TU TRONG HOÀN CẢNH CHƯA ĂN CHAY TRƯỜNG
Hỏi: Tôi có nhân duyên với pháp môn trì chú Đại bi và đọc kinh Vu
lan- Báo hiếu cùng trì chú Đại bi 3 lần mỗi ngày. Hiện tại tôi vẫn tụng kinh
chú mỗi ngày nhưng thời gian gần đây do tìm hiểu trong sách nhân quả có nói là
không được ăn thịt rồi đi trì chú, tụng kinh. Tôi rất hoang mang không biết việc
mình làm có đúng không vì tôi chưa ăn chay trường được?
Đáp:
Việc một Phật tử tại gia với nhiều bận rộn và lo toan cho cuộc sống mà phát tâm
trì tụng mỗi ngày 3 thời kinh Vu lan-Báo hiếu và trì chú Đại bi là điều xứng
đáng để mọi người con Phật ngưỡng mộ, noi theo. Trong hoàn cảnh của một Phật tử
tại gia, tu tập tinh chuyên như thế không phải ai cũng làm được.
Đọc kinh trước
để ghi nhớ, hiểu rõ ý kinh, nhiếp tâm định ý vào giáo pháp cho thanh tịnh, sau
vận dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống hằng ngày. Kinh Vu lan-Báo hiếu nói về
công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và bổn phận hiếu dưỡng song thân của
con cái, theo đạo lý nhà Phật. Trong muôn hạnh thì hiếu đứng đầu, nên tụng kinh
Vu lan để thực hành hạnh hiếu là vô cùng thích hợp và cần thiết. Về sau có thể
tuỳ duyên chuyển sang trì tụng những bộ kinh khác như Di Đà, Phổ Môn v.v…
Về trì chú Đại
bi, trong các nghi thức tụng kinh hàng ngày cũng như tụng kinh bộ, theo truyền
thống Bắc tông hiện nay, đều bắt đầu bằng trì tụng chú Đại bi. Những ai hành
trì pháp môn Đại bi thì trì chú này theo thời khoá nhất định hoặc trì tụng liên
tụng trong ngày.
Trì chú Đại bi được rút từ kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán
Thế Âm Bồ tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà Ra Ni. Trong pháp hội
này, Bồ tát Quan Thế Âm vì tâm đại bi đối với chúng sanh nên đã nói thần chú Đại
bi để giúp cho chúng sanh “được an vui, được trừ tất cả bệnh, được sống lâu, được
giàu có, được diệt tất cả nghiệp ác nặng, được xa lìa chướng nạn, được tăng trưởng
công đức của pháp lành, được thành tựu tất cả thiện căn, được tiêu tan tất cả sự sợ hãi, được mau đầy đủ tất cả những chỗ
mong cầu”. Vì thế, những ai chí thành trì tụng thần chú Đại bi với tâm thanh tịnh
sẽ gặt hái được vô lượng phước báo và mọi ước nguyện thành tựu như ý.
Việc bạn
chưa hội đủ nhân duyên và điều kiện để thực hành ăn chay trường song vẫn có thể
tụng niệm kinh chú một cách bình thường mà không có điều gì phải băng khoăn cả.
Bởi lẽ đối với hàng Phật tử, Đức Phật chỉ khuyến khích thực tập ăn chay mà không
bắt buộc phải ăn chay trường. Người Phật tử tuỳ duyên phát tâm ăn chay mỗi
tháng 2 ngày, 4 ngày hay nhiều hơn, những ai hội dủ duyên lành phát tâm ăn chay
trường trong một thời điểm nhất định hay suốt đời thì càng tốt. Ăn chay có tác
dụng trợ duyên cho sự tu tập rất tích cực. Vì thế, nếu thiết lập được một đời sống
đạo đức (giữ năm giới), ăn chay, giữ tâm trong sáng, thanh thản thì việc tụng
niệm sẽ phát huy hiệu quả định tĩnh và thăng hoa tuệ giác nhanh chóng hơn./.
(Trích Phật pháp Bách vấn III)
Phụ đề:
Những người đến với đạo Phật có hai hạng: Hạng thuần thành và hạng chưa thuần
thành, vì thế có các thành phần như: Chánh danh Phật tử, tương tự Phật tử, danh
tự Phật tử v.v….Chánh danh Phật tử tức có Quy y có đi chùa có ăn chay, niệm Phật
tụng kinh hằng tháng theo sự phát nguyện. Danh tự Phật tử, tức người này có quy
y, có pháp danh, nhưng sau khi quy y rồi không đi chùa, không lễ Phật, không tụng
kinh. Người này chỉ có hình thức nhưng không có nội dung , nên gọi là Danh tự
quy y, tức chỉ có cái danh chứ không có thực. Thứ đến là tương tự Phật tử, thỉnh
thoảng có đi chùa vào các ngày Tết, lễ Phật đản, Vu lan, có ăn chay, có thờ Phật
. Nhưng không quy y, không tụng kinh, niệm Phật. Giống như Phật tử nhưng chưa
chính thức là Phật tử.
Như vậy, có ba hạng Phật tử: Chánh danh Phật tử
chiếm khoảng 10- 20% tín đồ Phật giáo, tức
trong 100 người có khoảng từ 10 đến 20 người thường xuyên đi chùa tu tập.
Danh tự Phật
tử, có khoảng 80-90% trong số tín đồ. Tức trong 100 người sau khi quy y, chỉ đi
chùa thường xuyên khoảng 10 người là cùng.
Tương tự Phật
tử, tức những người đi chùa theo phong trào, thờ Phật và ăn chay theo phong
trào. Thấy đạo Phật có nhiều điều hay nên cũng thờ Phật, ăn chay nhưng không
tham gia vào các hoạt động tu tập ở chùa. Hạng thứ ba chiếm 99% dân số trong xã
hội.
Do ba thành phần đến với đạo Phật như vậy,
người ta thống kê tín đồ Phật giáo chiếm 80% dân số trong nước. Nhưng thực ra mà tính, nếu tính trung thực chỉ có Chánh danh Phật tử
mới đúng nghĩa là Phật tử, là tín đồ Phật giáo. Vì đạo Phật chú trọng nội dung
chứ không chú trọng hình thức, đạo Phật chú trọng sự chuyển hoá nội tâm của con
người dẫn đến đạt sự hạnh phúc lâu dài vĩnh viễn là an lạc trong hiện tại và Niết
bàn, Cực lạc trong mai sau./.
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét