PHÁP MÔN PHƯƠNG TIỆN
Nói về Đạo, thì không có Đạo nào lớn bằng đạo Phật. Nói về LÝ thì không có lý nào thâm sâu bằng lý Phật.
Nói về TU thì không có tu nào dễ cho bằng
tu Phật.
Người thế gian chỉ biết đạo lý của Phật khó hiểu chứ không biết
pháp môn của Phật dễ tu. Nghe Đức Phật
Thích Ca tu nhiều kiếp mới thành, lại cho là khó, nên ít ai dám tu theo Phật.
Pháp của Ngài tự tu rất khó, nhưng pháp của Ngài dạy cho chúng
sanh tu thì rất dễ. Khi Đức Phật Thích Ca trước chưa tu, thì Ngài cũng là một
con người bình thường như chúng ta vậy, cũng có lúc hưởng phước sanh làm trời,
làm người, tiên, A Tu La, và cũng có kiếp thọ đoạ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh,
lăn lộn không biết bao nhiêu kiếp. Thay đổi không biết bao nhiêu thân, khổ
sướng vinh nhục không phương kể xiết.
Đến khi Ngài thị hiện làm con vua Tịnh Phạn thì Ngài chợt nghỉ sự
đời, tỉnh cơn mộng mỵ, biết hồng trần là cuộc giả dối, gớm thân thể hôi nhơ,
chán mùi danh lợi, bỏ phú quý mà đi tu, nghe đâu có thầy hay bạn tốt là Ngài
đến tìm thầy học đạo, đó là cái phương châm xu hướng của Ngài.
Pháp tu của Ngài chỉ có
khó chứ không có dễ. Khi nhân tròn quả mãn phần tự giác đã xong, Ngài bèn dùng
Phật nhãn xem thấy cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà đã mở, cảnh giới rất vui,
hoàn toàn không có khổ, còn chúng sanh ở cõi Ta bà toàn là khổ ít có điều vui,
ra vào trong biển khổ sông mê, làm cho Ngài đau lòng xót dạ, mới dùng nhiều
phương tiện để giáo hoá chúng sanh giác ngộ. Pháp môn tịnh độ là một trong
những pháp phương tiện độ sanh được Ngài khám phá ra, có nhiều pháp môn mà
chúng sanh không đủ căn trí, nghe hiểu, tin không thấu, rồi sanh lòng nghi ngờ
phải chịu trầm luân.
Tự lực của Ngài hết sức mạnh, chổ đắc đạo của Ngài rất mực thâm
diệu, nguyện độ sanh của ngài hết mực rộng lớn. Phật nói ra 84000 pháp môn duy chỉ có pháp môn
tịnh độ là dễ dàng hơn hết, căn tánh của chúng sanh có trí có ngu, cho nên Ngài
nói pháp môn ra có dễ có khó để cho thích hợp với tất cả chúng sanh. Ngài nói
đủ hai thứ để chúng sanh tự lựa chọn theo sự thích hợp của mình tu pháp nào
cũng đặng. Tuy pháp khó hay dễ, nhưng khi tu rồi ai cũng sẽ thành Phật. Tuy
khác nhau mà đến cái hiệu quả thành Phật thì cũng in như nhau.
Cũng ví như ở một cảnh kinh đô nào đó có nhiều điều vui thú mọi
người ai cũng muốn đến. Người ta đi bằng nhiều phương tiện khác nhau, kẻ đi
đường bộ, người đi bằng đường hàng không, kẻ lại đi bằng đường biển, mỗi đường
lại có chổ cao chổ thấp, chổ bằng chổ dễ. Cho nên đi mau hay chậm, đi tắt hay
đi quanh cuối cùng ai cũng sẽ đến được thành đô. Vậy thì cảnh chỉ có một mà
đường đi đến thì có khác nhau.
Xét ra đối với con người thời mạt pháp cách Phật quá xa, không tu
pháp môn tịnh độ thì uổng biết bao, vì pháp tịnh độ có đủ cả sự lẫn lý. Lý tuy
quá mắc, mà sự thì quá rẽ, dầu cho có kẻ hạ căn độn trí cũng có phần được vãng
sanh, mà nếu vãng sanh thì chắc chắn sẽ thành Phật, ví như đã có gạo thì chắc
sẽ nấu thành cơm.
Tu pháp môn tịnh độ như chim bay xuôi gió, thuyền chèo xuôi nước,
chẳng hề mệt sức mà đi chắc đến nơi đến chốn, không đợi nhiều kiếp khổ nhọc tu
chứng. Có người đem sự lý ra biện bạch,
và nghi nghờ cho rằng không có tịnh độ, không có vãng sanh. Bởi vì họ nói không
thấy và không tin. Than ôi! kiến thức con người nhỏ bé làm sao so lường được
cảnh giới thâm cao của đạo, của Phật. Ví như nước miếng con muỗi làm sao đem so
với nước biển đại dương.
Ví như một người thôn quê chưa hề đi đây đi đó, có người ở nước Mỹ
ở nước Pháp về nói kể lại những quan cảnh nhà cửa, biệt thự, lầu đài, đường
xá, công trình ở các thành phố của nước
Mỹ và Pháp. Người đó họ làm sao tin được, vì nó quá xa và hoàn cảnh quá nghèo
làm sao đi cho đến để mà tin. Người ấy không tin là có sự thật. Nước ta cách
nay trên 100 năm, ông Nguyễn Trường Tộ là người học giả đầu tiên được qua nước
Pháp tham quan rồi về kể lại những văn minh khoa học của nước Pháp, nào là đèn
diện không có dầu mà sáng suốt đêm, gió thổi không tắt, xe đạp hai bánh mà chạy
bôn bôn không ngã v. v vua quan triều đình không tin nổi cho là ông Nguyễn
Trường Tộ nói dối ghép vào tội khi quân. Lại trong kinh có câu chuyện kể rằng: Con
rùa sống chung với con cá dưới nước, thỉnh thoảng rùa ta bò lên bờ rong chơi
kiếm mồi rồi về lại dưới nước, kể lại cảnh vật trên khô, cá bèn không tin, rùa
có nói cạn lời hết ý nhưng cá không hề tin được một chút nào. Kiến thức của con
người trần mắt thịt của chúng ta như con cá, chỉ nhìn thấy trong phạm vi của
nước, chứ không thể nhìn thấy được phạm vi trên bờ. Bởi vậy người ngu phải
nương nhờ người trí mới tin rồi dẫn đến chổ hiểu biết. Trong câu chuyện này
chúng sanh là cá, Phật Bồ Tát ví như loài rùa có khả năng nhìn thấy cả hai thế
giới, thế giới vật chất và thế giới tâm linh.
Như vậy người thôn quê ấy tỉnh hay mê, sáng suốt hay mê muội. Thí
như bóng của mình tốt, chụp vào cái máy ảnh bóng cũng tốt, tiếng của mình
thanh, thâu vào cái máy tiếng cũng thanh. Vã lại bóng và tiếng là vật vô tình
mà tinh thần còn đặng y như vậy. Huống chi lấy cái thân hữu tình mà tưởng cái
cảnh hửu tình thì làm sao lại không có cảm ứng.
Nên biết tánh ta với tánh Phật hai tánh in nhau như nước hoà với
sữa. Nếu ta niệm Phật thì Phật tiếp ta. Như con rận nương theo chiếc áo người
đi xa ngàn dặm. Niệm Phật mà không vãng sanh là tại người chứ không phải tại
pháp môn.
Liên Trì Đại Sư nói: “Đời mạt pháp tín tâm của mấy thầy tỳ kheo
phần nhiều thua mấy ông cư sĩ, còn mấy ông cư sĩ phần đông tán tâm thua hàng nữ
lưu. Vì tín căn của nữ lưu thâm sâu hơn tỳ kheo và cư sĩ, nên chi họ không hiểu
chi về đạo lý, mà nghe đặng pháp môn niệm Phật thì họ do cái tánh linh của họ
mà định y giáo phụng hành, không có cái lý thuyết nào mà đánh đổ họ được.
Còn các tỳ kheo và cư sĩ thì tín căn không đủ đặng quyết định, hay
ý tưởng cao xa, hay ham sự thần kỳ mắc mõ, nên cứu cánh vãng sanh thì ít mà sa
đoạ thì nhiều.
Nếu tỳ kheo và cư sĩ đã sẳn trí tuệ như vậy mà chuyên tu tịnh độ
thì chắc được thượng phẩm thượng sanh. Vậy hởi ai, là râu hùm cằm én, ai là đầu tròn
áo vuông xin đừng quá nhường cái đài sen vàng mà để cho khách hồng trần chiếm
hết”. /.
(Dựa
theo Long Thơ Tịnh Độ)
Người
bị nghiệp duyên ràng buộc không thể chuyên chú niệm Phật. Vậy nếu người có chí
niệm Phật, thì ác duyên kia cũng có thể từ đây mà bớt dần, rồi thiện duyên cũng
có thể từ đây tăng tiến. Ác duyên bớt dần cho đến dứt bặt, thiện duyên tăng
tiến không thôi, cho đến ngày thiện duyên thuần thục.
Ác duyên dứt thiện duyên thuần thục thì chính là hiền nhân quân
tử, đó là người hiền. Do vậy niệm Phật cầu sanh tịnh độ làm tâm, thì ai dám bảo
rằng không lợi ích ở đương thời ư?
Lại nữa những người không biết lễ nghĩa là sự quý, không biết việc
hình phạt là sự đáng ghê sợ, cứ đem tiền tài khí lực làm mạnh, cứ lấy quyền thế
làm hơn. Vậy nếu biết lấy câu niệm Phật để vào tâm, thì của quý đời nầy đời sau
không ai sánh bằng, hơn là tiền bạc danh vọng quyền thế. Câu niệm Phật là sự an
ổn nhất là sự vinh hiển nhất, là một thứ bảo hiểm chắc chắn nhất, lâu dài và
bảo đảm nất.
Người thường biết được chút ít Phật lý, trong đời ai cũng khen là
thiện nhân, và ai cũng bắt chước làm theo hành vi ấy. Do đây nghiệm xét người
để tâm niệm phật cầu sanh Tịnh độ, ai dám bảo rằng không lợi ích nơi đương thời
ư?
Có người lại hỏi, ở đời có bao nhiêu lý thuyết hay, bao nhiêu lời
đẹp của các đạo giáo khác há không làm cho con người trở nên tốt đẹp, hà
tất phải tin theo Phật ư? Tất cả những
lời hay ý đẹp của thế gian và đạo giáo khác là những việc làm đem lại sự an ổn
lợi ích chỉ trong đời này mà thôi cũng chưa chắc đầy đủ. Còn lời Phật dạy lợi
ích an ổn không những một đời mà nhiều đời. Pháp thế gian chỉ làm cho con người
bớt khổ chứ không thể làm cho con người hết khổ. Thế mới nói Phật giáo cao siêu
và mầu nhiệm không có gì sánh bằng.
Thế nên niệm Phật cầu sanh tịnh độ, không những lợi ích đương thời,
mà còn lợi ích nhiều đời. Người đời sóng sông ái nhận chìm đến đáy mà không lo,
ở nhà lửa đốt cháy mà không sợ, lưới si bao phủ mà không hay. Con người luôn
luôn cầu an mà mấy được an, tham mến cõi đời như chim lồng bằng lòng nước trong
gạo trắng ở mãi trong lồng, cá nhởn nhơ bơi lội trong chậu. Thế mà chim với cá
có hề hay đâu vòm trời cao rộng, bể nước mênh mông tha hồ tự do mà tung cánh mà
vẫy đuôi. Thế cho biết ở đời con người có mấy ai quan tâm đến cái thế giới vòm
trời cao rộng bể nước mênh mông kia, thành thử suốt đời cứ sống say chết ngủ,
an lòng trong cái phạm vi nhỏ hẹp đầy sự bất trắc lo âu sầu muộn mà tự không
biết, thảm thay thương thay!
Phật thánh luôn nhắc ta “Ta bà khổ Ta bà thật khổ, Ta bà chi
khổ, thuỳ năng sổ, Tịnh độ lạc Tịnh độ lạc, thuỳ năng giác”. Ta bà khổ, Ta bà
rất khổ, có mấy ai biết, Cưc lạc vui, Cực lạc rất vui có mấy ai hay? Ta bà khổ
cần phải dứt, Cực lạc vui cần nên phải cầu.
Vậy biết tịnh độ vui thì phải làm thế nào?
Đức Phật Di Đà có lời thệ nguyện rằng “Nếu có người nào niệm danh
hiệu ta, thì được sanh về nước ta, nếu không như vậy, thời Ta thề không làm Phật”.
Có người muốn vui cõi nhơn thiên mà không tu phước, muốn khỏi khổ
sanh tử mà không niệm Phật, cũng như chim không có lông cánh mà muốn bay, cây
không có rễ mà muốn đơm chồi nẩy lộc được sao?
Ông Bạch Lạc Thiên có bài tụng rằng: “Tôi tuổi 71, chẳng ham việc
ngâm nga, coi kinh mỏi mắt, làm phước sợ bôn ba, lấy chi độ tai mắt, cứ một
tiếng niệm Phật A Di Đà, đi cũng niệm A Di Đà, ngồi niệm A Di Đà, dẫu việc chi
gấp rút chẳng lìa câu A Di Đà, Khuyên chúng trong pháp giới, đồng niệm A Di Đà,
muốn thoát luân hồi khổ phải niệm A Di Đà”.
Những người tội ác ngũ nghịch đến lúc lâm chung vui niệm 10 câu
Phật hiệu A Di Đà còn đặng vãng sanh về Tây Phương, huống chi người ăn chay
niệm Phật giữ giới niệm Phật lâu ngày mà không có phần vãng sanh sao? Ví như
nhà tối trăm năm, chỉ cần một ngọn đèn thắp lên, tối kia liền mất. Cho nên cổ
nhân nói rằng, “muốn khỏi chiêu vào ác nghiệp thì đừng chê chánh pháp của Như
lai”.
Sách Nho nói rằng “Thiên đường hữu lộ vô nhơn đáo, địa ngục vô môn
hữu khách tầm”. Đường về Tịnh độ có đường không ai đến, địa ngục không cửa lắm
người vào.
Người có phước duyên học Phật để mở mang trí khôn, lấp cạn nguồn
tình, ngăn lấp sông mê, lóng trong biển nghiệp, thì cái mầm gốc tai hoạ tiêu
khô, ruộng phước trổ hoa tươi thắm, hoa duyên đã trổ, quả phước tròn đầy, con
đường Cực lạc hiện ra thênh thang.
Bằng như những người thừa hưởng cái thiện căn đời trước lưu lại,
ngày nay sanh lòng mê đắm tài sắc, ham danh hiếu lợi, làm chuyện tà ác, khiến
cho thần hờn quỷ giận, kẻ oán người thù, thì cội phước càng tiêu, dây oan ràng
buộc, thế nào rồi cũng bị cái ác nghiệp nó kéo lôi, trong con đường thống khổ,
sao không lo liệu sớm đi?
Nếu như hồi tâm hướng thiện, cải tà quy chánh, dù gian lao cực khổ
chí quyết không sờn, giữ mực thanh bần, không tham không giận, không hờn không
oán, đừng dối đừng láo, trăm điều ngàn chuyện
tự xét lấy mình, không oán không than, chuyên lòng niệm Phật, cầu thoát
kiếp trầm luân, như vậy Phật thường gia hộ, trời vui quỷ kính, tội hoạ héo
rụng, quả phước tròn nên. Thừa hưởng thiện nghiệp đời nay, tự tại đời sau, trên
con đường bất sanh bất diệt, chớ đâu có thua kém chi ai.
Cho nên biết rằng, cái kết quả của khổ và vui là do nhân của
thiện và ác, như bóng theo hình, luôn đuổi lẫn nhau, hể hình ngay thì bóng
thẳng, hình vạy thì bóng cong, lý vốn như vậy, rõ ràng không sai.
Huống chi pháp môn niệm Phật, cầu sanh tịnh độ, không tốn thời
giờ bao nhiêu, dụng công thì ít mà chổ kết quả thì nhiều, nói sao cho hết, thế
mà được làm người không lo tu. Đời nay không gắng, kiếp sau biết làm sao đây!
Thật đáng thương đáng oan uổng, đáng tiếc bỏ lỡ cơ hội, trong muôn một chỉ có
một lần mà thôi nếu nay không biết lo, thì oan uổng thay. /.
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét