TỊNH ĐỘ PHƯƠNG TÂY VÀ TỊNH ĐỘ NHÂN GIAN
Không buông bỏ được thì tự mình không có trí tuệ, không buông bỏ
được thì đối với người sẽ không có từ bi. Nếu như không vì một mục đích nào,
luôn luôn đem lòng giúp đỡ và cảm thông để đối đãi với người, đó chính là học
tập từ bi và trí tuệ của Đức Phật. Người niệm Phật đến lúc từ bi và trí tuệ
viên mãn cũng chính là Phật.
a/ Thời thời chổ chổ đều niệm phật: Trong lúc ở tại gia đình
mình, hoặc lúc đến tham gia vào các khoá đạo tràng niệm Phật, hành giả cần phải
tâm niệm lúc nào cũng niệm Phật, bất cứ thời nào nơi đâu, tâm khẩu chỉ có một
tiếng niệm phật. Lên chánh điện, khi đi khi đứng khi ngồi đều nên đem tâm đặt
nơi danh hiệu Phật, tuỳ theo lúc có người không người mà ta niệm ra tiếng hoặc
niệm thầm. Dù đang làm việc, uống nước ăn cơm, tắm rửa v.v..cũng đều đề khởi
câu niệm Phật.
b/ Niệm Phật là pháp dễ tu mà cũng là pháp khó tu: Niệm
Phật là phương pháp dễ hành, mà cũng là phương pháp khó hành. Nói dễ là chỉ cần
niệm hồng danh sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật thì có thể tu hành được, còn nói khó
là chỉ cho phải niệm đến tâm không tạp niệm, và liên tục không gián đoạn thì là
việc không phải dễ. Ngày đêm 24 giờ không rời Phật hiệu, đó chính là hoàn thành
niệm Phật tam muội điều rất khó, nhưng khó không phải không làm được.
c/ Chỉ niệm Phật không nên nói chuyện: Trong thời gian tham dự vào đạo tràng niệm
Phật (1 ngày hoặc 1 tuần) chúng ta hãy làm cho được việc thấy mà không thấy,
nghe mà không nghe, tuyệt đối không nói chuyện.
Nguyên nhân của việc hạn chế hoặc cấm nói chuyện có 2 ý: a/ Nói ở trong
tâm không nên hướng ra ngoài mà nói, dưỡng thành tập quán không nói ra miệng,
cho nên có câu: Bệnh từ miệng mà vào, hoạ từ miệng mà ra. Cấm nói chuyện là dạy
chúng ta không chỉ cẩn trọng lời nói, mà còn tiêu trừ được phiền não bên trong,
không gây ảnh hưởng đến người khác, cũng không gây khổ não cho chính mình. b/
Chúng ta đã phát nguyện đến đây để tham dự vào khoá tu niệm phật để tu hành,
thì phải tâm tâm niệm niệm là phải nhớ sự phát nguyện đó, ngoài ra không mong
cầu việc gì khác, bình thời chúng ta đã nói chuyện quá nhiều rồi, trong tâm
cũng đã loạn tưởng quá nhiều, không dễ gì có cơ hội để chuyên tâm niệm Phật
được, cho nên đến với đạo tràng niệm Phật là điều may mắn, ai ai cũng niệm
Phật, trên thầy dưới bạn, giúp ta chánh niệm tu học trong một thời, thật là một
nhân duyên khó được, nên phải cố gắng tranh thủ niệm Phật nhiều, không nên để
phí thời gian nói chuyện.
Dù thời gian nào cũng đều nên niệm Phật, hoặc ra tiếng hoặc mặc
niệm, trong tâm chỉ có một câu niệm Phật mà thôi. Nghe người khác nói chuyện,
hoặc những tạp âm khác, trong tâm phải vừa niệm Phật vừa quán tưởng đó là y
chánh trang nghiêm của thế giới Cực lạc, tất cả âm thanh nghe được đều là niệm
Phật, niệm pháp, niệm tăng.
Nếu bạn nói không cẩn thận, hoặc giả trong tâm cũng quên cả niệm
Phật, thì phải khởi tâm hổ thẹn, nói với chính mình: Ta đến đây để niệm Phật tu
hành, không phải đến để nghe người ta nói chuyện, tự mình nói tạp nghỉ tưởng
lung tung. Khởi tâm hổ thẹn lập đi lập lại như vậy, cải sửa chính mình dần dần
tự nhiên có thể chuyên tâm niệm Phật.
d/ -Dùng tâm hổ thẹn
mà niệm Phật: Thời thời khắc khắc dùng khẩu niệm Phật, dùng tâm
niệm. Dùng tâm của mình chiếu cố đến âm thanh niệm Phật của mình với tâm niệm
Phật. Chiếu cố là quán chiếu chính ta có đang niệm Phật không. Khi phát hiện
mình đang xa rời danh hiệu Phật liền khởi tâm hổ thẹn, rồi chú tâm niệm Phật
trở lại. Tâm hổ thẹn không phải là chúng ta quá hối hận buồn rầu, mà chính là
sau khi biết liền sửa đổi cho tốt. Đương nhiên khởi tâm hổ thẹn để rồi sau đó
sám hối. Nếu biết mà không thể cải tiến được thì phải dùng tâm sám hối mà lễ
Phật.
đ/ Niệm Phật hồi
hướng như thế nào?
Có người niệm Phật hy vọng mình được tiêu tai gải nạn, được thoả mãn tâm
nguyện, có người niệm Phật nguyện đem công đức hồi hướng cho sự nghiệp của mình
hoặc của người nhà được thành tựu, nghiệp chướng tiêu trừ, gia quyến được bình
an, thân thể được khang kiện. Hồi hướng hiện đời được lợi ích cũng là việc
chính đáng. Nhưng đối với Phật pháp mục tiêu chính là thoát sanh liễu tử là
việc quan trọng hơn, việc an thân an tâm là việc phụ, nếu chúng ta đem tất cả
sự tu học đều hồi hướng cho một việc chính thì việc phụ trong đó đã có rồi. Vì
việc chính được thành nên do những việc phụ mà ra. Vã lại mỗi lần niệm Phật
chúng ta đều có đọc kệ hồi hướng rồi, mỗi tối đều có hồi hướng, cho nên không
cần phải nhất thiết hồi hướng nhiều lần, mà phải chí tâm niệm Phật không ngừng,
không thể cứ hồi hướng mãi làm mất thời gian niệm Phật, nhiễu loạn công phu
chuyên tâm niệm Phật.
g/- Niệm Phật đạt
được sự thanh lương: Người có phiền não càng ít thì cảm
giác thế giới mát mẻ trong lành, người có phiền não càng nhiều thì nhìn thế
giới như ngọn lửa lớn đang thiêu đốt. Cho dù khí hậu nóng bức, nhưng nếu có thể
niệm Phật đến mức tâm không lo nghỉ thì sẽ cảm được thế giới này là vô ưu vô
lự, tự do tự tại. Cũng có thể hội được khoảng cách Tịnh độ cõi Phật ngày càng
đến gần.
Bởi
vì tin Phật càng khẩn thiết, xưng niệm Phật hiệu càng thâm trầm, phiền não sẽ
càng ít đi, chỉ cần nguyện sanh Tịnh độ phương Tây, lúc sắp mạng chung Đức Phật
A Di Đà nhất định sẽ đến tiếp dẫn, phẩm vị hoa sen hoá sanh cũng càng cao càng
lớn, đó tức là thế giới thanh lương.
h/- Chuyên tu trì
danh niệm Phật: Pháp môn niệm Phật vốn có bốn loại:
Quán tượng niệm phật, Quán tưởng niệm Phật, Thật tướng niệm Phật và trì danh
niệm Phật. Đại Sư Trí Giả tông Thiên Thai chủ trương từ thiền quán mà vào thật
tướng. Đến Đại Sư Liên Trì cuối đời Minh chủ trương thể cứu niệm Phật, khuyên
tu niệm Phật Tam muội. Đời Thanh vẫn có nhiều vị Đại sư tu Ban chu tam muội
thiền tịnh song tu. Tuy nhiên đến Ngài Ấn Quang năm đầu Dân quốc, đặc biệc chú
trọng chấp trì danh hiệu trong kinh A Di Đà, cho rằng thật tướng niệm Phật rất
khó thực hành, người hạ căn ngày nay chẳng thể theo kịp. Vì thế Đại sư chủ
trương trì danh niệm Phật, hạ thủ dễ mà thành công cao, ấy là toàn sự tức lý,
toàn vọng tức chân, có thể khiến cho người niệm Phật hiện đời dự nhập dòng
thánh, lâm chung theo Phật vãng sanh, khai tri kiến Phật, đồng Phật thọ dụng. Ngài
đã dùng phong khí khéo léo quét sạch thiền tịnh lẫn lộn, đem lý làm sự. Ngài
cho rằng thời mạt pháp hiện nay, muốn ra khỏi đời ác năm trược, ngoài việc
chuyên tu trì danh niệm Phật tịnh độ phương Tây, không có pháp môn nào khác có
thể nương dựa. Đó cũng chính là lý do khoảng 10 năm gần đây phong khí niệm Phật
càng tăng, càng phổ biến.
J/- Chân thật trì danh niệm Phật: Khuyên mọi người nên chí thành tu hành pháp môn niệm Phật trì danh, pháp
môn này có thể giúp chúng ta lúc sắp mạng chung quyết định vãng sanh cõi Phật. Trong
hiện đời cũng có thể nâng cao nhân phẩm, tiêu trừ nghiệp chướng tự lợi lợi tha.
Nếu có thể niệm Phật khẩn thiết, công phu miên mật, cũng có khi xuất hiện cảnh
giới hoát nhiên tâm khai. Bởi vì bản thân trì danh niệm Phật tức là một trong
những phương pháp tu hành thiền quán. Cho nên trong “Nhập Đạo An Tâm Yếu Phương
tiện Môn”. của Ngài Đạo Tín tổ thứ tư thiền tông, đặc biệc dẫn dụng pháp tu
Nhất hạnh tam muội nêu trong kinh Văn Thù Thuyết Bát Nhã là: “Cột tâm vào một
vị Phật, chuyên xưng danh hiệu Ngài” và như kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói: “Tâm
này làm Phật, Tâm này là Phật”, cũng được Đại Sư Đạo Tín dẫn dụng. Đủ chứng tỏ
rằng hai môn thiền tịnh vốn là một nhà, phương pháp có thể hổ thông, chỉ là
không được dùng tâm gian dối để trục lợi mà thôi.
Trì danh niệm Phật, nghiệp tiêu chướng nhẹ, trong tâm tự nhiên an tỉnh,
nhìn thế giới cũng sẽ tự nhiên thanh tịnh, nhìn mọi người dù nhân duyên thuận
nghịch cũng có thể xem là chư thượng thiện nhơn trợ giúp thành đạo lớn Bồ đề. Dù
họ dùng thái độ nào đối đãi với chúng ta cũng đều có thể làm tăng trưởng tư
lương tịnh độ của chúng ta.
Nếu
có thể dùng tâm trạng chân thật niệm Phật như lời Đại Sư Liên Trì đã dạy mà trì
danh niệm Phật, tuy không cầu lợi và an lạc cho mình, trên thực tế sẽ khiến cho
bạn thuận lợi mọi bề, được người đắc đạo trợ giúp, dù cho có gặp nghịch cảnh
cũng có thể biến xấu thành tốt. Đó chính là hiện đời niệm Phật đạt được an toàn
bảo đảm, vị lai nhất định vãng sanh Tịnh độ.
Dùng
tâm thanh tịnh, chân thật niệm Phật, đem tâm chấp trước và tâm tự tư mà mình
có, dần dần buông bỏ để chuyên tâm nhất ý niệm Phật, cảm thọ và quan niệm tự
nhiên sẽ được cải biến, chuyển nhà lửa tam giới thành thế giới thanh lương,
biến vô minh phiền não thành biển trí tuệ, hoá tham dục sân nhuế thành tấm lòng
từ bi. Lúc ấy thấy chúng sanh hiện hữu ở thế giới này đều là Bồ Tát, hiện đời
đã thể hội được y chánh trang nghiêm của
thế giới Cực lạc phương Tây. Cho nên công đức niệm Phật thực tại rất tốt đẹp,
rất to lớn, mong mọi người nên chân thật niệm phật.
Phật
A Di Đà có 14 danh hiệu: Chúng ta
niệm Phật A Di Đà mỗi ngày, mà ý nghĩa danh hiệu của Ngài có thể vẫn có nhiều
người chưa biết đến. Y cứ vào sự giới thiệu trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật A Di
Đà lại có tên Phật Vô Lượng Thọ, Phật Vô Lượng Quang, Phật Vô Biêng Quang, Phật
Vô Ngại Quang, Phật Vô Đối Quang, Phật Viêm Vương Quang, Phật Thanh Tịnh Quang,
Phật Hoan Hỷ Quang, Phật trí Tuệ Quang, Phật Bất Đoạn Quang, Phật Nan Tư Quang,
Phật Vô Xưng Quang, Phật Siêu Nhật Nguyệt Quang, tổng cộng có 14 tôn hiệu, đều
đại biểu cho trí tuệ rộng lớn và từ bi rộng lớn của Phật A Di Đà. Cũng có thể
nói, nếu người hay tu pháp môn niệm Phật của Phật A Di Đà và được Đức Phật
chiếu cố, thì có thể ở mọi lúc mọi nơi, ánh sáng trí tuệ và lòng từ bi của Phật
mãi mãi trợ giúp cho chúng ta được bình an, dũng khí, thanh tịnh, không có gì
có thể so sánh được, rất tốt không thể nghỉ bàn. Dù có chúng sanh ngu muội cự
tuyệt Ngài, nhưng Ngài vẫn mãi mãi không để cho bất kỳ chúng sanh nào thất vọng.
Nếu có chúng sanh phiền não chướng ngại, có nghiệp chướng hiện tiền, chỉ cần
trì danh xưng niệm thánh hiệu Phật A Di Đà sẽ được tâm khai ý giải, cõi lòng
cởi mở.
Phật
A Di Đà là Trí tuệ và Từ bi:
Tất
cả trạng huống sự vật của thế gian, đều do mối quan hệ nhân quả trước sau tạo
thành, cũng là do mối quan hệ nhân duyên bất đồng mà hình thành, cho nên nói
nhân quả bất khả tư nghị, nhân duyên bất khả tư nghị. Phàm tất cả sự việc chúng
ta chỉ biết tận lực mà làm, nhưng không thể tuỳ tâm mong muốn cái gì liền được
cái đó. Người phàm phu ngu si không hiểu được đạo lý này, cho nên cứ mong muốn
mọi việc đều được như ý, nếu không được bèn quay trở lại, không oán trời trách
người thì cũng mất tự tin, sinh khởi phiền não, cho nên cần phải niệm Phật để
nhờ sức Phật đem ánh sáng trí tuệ cho ta.
Không buông bỏ được thì tự mình không có trí tuệ, không buông bỏ
được thì đối với người sẽ không có từ bi. Hay nghỉ tưởng như thế đối với tất cả
người sẽ sinh khởi tâm thông cảm và tâm tôn kính. Thông cảm vì người ta cũng là
phàm phu trói buộc, tôn kính vì người ta cũng có nhân cách độc lập. Như đối với
sự khổ nạn rắc rối của người khác ra tay cứu giúp không có điều kiện, đó chính
là tâm từ bi. Nếu như không vì mục đích nào hết, lúc nào cũng dùng tâm trợ giúp
và cảm thông đối đãi với người tức là tấm lòng của Bồ Tát, cũng là từ bi của Bồ
Tát. Bồ Tát là giai đoạn dự bị để thành Phật, người tu hành gọi là Bồ Tát, tức
là học tập từ bi và trí tuệ của Đức Phật. Người niệm Phật đến lúc từ bi và trí
tuệ viên mãn cũng tức là Phật.
Chúng
ta đã có từ bi thì không có kẻ thù địch và khi chúng ta có trí tuệ thì không có
tâm phiền não. Trên thực tế nếu đem Từ bi và trí tuệ phát huy rộng rãi thì
chính là Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ. Thanh Tịnh Quang, Hoan Hỷ Quang, Trí Tuệ
Quang của Phật A Di Đà. Dùng thọ mạng vô lượng mãi mãi cứu độ chúng sanh, dùng
trí tuệ vô lượng phổ chiếu chúng sanh, dùng từ bi vô lượng bình đẳng thương xót chúng sanh.
Người tu hành pháp môn niệm Phật, phải nên biết ý nghĩa của Phật
A Di Đà. Nếu muốn đích thân mình thể nghiệm ý nghĩa này, nên dùng trí tuệ và từ
bi để phát nguyện hồi hướng cho mình được sinh Tịnh độ cõi Phật, cũng phát
nguyện mong muốn cho tất cả chúng sanh nhờ công đức niệm Phật của chúng ta mà
được vãng sanh Tịnh độ cõi phật, đó chính là tâm phát nguyện hồi hướng.
Tịnh niệm tương kế nhập lưu vong sở:
Nếu dùng thâm tâm niệm Phật ngay đó xa lìa được thống khổ phiền não. Nếu dùng
chuyên tâm niệm Phật, thì sẽ phát hiện phiền não vốn không trụ tại trong tâm. Nếu
dùng nhất tâm niệm Phật, niệm niệm đều là Phật A Di Đà, đó là tịnh niệm tương
kế như trong kinh Lăng Nghiêm đã nói. Nếu dùng vô tâm niệm Phật, lập tức mất cả
tự mình năng niệm và Phật hiệu sở niệm, đó là “nhập lưu vong sở” như kinh Lăng
Nghiêm đã nói. Niệm Phật mà được nhất tâm như đại Sư Liên Trì nói có sự nhất
tâm và lý nhất tâm. Tâm không vọng tưởng là sự nhất tâm, trong tâm vô ngã tức
là lý nhất tâm, thân chứng thật tướng Bát Nhã. Đại Sư Trí Giả tông Thiên Thai
sáng lập thuyết “một niệm ba ngàn”, y cứ vào sám nghi Pháp Hoa Tam Muội do Ngài
soạn. Một niệm của Đại Sư Trí Giả là thông cả phàm thánh mười pháp giới. Một
niệm vọng tâm của phàm phu cũng tức là đầy đủ ba ngàn công đức. Đủ biết tông
Thiên Thai tuy lập bốn loại Tịnh độ, nhưng trong một độ nào cũng nhiếp cả ba độ
khác, trong một niệm nào cũng thường có đầy đủ sự lý, không cần phải quan tâm
chúng là sự nhất tâm hay là lý nhất tâm, cũng không cần phải quan tâm chúng là
phàm hay thánh, chỉ cần nắm chắc một niệm tâm ngay lúc đó chính là toàn thể đại
dụng của tất cả chư Phật trong mười phương ba đời. Dùng cách này để quán sát
công đức niệm Phật, dù tán tâm niệm Phật hay nhất tâm niệm Phật, đều có vô lượng
công đức, đều có thể hiện đời dự vào dòng thánh như đại Sư Ấn Quang đã nói. Đây
cũng tức là viên giáo sở nhiếp của tông Thiên Thai.
Đến như làm thế nào để nắm chắc một niệm tâm hiện tiền, vẫn phải
là tu quán hạnh thường hành tam muội trong bốn loại tam muội của tông Thiên
Thai, tức là lấy 49 ngày là kỳ hạn, hằng trì danh hiệu Phật A Di Đà, ngày đêm
không có dừng nghỉ.
Ba loại người niệm
Phật: Mục đích niệm Phật có ba loại 1/- Loại người
niệm Phật để cầu tiêu tai gải nạn sống lâu, lành bệnh khang kiện, siêu độ người
mất. 2/- Loại người niệm Phật là để cầu lúc lâm chung được vãng sanh về Tịnh độ
Cực lạc Phương Tây. 3/- Loại người lúc niệm Phật, niệm niệm Phật hiệu niệm niệm
tịnh độ, niệm niệm Phật hiệu trong mỗi niệm thể hiện vô lượng công đức của Phật.
Ba loại người này, loại trước không bằng loại sau. Loại sau toàn nhiếp loại
trước. Nếu chúng ta lấy việc kiếm tiền làm thí dụ thì loại người thứ nhất là
kiếm được tiền sắt, loại người thứ hai là kiếm được tiền đồng và bạc, loại
người thứ ba là kiếm được tiền vàng và kim cương. Nếu chỉ lấy tiền sắt, nhất
định không đổi được tiền bạc và tiền vàng. Nếu lấy được tiền vàng và kim cương,
đương nhiên có thể mua được tiền sắt và tiền đồng, tiền bạc. Cho nên khuyên
những người niệm Phật cần phải chọn mục tiêu cao nhất, không nên dừng lại ở
loại một.
Làm thế nào để lấy được
tiền vàng? Phải có đại nguyện, ra sức quyết tâm, dùng thâm tâm niệm Phật,
chuyên tâm niệm Phật, nhất tâm niệm Phật, cho đến tiến một bước nữa đạt đến
trình độ vô tâm niệm Phật.
Một niệm niệm Phật thời một niệm thấy tịnh độ: Niệm Phật
không nên nóng vội, vì nhất tâm niệm Phật và vô tâm niệm Phật là việc so ra
không dễ gì làm. Ngay như tâm trạng và quan niệm của người niệm Phật ba loại
thì có thể dùng tín tâm để thử thể hội, ít nhất cũng phải hiểu, trong miệng
niệm Phật ra tiếng trong tâm biết là đang niệm Phật một niệm tiếp nối một niệm,
một tiếng liền nhau một tiếng, tin rằng mình đang niệm Phật A Di Đà, công đức
bổn nguyện của Phật A Di Đà đều ở trong mỗi tiếng Phật hiệu, cũng đều ở trong
một niệm niệm Phật mà mình đang niệm. Đây là điều có thể làm được, nếu chúng ta
làm được như vậy thì lúc một niệm niệm Phật, một niệm thấy tịnh độ. Thấy tịnh
độ nào? Đương nhiên là thấy tịnh độ của Phật A Di Đà, đó là tịnh độ trong tâm
mình cũng chẳng lìa tịnh độ phương Tây, đây chính là tịnh độ nhân gian cùng với
bốn loại tịnh độ có mối quan hệ mật thiết, không một cũng không khác.
Người tu học phải
biết quý tiếc tài nguyên thiên nhiên: Nguồn tài nguyên
thiên nhiên của thế giới chúng ta đang ở có giới hạn, cho nên lúc được ăn no
mặc đẹp ta phải nghỉ đến ngày đói khổ bần cùng, lãng phí toàn bộ nguồn tài
nguyên của địa cầu sẽ bị giảm thiểu. Chúng ta đang ở nơi có đầy đủ nước để dùng
cũng là một phước báo của chúng ta, lúc có nước dùng, tuy nước không có giá trị
bằng tiền bằng vàng, nhưng lúc thiếu nước, nước so với vàng lại càng quý hơn. Không
có vàng người ta không chết, không có nước uống thì người ta không sống được. Lúc
đại hạn hán đến, một giọt nước khó tìm. Cầu trời không ứng, kêu đất đất cũng làm
ngơ, đó đều là do nơi phước báo không đủ, mới có tai nạn giáng lâm. Cho nên mọi
người cần phải bồn phước bằng cách quý tiếc tài nguyên thiên nhiên cũng là một
việc tu học lợi cho mình và cho mọi người vậy.
Cảm ân và báo ân: Là người tu học, chúng
ta nên dùng tâm báo ân để sinh hoạt, để làm việc, thì sự tu hành nhất định sẽ
được cảm kích và sẽ không có ý niệm oán hận, thất vọng. Dù làm được công việc
gì chúng ta nên hướng tâm hồi hướng vì để báo ân, báo đáp, ân huệ của cha mẹ,
sư trưởng, Tam Bảo, quốc gia xã hội và tất cả chúng sinh. Dù là trách nhiệm hay
nghĩa vụ, cho đến các sự việc xảy ra đối với ta không hợp tình hợp lý, đều xem
là không phải là bị hại, cũng không phải trả nợ, mà xem đó là hoàn nguyện báo
ân, chúng ta sống phải ăn uống ngủ nghỉ, đi lại, tất cả phương tiện đều phải
nhờ vào tài nguyên thiên nhiên, vào xã hội vào tất cả mọi người, chúng ta mới
tồn tại và phát triển, nên đối với bốn ân không ai là không mắc nợ, và không
lúc nào chúng ta được quên. Gặp trường hợp nào có lợi cũng không nên quá mừng,
gặp thất bại cũng không nên oán hận. Nếu siêng niệm Phật tất nhiên đối với các
cảnh thuận nghịch, nhất nhất phải dùng tâm bình thường để đối xử, dùng tâm cảm
ân để xử lý. Nếu dùng tâm cảm ân đối mặt với cuộc sống thì sẽ có các loại thiện
pháp, thiện cảnh giới xuất hiện, sẽ cảm nhận được pháp hỷ sung mãn. Ít nhất lúc
đối với cảnh ác hiện tiền tâm ta không đến nổi bức xúc khổ đau, mà còn bình
thản trước mọi việc.
Hạnh kết duyên với
mọi người: Trong Phật giáo có những ngày lễ lớn
như Vu Lan, Phật Đản, lễ vía cho đến những lễ khánh thành, Hoàn nguyện v. v số lượng người tham dự rất đông. Vì thế có
nhiều người phát nguyện trợ duyên để cho các Phật sự được hoàn mãn tốt đẹp, như
những người phụ giúp hướng dẫn nơi nhà khách, trật tự bên ngoài bên trong, quét
dọn sửa sang cảnh chùa, dù mưa hay nắng, những người này đều tuỳ hỷ, cho đến
những vị phát tâm lo việc nhà bếp cũng rất cực nhọc, đi chợ mua đồ, rồi lặt rau
rửa cải, nấu nướng, rửa dọn thật là vất vả, tất cả họ chỉ hy vọng đem lại sự
thành tựu tu hành của chúng ta, để báo ân Tam Bảo, cha mẹ, sư trưởng, ân chúng
sanh và ân quốc gia. Bởi vì sự tu học của chúng ta là cải biến tự thân của
chúng ta đối với thân hữu và xã hội quảng đại quần chúng, sẽ có ảnh hưởng tích
cực trực tiếp, sẽ đem lại lợi ích cho tất rất nhiều người. Cho nên những vị
phát tâm làm công quả hộ trì đạo tràng tu học, cũng là tu hành Phật pháp và
hoằng dương Phật pháp. Chúng ta thường chỉ nghỉ đến những người ngồi trên chánh
điện mới là người báo ân, mới là tu hành. Kỳ thật, các vị hộ trì chúng ta tu
học cũng là tu hành, mà còn đại tu hành nữa. Cho nên những người đến đạo tràng
tu học mỗi người nên phát tâm trợ duyên công quả hộ trì đạo tràng tu học. Như
vậy mọi người đều đem sở tri, sở năng và sở hửu sở trường của mình để kết thiện
duyên với nhiều người và cũng chính để mọi người kết thiện duyên với chính họ. Tịnh
độ nhơn gian của chúng ta, chính là phải dựa vào niềm tin và hành động như thế
để kiến thiết.
Khẩn thiết, hoan hỷ,
không lìa danh hiệu Phật: Quý vị niệm Phật nên biết, chúng ta hiện
tại bắt đầu tu hành niệm Phật trong một ngày (1 tuần) mong quý vị nên dùng tâm
khẩn thiết, tâm hoan hỷ để tu hành pháp môn niệm Phật trong một ngày (hay 1
tuần) tốt nhất chúng ta nên xem niệm Phật trong một ngày (1 tuần) như là bắt
đầu lại một đời sống mới. Chúng ta bình thường dùng tán tâm niệm Phật, trong
thời gian niệm Phật một ngày (1 tuần) phải dùng chuyên tâm niệm Phật, sau đó
đến nhất tâm niệm Phật. Vì sao phải hoan hỷ? Vì chúng ta có thể niệm Phật được,
lại có thể tham gia niệm Phật trong một ngày (hay 1 tuần) là nhờ bản thân của
quý vị có đại phước báo, căn lành sâu dày, rất nhiều người muốn được như quý vị
mà không làm được mà quý vị làm được, cho nên phải hoan hỷ. Đồng thời lúc niệm
Phật phải đem tâm niệm của quý vị và danh hiệu Phật gắn liền với nhau, tạo
thành một khối. Danh hiệu Phật chính là bản thân của quý vị, bản thân của quý
vị chính là danh hiệu Phật, tâm của bạn phải tương ưng với danh hiệu của Phật A
Di Đà. Ở trên Phật điện niệm Phật, ở trong trai đường niệm Phật, lúc đi ngủ
cũng niệm Phật, khi đi làm lễ cũng niệm cho đến rửa tay, mặc áo ăn cơm v.v.. đều cũng niệm, dù niệm thầm hay niệm ra tiếng
trong tâm lúc nào cũng có danh hiệu Phật.
Trí tuệ vô lượng: Ý nghĩa Phật A Di Đà là
Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, tức là thọ mạng vô lượng và ánh sáng vô lượng,
Phật A Di Đà có thể ở trong khoảng thời gian dài vô tận tiếp dẫn chúng sanh vô
lượng, cho nên gọi là vô lượng thọ, hay dùng trí tuệ vô biên và lòng từ bi vô
tỉ, chiếu cố đến chúng sanh trong biển khổ vô cùng, cho nên gọi là vô lượng
quang. Lúc chúng ta niệm Phật, trong tâm phải tương ưng với từ bi và trí tuệ,
cũng tức là phải tương ưng với vô lượng quang của Phật A Di Đà, tâm của chúng
ta vĩnh viển không được xa lìa trí tuệ và từ bi. Tâm của chúng ta cũng vĩnh
viển không được xa lìa danh hiệu Phật A Di Đà, đó cũng là vô lượng thọ.
Không một không hai,
sinh mạng vô thường: Lúc niệm Phật, Phật A Di Đà với
chúng ta hiệp làm một, không một không hai, cũng không phải một cũng hông phải
hai. Bởi vì ngay lúc chúng ta niệm Phật, Phật A Di Đà là danh hiệu mà chúng ta
phải niệm, cho nên không phải là một, thế nhưng lúc niệm Phật A Di Đà, tâm
chúng ta với Phật A Di Đà hợp làm một, cho nên không phải một cũng không phải
hai.
Ta cùng niệm Phật chung với mọi người một
chổ, cũng là không một không hai. Bởi vì mọi người cùng niệm Phật A Di Đà, bạn
niệm Phật A Di Đà của bạn, tôi niệm Phật A Di Đà của tôi, mà không phải một
người niệm, thế nhưng mọi người ở một chổ cùng chung niệm Phật A Di Đà, trong
tâm chỉ có một Phật A Di Đà chung, cho nên cũng không thể tách rời được.
Nếu thể nghiệm được đạo lý này, chúng ta có thể tin tưởng đang
lúc bản thân mình tham gia niệm Phật, những oán thân trái chủ của chúng ta, cha
mẹ và thân hữu của chúng ta hiện còn, tiên vong quyến thuộc của chúng ta cùng
với chúng ta không một không hai, cùng với chúng ta niệm Phật một chổ. Chúng ta
được lợi ích về niệm Phật, họ cũng được lợi ích về niệm Phật, cho nên niệm Phật
hồi hướng để báo ân, một mặt tự mình được công đức tu hành, đồng thời cũng đem
công đức tu hành này, chia cho thân hữu trái chủ của chúng ta. Dù là người còn
sống hay đã chết họ đều nhờ công đức niệm Phật của chúng ta mà hưởng được lợi
ích rất lớn.
Trong khoá trình tu hành niệm Phật, điều cần thiết nhất là chúng
ta không nên nói chưyện cho đến cũng không nên đối thoại với chính mình, chỉ
chuyên tâm niệm phật. Đồng thời phải lợi dụng thời gian nhàn rổi vừa niệm phật
vừa lễ Phật, mỗi ngày ít nhất cũng phải được 300 lạy. Hy vọng chúng ta không
nên lãng phí thời giờ, sanh mạng vô thường thời gian có hạn.
-Tham gia đạo tràng
niệm Phật chính là báo ân: Tham gia tu hành niệm Phật là vì
để báo ân, Vậy báo ân ai? Phật dạy có 4 thứ ân cần phải báo: 1/ Ân Tam Bảo. 2/ Ân cha mẹ. 3/ Ân Sư trưởng. 4/ Ân chúng sanh. Chủ yếu là báo ân cha mẹ và
ân chúng sanh.
Người
Trung Quốc và người Việt Nam trong một năm thường có các ngày cúng tổ tiên. Như
Tết, mùng 5 và các ngày giỗ kỵ. Đây chính là truyền thống uống nước nhớ nguồn,
biểu lộ tấm lòng thành nhớ ân đối với tổ tiên, biểu thị sự tưởng nhớ và lòng
biết ơn.
Đây
chính là phong tục tập quán của dân tộc do lịch sử tạo thành. Người TQ và người
VN xem trọng việc cúng tổ tiên, nên một năm ấn định các ngày như vậy. Đối với
dân tộc Ấn Độ và Âu Mỹ thì họ không hiểu và không thích hợp lắm. Thế nhưng lấy
phong tục của người TQ và VN để nói thì là rất trọng yếu. Phật giáo truyền từ
Ấn Độ qua Trung Hoa và VN nhưng không phế bỏ tập quán của Trung Hoa và VN, mà
trái lại còn thích ứng với văn hoá bản địa Trung Hoa và VN, tín đồ Phật giáo
cũng tế tự tổ tiên giống như người Trung Quốc và VN vậy.
Người
ta thường chỉ biết cúng tế một lần vào các dịp Tết, thanh minh như vậy có tác
dụng gì không? Có, đấy cũng chính là một
loại thăm hỏi đối với tiên vong quyến thuộc, cho đến đối với những cô hồn vất
vưỡng, biểu thị sự quan tâm, cho nên có tác dụng, thế nhưng không phải là nhiều
lắm, nếu có thể vận dụng Phật pháp để siêu độ tiên vong, thì mới có tác dụng
lớn lao chân chính. Bởi vì dùng Phật pháp để hoá giải phiền não oan kết trong
tâm của họ, khiến họ có thể ly khai quỷ đạo mà sớm về thiên đạo, hoặc sinh
thiên quốc, hoặc vãng sanh tịnh độ cõi Phật. Đem công đức niệm Phật và năng lực
niệm Phật của chúng ta hồi hướng cho họ, đồng thời cũng dẫn dắt họ cùng niệm
Phật, giúp cho tiên vong quyến thuộc và những cô hồn không người thờ cúng được
siêu sanh lìa khổ. Đó chính là dùng Phật pháp để làm phật sự siêu độ, so với
việc biểu lộ bằng hình thức lễ cúng tảo mộ hoặc đốt giấy tiền vàng bạc v.v.. có
tác dụng hơn nhiều.
Cho
nên chúng ta dùng công đức tu hành niệm Phật để báo ân, có lợi cho người chết
mà cũng có ích cho người sống, mới là hữu dụng chân thật. Bao quát cả chúng
sanh hữu hình và vô hình đều được lợi ích. Họ từ vô thỉ cho đến nay đối với
chúng ta đều có ân, cho nên cũng dùng công đức niệm Phật để hồi hướng cho họ,
đồng thời cũng dùng oai lực Tam Bảo dẫn dắt họ cùng tu hành.
Báo ân như thế nào? Mỗi người tu học
Phật pháp đều phải lập chí phát nguyện làm một người báo ân. Trước hết là chiếu
cố làm sao cho gia đình mình, hiểu Phật tin Phật nhiều hơn, và ít phiền toái
hơn. Chúng ta nên dùng bố thí và cúng dường Tam Bảo để hổ trợ cho người tiếp
thụ Phật pháp, tu học Phật pháp càng nhiều hơn, sắp xếp thời gian nhàn rỗi tham
gia các công tác phúc lợi. Tự mình tu trì Phật pháp được lợi ích, cũng nên hổ
trợ nhiều người tu học Phật pháp đạt được lợi ích.
Thời gian chúng ta còn nhỏ, còn nghèo chưa làm ra của cải tiền bạc,
chúng ta không thể cung phụng cha mẹ ta được miếng ngon miếng ngọt, đối với Tam
bảo cũng không thường xuyên cúng dường được. Bây giờ chúng ta trưởng thành,
chúng ta nhất định sẽ báo ân cha mẹ, thầy tổ. Nhưng báo ân bằng cách nào đây?
Có nhiều người đến lúc muốn báo ân cha mẹ, thì cha mẹ đã qua đời, thầy tổ đã
khuất bóng. Vậy nên chỉ có cách duy nhất, dùng cái thân thể của cha mẹ sanh ra
ta, mà tu học Phật pháp hoằng dương Phật pháp cho tốt, càng nhiều giúp chúng
sanh lìa khổ được vui để báo ân cha mẹ. Dùng cái trí hiểu biết của thầy tổ trao
truyền cho mình mà đem ra ban trãi cho chúng sanh được thấm nhuần Phật pháp lìa
mê sang giác. Chúng ta đã mang rất nhiều ơn của các bậc thầy tế độ, bao quát
trước sau rất nhiều thầy, các ngài đã dẫn dắt chúng ta ra khỏi trần ai. Đã chỉ
rõ cho ta con đường nào nguy hiểm chông gai, con đường nào hanh thông đại lộ an
toàn, ân sâu hơn biển, đức dày tợ trời cao. Nào là các thầy truyền giới, truyền
pháp, dạy đạo v. v đều là ân nhân của người tu học không làm sao báo đền hết
được, chỉ biết mỗi ngày vào lúc khoá tụng vì các ngài mà lễ bái, đem ân đức thọ
nhận từ các ngài phổ thí cho tất cả chúng sanh hữu duyên để làm sự báo ân.
Ý
nghĩa và công năng của siêu độ: Căn cứ Phật pháp để nói về ý
nghĩa siêu độ chúng sanh và công năng siêu độ chúng sanh. Ý nghĩa siêu độ là
dùng Phật pháp thanh tịnh hoá giải khổ nạn chúng sanh, khiến cho chúng sanh ra
khỏi phiền não sinh về tịnh độ Phật quốc.
Mục
đích chúng ta tu học Phật pháp chính là từ bỏ bờ bên này siêu độ đến bờ giải
thoát bên kia. Có rất nhiều người hiểu lầm cho là Phật pháp chỉ siêu độ người
chết, siêu độ vong linh. Kỳ thật Phật pháp tuy có công năng siêu độ vong linh,
nhưng tác dụng lớn nhất của nó là siêu độ người sống tu hành Phật pháp. Từ
trong ngu muội vô minh phiền não đạt được giải thoát. Dùng năng lực tu hành
Giới, Định, Huệ, có thể khiến cho chúng ta từ phàm phu sinh tử đạt đến cảnh
giới Bồ Tát, Phật bất sinh bất tử, đó mới là siêu độ chơn chính.
Công
đức siêu độ có cạn sâu. Trên đường tu hành Phật pháp, đi một bước là siêu độ
một bước, đi hai bước là siêu độ hai bước. Chúng ta mỗi khi niệm một câu danh
hiệu Phật thì ở trong biển khổ di chuyển đến bờ một bước. Cho nên tín đồ Phật
giáo trong địa vị phàm phu là đang siêu độ, Phật Bồ Tát trong địa vị thánh giả
là đã siêu độ. Chúng ta mỗi khi niệm Phật một câu danh hiệu Phật đều đang siêu
độ chính mình. Tổ tiên hoặc oán thân trái chủ của chúng ta, cho đến những cô
hồn vô tự đối với chúng ta có duyên nhờ sự niệm Phật của chúng ta mà được lợi
ích, được siêu độ. Đó là chúng ta báo ân, kết duyên, hoàn nguyện, có sự quan
tâm, cũng tức là thực hành đạo Bồ Tát tự lợi lợi tha. Dùng Phật pháp để trợ
giúp vong linh, khiến cho họ nghe được Phật pháp, cũng có thể được tâm khai ý
mở, phát sinh trí tuệ, cầu sanh tịnh độ Phật quốc. Đó gọi là siêu độ chúng sanh.
Từ quan điểm Phật pháp để lý giải, chúng sinh đều ở trong ngũ thú
lục đạo từ sinh đến tử, tử rồi lại sinh, gọi là sinh tử hữu duyên, không phải
vĩnh viễn làm quỷ, không phải vĩnh viễn làm người, cũng không phải vĩnh viễn
làm súc sanh hay làm thiên thần. Bởi vì người phải chết, ngũ thú chúng sanh đều
phải chết. Họ chết rồi sau này làm gì? Đi chuyển sinh, chuyển sinh đến đâu? Là
y theo nghiệp nhân của chính họ từ vô thuỷ đến nay, mà sinh đến chổ phải sinh. Nhân
duyên lành thì sinh đến chổ lành, nhân duyên ác thì sinh đến chổ xấu. Nếu tu
nhân duyên Bồ đề vô lậu, nương nhờ nguyện lực của Phật thì sẽ sinh về Tịnh độ
cõi Phật. Chiếu theo lời giảng trên thì tổ tiên của chúng ta, oán thân trái chủ
lịch kiếp không nhất định đều ở trong quỷ thú. Bởi vì từ vô thuỷ kiếp đến nay,
chúng ta với rất nhiều chúng sanh phát sanh quan hệ ân oán với nhau. Cho nên
chúng ta vẫn không biết được có bao nhiêu chúng sanh có quan hệ với chúng ta ở
trong quỷ đạo thần đạo hoặc thiên đạo, và chúng ta cũng không biết có bao nhiêu
oán thân trái chủ ở trong địa ngục đạo và súc sanh đạo. Để báo ân họ, chúng ta nhất định phải dùng Phật
pháp, đem công đức tu học Phật pháp, hoằng dương Phật pháp, hộ trì Phật pháp để
hồi hướng cho họ, khiến cho họ được lợi ích, có thể lìa khổ được vui.
Quỷ và thần: Chúng sanh thuộc quỷ đạo chia làm ba loại: Quỷ
thần vô tài, Thiểu tài và đa tài. Loại vô tài vô phước là ngạ quỷ không có tự
do. Thiểu tài thiểu lực là quỷ thần nương gá nơi cây cỏ. Đa tài đại phước là
quỷ thần tự do đại lực. Quỷ không có tự do là chúng sanh ở địa ngục. Nhưng cũng
có một số quỷ thần, tuy không có phước báo, nhưng cũng không có tội báo lớn lắm.
Hoặc giả có một loại linh thể chúng có tội báo và phước báo vẫn chưa có thọ
báo, đang đợi nhân duyên đi thọ báo, vẫn ở trong vòng quỷ đạo. Những hồn ma này
lơ lững ở không trung, trôi nổi tại nhân gian mà mắt thịt của con người không
thể nhìn thấy được. Những quỷ thần nầy rất dễ kết duyên với người, có một số
cũng quấy phá người. Do đó nếu chúng ta dùng Phật pháp kết duyên với họ, đối
với họ có lợi ích rất lớn, giúp họ sau khi tâm ý khai mở có thể được siêu độ.
Quỷ thần tự do và không tự do ở chổ là quỷ thần phước báo lớn thì phạm vi
tự do của họ lớn tương đương. Quỷ thần ở Trung Quốc có thể đi Mỹ quốc. Quỷ ở Mỹ
Quốc có thể đến Đài Loan. Họ có một số thần thông lực muốn đi đâu liền đến đó. Nhưng
có một số quỷ thần phước đức kém, chỉ có
thể ở địa phương, chẳng hạn như họ ở Bắc đầu chỉ có thể hoạt động ở khu vực Bắc
Đầu. Như ở thành phố Đài Bắc có một khu vực 20 năm về trước là pháp trường xử
bắn phạm nhân, hiện nay nơi nầy đã xây dựng một cơ quan lớn, các nhân viên nhà
nước lúc mới dọn đến phát hiện rất nhiều chuyện, chẳng hạn như không ai khởi
động thang máy, tự động nó đi lên đi xuống. Có người nghe trong phòng trống có
tiếng dọn đồ đạt, ngoài ra có những lúc đột nhiên cúp điện, cũng có lúc nghe
tiếng hô khẩu lệnh, tiếng súng bắn, miêu tả những thứ chuyện kỳ lạ. Tất cả
những hiện tượng này đều do những linh thể sau khi chết do vì phước ít nghiệp
duyên chưa đủ để đi đầu thai hoặc chuyển sang nơi khác, nên họ vẫn còn ở mãi
nơi trụ xứ của họ sinh ra, lớn lên làm việc, rồi chết vẫn nguyên như cũ. Tựa
như những làng nghề truyền thống, ngày xưa ông bà dệt vãi, làm đồ gốm thì nay
công việc của những người làng nghề đó cũng như vậy.
Nếu chúng ta niệm Phật, đem
công đức tu hành hồi hướng và để siêu độ cùng kết thiện duyên với họ, thì họ có
cơ hội chuyển hoá được.
Những linh thể ấy rất đáng
thương, họ không có xác thân nên họ không thể thường xuyên có mặt nơi đạo tràng
tu học lâu dài. Họ đang chú tâm nghe pháp, nhưng nếu họ khởi tâm đến một nơi
nào thì ngay lúc đó họ đã có mặt ở đó, cho nên họ không còn nghe được bài pháp
đang giảng. Cũng như chúng ta niệm Phật, tuy muốn dừng vọng tưởng nhưng tâm vẫn
cứ trôi nổi bên ngoài, cũng như hồn ma trôi nổi Đông Tây, mà thân thể thì vẫn
đang ở đây niệm Phật vậy. Thế nhưng quỷ thần nầy rất đáng thương, niệm được vài
câu Phật nghe được vài câu pháp, chỉ một thoát là bay đi mất. Do phước báo của
họ không lớn bằng chúng ta, chính bản thân họ cũng không có biện pháp nào, vẫn
phải nhờ chúng ta dùng công đức niệm Phật hồi hướng cho họ. Qua đó đủ biết, nếu
chúng ta lúc sống biết niệm Phật, tự tu tự độ là tốt nhất, để đợi đến chết rồi
sau đó nhờ người nhà siêu độ thì cũng giống như những hồn ma kia vậy. Phật nói”thân
người khó được”chỉ có thân người mới thực sự có đủ điều kiện tu tập.
Đối với người phương Tây
thì không có cúng tế như người Trung Quốc và VN nên hồn ma ở Tây phương họ
không trông chờ người nhà cúng tế, nguyên nhân là họ đã thành tập quán, cho nên
sẽ không có vấn đề. Thế nhưng quỷ thần của Trung Quốc và VN thì không như vậy. Người
VN và Trung quốc có tập quán của họ rồi, đến ngày thanh minh, ngày giổ kỵ, bạn
không cúng tế cho họ, họ cũng sẽ thắc mắc. Phong tục tập quán và tín ngưỡng
nhân gian của Trung Quốc và VN khiến cho linh thể của một số người đã chết mà
vẫn chưa chuyển sinh. Họ làm chúng sanh trong quỷ đạo, thiết tha mong đợi người
sống chăm lo cho họ, cho nên người Trung Quốc rất coi trọng tiết thanh minh,
đặc biệc còn có thuyết mở cửa ngục ngày rằm tháng 7 âm lịch nữa.
Mỗi lần cúng tế, giổ kỵ là hình thức thể hiện sự quan tâm thăm
hỏi vong linh, cho nên mọi người dùng công đức tu hành của mình, vận dụng tinh
thần Phật pháp để báo đền ơn tổ tiên, những người đã chết, báo ân chúng sanh,
thì thiết thực hơn có lợi ích rất lớn và dùng công đức thuyết pháp, nghe pháp,
niệm Phật để siêu độ họ. /.
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét