Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

NHÂN MINH LUẬN TRONG GIÁO LÝ PHẬT GIÁO

 

NHÂN MINH LUẬN TRONG GIÁO LÝ PHẬT GIÁO

          Đối với người hoằng pháp trong Phật giáo, nhân minh luận là môn không thể thiếu để trợ giúp trên vấn đề khai triển truyền đạt giáo lý Phật đà để đưa người từ mê sang ngộ, cải tà quy chánh, sáng tỏ chân nguỵ, đưa người đi con đường chánh dẫn đến giác ngộ giải thoát.

          Với người làm nhiệm vụ hoằng pháp, pháp thức luận lý của nhân minh có thể ứng dụng để truyền đạt giáo lý thông qua lý luận chặt chẽ theo ngôn ngữ nhân minh, sẽ làm cho người nghe dễ hiểu, dễ chấp nhận, thậm chí đối với người khó tính hay ương bướng cũng sẽ bị thuyết phục với phương pháp lý luận có tương quan nhân quả rõ ràng và phù hợp với thực tế khách quan.

          Tuy nhiên trong khi tranh biện, điều căn bản cần nên biết đó là “lý luận không bằng ái ngữ ”. Nếu trong sự tranh biện mà ta muốn tranh phần thắng vì để thoả mãn tự ngã, vì muốn phô trương kiến thức của mình, hoặc dùng lời lẽ quá gay gắt, thiếu sự ôn hoà, nhã nhặn thì có thể làm đối phương mất cảm tình, thậm chí Phật ý, bất bình, không tiếp tục đối luận với ta nữa, bỏ cuộc không nghe ta nói, như thế là ta đã thất bại vì không đạt được mục đích tranh biện để hoằng pháp. Mục đích của nhân minh luận Phật giáo là để đưa người sáng tỏ được vấn đề chánh tà, chơn nguỵ, hướng đến con đường giải thoát giác ngộ chứ không phải tranh biện để hơn thua dành phần thắng về mình.

          Nhân minh luận là môn luận lý học của Phật giáo có kết cấu gồm hai phần, phần nhận thức luận, tức là phần mục đích và vai trò của luận lý đối với tư duy lý luận, gồm có hai phần hiện lượng và tỷ lượng.

          Nhân minh luận là môn luận lý học được hình thành từ thời Ấn Độ cổ đại của trường phái Chánh lý thắng luận, đã có trước thời Đức Phật xuất thế khoảng mấy trăm năm. Khi còn tại thế Đức Phật cũng đã công nhận  Nhân minh luận  của trường phái này, ngài đã thái nạp và ứng dụng vào các thời pháp thoại làm cho môn luận lý này đã trở thành Nhân minh học Phật giáo, một nội dung lớn trong hệ thống triết học Phật giáo. Từ đó trở thành môn luận lý học Phật giáo. Nhân minh luận được phát triển hơn nhiều do vừa có sự kế thừa những phương pháp luận sẵn có vốn là tinh hoa của triết học Ấn Độ cổ đại, vừa được cải cách và hệ thống hoá lại cho phù hợp với nhu cầu truyền bá chánh pháp đương thời. Do đó, từ khi đến với Phật giáo, Luận nhân minh có sức lan toả khắp lục địa châu Á và trở thành một trong những phương pháp tư duy luận lý của người phương Đông.

          Sau khi Phật nhập diệt độ 600 năm khoảng thế ký thứ I đến thứ V, các luận sư của Phật giáo đã dựa vào phương thức luận Lý Nhân minh, triển khai giáo lý của Phật. Như Long Thọ, Đề Bà, Di Lặc, Vô Trước, Thế Thân, là những vị Bồ tát luận sư đã sưu tập lại, phân làm 5 phần :Tôn, Nhân, Dụ. Hợp, Kết, gọi là ngũ chi tác pháp và đem áp dụng vào việc sáng tác, chú giải các bộ luận của mình, nên các ngài được xem là những người kế thừa của cố Nhân minh.

          Tiếp theo bước chân của các luận sư trên, trong khoảng thời gian thứ V đến thứ X, trước hết là Trần Na (450-520 ) Cổ nhân minh với luận thứ 5 phần được cải cách lại thành Tân nhân minh chỉ còn 3 phần: Tôn, Nhân, Dụ, gọi là tam chi tác pháp. Sau Trần Na các thế hệ học trò trực tiếp hoặc gián tiếp của ngài như Thiên Chủ, Pháp Xứng, Thanh Biện,  Pháp Thượng, Tịch Hộ, Bảo Xứng… đã liên tục nghiên cứu và phát triển môn này.

          Trong đó đặc biệt xuất sắc là  Pháp Xứng ( 635- 695 ), một học trò gián tiếp của Trần Na, người được các học giả Phương Tây xem như là Aristotle của môn luận lý học Ấn Độ đã có công hoàn thiện  môn Tân minh này, làm cho luận lý học Phật giáo có cấu trúc lập luận giản đơn hơn nhưng hoàn chỉnh hơn.

          Tại Trung Quốc, sau 17 năm du học tại Ấn Độ trở về, pháp sư Huyền Trang  ( 600-664 ) đã mang về Trung Quốc một số lượng kinh sách Phật đồ sộ, trong đó có hai tác phẩm cơ bản của môn luận lý Nhân minh, đó là Nhân minh Chánh lý môn luận của  Trần Na và  Nhân minh nhập chánh lý luận của Thương Yết La Chủ. Bản Hán dịch của hai tác phẩm này sau đó trở nên nổi tiếng và được phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc, Nhật Bản, Cao Ly, Việt Nam. Tiếp bước phiên dịch và chú giải Nhân minh học Phật giáo của Huyền Trang phải kể đến hai người học trò kiệt xuất của ông là Khuy Cơ và Huệ Chiếu với tác phẩm Nhân minh đại sớ.

          Luận nhân minh là bộ luận rất quan trọng và cần thiết đối với nhà nghiên cứu Phật học và những nhà làm công tác hoằng pháp vì thông qua lăng kính lập luận của nhân minh, giáo lý Phật giáo được làm sáng tỏ một cách chính xác và sâu sắc hơn. Muốn hiểu rõ ý nghĩa của kinh điển Phật giáo thì không thể không thông hiểu về luận nhân minh. Vì vậy, Luận nhân minh đã được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường  Phật học xưa cũng như nay.

          Tóm lại, Nhân minh học Phật giáo hướng dẫn chúng ta phương pháp tư duy đúng đắn để có nhận thức đúng đắn, là chìa khoá mở cánh cửa “ viện hàn lâm tri thức của nhân loại ”, nơi góp nhặt và lưu trữ văn hoá, văn minh thánh thiện và minh triết bao đời, được kết tập từ những sự trải nghiệm và thân chứng của bậc chân nhân tiền bối, để thông qua cánh cửa ấy, ta có được nhận thức cảm quan và tư duy luận lý của hiện lượng và tỷ lượng đúng đắn, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, thâm nhập sâu vào hai trí : sinh nhân và liễu nhân, nắm bắt và chứng nghiệm thực tại nhân sinh, có thể tự tại chủ động hướng đến mọi thành công ở đời.

          Ngoài ra, Nhân minh học Phật giáo còn hướng dẫn chúng ta diễn đạt tư duy đúng đắn đó bằng lời lẽ có sức thuyết phục, để cho những người khác khi giao tiếp với ta ( hoặc trực tiếp nghe lời ta nói hoặc gián tiếp  đọc bài ta viết ), sẽ tán thành và chấp nhận đồng hành cùng quan điểm của ta. Và đó chính là chức năng của “ Pháp thức luận” của Nhân minh học Phật giáo.

( Trích một phần : Lời đầu sách và phần dẫn nhập : Tìm hiểu về Luận Nhân minh của HT Thích Thiện Toàn xuất bản 10/ 2019 )

                                                {]{

NHÂN MINH LUẬN TRONG GIÁO LÝ PHẬT GIÁO Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét