CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT
Khi sống, con người lo đủ việc và hết lòng chuẩn bị mọi
thứ. Nào chuẩn bị thi cử, … ra trường… cưới hỏi…sinh con…nhận việc làm…mua
nhà…đi du lịch…khám bệnh.v.v…
Nhưng có một việc rất
quan trọng, rất gần gũi, thiết thực và hệ
trọng cho mỗi con người, thì lại không mấy
ai chuẩn bị cả… Đó là chuẩn bị cho lúc lâm chung.
Tại sao phải chuẩn
bị lúc qua đời? Vì mọi người ai cũng phải
chết, đó là lẽ tự nhiên, không một ai tránh khỏi, có gì mà phải chuẩn bị? Rất có nhiều người sẽ nói như thế khi có ai
nhắc đến chữ Chết.
Nhưng chính vì mọi
người ai cũng phải chết, nên cũng phải chuẩn
bị, mà nên chuẩn bị kỹ hơn. Vì thật sự
chết không phải là đơn giản như những điều mà người ta chuẩn bị trên đời.
Lý do: Khi chết ta ra đi chỉ có một mình đơn độc. Ở
ngưỡng cửa Tử sinh, vì không chuẩn bị
trước nên tâm trạng lúc ấy ta bơ vơ, ngơ
ngác lo sợ, mơ hồ, bàng hoàng…không biết làm gì và tới đâu?
Rời khỏi thế gian rồi,
ta sẽ đi vào những cõi giới khác mà ta
không biết xấu tốt ra sao? Tâm thức ta lúc ấy vô cùng bấn loạn, sợ sệt kinh hãi hoang mang. Vì thế khi sống ta
cần biết rõ khi chết sẽ ra sao và chuẩn bị trước để lúc lâm chung tâm thức ta đủ
sáng suốt để nhận định đâu là cửa tới cõi an lạc hầu chuyển đổi một kiếp đời mới
khác tốt đẹp hơn.
Chết là một sự kết
thúc của một giai đoạn sống của một con người, nhưng ngặt nỗi không ai có thể biết trước mình
sẽ chết vào thời điểm nào, trừ những vị tu chứng có đạo nhãn thấy được nghiệp duyên của
mình. Còn ngoài ra tất cả không ai có thể tiên đoán số mệnh mình cả. Chết là một
sự kết thúc một giai đoạn sống, giống
như học sinh hết niên học sẽ thi để kết thúc một giai đoạn học tập, để tiến lên một năm học mới hay một cấp học mới.
Vì vậy học sinh phải học bài chuẩn bị đầy đủ, lo sợ rớt ở lại lớp, hay không có việc làm, nên học sinh phải mài mò đêm ngày lo học để
thi. Nhưng học sinh thi thì có thời gian để ôn bài chuẩn bị. Nhưng con người
thi để vượt qua cửa sanh tử thì không có ngày giờ, năm tháng nhất định. Do đó, chúng ta cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ. Chuẩn
bị từng giây từng phút khi còn đang sống, còn đang mạnh khoẻ, còn đang trẻ. Chúng ta thấy cái chết không
dành riêng cho những người già, mà bất
luận mọi lứa tuổi đều sẽ chết cả. Vì thế cần phải biết lo chuẩn bị.
Vậy chúng ta sẽ chuẩn bị những gì và như thế
nào cho lúc sắp chết và sau khi chết. Người đời họ chuẩn bị cơm, áo gạo tiền,
ăn, mặc, ở. Những thứ này nó giúp chúng ta an thân khi còn sống, nhưng nó là đầu mối trở ngại lúc gần chết. Vì
thế con người ngoài việc cơm áo gạo tiền phải biết chuẩn bị đạo đức và trí tuệ
cho lúc gần chết và sau khi chết. Đạo đức
là giới đức nó thay đổi nghiệp xấu ác của mình. Trí tuệ nó giúp ta thay đổi nhận
thức sai lầm của ta.
Vì thế lúc chết, tâm
trạng chúng ta sáng suốt vui vẻ, không
lo sợ xao xuyến bàng hoàng, nên nghiệp
thức chúng ta không rơi vào con đường tối tăm. Người bình thường làm việc ác việc
thất đức hay sợ ánh sáng, cho nên lúc chết
cũng vậy đi tìm bóng tối mà vào, cho nên
sẽ tái sanh vào ba cõi địa ngục, ngạ quỷ
và súc sanh là vậy.
Đừng đợi tới khi sắp
qua đời thì mới lo thì không còn kịp nữa, giống như nhà cháy mới lo đi đào giếng làm sao
kịp. Rất ít người hiểu về cái chết. Trước khi chết, trong khi chết và sau khi chết như thế nào?
Có người cố quên về
cái chết, cho cái chết là đáng sợ, không dám nhắc tới. Nhưng có người ra vẻ thản
nhiên bất cần, coi thường sự chết và nói
rằng “Ôi! ai rồi cũng phải chết cả, vậy
thì lo sợ nghĩ ngợi làm chi cho mệt?”. Thật sự nói vậy để khoả lấp về sự chết, chối bỏ sự chết, vì không muốn nghe đến chữ chết mà thôi. Nhưng
chính những người này khi sự chết đến là họ lo âu khủng khiếp, không còn làm họ thản nhiên nữa, vì không có sự chuẩn bị trước, nên sự ra đi của họ về bên kia thế giới chất
chứa nhiều đau khổ, sai lầm. Có người cho rằng chết là hết, chứ không còn gì nữa. Vì thế họ sống vội vã, cố hưởng thụ được những gì họ có trong cuộc đời
hiện tại, mà họ đang sống chứ không cần
nghĩ đến tương lai, hậu quả của đời sau
ra sao? Như vậy họ sống chỉ là để hưởng thụ, nặng nề về vật chất, mà coi nhẹ hoặc không nghĩ đến phần tâm linh.
Họ chỉ sống với mục đích thuần vật chất, chứ không vì mục đích tâm linh.
Sự chết quả thật rất
quan trọng, nếu mỗi người tự suy nghĩ về
giờ phút cuối ấy thì thật sự là không đơn giản. Khi biết được vấn đề trên một
cách sâu xa tế nhị và quan trọng thì ngoài sự chuẩn bị cái chết cho riêng mình,
ta còn nên giúp người khác biết chuẩn bị
cho họ được an lành khi cái chết đến với họ.
Sống trên đời này, phần đông mọi người đều bị mê muội làm và nghĩ
biết bao điều mê muội, trong khi cái chết
là thực tế đang chờ đợi tương lai không bao giờ để tâm tới. Đó chính là cái sai
lầm lớn nhất mà mọi con người đã và đang phạm phải mà không hay biết.
Con người hầu như gần
cả cuộc đời mình đã hao phí hết thời gian khổ công cho công việc làm ra tiền, xài
tiền, hay góp nhặt để dành tiền, chỉ ngần
ấy thôi cũng đã khiến tiêu tán hết năng lực, để rồi cái chết đến bất ngờ, trong
khi chưa chuẩn bị gì cả. Mà chết thì lại không mang theo bất cứ thứ gì, dù là vua chúa, người sang giàu hay kẻ nghèo
hèn, một khi đã chết thì không mang theo của cải vật chất nào cả.
Có một vị sư khuyên
người bạn của mình nên niệm Phật, người
bạn nói rằng tôi còn ba việc chưa xong: Mả ông cha chưa xây, thằng con Út chưa cưới vợ và cái nhà hư chưa sửa.
Mả ông cha đã xây, con trai đã có vợ, cái nhà đang sửa, trong khi thợ đang làm, ông ra coi ngó, cây
đòn đông rơi xuống trúng đầu của ông, ông chết ngay lập tức.
Vị sư đến phúng điếu
ông và khai thị cho ông, bằng một bài kệ
rằng:
Bạn tôi
tên là Trương Tố Lưu
Khuyên ông
niệm Phật hẹn ba điều
Ba điều
chưa vẹn, vô thường đến
Khá trách
Diêm Vương không nể nhau
0 nhận xét:
Đăng nhận xét