SIÊU ĐỘ KẺ CÒN NGƯỜI
MẤT
Siêu độ là dùng sự hiểu biết và thực hành tín ngưỡng và kinh
nghiệm tu học Phật pháp, giúp cho người ta từ trong khổ nạn đạt được an lạc từ
trong nguy hiểm đạt được an toàn, từ trong trói buộc đạt được giải thoát.
1/ Siêu độ vong linh: Trong ấn tượng của những người
theo tín ngưỡng đạo Phật, nhất là Phật giáo Bắc tông, người sắp chết và sau khi
chết, thường tổ chức những buổi tụng kinh niệm Phật để trợ niệm cho người qua
đời gọi là siêu độ, là làm Phật sự. Vì người mất mà làm các nghi thức như niệm
Phật, tụng kinh, bái sám, Mông sơn thí thực, phóng sanh, bố thí, trai tăng cúng
dường v.v.. nhờ sức Phật siêu tiến, khiến cho người mất được vãng sanh Phật
quốc hoặc chuyển sinh cõi lành.
Do đó, đối với người theo tín ngưỡng Phật giáo siêu độ có hai ý
nghĩa: Một là theo thói tục, trong nhà có người qua đời, theo tập quán mời tăng
ni, đạo hữu đến tụng vài ba quyển kinh, cử hành một số nghi thức tôn giáo, mới
cảm thấy an tâm, ngược lại không những bị thân hữu bàn tán mà dường như trong
tâm cũng không yên. Ở đây chúng ta thử hỏi, đây là siêu độ cho người sống hay
siêu độ cho người chết? Thật ra rất mập mờ, chính vì an tâm nên mới mời chư
tăng ni đạo hữu đến niệm kinh siêu độ, người này không nhất định tin người mất
có lợi ích, chỉ vì không dám làm trái trái với tập tục mà thôi. Hai thật vì
siêu độ vong linh, tin tưởng Phật pháp có thể khiến cho người mất siêu sinh
thoát khổ, lúc sắp mạng chung vì họ mà trợ niệm. Mỗi thất đều có tụng kinh,
trong 49 ngày thường làm Phật sự, tu phước cúng dường, nhờ lời kinh tiếng kệ và
danh hiệu Phật, Bồ Tát khiến cho vong
linh nghe được hiểu được và bỏ những oán hận, buồn bực trong tâm, cùng tất cả
những thứ chấp trước, nhờ đó mà tâm khai ý mở, không bị đoạ vào trong ác đạo,
được sinh về thiện đạo. Nếu thiện căn sâu dày có thể vãng sanh tịnh độ của Phật
A Di Đà. Hoặc nương theo nguyện lực từ bi của Phật Bồ Tát, siêu độ vong linh
thoát khỏi khổ thú.
Phương pháp siêu độ theo lời dạy trong kinh
Địa Tạng và kinh Vu Lan nói rõ. Cả hai kinh đều đề xướng tư tưởng hiếu thân, đề
xướng pháp môn siêu độ vong thân cẩn trọng đối với người đã chết được nhiều
người hưởng ứng, đặc biệc tư tưởng này gần gủi với văn hoá Nho gia và các tập
quán thờ cúng của các dân tộc như Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản v.v.. Những
người đã chết nhờ sự tạo công đức lành như: Tụng kinh đại thừa, bố thí, làm
phước đem những công đức đó hồi hướng cho các vong linh người chết, tạo nhiều
phước lành có thể giúp cho người đã chết xa khỏi ác đạo, được sinh lên cõi trời
hoặc cõi người hưởng nhiều sự vui sướng.
Thế nhưng siêu độ tốt nhất vẫn là lúc còn sống tự mình phải tu
hành. Lúc còn sống sớm tin Phật pháp, tinh tấn niệm Phật, tinh tấn làm các việc
phước thiện, hồi hướng cầu nguyện vãng sanh tịnh độ Tây phương, đến lúc lâm
chung liền có ba vị thánh. Một vị Phật và hai vị Bồ Tát ở phương Tây đến tiếp
dẫn, thân nhân thiện hửu vì người đó mà trợ niệm, giúp cho tín tâm người đó
được tăng trưởng vãng sanh về Cực lạc quốc, cho nên trong các kinh luận đều
khuyến tấn người ta lúc sinh tiền nên cố gắng tu hành.
2- Siêu độ người sống: Siêu độ người sống quan trọng
hàng đầu. Sau khi Đức Thế Tôn thành đạo, kinh pháp mà Ngài nói, đối tượng chủ
yếu trong các bộ kinh Đại Tiểu thừa chính là bảy chúng đệ tử tại nhân gian, kế
đến là thiên thần, cho nên gọi Phật là Thầy của trời người hoặc giáo chủ của
người trời.
Chúng hội trong các kinh đại thừa như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa,
ngoài chư Phật Bồ tát và hàng nhị thừa thánh giả là thất chúng nhân gian và bát
bộ thiên chúng. Chúng sanh ở ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh không có
phước báu tham dự đại hội. Tuy có kinh nói Đức Thế Tôn thuyết pháp, khắp tất cả
cõi nước chư Phật, chư Bồ tát và thiên long quỷ thần nhân cùng phi nhân v.v..
nghe… đủ chứng tỏ rằng quỷ thần nói trên là chỉ cho quỷ thần có nhiều phước chứ
không phải quỷ tội ác hoặc ngạ quỷ, nên được xem là quỷ thần ở địa cư thiên và
không cư thiên. Cho nên đặc biệt cường điệu lợi ích nhơn thiên, chính là biểu
thị sự siêu độ chủ yếu của Phật pháp là con người thứ đến là trời.
Kinh Tăng Nhất A Hàm, quyển 36 nói rõ: Lúc Đức Phật ra đời,
vì người trời mà rộng diển giáo pháp, đạt đến chổ Niết bàn. Vậy mà chúng sanh ở
trong địa ngục, loài súc sanh, ngạ quỷ, người sống ở biên địa, ở Trường Thọ
thiên đều không nghe không thấy. Kinh Tăng Nhất A Hàm quyển 26 nói: Các Đức
Phật Thế Tôn đều xuất hiện nơi nhân gian. Lấy thân thể loài người để thành
Phật, cũng lấy loài người làm đối tượng chủ yếu nhiếp hoá họ. Cho nên cha của
Da Thâu Già vị đệ tử tại gia đầu tiên của Phật là người, tại vườn Lộc Uyển độ
cho 5 đệ tử tỳ kheo là người. Thường theo Phật có 1250 vị đại A La Hán cũng là
người, cho đến người đệ tử cuối cùng là ông Tu Bạt Đà La 120 tuổi cũng là người.
Đủ chứng tỏ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên mặt lịch sử, đệ tử tăng tục bảy chúng
đệ tử theo Ngài tu học đều là loài người.
Siêu độ đối với người sống, ý là vận dụng sự tin hiểu tu
chứng pháp của Phật mà siêu việt nhà lửa tam giới, vượt qua biển khổ sanh tử
làm mục đích chính.
Ở trong biển khổ sanh
tử mênh mông này, làm thế nào để được lên bờ, nếu không nhờ vào sự cứu độ của
thuyền từ Phật pháp, thì khó có hy vọng thoát ra khỏi. Thuyền từ Phật pháp là
những lời dạy của Đức Phật như Tam quy, ngũ giới, thập thiện, cụ túc giới, Bồ
tát giới. Cho đến tam học giới, định tuệ, hoặc lục độ tứ nhiếp, tự lợi lợi tha,
cho đến 37 phấm trợ đạo, tất cả các pháp môn đều không chỉ tự cầu diệt khổ mà
giúp người diệt khổ, tự lợi rồi phải lợi tha. Nên chính người Phật tử cần phải
học hiểu Phật pháp vận dụng Phật pháp vào trong cuộc sống hằng ngày lợi ích cho
mình và cứu giúp mọi người.
3- Niệm Phật siêu độ: Pháp môn siêu độ dễ dàng nhất là niệm Phật. Bất
luận lúc nào, bất luận căn cơ nào, chỉ cần niệm Phật liền được lợi ích. Nếu lấy
mục đích mà nói thì pháp môn niệm Phật Di Đà Tịnh độ phương Tây đích thực là
lấy việc sau khi chết vãng sanh về thế giới Cực lạc làm chính. Kinh A Di Đà nói:
“Nếu có người thiện nam thiện nữ nào nghe kinh này mà thọ trì, cùng nghe danh
hiệu của chư Phật, thì người thiện nam thiện nữ ấy, đều được tất cả chư Phật hộ
niệm, đều được bất thối chuyển nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Kinh
Pháp Hoa nói: “Niệm Phật một tiếng, tội diệt hà sa”. Dù niệm danh hiệu Đức Phật
nào cũng đều tiêu trừ tội lỗi, tiêu tai khỏi nạn, được lợi ích hiện tại và được
lợi ích đời sau. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói: “Hai tay chấp lại, xưng niệm
Nam mô A Di Đà Phật, xưng danh hiệu Phật rồi trừ được tội lỗi trong đường sanh
tử 50 ức kiếp”. Lại nói: “Chí tâm xưng danh hiệu Phật, trong mỗi một niệm, trừ
được tội lỗi trong đường sanh tử 80 ức kiếp”. Lại nói: “Nếu có người niệm Phật,
nên biết người này chính là hoa sen thanh tịnh trong loài người. Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát
là bạn tốt của người ấy, và người này ngồi ở đạo tràng, trụ tại nhà của chư
Phật. Người niệm Phật có nhân cách cao thượng tinh khiết giống như hoa sen
trong loài người, đương nhiên đây chính là biểu trưng của tự lợi lợi tha. Kinh
Vô Lượng Thọ nói: “Người nghe được danh hiệu Đức Phật A Di Đà, vui mừng hớn hở,
cho đến một niệm nên biết người này được lợi ích lớn, có đầy đủ công đức vô
thượng”. Nghe danh hiệu Phật tâm sinh hoan hỷ cho đến chỉ cần một niệm cũng
được công đức vô thượng, huống chi thường thường niệm Phật, tuỳ chổ niệm Phật.
Thiền Sư Vĩnh Minh Diên Thọ nói: “Một niệm tương ưng một niệm
Phật, niệm niệm tương ưng niệm Phật”. Chỉ cần niệm Phật không luận là tán tâm
hay chuyên tâm đều có công đức. Chuyên tinh nhất tâm đương nhiên là tốt mà tán
tâm niệm Phật cũng không đến nổi kém, chỉ cần muốn niệm là niệm, niệm niệm đều
tốt. Một niệm niệm Phật, một niệm liền trừ vọng tưởng ác nghiệp mà được siêu độ.
Có người siêu độ được một phút, có người siêu độ được vài giờ hoặc một ngày. Khi
ta niệm Phật thì khẩu thanh tịnh, tai thanh tịnh, mắt thanh tịnh, ý thanh tịnh,
tức là từ thế giới trần lao, ồn ào náo nhiệt ta chuyển hoá thành thanh tịnh tức
là ta đã siêu độ tức khắc.
Còn mong muốn đạt được sự siêu độ vĩnh cửu là phải con người đại
giải thoát đại ngộ triệt để, người này phải có tâm tu hành lâu dài, thường hành
Bồ Tát đạo, ngày ngày tăng trưởng trí tuệ, thời thời giữ lòng từ bi, độ mình
rồi lại độ người.
4- Tự độ- độ người: Người mê phải nhờ
Phật độ, người ngộ thì tự mình độ. Bước đầu cần nhờ người khác độ, khi đã trên
đường, có phương hướng rồi, thì phải học theo bi nguyện của Phật Bồ Tát, phát
nguyện tự độ rồi độ người.
Chúng ta niệm Phật để siêu độ báo ân. Lấy gì để báo ân? tức
lấy siêu độ để báo ân. Siêu độ ai? Siêu độ vong linh cũng tức siêu độ chính
mình, khiến cho tiên vong thân hữu đã qua đời cũng nhờ đó mà được siêu độ. Không
những chỉ siêu độ chính mình, siêu độ
cho vong linh, mà còn do sự tu hành của người Phật tử cải thiện được hành vi
của ba nghiệp thân khẩu ý. Từ nơi đạo tràng tu học mỗi người trở lại gia đình,
hoặc nơi làm việc, mỗi người đem cái sở học sở tu của mình, đem ánh sáng trí
tuệ và lòng từ bi mà cảm hoá và siêu độ cho người thân và bạn đồng nghiệp trong
môi trường sinh hoạt hằng ngày được thấm nhuần Phật pháp thì thật là công đức
vô lượng.
Sau khi thực tập tu học trong các đạo tràng, người Phật tử trở về
với đời sống hằng ngày của mình, tất cả những suy nghỉ, lời nói, nhân cách, cử
chỉ cư xử với mọi người, chúng ta nên toả sáng được vị đạo của người tu niệm,
đó chính là tinh thần siêu độ, tinh thần từ bi, trí tuệ là biểu thị công năng
giáo hoá thế gian mà bản thân mình đã được siêu độ rồi cần phải siêu độ cho
người.
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét