QUẢ BÁO
Hỏi:
Tôi có người quen, người ấy từ trước đến nay sống hiền lành, biết tu tập, tụng
kinh, niệm Phật và bố thí. Chỉ vì phút chốc suy nghĩ nông cạn, phiền não si mê
làm cho tâm trí không sáng suốt, người ấy mất niềm tin vào nhân quả, nói và làm
nhiều điều ác. Giờ đây, người ấy đã thức tỉnh, không làm điều xấu ác nữa nhưng
không biết về sau sẽ nhận lãnh quả báo của những điều xấu ác trước đây như thế
nào? Những nhân lành đã làm trước kia còn hay mất? Vì sao Đức Phật và Mục Kiền
Liên đã đắc đạo rồi mà vẫn chịu quả báo?
Đáp : Việc một người sống thiện lành, biết tụng
kinh niệm Phật và thí xả nhưng bất giác phiền não, đánh mất tịnh tín vào Tam bảo
cùng lòng tin nhân quả và tạo ra nhiều ác nghiệp thì thật đáng tiếc. Tuy nhiên,
điều này cũng dễ dàng xảy ra vì phần lớn trong chúng ta đều phước mỏng, nghiệp
dày nên chỉ cần một chút si mê, trái ý phật lòng sẽ khiến ta mất tự chủ, tạo cơ
hội cho sân hận tung hoành, thiêu đốt công đức.
Tích luỹ phước
báu thiện lành cũng như tích cóp tiền bạc và tài sản. Dành dụm, chắt chiu rất khó
nhọc trong suốt thời gian dài nhưng phung phí, làm thất thoát tài sản ấy thì rất
dễ dàng, chóng vánh. Vì thế, muốn có phước báu ta phải gieo trồng, vun đắp và
tưới tẩm mỗi ngày, đồng thời luôn cảnh tỉnh để phòng tránh bão lũ hay hoả hoạn
phiền não cuốn trôi hoặc thiêu rụi phước đức.
Người ta sống
ở trên đời không ai tránh khỏi lỗi lầm. Tất cả những sai lầm, tội lỗi của con
người, dù lớn hay nhỏ, trong chừng mực nào đó đều có thể sửa sai, chuyển hoá được.
Quan trọng là phải thức tỉnh, nhận ra những lỗi lầm của mình để từ bỏ, khắc phục,
nguyện không tái phạm. Và tất nhiên, nhân quả luôn minh bạch, rõ ràng; ác nghiệp
đã tạo ra thì ác báo sẽ khó tránh. Sám hối và phục thiện sau khi nhận thức rõ
ràng về tội lỗi là điều hết sức rất quan trọng và cần thiết. Song có chuộc được
lỗi lầm đã gây ra hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố vì quả dị thục là điều
bất khả tư nghì (không thể nghĩ bàn).
Theo giáo lý
nhân quả, từ nhân đến quả là một tiến trình, trong đó không nhất định là nhân
nào quả nấy vì các duyên (những nhân phụ- nghiệp mới) luôn tác động và chi phối
mãnh liệt đến việc hình thành quả. Nhân tốt nhưng các duyên xấu thì có thể quả sẽ không tốt, ngược lại nhân xấu nhưng các
duyên tốt thì quả sẽ ít xấu hơn. Ví như hạt giống tốt nhưng gieo trên ruộng xấu
và chăm sóc kém thì không thể cho quả tốt được và hạt giống có thể không tốt mấy
nhưng nếu được gieo trồng, chăm sóc kỹ lưỡng thì có thể cho ra quả khá tốt.
Do đó, vấn đề
quan trọng là phải tạo ra nhiều nghiệp mới tích cực trong hiện tại (đóng vai
trò duyên) để tác động làm chuyển hướng quả xấu. Trên căn bản vẫn là nhân ác
thì sẽ cho quả ác nhưng nhờ sự cải hối, phục thiện chí thành của chúng ta
(duyên tốt) thì có thể làm quả xấu chuyển hướng hoặc được giảm thiểu đi rất nhiều.
Vì thế, một người sau khi làm ác, ngoài việc thành tâm sám hối ra cần phải làm
thật nhiều việc công đức, phước thiện để tăng thêm duyên lành, nhờ đó mà quả
báo sẽ nhẹ nhàng hơn.
Như đã nói,
nhân quả là một tiến trình, những nhân tốt mà người ấy đã gieo trồng được trước
đây vẫn không mất nhưng chưa chắc đã trổ
quả tốt vì có các nhân xấu (mất niềm tin vào nhân quả, nói và làm nhiều điều
ác) ảnh hưởng, tác động vào. Và những nhân xấu đã làm kế đó cũng chưa hẳn tạo
thành quả báo xấu nếu về sau biết chí
thành ăn năn, chuộc lỗi, phục thiện. Quả báo luôn luôn trong tình trạng đang và
sẽ đến, có thể ngay hiện tiền, trong nay mai hoặc lâu hơn nữa ở những đời sau.
Quả báo ấy sẽ do nhân đã tạo tác cùng với duyên (nghiệp mới) đang hình thành
trong hiện tại mà có tốt xấu khác nhau.
Nhân đã tạo
trong quá khứ thì cố định nhưng quả ở tương lai thì có thể làm cho chệch hướng,
thay đổi. Quy luật nhân quả không phải định nghiệp hay định mệnh mà luôn linh
hoạt, biến chuyển tuỳ duyên theo nghiệp mới tích cực hay tiêu cực. Do đó, để có
quả phước thì cần phải tận lực tu tập và vun bồi thiện nghiệp trong hiện tại. Sự
thật về nhân quả Phật giáo là bất định tính, vô ngã tính. Nên Ngài Vô Não
(Angulimala) mới hoá giải hết nghiệp giết người hàng loạt để thành A la hán,
ngài Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) mới được Phật thọ ký về sau thành Phật và Thiền học
chủ trương “phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật” (buông dao đồ tể, ngay đó
thành Phật).
Sau khi đắc
đạo rồi nhưng còn mang thân “hữu dư y”, chưa Nhập Niết bàn thì dư báo có thể vẫn
còn. Tuy nhiên, quả báo ấy chỉ tác động đến thân và hoàn cảnh sống của vị Thánh
giả mà không ảnh hưởng đến tâm giải thoát và tuệ giải thoát của vị ấy. Các ngài
như Mục Kiền Liên, Vô Não. . . sau khi đắc đạo đã tiếp nhận quả báo (dư báo) một
cách tự nhiên mà tâm hoàn toàn thanh tịnh, không hề có phiền não hoặc oán kết,
hoàn toàn tự tại, giải thoát trước mọi biến động trong cuộc đời./.
(Trích Phật pháp Bách vấn tập III)
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét