cực lạc. Ý sâu của hồi hướng là phát tâm Bồ
đề rộng độ chúng sanh, nghĩa là nguyện đem công đức niệm Phật của mình hồi
hướng cho tất cả chúng sinh, đều lìa khổ được vui, đều tin Phật học pháp, kính
Tăng, đều niệm Phật thành Phật. Cùng đem công đức niệm Phật hồi hướng cải biến
chúng sinh có tâm cang cường, khiến họ khởi tâm tín ngưỡng Phật giáo, tu học
Phật pháp, sớm được vãng sanh thế giới Cực lạc, sớm thành tựu vô thượng Bồ đề. Đủ
biết mục đích niệm Phật hồi hướng có hai: Cầu nguyện mình được vãng sanh, cầu
phước cho tất cả chúng sanh đều được vãng sanh.
Không nên chỉ vì tự mình cầu vãng sanh tịnh độ mà niệm Phật,
còn phải vì tổ tiên cha mẹ những người quá cố được vãng sanh Tây phương mà niệm
Phật, cũng nguyện cho tất cả chúng sanh nhờ sự niệm Phật của chúng ta mà được
vãng sanh, cho nên ý của hồi hướng phát nguyện tâm và phát đại Bồ đề tâm tương
ưng tương thông.
Thông thường người ta phát tâm niệm Phật là chỉ mong cầu tự
thân được tiêu tai giải nạn gặp nhiều may mắn. Khi chúng ta biết sự lợi ích và
tầm quan trọng của pháp môn niệm Phật rồi, thì ngoài việc cầu cho tự thân phước
tăng, tiêu tai khỏi nạn, chúng ta niệm Phật lễ Phật, làm các công đức, nên vì
phát tâm Bồ đề rộng độ chúng sanh. Xưa nay oán thân trái chủ của chúng ta, nhờ
đem công đức tu hành này hồi hướng cho họ, họ sẽ thay tâm đổi tánh trở thành kẻ
hiền lương đạo đức, trở lại thành kẻ hộ trì, tăng thượng duyên cho chúng ta,
giúp chúng ta tiêu tai khỏi nạn. Thế nhưng chẳng thể nói nhờ bạn, niệm một vài
câu danh hiệu Phật mà có thể tiêu tai được, mà là do oán thân trái chủ thấy bạn
phát tâm Bồ đề đại nguyện, tương lai bạn sẽ thành Bồ Tát, Phật, thì oán thân
bình đẳng, cho nên không quấy rầy bạn nữa, họ cũng nhờ sự tu hành niệm Phật của
bạn mà được lợi ích, đủ thấy niệm Phật rất tốt. Như vậy điều tốt từ đâu đến? Là
từ trong phát nguyện hồi hướng mà đến, là từ trong sự phát Bồ đề nguyện rộng
kết thiện duyên mà đến.
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét