CHIẾN THẮNG CHÍNH MÌNH
Hỏi:
Tôi đã từng nhiều lần cố gắng để vượt qua cám dỗ và những hạn chế của bạn thân
mà không thành công. Xin hỏi làm cách nào để chiến thắng được chính mình?
Đáp: Làm cách nào để chiến thắng chính mình là mối
trăn trở luôn được đặt ra và tìm phương cách giải quyết nơi mỗi người trong suốt
quá trình tu dưỡng, rèn luyện nhân cách hướng thượng. Thường thì mỗi người đều
mang trong mình gốc rễ nghiệp lực, tham ái và si mê sâu dày cùng với vô số điều
hấp dẫn đoanh vây trong cuộc sống khiến chúng ta khó cưỡng lại những ham muốn,
không vượt qua cám dỗ để chiến thắng chính mình.
Một người
luôn có những thao thức về những hạn chế, đam mê của chính mình để tìm cách khắc
phục, vươn lên là điều đáng quý. Đây chính là động lực, nền tảng quan trọng cho
sự chuyển hoá thân tâm. Theo Phật giáo, tâm ý là yếu tố chủ đạo (Ý dẫn dầu các
pháp- Kinh Pháp Cú) dẫn dắt suy nghĩ, lời nói và việc làm của mỗi con người. Tất
cả những biểu hiện tốt đẹp hay xấu ác đều bắt nguồn từ tâm ý. Do đó, để làm chủ
được mình phải bắt đầu từ nơi tâm.
Ngay đây,
người muốn chiến thắng chính mình phải trau dồi cuộc sống hướng nội, thực tập
trở về, quán sát tự thân để thấy rõ mọ diễn trình đang xảy ra mỗi phút giây nơi
tự thân tâm của mình. Tâm ý của con người như một dòng sông với vô số ý niệm
tuôn trào cuồn cuộn. Và chúng ta luôn bị sai khiến, dắt dẫn bởi những ý niệm ấy.
Khi có chánh niệm, chúng ta sẽ nhận ra một điều vô cùng quan trọng là từ nơi ý
niệm ban đầu cho đến lúc hình thành một lời nói hay hành vi cụ thể phải trải
qua một quá trình. Nhưng vì chúng ta thiếu sự thực tập, quán sát tâm ý nên
không ý thức rõ ràng về tiến trình ấy để kiểm soát và định hướng chúng. Do vậy,
chúng ta thường giật mình, ăn năn khi sự đã rồi, trong khi đó, nếu ta biết tỉnh
thức sớm hơn thì sẽ không đến nỗi nào.
Có ba yếu tố
quan trọng là nhận diện thân tâm, giữ vững chí nguyện, chọn môi trường sống
lành mạnh cần được áp dụng liên tục trong đời sống để cảnh tỉnh bản thân, vượt
qua cám dỗ, làm chủ được mình. Trước tiên, thực tập chánh niệm để trở về và nhận
diện rõ thân tâm. Các bạn có thể thực tập niệm hơi thở, niệm danh hiệu Phật…và
luôn ý thức sâu sắc về những gì đang xảy ra trong thân tâm, nhận diện tâm ý của
mình ngay từ lúc chúng ta mới hình thành. Thấy rõ ràng những tham dục, đam mê,
khát vọng đang âm thầm trỗi dậy và diễn hành trong tâm. Đơn cử như một người
thích uống rượu, mơ màng nghĩ về một tiệc rượu vui vẻ với bạn bè, rồi cất bước
đi đến quán rượu. Nhưng nếu có sự chú tâm cảnh giác với những ý niệm đang cám dỗ
sai sử thì chúng ta sẽ thức tỉnh kịp thời, không bị các ý niệm xấu ác dẫn dắt.
Tuy nhiên, lắm
lúc chúng ta đã thấy rõ những tâm niệm xấu ác diễn hành trong tâm rồi nhưng lại
không chế ngự được. Giống như một người sau khi đến quán rượu đã uống vài ly,
được bạn bè mời mọc, chúc tụng lại muốn uống thêm nhưng do dự vì sợ say xỉn, bị
bệnh đau bao tử hành hạ. Rồi sau phút ngập ngừng thì người ấy quyết định “ chơi
tới bến”. Dù thấy rõ sự nguy hại của say xỉn nhưng quá yếu đuối buông xuôi vì
người ấy không có chí nguyện. Cho nên, lập thệ nguyện là điều vô cùng cần thiết.
Có thể phát nguyện trước Tam bảo, phát nguyện trước những người thân hay tự lập
nguyện với chính mình. Chí nguyện càng lớn, càng kiên cường bao nhiêu thì người
lập nguyện càng vững chãi bấy nhiêu.
Và quan trọng
hơn, thiết lập các cộng đồng thân hữu thiện lành và xây dựng môi trường sống
lành mạnh, đồng thời cách ly hẳn với những nơi, những người thường say sưa, nghiện ngập. Giống như một
người đang cai thuốc lá thì không nên gần những nơi đông người hút thuốc. Một
người đang cố gắng nói không với rượu chè say xỉn thì tránh xa các quán rượu,
tiệc tùng. Còn đối với người nghiện ma tuý sau khi cai nghiện trở về muốn dứt
điểm nghiện ngập thì phải tuyệt giao vĩnh viễn, cắt dứt quan hệ hoàn toàn với
các con nghiện, bạn hút trước đây, thậm chí có thể chuyển đến sinh sống ở một
nơi khác. Môi trường sống lành mạnh sẽ trợ duyên rất nhiều cho những ai muốn tránh xa các cám dỗ
để làm chủ bản thân mình, không đi vào vết xe đỗ đã vấp ngã.
Ai muốn tốt
đẹp và luôn mong ước chuyển hoá để hoàn thiện nhưng vì chúng ta quá yếu đuối, dễ
buông xuôi và không được sự hỗ trợ, chia sẻ tích cực từ những người thân và cộng
đồng nên đã bao lần cố gắng mà vẫn chưa
thành công. Đức Phật dạy rằng, có
hai hạng người mạnh nhất là người không
sai phạm và hạng người có sai phạm nhưng biết sám hối và khắc phục. Vì thế, các
bạn hãy dũng mãnh phát nguyện, lập chí từ bỏ đồng thời học tập phương cách tu
dưỡng để chuyển hoá thân tâm. Nếu các bạn kiên trì thực tập, giữ vững chí nguyện
thì chắc chắn các bạn sẽ vượt lên chính mình, đạt đến hoàn thiện./.
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét