Thứ Tư, 30 tháng 4, 2025

GIẢI NGHI “NHẤT TÂM BẤT LOẠN” VÀ “THIỆN CĂN” TRONG KINH DI ĐÀ

 

GIẢI NGHI “NHẤT TÂM BẤT LOẠN”

VÀ “THIỆN CĂN” TRONG KINH DI ĐÀ

        Nhiều người do cảm nhận cuộc đời vô thường, ngắn ngủi nhiều khổ đau, lo buồn nên tiến đến học Phật, mong mỏi có thể từ trong Phật pháp, vượt thoát sự trôi lăn trong luân hồi sanh tử, chấm dứt khổ đau.

        Thế nhưng người học Phật thì nhiều, còn thực sự để đạt thành tựu an tâm  lại hiếm có một người. Đây là điều cần phải suy nghĩ. Mọi người đều biết, thuốc không đúng bịnh, thì bịnh tình khó thuyên giảm, đạo lý cũng vậy. Hành giả tu tập chọn pháp môn không thích hợp với căn cơ của mình, thì khó tránh “dã tràng se cát”, chỉ lần lữa hết thời gian, thậm chí tâm ý chán nản, thoái thất sơ tâm, uổng phí một đời tu, cuối cùng không có ích lợi. Bởi do tu không đúng pháp hợp cơ.

        Phật pháp có nhiều pháp môn tu, có pháp khó pháp dễ. Chúng sanh trong thời mạt pháp, phiền não nhiều, nghiệp chướng sâu nặng, trí mỏng nghiệp dày, sinh mạng ngắn ngủi. Vì thế phải chọn pháp môn dễ, bỏ pháp môn khó. Chọn con đường tắt, bỏ con đường dài quanh co. Cũng vậy, người đang bịnh nặng cần đi đến bệnh viện nên đi đường tắt, bỏ đường dài, mới kịp chữa trị cơn bịnh. Nên chọn con đường tắt dễ đi mau đến để cầu thầy chữa bịnh. Thế nên, đức Phật dùng lòng từ bi vì chúng sanh rộng mở pháp môn Tịnh độ, nhiếp thọ tất cả chúng sanh, niệm Phật vãng sanh Tịnh độ không còn để sót chúng sanh nào.

        Người niệm Phật tuy nhiều, song có rất ít người đạt “bình sanh nghiệp thành” ngay trong cuộc sống bình thường an tâm niệm Phật  thì lại rất ít. Bởi vì phần nhiều người niệm Phật đều do lý giải văn kinh không thông, ưu tư vì khó đạt đến “ nhất tâm bất loạn” khó đạt tiêu chuẩn “thiện căn phước đức” nên lo lắng hoài nghi, tâm sinh bất an. Tình cảnh như thế ai cũng có, khiến sự niệm Phật trở thành hoài nghi không tinh tấn.

        Trong kinh A Di Đà diễn tả cuộc sống con người trên cõi Cực Lạc “không có các điều khổ, chỉ hưởng những điều vui vĩnh viễn, được bất thối chuyển, thành tựu Phật quả. Nhưng sao người niệm Phật lại không an, không vui lại còn hoài nghi thoái tâm là vì sao?  Vì không thông được lý vãng sanh trong kinh nên lòng tin bị thối thất. Trong kinh nói pháp niệm Phật là pháp dễ tu dễ thành, sao nay lại nói khó thành. Niệm Phật nhất định được vãng sanh, nay lại nói khó vãng sanh….là vì hai đoạn kinh văn “nhất tâm bất loạn, bất sanh bỉ quốc” và “ bất dĩ thiểu thiện căn bất sanh bỉ quốc”. Tức người niệm Phật không nhất tâm thì không sanh bỉ quốc, người có ít thiện căn phước đức thì không được vãng sanh.

        Chữ “nhất tâm” ta nên hiểu là chuyên tâm, chữ “bất loạn” ta hiểu là không tạp. Nghĩa là người nào chuyên tâm niệm Phật không gián đoạn, không thay đổi, thì người đó nhất định vãng sanh. Còn thiện căn phước đức là người nào có lòng tin vào pháp môn Tịnh độ, niệm Phật cầu vãng sanh thì người đó có thiện căn phước đức. Thiện căn của người có lòng tin, chứ không phải thiện căn của việc làm lành lánh dữ, làm thiện, nó thuộc thiện căn hữu lậu, hưởng phước thế gian, không thể sánh với thiện căn của sự niệm Phật là thiện căn vô lậu, ra khỏi sanh tử.

        Nếu tất cả hành giả  thông hiểu được hai đoạn kinh trên thì niệm Phật sẽ được vãng sanh, và nhất định vãng sanh. Vì phẩm vị vãng sanh có ba bậc  chín phẩm, gồm thâu tất cả chúng sanh từ phàm phu đến thánh vị, nên không ai là không có phần. Miễn là có lòng tin, có sự phát nguyện, có sự hành trì thì không có một hành giả nào ở lại Ta bà. Cũng vậy, thuyền từ của Phật giống như một chiếc thuyền lớn chỡ tất cả mọi người không thiếu sót ai.

        Kinh A Di Đà có 1858 chữ, lại có ba lần Phật khuyên chúng sanh nên phát nguyện vãng sanh về cõi Cực Lạc.

1/ Chúng sanh văn giả, ưng đương phát nguyện, nguyện vãng sanh bỉ quốc.

2/ Văn thị thuyết giả, ưng đương phát nguyện sanh bỉ quốc.

3/Nhược hữu tín giả, ưng đương phát nguyện sanh bỉ quốc.

-          Chúng sanh nghe rồi, phải nên phát nguyện sanh về cõi nước kia.

-             Nghe lời ấy rồi, phải nên phát nguyện sanh về nước kia.

-             Nếu có người tin, phải nên phát nguyện, sanh về cõi nước kia.

Lòng từ của Phật Thích Ca vô cùng sâu sắc, Ngài nhiều lần nhấn mạnh, khuyên bảo mong muốn chúng sanh nhất định phải vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Thông thường, mọi người hay hiểu lầm về “ thiện căn phước đức nhân duyên” trong kinh A Di Đà theo ý tiêu cực nói là: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc” (không thể đem chút ít thiện căn phước đức nhân duyên, mà được sanh về  cõi nước kia). Vậy thì ý nghĩa của 14 chữ này là thế nào?

        Người ta giải thích: Thiện căn là chỉ cho Bồ đề tâm, phước đức chỉ cho lục độ vạn hạnh. Lấy thiện căn của Bồ đề tâm làm nhân, lấy phước đức của lục độ làm duyên, nhân duyên hoà hợp mới có thể vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

        Thế nhưng, lại “không thể đem chút ít thiện căn” thì nhất định phải nhiều, nghĩa là “đa thiện căn”, tức là phải phát tâm vô thượng Bồ đề. Như vừa nói, thiện căn thường giải thích là bồ đề tâm, thế nhưng lại “không thể dùng chút ít Bồ đề tâm”, vậy thế nào gọi là ít? Người đã đắc quả A la hán, cũng thuộc về “thiểu thiện căn”. Bởi người này không phát Bồ đề tâm, không hành Bố tát đạo, cho nên không thể thành Phật.

        Vãng sanh về thế giới Cực Lạc là để thành Phật. Thông thường người ta giải thích là người tu hành, nhất định phải tự mình phát tâm vô thượng Bồ đề làm nhân vãng sanh, đã phát tâm Bồ đề thì nhất định phải hành Bồ tát đạo, do đó phải rộng tu vạn hạnh, đây gọi là phước đức. Lấy nhân “tâm vô thượng Bồ đề” , cộng với duyên “phước đức lục độ vạn hạnh” nhân duyên hoà hợp mới đủ vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

        Góc độ giải thích này không hề sai, nhưng chúng ta cần hiểu cho rõ ràng. Theo sự giải thích như trên, thì chúng sanh nhất định phải tự mình tích luỹ, thành tựu phước đức nhân duyên của tâm Bồ đề, cộng với lục độ vạn hạnh.  Còn đối với chúng ta, phước đức là do Đức Phật A Di Đà tích luỹ, thành tựu, then chốt của vấn đề là ở chỗ này.

  Vã lại việc Phát tâm Bồ đề chỉ cho những hạng người có trí, chứ hạng ngu phu , ngu phụ biết gì về Bồ đề tâm mà phát. Vậy phước đức nhân duyên ở đây là do có lòng tin nơi Phật A Di Đà, phước đức thiện căn nơi danh hiệu Phật A Di Đà chứ không phải của ta. Người có lòng tin, người có niệm Phật là người có phước đức, là người có thiện căn, là người có nhân duyên. Nếu nói phải có Bồ đề tâm thì chẳng có được bao nhiêu người vãng sanh là vậy./.

{]{

GIẢI NGHI “NHẤT TÂM BẤT LOẠN” VÀ “THIỆN CĂN” TRONG KINH DI ĐÀ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét