Thứ Tư, 30 tháng 4, 2025

PHÓNG SANH & ĂN CHAY PHÁP NÀO QUAN TRỌNG HƠN?

 

PHÓNG SANH & ĂN CHAY

PHÁP NÀO QUAN TRỌNG HƠN?

Trong giáo lý đạo Phật, hai phần cơ bản là Bi và Trí. Bi là ban vui, Trí thì cứu khổ. Có ban vui mà không cứu khổ thì chưa gọi là Bi trong đạo Phật. Vì vậy, Bi và Trí trong đạo Phật được thực hiện song hành. Tăng Ni và Phật tử thuộc hệ Bắc tông  tức Phật giáo Đại thừa chú trọng việc ăn chay. Lấy việc ăn chay tiêu biểu thể hiện cho lòng từ bi. Vô tình việc ăn chay trở thành một loại giới cấm, bất di bất dịch, nếu ai không ăn chay được thì người ta cho rằng người đó không tu được, không giữ giới được. Vô tình ăn chay trở thành rào cản cho những người muốn đến đạo Phật, nhưng không gần được vì sợ ăn chay không được.

Ăn chay nó cũng có phần liên hệ với phóng sanh, nhưng hai phương pháp ý nghĩa và tầm quan trọng khác nhau. Phần đồng tín đồ Phật giáo Đại thừa Bắc tông đều chú trọng việc ăn chay, nhưng rất ít người chú trọng đến pháp tu phóng sanh. Ăn chay thì các ngày 30, 01, 14 và rằm mọi người ai cũng nhớ thực hiện, còn phóng sanh thì không ai để ý. Nhưng xét ra, ăn chay nó có ảnh hưởng lợi ích cho cá nhân hơn là cho cộng đồng tập thể, so với việc phóng sanh.

Thứ đến, người biết tu pháp phóng sanh thì chỉ nghĩ hạn hẹp phóng sanh  thường là chim, cá mà thôi vì hai loại này dễ mua dễ thả, còn các loại sinh vật khác thì không quan tâm để ý. Phóng sanh là giải cứu cho các chúng sanh thoát khỏi các khổ nạn, sắp bị đem giết chết, hay giải cứu những chúng sanh nào bị giam cầm, bị nhốt trong lồng trong chậu, trong ngục, không được tự do sống trong thiên nhiên.

        Cao hơn nữa của việc phóng sanh là đối tượng con người, giải cứu con người ra khỏi sự tù đày, áp bức, nô lệ, ra khỏi nổi sợ hãi lo âu, phiền muộn….Vì phạm vi phóng sanh rất rộng rất sâu. Người Phật tử chỉ hiểu biết việc phóng sanh trong phạm vi con vật, con chim con cá mà thôi. Như vậy, đối tượng phóng sanh con người là thiết thực hơn, giá trị cao nhất, so với các loài sinh vật, nói như vậy không có nghĩa là chú trọng con người mà coi nhẹ sự đau khổ của các loài sinh vật.

        Phóng sanh và bố thí trong đạo Phật không chỉ hướng đến cứu khổ về thân, về vật chất, về hoàn cảnh, về bệnh tật. Mà mục tiêu  chính của đạo Phật là cứu cái khổ về Tâm, giải thoát cái khổ về tâm lý là quan trọng hơn. Muốn phóng sanh tâm lý của chúng sanh, hành giả phải có trí tuệ và đức độ thì mới làm tốt và hoàn bị hơn.

        Như vậy, ăn chay và phóng sanh hai lãnh vực khác nhau nhưng chúng có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ lẫn nhau. Phóng sanh có nghĩa là tìm cách phóng thích, sự giải phóng cho chúng sanh  đang bị giam cầm, trói buộc, cứu giúp, giải thoát các chúng sanh đang cận kề cái chết, cận kề sự nguy hiểm vượt qua tai ách.

        Phóng sanh là một sự tu tập biểu hiện lòng từ bi, một hành vi cứu khổ thiết thực, giúp chúng sanh vượt thoát hiểm nguy và hoạn nạn đạt đến an vui.  Còn ăn chay là không ăn thịt và các thực phẩm chế biến từ động vật, là một hình thức tôn trọng và bảo vệ sự sống muôn loài. Ăn chay  không phải là một hình thức can thiệp trực tiếp để giải cứu, giải thoát chúng sanh thoát khổ, tai ách như phóng sanh. Do đó, không nên xem ăn chay tức là đã phóng sanh, mà lý tưởng nhất là đã ăn chay rồi thì nên cần phóng sanh để trợ duyên thêm.

        Đối tượng phóng sanh rất rộng lớn, bao gồm tất cả chúng sanh, người phật tử phóng sanh chỉ chọn mua chim cá để phóng sanh, chỉ mang ý nghĩa biểu trưng, vì chim cá là những chúng sanh dễ mua để phóng sanh hơn là các loài khác. Trong khi phóng sanh có ý nghĩa cao nhất là hướng đến đối tượng con người, tức nỗ lự cứu thoát con người ra khỏi vòng oan ức, áp bức, cứu con người thoát kiếp nô lệ, nợ nần v.v…Trong ý nghĩa này, người Phật tử nỗ lực “phóng sanh” bằng cách không ngừng đấu tranh nhằm kiến tạo cuộc sống con người trong xã hội được hưởng dân chủ, công bằng văn minh, đem lại một xã hội hoàn mỹ cả vật chất lẫn tinh thần./.

{]{

PHÓNG SANH & ĂN CHAY PHÁP NÀO QUAN TRỌNG HƠN? Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét