BỐN LOẠI TỊNH ĐỘ TUỲ
BẠN THÍCH
Người có trí tuệ biết rằng phàm sự việc gì đều có nguyên nhân
của nó, không nên oán trời trách người,
vì có oán trách cũng không bổ ích gì, tuy sinh nơi ác thế ngũ trược của thế
giới Ta bà, nhưng vẫn có thể hưởng được sự tự tại vô ngại của Tịnh độ nước Phật.
Tổng hợp trong các kinh luận nói về các cõi Tịnh độ, có thể
chia ra làm bốn loại: Tịnh độ nhân gian, Tịnh độ thiên quốc, Tịnh độ Phật quốc
và Tịnh độ tự tâm.
1/ Tịnh độ nhơn gian: Ý của Tịnh độ nhơn gian là chỉ cho hoàn cảnh
sinh hoạt hiện thực của chúng ta, chính là Tịnh độ. Nơi chúng ta đang ở trong
kinh Phật gọi là thế giới Ta bà đầy dẫy khổ nạn. Kinh A Di Đà hình dung là Kiếp
trược, Kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược là “ngũ trược
ác thế” có nghĩa là không sạch. Thế
nhưng lúc ta nghe pháp Phật, tu hành giới định huệ, thậm chí chỉ cần có một
người tu hành người ấy liền thấy tịnh độ, nếu hai người tu hành, hai người ấy
có thể thấy tịnh độ, nhiều người tu hành thì nhiều người đều có thể thấy được
tịnh độ nhân gian. Nếu do tu hành mà thể nghiệm được sự thanh tịnh của thân tâm
thì tịnh độ hiển hiện trước mặt bạn.
Hay trì tịnh giới thì không tạo ác nghiệp, ba nghiệp thân
khẩu ý dần dần thanh tịnh tuy ở tại nhân gian nhưng trong tâm không còn lo sợ
cảm thọ khổ báo, đã không lo sợ, không có ưu sầu, thì không có nghỉ đến việc
trốn thoát, cõi đời này há chẳng phải là Tịnh độ ư?
Hay tu thiền định, nội tâm tự nhiên bình an. Bình an là không
bị hoàn cảnh quấy rối mà khởi phiền não, không vì sự động loạn của hoàn cảnh mà
nội tâm nổi sóng gió không yên. Tâm định như nước lặng yên, như gương trong
sáng, như khoảng trời xanh biết vạn dặm không mây, thì thân thể tuy trụ cõi đời
xấu ác năm trược cũng không khiến chúng ta cảm thấy phiền não bất an, có thể
xem thế giới uế trược nầy là Tịnh độ nhơn gian.
Nếu hay tu trí tuệ thì không khởi phiền não. Trí tuệ vô ngã
có thể từ chổ nghe Phật pháp, thể nghiệm Phật lý, phản quan tự ngã, nhìn thấu
nhân sinh mà có được. Cũng có thể từ tu hành bố thí, rộng kết thiện duyên,
thường biết hổ thẹn, và từ trong chổ tu thiền định mà có được. Người có trí tuệ
thì không dùng tâm phiền não để xử lý việc của chính mình, lại khéo dùng tâm
bình thường để đối diện với hoàn cảnh trước mắt. Đã chấp nhận xem nhân gian là
hoàn cảnh tu hành đạo Bồ tát, thì việc thiện ác, được mất phải trái, lợi hại
xem như những hiện tượng do nhân duyên giả sanh giả diệt, không vì vui quá mà
phát cuồng, cũng không vì quá đau khổ mà muốn chết.
Người có trí tuệ biết rõ sự phát sinh của tất cả hiện tượng
trên thế gian này, đều có nguyên nhân của nó, nếu có thể nổ lực đem sự việc
trước bổ cứu cho sự việc sau thêm hoàn thiện thì rất tốt, oán trời trách người
thì vô ích, việc gì phải si mê phiền não cho mệt.
Cho nên người có trí tuệ tuy sống ở đời ác năm trược của cõi
Ta bà này, nhưng vẫn có thể hưởng thọ được sự tự tại vô ngại của Tịnh độ Phật
quốc.
2- Tịnh độ thiên quốc: Tu hành thập thiện thì
sinh lên cõi trời (thiên quốc). Cõi trời vẫn còn nằm trong phạm vi tam giới,
vẫn còn hữu lậu hữu hạn. Do nhờ tích phước mà hưởng thọ dục lạc ở cõi trời Dục
giới, hoặc nhờ tu thiền định mà hưởng thọ định lạc ở các cõi trời thiền. Song
lúc hưởng thọ hết phước báo ở cõi trời Dục, lúc định lực thối thất ở cõi trời
thiền lại phải từ cõi trời rớt xuống nhân gian, hoặc có thể đoạ nơi tam đồ ác
đạo. Cho nên dù cõi trời đáng ưa nhưng một ngày nào đó lại trở thành khói mây
qua mắt. Chẳng qua sinh lên cõi trời hưởng thọ phước trời một thời gian nào
thôi, so với các hiện tượng tai nạn, những khổ ách nơi nhân gian thì cõi trời
đã là một mãng Tịnh độ rồi. Trong cõi trời dục giới không có loạn lạc, không có
tội phạm, không có tai biến, không có bệnh tật, muốn ăn có ăn, muốn mặc có mặc,
bay đi tự tại, đến đi tuỳ ý, thân nhẹ như không, sở cầu như ý, kỷ nhạc tuỳ
thân, tuyệt không tối tăm. Cho nên có nhiều tôn giáo khuyến khích tín đồ cầu
nguyện sinh lên thiên quốc. Chỉ có điều họ không biết khi được sinh lên trời
rồi một ngày nào đó cũng hưởng hết phước, lúc đó có năm tướng suy hiện ta trước
mắt, cho dù có cao quý như vua trời Đao Lợi cũng phải chung một số phận. Kinh
Niết bàn nói, Thích Đề Hoàn Nhân, mạng sống sắp hết có 5 tướng suy hiện ra 1/ y
phục dơ bẩn, 2/ Hoa trên đầu khô héo, 3/Thân thể hôi hám, 4/ Nách ra mồ hôi, 5/
Không ưa chổ ngồi. Cho nên đối với người thông thường cõi trời là Tịnh độ, còn
đối với tín đồ Phật giáo thì cho rằng thà sinh tại nhân gian tu học Phật pháp,
còn hơn là sanh về thiên quốc để hưởng phước trời.
Kinh Phật nói. Cõi trời có hai loại, một loại là chổ ở của
hàng phàm phu hửu lậu, hai là chổ ở của hàng Bồ Tát bổ xứ. Như Đức Phật Thích
Ca trước khi thành Phật thân sau cùng của Bồ Tát ở trên cõi trời Đâu Suất, đồng
thời Ngài cũng giới thiệu đức Bồ Tát Di Lặc sẽ đến nhân gian thành Phật, hiện
nay cũng đang ở cõi trời Đâu Suất tầng thứ tư của cõi trời Dục giới. Cõi trời
này chia thành hai viện nội ngoại, ngoại viện là nơi ở của hàng phàm phu dục
lạc, nội viện là nơi giáo hoá của Đức Di Lặc, thật là tịnh độ thiên quốc thanh
tịnh. Ở đây khác với phàm phu cõi trời Dục giới là thấy được pháp tướng của Đức
Di Lặc, thân nghe Ngài thuyết pháp, không chỉ hưởng thọ phước trời mà còn tu
hành Phật pháp. Cho nên nếu đại chúng muốn sinh về cõi trời thì nên chọn nội
viện Đâu Suất của Bồ Tát Di Lặc thì tốt hơn. Đến lúc Ngài Di Lặc hạ sanh nhân
gian thành Phật, chúng sanh ở nội viện Đâu Suất đều theo Đức Di Lặc giáng sanh
nhân gian, đều trở thành đệ tử của Phật, cùng chung tu hành tịnh hoá nhân gian.
Long hoa tam hội mọi người ở trong hội đều được giải thoát. Trong ba hội độ
thoát tất cả chúng sanh hữu duyên, cho nên Phật giáo sử Trung Hoa từ các vị
pháp sư như Đạo An, Huyền Trang, Đại Sư Khuy Cơ cho đến cận đại như Đại sư Thái
Hư, Từ Hàng các ngài đều phát nguyện vãng sanh tịnh độ thiên quốc nội viện Đâu
Suất.
3- Tịnh độ Phật quốc: Phật quốc tại đâu? là chỉ cho quốc độ do phước
đức trí tuệ và bản thệ nguyện lực của
chư Phật tạo thành. Tịnh độ này có hai tác dụng: Một là thị hiện công đức quả
báo của Phật, hai là tiếp dẫn hoá độ tất cả chúng sanh hữu duyên, tu học Phật
pháp đồng thành Phật đạo, cho nên gọi là Tịnh độ Phật quốc.
Đức Thích Ca tại thế giới uế độ
này thành Phật, nhưng trong kinh Đại Niết Bàn nói: “Chớ nói chư Phật xuất hiện
nơi thế giới bất tịnh”. Kinh Pháp Hoa nói: “Núi Linh Thứu ở Ấn Độ nằm trong cõi
Tịnh độ”. Đủ chứng tỏ rằng, hể chổ nào có Phật nơi đó có Tịnh độ Phật quốc. Song
tổng hợp trong các kinh luận thì Tịnh độ Phật quốc chia làm ba, chổ ở Pháp thân Phật tự tánh, chổ ở Báo thân
tự tha thọ dụng, chổ ở Ứng hóa thân Phật.
Lại như các ngài Pháp Thường, Trí Nghiễm, Đạo Tuyên, có
thuyết bốn loại tịnh độ. Ngài Thiên Thai
Trí Khải thì chủ trương: 1/ Phàm thánh đồng cư độ, như thế giới Cực lạc phương
Tây, 2/ Phương tiện hữu dư độ, là chổ ở của Bồ Tát địa tiền và hàng thánh nhân
nhị thừa, 3/ Thật báo vô chướng ngại độ, là chổ ở của pháp thân Bồ Tát từ sơ
địa trở lên, 4/ Thường Tịch quang độ là chổ ở
qua lại của chư Phật Như Lai. Bốn độ phối hợp với ba thân là lấy Ứng hoá
thân Phật trụ ở Đồng cư độ và phương tiện hữu dư độ. Báo thân Phật trụ ở Thật
báo độ, Pháp thân Phật vĩnh trụ ở Tịch quang độ.
Từ kinh A Di Đà có thể thấy được Tịnh độ chư Phật sáu phương, cho
đến quốc độ Cực Lạc của Phật A Di Đà. Trên thực tế có Tịnh độ chư Phật mười
phương vô lượng vô số, và chúng ta có nhân duyên rất lớn với cõi Tịnh độ của
Phật A Di Đà ở thế giới Cực Lạc ở phương Tây. Nương bản nguyện của Phật, phàm
phu có thể vãng sanh Phật quốc. Các Phật
tử chúng ta, thường lúc sống hay cầu xin Đức Phật Dược Sư gia hộ cho được tiêu
tai giải nạn, khỏi tật bịnh trường thọ bất tử, nhưng lại không nghỉ cầu về cõi
Tịnh độ Lưu Ly Quang ở phương Đông. Lúc sắp chết chỉ mong cầu vãng sanh về thế
giới Cực lạc phương Tây của Phật A Di Đà.
Phật và Tịnh độ là sư phạm, là thế giới lý tưởng của chúng ta,
nhưng đồng thời chẳng phải chổ hướng ngoại tìm cầu mà là thể hiện đức hạnh ở
bên trong. Nếu chúng ta giác ngộ được
pháp tánh thanh tịnh viên mãn rốt ráo, đó là Lưu Ly Quang Phật, cho nên tu pháp
môn Dược Sư cũng có thể tương thông với Tịnh độ phương Tây của Phật A Di Đà. Kẻ
phàm phu công cạn chướng sâu, tu Tịnh độ phương Đông và Tịnh độ phương Tây đều
được vãng sanh Phật quốc. Nếu là chúng sanh công sâu chướng ít, dù chuyên tu
pháp môn tịnh độ nào cũng sẽ tự thân thấy được A Di Đà Như Lai tự tánh, Phật
Lưu Ly Quang pháp thân.
Song mục đích tịnh độ Phật Dược Sư, ở chổ khích lệ nhân gian, tịnh
hoá nhân gian, đó là sự thật, vậy mà trong kinh Dược Sư cũng vẫn tán thán Tịnh
độ phương Tây. Vì Tịnh độ của Phật A Di Đà là ba căn thượng trung hạ đều độ tận.
Bất luận thượng trí hạ ngu chỉ cần tin vào nguyện lực của Phật A Di Đà, nguyện
sanh về Tịnh độ phương Tây liền được Đức Phật từ bi nhiếp thọ, tiếp dẫn vãng
sanh. Do đó, trong các kinh điển Đức Phật Thích Ca đều hết sức tán thán nguyện
lực rộng sâu của Phật A Di Đà. Nhất là khiến cho rất nhiều chúng sanh nghị lực
yếu kém, không đủ tự tin đều có thể nhờ nguyện lực này mà được bảo đảm vãng
sanh Phật quốc. Nhờ nguyện lực này mà lòng người được an định, tín tâm được
tăng trưởng, được công đức lớn. Cho dù trình độ tu hành của mình như thế nào đi
nữa, chỉ cần đầy đủ đức tin vào bản nguyện lực của Phật A Di Đà, cho đến niệm
Phật mười tiếng thì có thể vãng sanh cõi nước Cực lạc. Đủ chứng tỏ pháp môn
Tịnh độ của Phật A Di Đà có chổ thù thắng độc đáo như thế.
4- Tịnh độ tự tâm: Tịnh độ tự tâm tức là nói ở trong
tâm của mỗi người, dù phàm hay thánh vốn đầy đủ Phật tính, cũng tức từ xưa đến
nay chưa từng xa lìa Tịnh độ Phật quốc. Tâm chúng sanh và tâm Phật tương đồng,
thế giới chúng sanh và cõi Phật không khác. Chẳng qua tâm chúng sanh bị phiền
não ngăn che, không cách gì thấy được bản tâm thanh tịnh bất động, cũng không
cách gì thể hội được sinh hoạt ở tịnh độ Phật quốc. Nếu có thể soi thấu phiền
não lưới trần, xét rõ chổ sâu xa của tâm thì sẽ phát hiện tâm Phật tức là tâm
mình, thế giới này với cõi Phật giống nhau. Bởi vì nếu tâm thanh tịnh nhìn thế
giới này cũng thanh tịnh, nếu tâm không thanh tịnh thì hoàn cảnh sinh hoạt sẽ
là khổ hải vô biên.
Kinh Hoa Nghiêm, kinh Duy Ma, kinh Phạm Võng đều nói: “Tuỳ
tâm mình tịnh thì quốc độ tịnh” đều là chỉ cho Tịnh độ tự tâm. Làm thế nào để tự tịnh tâm của mình?. Người
thông thường dễ gì thể hội được, đương nhiên cũng không làm được. Nếu người tu
pháp môn niệm Phật, ngay lúc niệm Phật đem tất cả tạp niệm trong tâm buông bỏ
hết, chỉ chuyên tâm niệm Phật, tâm này với Phật tương đồng, trong tâm lúc ấy
không có tạp niệm như lo sợ, hoài nghi, tham, sân, kiêu ngạo v.v.. Nếu có thể tiến thêm một bước trong khoảng
nhất thời toàn bộ tạp niệm lìa bạn mà đi, lúc ấy cùng với Tịnh độ của Phật
tương ưng. Một niệm tương ưng một niệm thấy Tịnh độ, hai niệm tương ưng hai
niệm là Tịnh độ, niệm niệm tương ưng niệm niệm trụ nơi Tịnh độ.
Tuy ở giai đoạn phàm phu không thể niệm niệm tương ưng với
Phật, không thể niệm niệm trụ nơi Tịnh độ. Nhưng nếu bạn niệm niệm Phật, niệm
niệm đều đặt nền tảng ở tín tâm, thâm tâm, chí thành tâm, hồi hướng phát nguyện
tâm thì sẽ dần nhập cảnh diệu. Thiên hạ vốn vô sự, vọng tưởng từ đâu khởi. Niệm
niệm đều ghi nhớ danh hiệu Phật, giữ cho thường hằng thời gian không lâu có thể
tu thành niệm Phật tam muội, Tịnh độ tự tâm hiện bày rõ ràng. Người công phu
cạn có thể cảm ứng được Tịnh độ Tây phương, người công phu sâu thì thấy được
phương tiện độ và thật báo độ, cho đến Thường quang tịnh độ, chỉ có Phật với
Phật mới qua lại thấy được.
Những thanh âm sắc tướng bên ngoài nếu bạn chuyển chúng thành
tiếng niệm Phật, niệm pháp, niệm Tăng, cũng giống như nghe âm thanh của thế giới
Cực lạc phương Tây. Quán tưởng như thế phiền não sẽ vắng lặng âm thanh không
còn nữa, lúc ấy không bị hoàn cảnh làm cho dao động trong tâm mình chính là
tịnh độ. Tịnh độ tự tâm không ở ngoài tâm, song hoàn cảnh bên ngoài tuỳ theo
tâm bạn mà chuyển. Đây là điều rất thiết thực, cứ làm rồi sẽ thấy. Niệm Phật liền thấy Phật, tâm tịnh quốc độ
tịnh.
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét