Thứ Tư, 30 tháng 4, 2025

CÔNG NĂNG CỦA THẦN CHÚ ĐẠI BI

 

CÔNG NĂNG CỦA THẦN CHÚ ĐẠI BI

        Hỏi: Tôi hành trì pháp môn Đại bi, thường trì niệm thần chú này nhiều lần trong ngày. Xin cho biết khái lược về thần chú Đại bi, nhất là công năng của thần thú này? Xin cho biết thêm về thần chú Tiêu tai giáng kiết tường. Nghe nói bài chú này do Phật thuyết để giải trừ các vì sao xấu. Như thế Phật giáo cũng cho rằng có sao xấu (hung tinh), sao tốt (kiết tinh) chăng?

        Đáp: Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, thần chú Đại bi, Phạn ngữ Mahakarunikacitta- dharani, Hán dịch Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Đại Bi Tâm Đà La Ni, Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, Đại Bi Tâm Đà La Ni, là thần chú nói về công đức nội chứng của Bồ tát Quán Thế Âm.

        Theo kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm  Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, do ngài Già Phạm Đạt Ma dịch (thời Đường), toàn bài chú này có 48 câu, người trì thần chú Đại bi sẽ được 15 điều lành, không bị 15 thứ hoạnh tử bức hại.

Được 15 điều lành: 1- Sanh ra thường gặp được vua hiền, 2- Thường sinh vào nước an ổn, 3. Thường gặp vận may, 4. Thường gặp được bạn tốt, 5. Sáu căn đầy đủ, 6. Tâm đạo thuần thục, 7. Không phạm giới cấm, 8. Bà con hoà thuận thương yêu, 9. Của cải thức ăn thường được sung túc, 10.Thường được người khác cung kính, giúp đỡ, 11. Có của báu không bị cướp đoạt, 12. Cầu gì đều được toại ý, 13. Long, Thiên, thiện thần thường theo hộ vệ, 14. Được gặp Phật nghe pháp, 15. Nghe Chánh pháp ngộ được nghĩa thâm sâu.

-Không bị 15 thứ hoạnh tử: 1.  Không chết vì đói khát khốn khổ 2. Không chết vì bị gông cùm, giam cầm đánh đập, 3. Không chết vì oan gia báo thù, 4. Không chết vì chiến trận, 5. Không chết vì bị ác thú hổ, lang sói làm hại, 6. Không chết vì rắn độc, bò cạp, 7. Không chết trôi, chết cháy, 8. Không chết vì bị thuốc độc, 9. Không chết vì trùng độc làm hại, 10. Không chết vì điên loạn mất trí, 11. Không chết vì té từ trên cây cao hoặc rớt xuống vực thẳm, 12. Không chết vì người ác trù ếm, 13. Không chết vì tà thần ác quỷ làm hại, 14. Không chết vì bệnh nặng bức bách, 15. Không chết vì  tự tử.  

Ngoài ra, theo kinh Thiên Nhãn Thiên Tí Quán Thế Âm Bồ Tát Đà La Ni Thần Chú, trì tụng chú này 108 biến, tất cả phiền não tội chướng đều được tiêu trừ, thân, khẩu, ý được thanh tịnh.

Thần chú Đại Bi được các tông phái Phật giáo trì niệm rất phổ biến và thịnh hành. Tuy nhiên, thần chú này được các nhà Phật học dịch khác nhau về tên kinh cũng như chương cú. Đơn cử như bản dịch chú Đại Bi của ngài Bồ Đề Lưu Chi có 94 câu, bản dịch của ngài Kim Cương Trí có 113 câu, bản dịch của ngài Bất Không có 82 câu…

Thần chú Tiêu Tai Giáng Kiết Tường mà chư Tăng và Phật tử Việt Nam thường tụng trong lễ Cầu an, Công phu khuya. Tạm dịch nghĩa là: “Hởi ánh lửa rực rỡ của Như Lai Vô Kiến Đảnh Tướng đã thiêu cháy mọi năng chấp, sở chấp, hãy toả sáng rực rỡ khiến cho con được an trú trong sự gia trì này nhằm phá tan sự trì độn chậm chạp của Nội chướng và Ngoại chướng. Đồng thời khiến cho con dứt trừ được mọi tai nạn, thành tựu sự an vui tốt lành”.

Thần chú này có công năng tiêu trừ các tai nạn, thành tựu việc cát tường, xuất phát từ kinh Xí Thạnh Quang Đại Oai Đức Tiêu Tai Cát Tường Đà La Ni và kinh Đại Oai Đức Kim Luân Phật Xí Thạnh Quang Như Lai Tiêu Diệt Nhất Thiết Tai Nạn Đà La Ni.

Vấn đề ý kiến cho rằng thần chú này nhằm hoá giải các vì sao xấu: “Phàm tại nơi nào mà có sao La hầu, sao Nhuế, sao Bột, sao Yêu, nó chiếu đến chỗ sở thuộc của người là các ngôi sao nơi cung bổn mạng, sẽ gây nên mọi điều chướng ngại, tai hại chi, cũng đều trừ diệt liền, nếu niệm 108 biến thần chú này”, chúng tôi tìm trong bộ Nhị khoá hiệp giải, do Pháp sư Quán Nguyệt (còn gọi Pháp sư Hưng Từ, tu tại núi Thiên Thai, tỉnh Triết Giang Trung Hoa chú giải) và HT Thích Khánh Anh dịch.

Trong phần Lời tựa của Nhị khoá hiệp giải, Pháp sư Quán Nguyệt (1881- 1950) có bộc bạch: “…Còn với các bổn: Thập chú, Mông sơn, Hồi hướng, đều là phần tôi diễn thuật lại. Rõ ràng, cách “diễn thuật” của Pháp sư Quán Nguyệt về thần chú Tiêu tai (thuộc Thập chú) đề cập đến các vì sao mang âm hưởng và sắc thái Phật giáo Trung Hoa trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 có pha tạp tín ngưỡng bản địa, mà người học Phật Việt Nam hiện tại có quyền “tiếp thu và chọn lọc” đối với nhưng quan điểm này.

Như vậy, sự diễn giải về thần chú “Tiêu tai Kiết tường” mang ảnh hưởng văn hoá bản địa Trung Hoa, về việc sao hạn là điều không đi đúng với kinh điển Phật dạy, không hợp với đạo lý Nhân-quả. Vì thế cần phải chọn lọc .

Tuy vậy, đọc những luận giải tiếp theo về thần chú này: “Đã từ nơi tâm tới tai, lại cũng từ nơi tâm diệt tai, nên nói tiêu tai. Bởi chỗ tạo nghiệp từ đời trước, nên nay cảm chịu lấy, nghĩa là các điều thống khổ nó tập trung nơi cái thân tâm đây, nên nó là tai. Nghiệp chướng đã thanh tịnh rồi, sự ấy được vui mừng nơi tâm, nên nói là cát (kiết) tường”.

Người mà tu trì pháp thần chú đây, tâm phải đủ ba phép quán: Lấy phép Không quán để tiêu tai. Dùng phép Giả quán để hội sự cát tường mà không hay. Giả-Không gì cũng đều chỉ là một niệm vì tai thì tiêu, cát thì đến, đồng gọi là pháp giới tánh, đây tức là Trung quán. Hễ tâm mê thì cát tức là tai, còn tâm ngộ thì tai tức là cát. Nghĩa là tâm còn hôn mê thì, dầu là điều cát tường cũng thành ra tai hại ! Tâm đã giác ngộ rồi, vì dầu tai hại cũng hoá thành cát tường” mới thấy rõ giáo thuyết uyên áo của Thiên Thai tam quán về vạn pháp, nhất là về quan niệm “tiêu tai giáng kiết tường”./.

(Trích Phật pháp Bách vấn III)

{]{

CÔNG NĂNG CỦA THẦN CHÚ ĐẠI BI Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét